Quê ngoại Kinh Bắc với đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều

Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (1766-1820) là con trai thứ bảy của vị Tể tướng - Đại tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, quê ở xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - tỉnh Hà Tĩnh; còn thân mẫu là bà Trần Thị Tần, con gái thứ ba của ông quan Câu kê (kế toán) họ Trần quê ở thôn Hoa Thiều - Hương Mạc - Đông Ngàn - Từ Sơn - Kinh Bắc, thuộc dòng họ quan Tiến sĩ Trần Ngạn Húc, Tiến sĩ Trần Phi Chiêu đã từng giữ chức: Tán vị đồng đốc công thần, Hộ bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, Thiếu bảo, tước Diên quận công đời Mạc Mậu Hợp(1). Thật là “môn đăng hộ đối”.

Các bà phu nhân người Kinh Bắc
Quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm khi ra Thăng Long nhận chức, sau khi cưới bà Trần Thị Tần làm bà ba đã cảm nhận được vẻ “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” của giai nhân xứ Kinh Bắc nên đã cưới thêm bà tư là Nguyễn Thị Xuyên người xã Hoàng Mai - Yên Dũng - Kinh Bắc và bà năm Nguyễn Thị Xuân người xã Tiêu Sơn - Yên Phong - Kinh Bắc (nay là thôn Hưng Phúc - xã Tương Giang - thị xã Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh).

Các nàng dâu người Kinh Bắc
Anh thứ hai của Nguyễn Du là Nguyễn Điều lấy bà vợ hai là Nguyễn Thị Nguyện, con gái thứ tư của Đạt Võ hầu Nguyễn Gia Ngô, quê ở xã Liễu Ngạn - huyện Siêu Loại - phủ Thuận Thành - Kinh Bắc. Bà Nguyễn Thị Nguyện chính là em gái của danh nhân Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung oán ngâm khúc. Đôi uyên ương này sinh ra Nguyễn Hành là nhà thơ nổi tiếng đương thời được xếp vào An Nam ngũ tuyệt cùng với chú ruột Nguyễn Du.