Là người Việt Nam, hẳn rằng không ai là không biết quả gấc, hay ít nhất một lần trong đời ăn nắm xôi gấc. Vậy thì đã bao giờ bạn để ý đến cái màu đỏ của gấc chưa? Nếu bạn vô tình chưa chú ý lắm thì bạn hãy dành chút thời gian thử quan sát xem. Và bạn phải dùng quả gấc chín già trên cây để đồ xôi thì bạn mới thấy cái màu đỏ của nó thế nào. Nó không phải cái màu đỏ chói chang như người hoạ sĩ làng tranh Đông Hồ dùng bút lông phết lên giấy. Nó cũng không gây cho người ta cảm giác nóng bức như khi nhìn những quả ớt chín đỏ rực. Cái màu đỏ của gấc chỉ có thể gọi là màu đỏ thắm, đỏ mỡ màng, ấm áp, rất ưa nhìn, rất gợi cảm.
- Cây gấc
Gấc trồng bằng hạt hoặc bằng đoạn dây đều được. Bắt đầu trồng từ đầu xuân. Cây gấc gần giống như cây mướp, nhưng thân và lá gấc chắc khoẻ, xanh biếc chứ không có vẻ yếu ớt và mang màu xanh lam như mướp.

Cũng giống như cây củ ngà, người ta thường trồng gấc ở những chỗ đất đầu thừa đuôi thẹo, thậm chí là đất bạc màu, cằn cỗi. Cây gấc rất dễ sống, leo lên mọi địa hình. Gặp bờ rào thì leo bờ rào, gặp bờ tre bụi hóp thì leo lên bờ tre bụi hóp, gặp cây xoan thì leo lên cây xoan. Nhiều phen giông tố bão bùng, bờ tre bờ rào vật vã, vặn vẹo mà cây gấc vẫn không đứt, quả vẫn không rụng.
Trồng từ mùa xuân, sang đầu mùa thu cây bắt đầu ra quả. Cuối tháng chín, đầu tháng mười, khi gặt lúa nếp mùa thì gấc cũng vào vụ thu hoạch. Người ta thu hái gấc cho đến tận áp Tết. Khi hái hết quả, cây gấc mới tàn. Lúc ấy, nếu quả nào còn xanh ta cắt về treo trên gác bếp ít ngày là chín. Những quả gấc có thể treo trên gác bếp đến tận Tết nguyên tiêu đem ra dùng gấc vẫn ngon, không hề bị biến màu.
Khi cây gấc bắt đầu héo, ta lấy dao cắt ngang thân cây, cách mặt đất khoảng 10 cm. Tiết xuân về, gốc gấc bật lên những mầm non mới, tiếp tục mọc thành cây. Nếu cây hơi cằn thì dùng cuốc, thuổng bới gốc bón cho nó ít phân chuồng ủ hoai. Trồng cây gấc một lần, nếu chỗ ấy đất tốt, ta có thể thu hoạch bốn, năm năm mới đổi vị trí khác, trồng cây mới.

Hẳn vì cây gấc dễ tính dễ nết như thế nên đôi khi con người ta cũng vô tình với nó, rất ít chăm sóc nó. Mãi sau này khi nền kinh tế thị trường phát triển, con người mới rà soát lại những thứ cây mình có, người ta nhận ra rằng, cây gấc vừa là món ăn ngon vừa là một vị thuốc quý trời cho.
Lúc ấy, người ta chú ý làm giàn cho gấc leo. Khi có giàn leo, gấc cho năng suất gấp đôi, gấp ba so với gấc leo tự nhiên. Có người làm một cái giàn xung quanh bờ ao cho 4 cây gấc leo mà năm ấy thu gần một ngàn quả, bán được hơn 5 triệu đồng. Với một gia đình nông dân thì nguồn thu ấy cũng đáng kể đấy chứ!
- Quả Thiên Đường của sức khỏe
Xôi gấc với gạo nếp cái, nếp thầu dầu có vị ngọt, ngậy, thơm, rất dễ ăn. Ở quê tôi, mâm cỗ Tết không thể coi là thịnh soạn nếu thiếu đĩa xôi gấc. Cho nên, trong các phiên chợ áp Tết món gấc chín được bày bán la liệt, gia đình nào hầu như cũng mua ít nhất một vài quả.
Ai ăn được nếp, mỗi ngày ăn một đĩa xôi gấc, một tháng sau là da thịt đỏ đắn, đẹp hẳn lên vì gấc chứa nhiều vitamin A, rất bổ. Người ta còn dùng ruột gấc hấp chín ngâm với rượu bách nhật cho phụ nữ ăn sau khi sinh con sẽ mau hồi sức có nhiều sữa cho con. Rồi bánh nếp gấc, bánh đa gấc, mứt gấc đều rất ngon.

Xôi gấc.
Mỗi quả gấc trung bình có thể lấy 300 gam màng gấc tươi, đem phơi khô còn khoảng 100 gam. Đem chiết thành tinh dầu để chữa khá nhiều bệnh: bệnh trẻ em chậm lớn, kén ăn, sút cân, mắt bị khô dẫn đến bị loét, bị mù. Người lớn thì chữa bệnh quáng gà. Dầu gấc còn dùng để chữa các vết thương, vết bỏng sẽ mau lành, chóng lên da non…
Hạt gấc cũng là một vị thuốc, trong Đông y gọi là mộc miết tử, ngâm với rượu chữa sưng tấy, mụn nhọt, nhọt độc, quai bị, sưng vú. Hạt gấc sao tán nhỏ trộn với bột vảy con tê tê, mỗi lần uống hoà với rượu còn ấm chữa bệnh sốt rét mãn tính.
Rễ gấc sao vàng hạ thổ sắc uống chữa phong thấp, nhức mỏi.
Người ta còn dùng lá gấc non làm rau ăn rất ngon và bổ. Đây chính là loại rau “siêu sạch”.
Tóm lại, cây gấc rất quý. Hiện nay các nhà khoa học Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu và khẳng định cây gấc của Việt Nam vô cùng quý giá. Họ gọi là cây Thiên Đường, gọi quả gấc là quả Thiên Đường. Gọi như thế đâu phải tâng bốc hoa hoè hoa sói cho vui mà cây gấc, quả gấc Việt Nam xứng đáng được tôn vinh như thế!