QUA CHÍNH LỜI ĐỊCH (1)

Hỏi: Chuyện gì đây, địch là ai?

Đáp: Chuyện là quá trình Mỹ can dự vào Việt Nam trong khoảng 1945-1975. Chuyện này tôi đã kể trong hai bài “Việt Nam Cộng hòa” (I) và “Việt Nam Cộng hòa” (II), nhưng do nghĩ ra một cách kể mới nên hôm nay xin lại…

Cách mới là căn cứ vào lời các Tổng thống Mỹ liên hệ cùng những thuộc cấp quan trọng. Tất cả đều hoặc công khai từ đầu hoặc đã được giải mật và phổ biến trên báo chí.

Như ta sẽ thấy, lời của lãnh đạo Mỹcó giúp mọi người hiểu hành động của các nhà nước Mỹ đương thời rõ ràng hơn.

Hỏi: À. Vậy ta bắt đầu với Truman.

Đáp: Có lẽ cũng nên nhắc Franklin D. Roosevelt. Trước khi Thế chiến thứ Hai bắt đầu, Mỹ rất kín đáo về tham vọng của mình ở Đông Dương là vùng nổi tiếng giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược nhưng đang là thuộc địa của Pháp. Sự kiện Pháp thua Đức, bị chiếm, phải nhờ Đồng minh giải phóng, khiến Mỹ trở nên mạnh dạn. Tại Hội nghị Yalta tháng 2-1945, hướng về thời hậu chiến chắc chắn sắp đến, tuy chưa công khai chỉ trích Pháp, Roosevelt đã trình bày ý tưởng sẽ cho Đông Dương tự trị dưới quyền kiểm soát của một hội đồng quốc tế. Sau ngày Pháp bị Nhật đảo chính ở Đông Dương (9-3-1945), Roosevelt tuyên bố thẳng thừng là Pháp không xứng đáng được tiếp tục độc chiếm và đưa ra kế hoạch Đông Dương tự trị với Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc cùng bảo hộ.(ST)

Hỏi: Chỉ hơn một tháng sau, Roosevelt qua đời.

Đáp: Phó Tổng thống Harry S. Truman lên thay. Trước khi Nhật đầu hàng, Truman đã cho giúp quân kháng chiến Việt Nam đánh Nhật, nhưng hết sức hạn chế, đại khái “OSS” biếu ta một số rất ít súng trường các-bin M1 và lựu đạn và huấn luyện bộ đội sử dụng (N2M)…

Hỏi: Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng. Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập…

Đáp: Trong đó có trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập Mỹ. Hình như ít người chú ý, chứ như thế là hoàn toàn bất ngờ! Công dân Anh trên đất mới mở ở châu Mỹ bất mãn triều đình Anh nên tuyên bố ly khai. Trong khi người Việt Nam đã lập quốc từ rất lâu, quốc gia chẳng may bị mất độc lập, nay ta tuyên bố khôi phục nền độc lập. Hai hoàn cảnh không mảy may liên hệ với nhau!

Hỏi: Quả thực vậy. Ly khai mới phải nói tại sao, nêu quyền nọ quyền kia. Còn khôi phục độc lập thì không phải nêu bất cứ thứ quyền nào. Vì cớ gì Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Đáp: Vì muốn lấy lòng Mỹ. Mỹ là một đại cường, chưa có va chạm gì với Việt Nam, thậm chí vừa mới có chung với ta một kẻ thù là Nhật, ta nên nhân dịp đặc biệt quan trọng chen vào vài câu tranh thủ. Dĩ nhiên Mỹ rất thích. Cho tới tận bây giờ, việc Bác làm ấy vẫn nằm trong số những sự kiện liên quan đến Chiến tranh Việt Nam được đa số người Mỹ chú ý nhất.

Hỏi: Theo ông, nó đã có tác dụng tích cực nào không?

Đáp: Có, nhưng bất quá vài biểu lộ cảm tình không chính thức ở cấp thấp. Chẳng hạn vào dịp Tết Đinh Sửu đầu năm 1947. Giữa khói lửa Trung đoàn Thủ Đô vẫn tổ chức tiệc tân niên mời một số khách các ngoại giao đoàn. Lãnh sự Mỹ là Sullivan đến dự và đã ngỏ lời chúc phía ta chiến thắng.(QS)

Hỏi: Chỉ vài tuần sau ngày ta tuyên ngôn độc lập, Pháp tiến hành tái chiếm thuộc địa và Mỹ lập tức lui ra. Tại sao bây giờ Mỹ lại nể Pháp?

Đáp: Bởi mâu thuẫn Tư bản - Cộng sản đã trở nên rất nghiêm trọng. Để đối phó với Liên Xô ở châu Âu, Mỹ thấy rất cần sự hợp tác của Pháp, do đó không thể hành động cản trở Pháp ở Đông Dương.

Hỏi: Về việc này, chính phủ Truman có chính thức công bố lập trường…

Đáp: Hết sức minh bạch. Ngày 27-9-1948, Bộ Ngoại giao Mỹ phổ biến “Tuyên bố chính sách về Đông Dương”:“Mục tiêu lâu dài của ta (ở Việt Nam) là trông thấy một quốc gia tự trị thân Mỹ được dựng lên (…) (Tuy nhiên) trước mắt ta cần Pháp giúp triển khai kế hoạch của ta ở châu Âu. Quan tâm thiết yếu và khẩn này có ưu tiên cao hơn việc thực hiện mục tiêu ở Đông Dương”.(HST)

Hỏi: “Tự trị”! Vậy là Truman cũng y như Roosevelt…

Đáp: Để ý cái chữ “thân” khôi hài. Việt Nam chỉ được tự trị thôi, không có quyền đối ngoại, thì lẽ tự nhiên phải “thân” với nước bảo hộ. “Thân” như thế khác gì “thuộc”! Chữ mới, nghĩa cũ. Thực dân mới vẫn là thực dân!

Truman khác Roosevelt vì không cho nước nào khác cùng bảo hộ Việt Nam với mình. Liên Xô dĩ nhiên không. Trung Quốc, cộng sản toàn thắng tới nơi, cũng không. Trong Khối Tư bản, với sức mạnh đang lên vùn vụt, Mỹ không thấy cần phải chia sẻ với Anh, Pháp. Tuy nhiên, đó là nhìn xa, chứ ngay lúc này thì Mỹ phải nhường Pháp. Chẳng những nhường, rồi Mỹ còn phải giúp Pháp cố chiếm lại cái vùng đất mà Mỹ muốn “thân” với mình!

Hỏi: Bây giờ ta bước sang thời kỳ Dwight D. Eisenhower. Đây là Tổng thống Mỹ từ tháng 1-1953 đến tháng 1-1961. Eisenhower tiếp tục giúp Pháp. Tại sao?

Đáp: Vì Mỹ vẫn cần Pháp hợp tác ở châu Âu. Và vì cái lý do mà vào ngày 4-8-1953, trong một cuộc hội nghị với các Thống đốc toàn quốc, Eisenhower trình bày: “Giả sử ta mất Đông Dương (…) Bán đảo Mã Lai sẽ mất luôn – cùng với nó là một nguồn cung cấp thiếc và tung-x-ten đặc biệt quan trọng (…) Và rút cuộc, cứ đà này, làm sao Thế giới Tự do có thể giữ nổi đất nước In-đô-nê-xi-a rất giàu tài nguyên? (…) Vậy các ông thấy đấy (…) ta phải ra tay ngăn chặn cái hiểm họa (…) Ta giúp người Pháp là ta chọn cái cách ít tốn kém nhất để ngừa xảy ra một việc có ý nghĩa tệ hại bậc nhất đối với quyền lợi nước ta (là) việc không còn có thể với tới được những thứ cần thiết từ kho tàng In-đô-nê-xi-a và từ các lãnh thổ khác ở khu vực đông nam châu Á”.(UCSB)

Hỏi: Sự lo lắng thật dễ hiểu. Nhưng nó dựa trên một định kiến: “Giả sử ta mất (…) sẽ mất (…) cứ đà này, làm sao (…) giữ nổi”...

Đáp: Có thể gọi đây là “định kiến Eisenhower”. Khoảng tám tháng sau, ngày 7-4-1954, tại một cuộc họp báo về tình hình Đông Dương lúc ấy đang cực nóng vì Điện Biên Phủ, Eisenhowerphát biểu nó lần nữa thành lời rất nổi tiếng: “Ta có một dãy quân đô-mi-nô, nếu quân đầu ngã thì quân chót sẽ ngã rất nhanh chóng”.(HIS)

Hỏi: Cái định kiến này gốc ở đâu?

Đáp: Nó xuất phát từ sự “dốt nát uyên thâm” về Đông Nam Á. (Đây là chữ dùng của McNamara, xin sẽ dẫn rõ sau.)

Hỏi: Vì dốt nên mới…

Đáp:  Xem Việt Nam là một mảnh nhựa hay gỗ! Trong khi đó là một thực thể sống động và luôn đầy ý chí tự chủ y như Mỹ, Pháp v.v. Hơn nữa, đó lại là một thực thể được hun đúc lâu dài, đã trở nên hết sức già dặn trong đấu tranh để sinh tồn.

Không có cái chuyện ta “ngã” vì bị ai “xô”. Việt Nam theo chủ nghĩa cộng sản không phải vì bị Liên Xô bắt theo, mà do ta tự chọn vì thấy đó là cách duy nhất để giành lại độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập”. (HCM) Tất cả vì độc lập quốc gia. Và hễ quốc gia độc lập rồi thì tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Chứ không hề có cái chuyện đi bành trướng chủ nghĩa cộng sản, đi “xô” cho ai “ngã” theo.

Việt Nam có muốn cả Đông Dương cùng theo cộng sản, nhưng lý do là yêu cầu chiến lược. Ta giúp kháng chiến Lào, Miên để chia quân Pháp, không cho dồn cả về đánh riêng ta. Và quân ta sẽ cần đi nhờ bên những đất ấy, nên nếu chính quyền sở tại thân thiện thì tốt hơn. Hồ Chủ tịch trước và sau Điện Biên Phủ nhắc nhở cán bộ: “Giúp nhân dân bạn là tự giúp mình”, là cái ý như thế.

Hỏi: Eisenhower nghĩ như vậy cũng là xem thường các quốc gia Đông Nam Á khác...

Đáp: Vâng. Không có mảnh nhựa hay gỗ nào hết. Tất cả đều là những thực thể sống động với đặc tính riêng, hoàn cảnh riêng.

Hỏi: Một chính sách đối ngoại xây dựng trên định kiến sai lầm rằng ở Đông Nam Á chỉ có những vật vô tri làm sao có thể thành công!

Trở lại thời điểm Pháp sắp phải bỏ Đông Dương. Tại sao Mỹ âm mưu chia hai Việt Nam?

Đáp: Trong hồi kýcủa Eisenhower có lời này:“Tôi chưa bao giờ trao đổi với một người nào có hiểu biết về các vấn đề Đông Dương mà không cho rằng nếu trong lúc hai bên đang giao chiến một cuộc bầu cử chọn người lãnh đạo được tổ chức thì có thể 80% dân Việt Nam sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh”.(DDE)

Đang kháng chiến là…, thì sau khi kháng chiến thành công phải cao hơn 80%. Tỉ lệ nhân dân theo Hồ Chủ tịch chắc chắn cao hơn thế nữa, nhưng ngay với ước lượng của phía mình Mỹ cũng thấy không thể ủng hộ Tổng tuyển cử.

Thay vào đó, Ngô Đình Diệm tổ chức một cuộc bầu cử giả ở Miền Nam để tự đưa mình lên làm Tổng thống của “Việt Nam Cộng hòa”. Tây phương có đến quan sát và ghi nhận là “trắng trợn lừa đảo”.(HSO)

Hỏi: Làm sao khỏi là lừa, vì giả sử sau di cư trọn cái “20%” ấy sống trong Nam thì ở Miền Nam nó vẫn là một thiểu số!

Không được đa số ủng hộ mà ly khai là bất thường…

Đáp: Hoàn toàn bất thường. Điển hình, một địa phương chỉ ly khai khi hầu hết cư dân ủng hộ ly khai. Đằng này đa số không! Khai sinh không từ lòng dân mà do ngoại bang xếp đặt là tiền đề cơ bản cho sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa. Cách ra đời đã an bài số phận nó!

Hỏi: Eisenhower đã may mắn không phải đối phó với hậu quả của sự xếp đặt của mình.

Đáp: Lịch sử thế giới là điển hình cứ hễ ly khai thì kế tiếp là nội chiến để thống nhất đất nước. Khi dân Anh ở mười ba thuộc địa Anh ở châu Mỹ tuyên ngôn độc lập, triều đình Anh cho quân qua đánh. Rồi chính nước Mỹ, giữa thế kỷ 19, khi các bang phía nam tách khỏi Liên bang, hai nửa cũng đánh nhau rất ác liệt.

Thường nội chiến xảy ra ngay hay rất sớm. Ở ta thì chậm. Lý do là… Trong hồi ký Nhớ lại một thờinhà thơ Tố Hữu kể sáng ngày 8-5-1954, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đã được Bác gọi vào để dặn về công tác tư tưởng:Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ (…) Phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ hơn”.(TH)

Ta còn đang chuẩn bị, thì Ngô Đình Diệm ra tay tàn bạo nhằm tận diệt cộng sản ở Miền Nam. Đấu tranh vũ trang bùng nổ. Tháng 9-1960, phong trào Đồng Khởi phát triển rộng khắp. Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ra đời.

Để ý bất thường đã dẫn tới bất thường. Bình thường thì nội chiến xảy ra giữa vùng ly khai và vùng còn lại. Đây xung đột khởi sự trong vùng ly khai. Miền Bắc chưa đánh thì chính nhân dân Miền Nam đã vùng lên đánh Diệm!

Vừa vặn tình hình nóng lên như thế thì Eisenhower mãn nhiệm kỳ thứ hai.

Hỏi: Tháng 1-1961, John F. Kennedy bắt đầu làm Tổng thống Mỹ…

Đáp: Tháng 4-1961, Mỹ thất bại nhục nhã ở Vịnh Con Lợn, Cu-ba. Tháng 6, Kennedy trả lời phỏng vấn của báo chí:“Hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn trong cố gắng chứng tỏ rằng sức mạnh của mình là đáng tin, và Việt Nam có vẻ là chỗ…”.(NYT-1)Nước Mỹ bị xấu mặt ở một nơi, đang tìm một nơi khác để rửa cho đẹp!

Hỏi: Kennedy tiến hành rửa mặt như thế nào?

Đáp: Tháng 5-1961, kế hoạch Staley - Taylor được công bố. “Chiến tranh Đặc biệt” gồm bốn biện pháp căn bản: tăng quân viện, tăng “cố vấn”, chặn chi viện, xây “ấp chiến lược”. Cuối tháng 9, chuyên gia xây ấp Robert Thompsonqua Việt Nam...

Hỏi: Ngày 18-10-1961, Ngô Đình Diệm tuyên bố tình trạng khẩn trương. Nhà Trắng lập tức phái Tổng Tham mưu trưởng Maxwell D. Taylor qua Việt Nam đánh giá tình hình...

Đáp: Ngày 1-11-1961, Taylor gửi về báo cáo mật: “Du kích Việt Cộng đang tiến mạnh trên đường tới thắng lợi”. (VNFD) Việt Cộng thắng!!! Khi tương quan lực lượng và trang bị lúc ấy là:

- Về quân số, cuối năm 1961 quân đội VNCH gồm 243.000 người, số “cố vấn” Mỹ là 3.200. Quân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam khoảng 25.000, Quân đội Nhân dân từ Miền Bắc vào khoảng 800.(ALE)

- Về trang bị, quân đội VNCH đã được Pháp chuyển giao lại rất nhiều vũ khí, đặc biệt là đại bác, sau đó lại được Mỹ viện trợ thêm xe thiết giáp, máy bay. Do đường Trường Sơn còn sơ khai và đường Hồ Chí Minh trên biển đến ngày 23-10-1961 mới bắt đầu hoạt động, quân ta chỉ có rất ít súng đạn. Quân VNCH di chuyển bằng xe, tàu, thuyền máy, ca-nô. Quân ta đi bộ, ngồi ghe xuồng chèo tay.

Hỏi: “Việt Cộng” là những người dân Miền Nam mới trở thành chiến sĩ, vừa ít hơn hẳn, vừa trang bị kém sút rất xa. Thế mà khi hai bên giao chiến, kết quả là… Tại sao? Hiển nhiên vì họ có tinh thần chiến đấu cao hơn không biết bao nhiêu và được đông đảo nhân dân Miền Nam ủng hộ. Kennedy phản ứng thế nào sau khi đọc báo cáo?

Đáp: Tiếp tục triển khai kế hoạch rửa mặt cho nước Mỹ. Cụ thể là gửi thêm “cố vấn”, bắt đầu cung cấp nhiều trực thăng vận tải cho quân đội Sài Gòn (để thực hiện chiến thuật trực thăng vận)… Ngày 8-2-1962, Mỹ thành lập MACV (Bộ Chỉ huy Quân viện ở Việt Nam). Tháng 3, bắt đầu xây hệ thống ấp chiến lược theo đề nghị của Thompson.

Hỏi: Tình hình Miền Nam sau đó…

Đáp: Trên chiến trường, xấu thêm rất nhanh cho Diệm, bất chấp quân viện gia tăng và số cố vấn Mỹ lên tới hơn 11.000 cuối năm 1962. Tháng 1-1963, trận Ấp Bắc (Mỹ Tho) xảy ra, tương phản đầy ấn tượng lòng dũng cảm của quân Giải phóng với tinh thần bạc nhược của quân đội Sài Gòn. Hệ thống ấp chiến lược của Thompson chỉ thành công lúc đầu, đến cuối năm 1963 thì khoảng 80 phần trăm đã sụp đổ.Về chính trị, phong trào Phật tử đấu tranh chống chính sách thiên vị Công giáo của Diệm bùng nổ dữ dội, vang xa khắp thế giới...

Hỏi: Kennedy có phát biểu gì trước bất ổn nghiêm trọng ở tiền đồn của Mỹ không?

Đáp: Ngày 2-9-1963, Tổng thống Mỹ trả lời phỏng vấn truyền hình: “Tôi nghĩ rằng nếu chính phủ Nam Việt Nam không cố gắng hơn nữa để tranh thủ lòng dân thì cuộc chiến tranh ấy không thể kết thúc thắng lợi (…) Ta có thể giúp họ (…) nhưng họ phải thắng được những người cộng sản trong việc tranh thủ lòng dân”.(CBS)

Mỹ rất sốt ruột đó. Và vì vẫn tiếp tục đưa thêm “cố vấn” qua, hẳn Mỹ còn giữ quyết tâm “rửa mặt” ở Việt Nam, vấn đề chỉ là sao cho có một chính quyền Sài Gòn thích hợp. Điển hình, khi lời công khai thốt ra thì lòng đã quyết rồi. Chắc lúc ấy Kennedy đã dứt khoát sẽ hỏa tốc “thay ngựa giữa dòng”.

Hỏi: Về phong trào Phật tử đấu tranh, vợ Ngô Đình Nhu có nói một câu rồi sẽ nằm trong số 40 phát biểu về Chiến tranh Việt Nam được người Tây phương chú ý nhất…

Đáp: Trần Lệ Xuân nhắc đến hành động tự thiêu: “Nếu Phật tử muốn tiếp tục nướng thịt, tôi sẽ vui lòng cung cấp xăng và diêm”.(TLX)

Lúc ấy không chỉ có thịt cháy ngoài đường. Cái “con rối tự giật dây” do Mỹ dựng lên cũng đang bùng bùng trong “Dinh Độc Lập”. Nó tự nướng nó bằng những hành động cực kỳ thất nhân tâm. Chỉ hai tháng sau ngày Kennedy phàn nàn, chế độ Diệm ra tro.

Hỏi: Ngẫu nhiên, Kennedy “thay ngựa” xong thì ba tuần sau “theo ngựa” đi mất. Người ta vẫn tự hỏi nếu còn sống, tiếp tục làm Tổng thống, thì ông ta sẽ làm gì để cố cứu tiền đồn đang “chỉ mành treo chuông”…

Đáp: Có một manh mối mơ hồ tới mức vô ích. Ngày 1-11-1961 Kennedy nhận được báo cáo mật của Maxwell Taylor thì ngày 7-11 tổ chức một cuộc họp trong Nhà Trắng để bàn về vấn đề Việt Nam. Trong buổi họp, Thứ trưởng Ngoại giao George W. Ball khẩn khoản đề nghị Tổng thống nhớ việc đã xảy ra cho Pháp ở Đông Dương: “Trong vòng năm năm, chúng ta sẽ có 300.000 thanh niên Mỹ dưới ruộng và trong rừng bên ấy và sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa”. Kennedy đáp hơi gắt: “Anh điên quá. Chuyện ấy sẽ không xảy ra”.(ENW-1) Câu trả lời nghĩa là gì? Có những người cho rằng ý Kennedy là bất kể tình hình mình sẽ không bao giờ đưa thật nhiều quân qua Việt Nam. Quả thực hai năm sau, khi Kennedy chết, quân số Mỹ ở Việt Nam chỉ mới hơn 16.000. Nhưng ai biết đối diện “chuông sắp rụng”, ông ta sẽ quyết định thế nào.