Một người bạn Trung Quốc, lúc đó đang làm giám đốc một cơ sở sản xuất phim, rủ tôi bỏ buổi hội thảo ở Liên hoan phim Kim Kê tại Hàng Châu ra ngoài uống trà. Ông buồn rầu nói, ông sẽ tự nguyện rời bỏ công việc mà mình yêu thích, tự nguyện rời bỏ những đau đớn. Tôi ngạc nhiên vì trong thời gian cộng tác với nhau, tôi thấy ông là một nhà quản lý, một nhà sản xuất có tài.
Giải thích, ông nói, ông là người không biết nghe lời, không được cấp trên yêu mến. Ông mô tả xã hội Trung Quốc, xét cho cùng vẫn đậm chất phong kiến, không giống các xã hội tiên tiến khác, như Mỹ, như Anh, chỉ có làm quan mới mong vinh thân, mới mong phì gia.
Nghĩa là muốn làm giàu phải làm quan, phải dựa vào quan. Thế mới có chuyện gia đình, anh em bạn bè, phe cánh lựa chọn một người, đổ tiền đổ của vào, kiếm cho chức quan để mong qua người đó đem lại các cơ hội làm giàu.
Nói về quan bản vị, thì nói mãi không hết. Ông bạn Trung Quốc nói, nếu ông không tự nguyện rời bỏ thì người ta cũng đuổi cổ ông. Ông buồn vì nhiều bạn bè đã giúp đỡ ông, hy vọng vào ông, nhưng ông đã phụ lòng họ.
Xã hội ta có phải là xã hội quan bản vị không? Cái câu đầu miệng dân gian, “một người làm quan cả họ được nhờ” là gì nếu không phải chính là phản ánh cái xã hội ấy.
Thử nhìn quanh mà xem, các quan ta từ bé đến lớn, từ cao đến thấp và vợ con họ hàng họ đều giàu một cách dễ hiểu và khó hiểu, tòa ngang dãy dọc, đất đai, cổ phiếu, cổ phần… nơi nào chả có.
Những đại gia cũng nghe nói là nhóm, là phe cánh của ông này ông khác, nhờ ô che của các ông này ông khác mà xắn đất ra vàng, mà mua được công ty này, xưởng máy nọ rẻ như cho, mà trúng thầu những dự án triệu đô, tỉ đô như bỡn. Người ta công khai nói với nhau các thái tử nắm những ngành then chốt, ngành mũi nhọn, ngành hái ra tiền, như là chuyện phải diễn ra, dĩ nhiên phải thế.
Ở đất nước mà những nền tảng của một xã hội hiện đại còn rất sơ khai, xem quan là bản vị, và thực tế đáp lại một cách hùng hồn, rằng làm quan là làm sang, là làm giàu, là có tất cả thì việc chạy quan, mua quan, buôn quan… là lãi nhất.
Làm quan có sức hút kỳ lạ, khiến không ít nhà khoa học có tài năng cũng bỏ nghiên cứu mà theo, những anh công chức làng nhàng cậy cục vay mượn chạy người chống lưng, chạy thầy giới thiệu, rạp đầu bưng bê để kiếm chức tước. Vì một ghế quan, bạn bè, làng xóm, dòng họ trở mặt thành kẻ thù, không từ thủ đoạn nào nhằm hạ gục đối thủ, để giành được thắng lợi.
Quan có thể chạy được, mua bán được thì trên đời này còn có gì không mua bán được? Bằng đại học, bằng tiến sĩ, bằng ngoại ngữ, bằng lái xe, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học… đều mua được tuốt. Đầu vào đầu ra, bán và mua, lời và lãi… chẳng phải là đặc trưng của cơ chế thị trường ư, thế thì alê- hấp! Mọi thứ bây giờ có vẻ đảo lộn, tréo ngoe nhưng rất đúng lô-gích.
Một xã hội lấy quyền lực để làm giàu, thì xã hội ấy khó mà phát triển một cách bình thường.