Quốc âm thi tập*- Dấu mốc lớn trong lịch sử văn học Việt Nam

Cầm cuốn sách trên tay, tôi có nhiều xúc cảm: những tiếng lòng cất lên thành thơ của Nguyễn Trãi, “sự khởi đầu đích thực của thơ tiếng Việt”, “dấu mốc vĩ đại trong lịch sử văn học Việt Nam”, từ hơn nửa ngàn năm trước đã đến kẻ hậu sinh với hơn 700 trang khổ lớn (16x24cm) giấy đẹp, bìa cứng. Lâu nay, tôi vẫn mong ta có ngành Nguyễn Trãi học thì sau các cuốn Nguyễn Trãi toàn tập của NXB Khoa Học Xã Hội, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên của NXB Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, cuốn sách này, cũng của NXB Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, là thêm một bước trên con đường dài... Trong những trước tác phong phú về thể loại, đồ sộ về số lượng và lớn lao về tư tưởng lẫn nghệ thuật của Nguyễn Trãi mà đỉnh cao là áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo thì Quốc âm thi tập có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là tập thơ nhiều bài nhất (254 bài) bằng tiếng Việt, được viết từ thế kỷ 15 và ghi lại qua chữ Nôm. Vì vậy, về thơ và về chữ Nôm, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là một dấu mốc lớn trong lịch sử văn học Việt Nam. Cuốn sách này là lần in thứ ba của Quốc âm thi tập, trong bộ Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (gọi tắt là Toàn tập). So với lần in đầu (2000), khi ấy Quốc âm thi tập là quyển thứ ba trong Toàn tập, và mang tên chung Nguyễn Trãi toàn tập tân biên thì lần này sách in riêng và mang tên riêng Quốc âm thi tập. Trong Lời nói đầu, GS Mai Quốc Liên cho biết: “Chúng tôi phiên âm, chú thích... Quốc âm thi tập theo phương pháp mới: ngữ học + thi học; và đã đạt được kết quả bước đầu... Công phu chỉnh lý lại lần này là của GS Kiều Thu Hoạch, chúng tôi chỉ xem lại và góp ý kiến...” (cùng phiên âm và chú thích cho tất cả các lần in là Mai Quốc Liên, Vương Lộc, Nguyễn Khuê…).

Theo lời những người làm sách thì Quốc âm thi tập là sự kế thừa các bản phiên âm, trước tiên là của các học giả Hán - Nôm nổi tiếng Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm xuất bản năm 1956 ở Hà Nội, tuy gọi thân mật là bản “vỡ hoang” nhưng bản này “làm cho người đời thấy rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Trãi”; rồi đến bản phiên âm chú thích rất công phu, hết sức kỹ lưỡng của học giả Đào Duy Anh “giải mã” thơ Nôm Nguyễn Trãi, đó là Nguyễn Trãi toàn tập xuất bản năm 1969 ở Hà Nội... Trở về xa hơn nữa ở đời Hậu Lê, Trần Khắc Kiệm vâng chỉ dụ của Lê Thánh Tông đã sưu tập tác phẩm Nguyễn Trãi sau khi ông bị giết, nhưng tác phẩm ấy đã thất lạc. Đến đời Nguyễn, Dương Bá Cung, người cùng làng Nhị Khê với Nguyễn Trãi, vì kính yêu di sản của Ức Trai tiên sinh mà đi khắp từ Nam ra Bắc dò hỏi tác phẩm, sưu tầm biên chép lại và thực hiện bản in Ức Trai di tập - Phúc Khê tàng bản 1868, tức là bản chữ Nôm mà những người làm sách này sao chụp và trình bày lại để sử dụng hôm nay. Vì vậy, cầm sách trên tay, ai không xúc động?

Theo cảm nhận của tôi, phương pháp nghiên cứu “ngữ học + thi học” trong sách này có lẽ là sự kết hợp giữa việc nghiên cứu về ngôn ngữ từ các công trình của những người làm từ điển tiếng Việt đầu tiên đến các nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt đương thời ở các nước Pháp, Nga, Mỹ... với nghiên cứu về thi học... Tôi rất thú vị khi thấy những từ Việt cổ trong thơ Nguyễn Trãi hơn nửa ngàn năm trước đến nay người “đàng trong” vẫn dùng trong khi ở “đàng ngoài”, chúng đã biến mất; như đụt (Ngôn chí - bài 5) nghĩa là trú tránh, trong “đụt mưa” được giải thích qua các từ điển tiếng Pháp: s’abriter contre les intempéries; hay từ bợ (vay mượn) trong “vay bợ” thì Vè nói ngược ở “đàng trong” vẫn còn câu: “... Mấy chú nào nghèo/ Cho vay bạc nợ/ Nhà giàu vay bợ/ Thiếu trước hụt sau...”. Trong sách có rất nhiều trích dẫn từ chữ Hán, chữ Nôm, đến tiếng Anh, Nga, đặc biệt là Pháp, ý kiến của những học giả đầu tiên có công trình nghiên cứu tiếng Việt cổ, hoặc nghiên cứu và phiên âm hẳn Quốc âm thi tập như P. Schneider (nhưng cũng còn sót lỗi morát, như ở trang 61, trích ý kiến của P. Schneider nói về bài Thủ vĩ ngâm - Góc thành Nam lều một căn...: S’agissaut d’un code secret... (nghĩa: vì thuộc về một mật mã...) đúng ra phải viết S’agissant...)...

Điều người đọc quan tâm nhất là giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Quốc âm thi tập. Lời nói đầu cuốn sách (lần in thứ nhất) đánh giá Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi: về thơ và về chữ Nôm là “cái dấu mốc vĩ đại” trong lịch sử văn học Việt Nam. Đúng vậy, tuy vẫn còn không ít rào cản giữa tiếng Việt cổ và tiếng Việt hiện đại, người đọc hôm nay vẫn nhận thấy Quốc âm thi tập là một tác phẩm vĩ đại. Nghiên cứu giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Quốc âm thi tập, cần đặt nó trong toàn thể đặc điểm xu hướng tư tưởng nghệ thuật của trước tác Nguyễn Trãi. Quốc âm thi tập có tất cả 254 bài, chia làm 4 mục: Vô đề (192 bài), Thời lệnh môn (21 bài), Hoa mộc môn (34 bài), Cầm thú môn (7 bài). Vô đề lại chia ra: Ngôn chí 21 bài; Mạn thuật 14 bài; Trần tình 9 bài; Thuật hứng 25 bài; Tự thán 41 bài; Tự thuật 11 bài; Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn đe) 61 bài; và nhiều bài có tựa riêng v.v... nghĩa là đề tài rất phong phú, ý tứ rất dồi dào. Cũng như thơ chữ Hán và các thể loại trước tác khác của Nguyễn Trãi, thơ quốc âm chứa đựng nhiều tư tưởng cao rộng, nhưng khác ở chỗ thơ quốc âm rất gần gũi với đời thường, trở về “cái hàng ngày”, “cái dân tộc”, trở về với con vện con vằn, bè rau muống liếp mồng tơi, mang hồn Việt cốt Việt, mở đầu cho toàn bộ nền thơ tiếng Việt sau này. Vì vậy mà nó thành “vĩ đại”.

Kể từ khi mới ra mắt bạn đọc rộng rãi đến nay (1956), Quốc âm thi tập đã được các nhà nghiên cứu phê bình đánh giá rất cao, ý kiến rất nhiều suốt chiều dài thời gian đó. Nhiều tập sách nghiên cứu, phê bình, tham luận về Quốc âm thi tập được in ra, nhiều tập rất dày dặn, chứng tỏ Quốc âm thi tập luôn là nguồn cảm hứng của đông đảo người đọc. Theo tác giả Thanh Lãng, với những gì mà Quốc âm thi tập đạt được thì Nguyễn Trãi xứng đáng là ông tổ của nền văn học cổ điển. Không những vậy, ông còn là ông tổ của nền văn học dân tộc, vì đem áp dụng luật thơ ngoại quốc vào việc chế tạo thơ văn quốc âm, cụ thể trong việc sử dụng các loại thể gốc Hán hoặc thuần túy Việt Nam như loại thơ sáu chữ hoặc dung hòa Việt - Hán như lối bảy chữ xen sáu chữ… Tác giả bài viết còn đánh giá cao Nguyễn Trãi ở công khai sinh một nghệ thuật dùng ngôn ngữ của dân gian. Cuối cùng, Nguyễn Trãi được đánh giá là người dựng một cái mốc trên đà tiến của ngữ ngôn - một ngữ ngôn uyển chuyển, tế nhị trong việc diễn tả mọi tình ý một cách độc đáo. Cũng bàn về việc sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Trãi, các tác giả Nguyễn Tài Cẩn - Vũ Đức Nghiêu có nói về sự phong phú về mặt dùng từ trong Quốc âm thi tập. Nguyễn Trãi đã dùng 11.067 lượt từ, trong đó có tất cả 2.235 từ khác nhau. Tác giả Bùi Văn Nguyên đã khảo sát một cách tỉ mỉ hệ thống tục ngữ, ca dao xuất hiện trong thơ quốc âm để thấy rằng yếu tố tục ngữ, ca dao khá đậm đà trong nhiều câu, nhiều bài. Tác giả Hoàng Tuệ còn phát hiện ra một vấn đề khác: chất liệu trong tiếng Hán mà Nguyễn Trãi đã dùng với ý thức dân tộc sâu sắc, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Nguyễn Trãi đã cố gắng xây dựng ngôn ngữ văn học dân tộc trên cơ sở ngôn ngữ của nhân dân và ngôn ngữ của văn học dân gian. Tác giả Phạm Luận lại tiếp cận tập thơ ở phương diện thể loại, đã đối chiếu, so sánh khá tỉ mỉ những vần thơ quốc âm với thơ Đường, từ đó khẳng định Nguyễn Trãi đã vận dụng thi pháp thơ Đường một cách thành thạo. Nguyễn Trãi đã có sự sáng tạo khéo léo, tài tình: số lớn các bài thơ đều ít nhiều có chỗ viết khác niêm luật thơ Đường. Điều này thể hiện ở những câu bảy tiếng có cách ngắt nhịp (3/4) khác lối ngắt nhịp của thể thơ Đường (4/3), ở việc dùng câu sáu tiếng xen với câu bảy tiếng trong bài thơ bát cú cũng như tứ tuyệt. Tác giả Ngô Văn Phú đã đánh giá Quốc âm thi tập là một tập thơ quý. Quý ở ngôn ngữ thơ và từ vựng. Ngoài ra, cái quý ấy còn thể hiện ở việc vận dụng thành công thể thơ sáu lời v.v...

Trở về với Quốc âm thi tập vừa in lại lần ba của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, người đọc tiếp tục đọc lại và thưởng thức Quốc âm thi tập trong từng bài, từng câu. Có những câu mà người đọc hôm nay thấy rất dễ hiểu, rất thời đại như:

Một thân lẩn quất đường khoa mục

Hai chữ mơ màng việc quốc gia

(Ngôn chí 7)

Có những câu rất “Nguyễn Trãi” như:

Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén

Ngày vắng xem hoa bả cây

(Ngôn chí 10)

Sách chú thích: bả là chăm sóc (theo từ điển của Génibrel: avoir soin de). Nghiêng chén uống trăng là một tứ thơ hay, mới, nhưng nghiêng chén hớp nguyệt thì lại rất khác, hớp nguyệt vừa cổ lại vừa tân, và hớp nguyệt thì chỉ có Nguyễn Trãi.

Hay như bài Mạn thuật 4:

Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay

Trong thế giới phút chim bay

Non cao non thấp mây thuộc

Cây cứng cây mềm gió hay

Ngữ pháp uyển chuyển của tiếng Việt làm cho câu Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay có thể hiểu nhiều cách: đủng đỉnh dắt tay nhau đi dạo lúc chiều hôm; dắt tay chiều hôm đủng đỉnh đi dạo, đây là cách hiểu của P. Schneider khi ông dịch: Je flâne, main dans la main avec le crépuscule (dịch xuôi là: Tôi lững thững rong chơi tay trong tay với hoàng hôn) kể cũng thật thú vị. Còn Trong thế giới phút chim bay gợi liên tưởng đến cảm nhận của người bay trong không gian bao la qua một phút thời gian (trong cái “vô tận”), ở tầm cao của “cánh chim tư tưởng”. Ý này dẫn tiếp đến hai câu đặc biệt thú vị: Non cao non thấp mây thuộc/ Cây cứng cây mềm gió hay, đây là nét phóng bút vẽ mây vẽ gió của bậc thiên tài. Ở mặt đất, khó ai biết non nào cao thấp hơn kém nhau bao nhiêu nhưng khi lên cao như mây thì biết, chẳng những biết mà còn thuộc vì mây ngang tầm hoặc bay cao hơn non. Rồi gió thì biết cây nào cứng cây nào mềm, vì gió thổi trong cây, qua cây, khi thổi mạnh, khi thổi nhẹ, khi xoáy lên thành bão nên biết cây nào uốn cong, cây nào rạp ngã, cây nào gãy đổ, cây nào trụ vững khi gió bão đi qua. Ý tứ ở tầm khái quát và triết lý cao vợi, ngôn từ lại rất chắt lọc, bằng trắc, lên bổng xuống trầm như những nốt nhạc, tiểu đối toàn đối xứng cặp xứng đôi, mỗi chữ đều lung linh, âm vang, nhưng thật dồn nén, thật ám ảnh... Đó là dấu hiệu và cũng là tiêu chí để nhận biết tác phẩm lớn của những bậc thiên tài...

Còn nhiều điều hay trong Quốc âm thi tập đang chờ đợi ai muốn tìm đọc và khám phá thơ quốc âm của danh nhân văn hóa thế giới là Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi.

Tháng 7-2014

 

____

*Nhà xuất bản Văn Học, 2014

TRẦN THANH GIAO