Quốc phục

Hầu hết các nước trên thế giới đều có y phục riêng cho mình, kể cả các dân tộc trong cộng đồng một quốc gia vẫn có y phục riêng của họ; trong những ngày lễ hội truyền thống của quốc gia, của dân tộc mình, họ mặc những bộ quần áo đó với lòng tự hào dân tộc và ngưỡng mộ tổ tiên. Ở nước ta, hiện nay nữ giới vẫn còn giữ được bộ y phục truyền thống nhưng nam giới chẳng mấy ai nghĩ đến bộ Quốc phục nữa.

Cách đây vài năm, khi đăng cai hội nghị APEC, các nhà lãnh đạo nước ta mới nghĩ đến chuyện quốc phục, nhưng rất tiếc đây chỉ là “biện pháp tình thế” bởi vậy đã có áo mà lại thiếu khăn.

Mọi người đều biết cách đây không lâu cha ông chúng ta vẫn khăn áo chỉnh tề nơi học đường, công sở… Ngay cả trong văn chương hoặc khi đàm thoại từ KHĂN ÁO luôn được dùng với ý nghĩa mang trọng trách công dân. Thế nhưng vì sao hôm nay chúng ta đã vứt bỏ nó không hề thương tiếc!

Đã có đôi lần tôi đem chuyện “Quốc phục” trao đổi với bạn bè, đa phần họ đều cho rằng khăn áo của các cụ trước đây trông cổ hủ lắm, việc gì mà phải giữ lại những thứ truyền thống lạc hậu ấy. Quần áo Tây vừa lịch sự, sang trọng lại gọn gàng, mặc nó có hơn không?

Tôi nghĩ đây không phải bộ y phục thời trang, để cho nó là cổ hủ rồi coi thường, khinh miệt.

Vẫn biết rằng để phát triển, cái mới phải phủ định cái cũ, nhưng không phải phủ định sạch trơn mà phải có kế thừa chắt lọc. Chúng ta phải luôn nghĩ đến tương lai nhưng không quên quá khứ, bởi vì quá khứ là tấm gương phản chiếu, rọi sáng cho tương lai.

Với những suy nghĩ trên đây, tôi thấy nam giới ở nước ta cần thiết phải sắm cho mình bộ y phục riêng để trong những ngày lễ hội trọng đại của đất nước, chúng ta mặc nó coi đó là nghi thức truyền thống của dân tộc.

Y phục của mỗi dân tộc là nét văn hóa truyền thống lâu đời nhất của dân tộc đó. Vì vậy, chúng ta phải trân trọng bảo vệ y phục của ông cha để lại.

Hiện nay, khi các dòng văn hóa lớn trên thế giới đang giao lưu hòa nhập với nhau, nên không riêng gì y phục mà tất cả những gì thuộc về văn hóa Việt Nam, đều phải ra sức giữ gìn và không ngừng bổ sung phát triển phổ biến rộng khắp.

Chúng ta đang tuyên truyền cổ vũ cho việc tìm về cội nguồn, giáo dục cho mọi người biết bảo vệ bản sắc truyền thống của dân tộc mình, đó là việc rất cần thiết để khơi dậy ở mọi người lòng tự hào dân tộc và phát huy lòng tự trọng, tự lực, tự cường trong nhân dân.

Muốn vậy, trước tiên chúng ta không được quên bộ quốc phục truyền thống mà cha ông chúng ta đã từng mặc nó trong học tập, lao động, chiến đấu, mở mang bảo vệ bờ cõi và giữ gìn đạo lý, thuần phong mỹ tục Việt Nam cho đến ngày nay.


Bài liên quan:

TRẦN NGHĨA