Quy hoạch nông thôn: bài toán chưa có lời giải

THU HIỀN (ghi)

Hiện nay, nông thôn nước ta chiếm tới 90% diện tích và 70% dân số cả nước nhưng quy hoạch nông thôn dường như chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Mức độ chênh lệch về điều kiện sống giữa nông thôn và thành thị vẫn còn rất lớn. Tạp chí Hồn Việt trích đăng ý kiến của ông Nguyễn Văn Than - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và quy hoạch phát triển bền vững về vấn đề này.

Quy hoạch nông thôn không hẳn là bị bỏ quên mà chỉ là chưa được chú ý đầy đủ. Vấn đề này vẫn được nêu ra và Chính phủ cũng đã có chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới, yêu cầu các địa phương, Bộ, Ban ngành triển khai. Cụ thể, ban hành bộ chỉ tiêu theo quyết định số 491, gồm 21 chỉ tiêu chia làm 5 nhóm chỉ tiêu để thúc đẩy phát triển nông thôn mới.

Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng có chương trình thí điểm nông thôn, chọn ra 11 xã thí điểm trên toàn quốc (Hà Nội mở rộng có xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) quy hoạch toàn diện: phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các điểm dân cư nông thôn. Mô hình thí điểm này cũng đã có một số kết quả và có thể sẽ được phổ biến rộng rãi. Nói như vậy để thấy rằng, quy hoạch nông thôn cũng đã được cấp trên chú ý, chỉ có điều kết quả chưa được như mong muốn mà thôi.

Vừa qua, Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nói về vấn đề Tam nông đã đánh giá lại toàn bộ sự phát triển của nông thôn từ trước tới nay, nêu ra mục tiêu dài hạn đến năm 2020-2030 và đề ra một số giải pháp để quy hoạch nông thôn. Trong đó, quan trọng nhất là làm thế nào để huy động được toàn bộ nguồn lực của đất nước vào phát triển nông thôn vì hiện nay sự huy động này còn đang tập trung vào các dự án đầu tư công nghiệp, kĩ thuật chứ nông thôn thì chưa có.

Nguồn tài chính để đầu tư phải huy động được từ trong nông dân, từ các làng xã, các doanh nghiệp... để bớt gánh nặng cho nhà nước. Ví dụ ở một xã thí điểm, mới chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường xá, điện nước... cũng đã mất hàng chục tỉ đồng. Như vậy, vốn của nhà nước chỉ có thể hỗ trợ một phần chứ không thể đầu tư toàn bộ được.

Ở nông thôn hiện nay, nguồn tài nguyên vẫn còn khá nhiều như: đất đai rộng lớn, có các cơ sở nghỉ dưỡng, cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác phát triển du lịch... Đặc biệt nguồn nhân công rất lớn. Nếu số lao động trẻ này được đào tạo nghề thì sẽ là một nguồn lực rất quý, rất có ích cho sự phát triển.

Muốn phát triển đất nước phải phát triển cả nông thôn và đô thị. Có nhiều dự án phát triển đô thị công nghiệp nhưng lại ảnh hưởng tới sự phát triển nông thôn, như việc lấy đất nông nghiệp quá nhiều, người nông dân mất đất, nhiều người rơi vào tình trạng thất nghiệp, thậm chí còn sa vào các tệ nạn xã hội. Vì vậy, phải có những chính sách phù hợp để vẫn có đất phát triển công nghiệp mà vẫn đảm bảo đời sống của bà con nông dân.

Ví như Đài Loan, các công ty cũng lấy đất để phát triển đô thị và công nghiệp nhưng người có đất được quyền góp cổ phần (bằng cái đất đó). Khi công ty phát triển, làm ăn có lãi thì họ cũng được hưởng phần lợi nhuận. Điều đó có thể đảm bảo đời sống kinh tế tương đối lâu dài cho nông dân.


Làng gốm Bát Tràng. Ảnh: phantayho.

Chúng ta có thể lấy ngay ví dụ Hà Nội mở rộng để phân tích. Trước đây, Hà Nội chỉ có diện tích là 931 km², bây giờ đã lên tới hơn 3000 km² với dân số là hơn 6 triệu người (theo thống kê năm 2009) bao gồm 60% làm nông nghiệp.

Theo dự kiến, đến năm 2030 dân số Hà Nội sẽ lên khoảng 9 triệu người (70% nông thôn, 30% thành thị) với mô hình một thành phố trung tâm và 5 thành phố vệ tinh. Đối với nông thôn của Hà Nội mở rộng, phải có chính sách đặc biệt vì nó có vị trí đặc biệt quan trọng. Nông thôn Hà Nội mở rộng chiếm tỉ lệ rất cao. Đây vừa là nhiệm vụ nặng nề vừa là lợi thế cho sự phát triển của Hà Nội. Hà Nội sẽ có đất đai rộng lớn để phân bố các đô thị vệ tinh, các thị trấn, các khu nghỉ dưỡng, các khu danh lam thắng cảnh (như: rừng quốc gia Ba Vì, khu nghỉ dưỡng Sơn Tây, chùa Hương Tích...).

Người dân ở vùng ngoại thành Hà Nội phải phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học vào chăn nuôi trồng trọt để cung cấp rau an toàn, thực phẩm sạch cho nội đô. Thị trường nội đô rất phát triển, nhu cầu tiêu dùng lớn, hạ tầng giao thông, các cơ sở khoa học, cơ sở nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội sẽ giúp cho nông thôn ngoại thành có điều kiện phát triển tốt hơn.

Chúng ta phải xác định nông thôn ngoại thành là vành đai xanh của Hà Nội và phải kiên quyết giữ được vành đai đó chứ không phát triển siêu đô thị nối dài mãi. Giữ được vành đai xanh chính là tạo ra điều kiện sinh hoạt phù hợp với yêu cầu của tương lai.

Muốn như vậy, chúng ta phải quan tâm tới quy hoạch nông thôn nhiều hơn nữa. Trước hết, nhìn tổng thể thì phải định hướng nông thôn ngoại thành đến năm 2030 sẽ như thế nào? Nông thôn Việt Nam hiện nay được phân ra làm 3 loại làng xã như sau:

- Làng xã lấy sản xuất nông nghiệp là chính. Loại này chiếm 58%.

- Làng xã phi nông nghiệp: làng nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm khoảng 40%.

- Làng xã ven đô. Những làng này sẽ có tốc độ đô thị hóa cao hơn và có thể có một số làng xã trở thành phường của đô thị.

Phân ra từng loại như vậy để đưa ra những định hướng phát triển cụ thể và phải xuất phát từ kinh tế:

Với những làng làm nông nghiệp là chính thì phải ứng dụng công nghệ cao, phát triển các khu trang trại, trồng rau an toàn, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Nông nghiệp phải gắn với chế biến sản phẩm nông nghiệp để nâng cao đời sống và phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ đó sẽ quy hoạch lại: tập trung dân cư, xây dựng đường sá, điện nước, thủy điện, trường học...

Với những làng phi nông nghiệp thì sẽ phải phát triển thương mại công nghiệp, ứng dụng công nghệ tích hợp để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và mẫu mã phù hợp với thị trường hơn. Từ đó, phát triển thêm thương mại, dịch vụ, giới thiệu sản phẩm rồi xuất khẩu ra nước ngoài.

Chúng ta cũng phải tính đến giải pháp quy hoạch lại các làng xã tiểu thủ công nghiệp. Trước đây các làng nghề như Bát Tràng, La Khê... bị ô nhiễm môi trường. Bây giờ, chúng ta phải đưa các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp ra ngoài thôn xóm để xử lý môi trường, tránh ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn...

Còn các làng ven đô cũng phải quy hoạch lại như tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống...

Ngoài việc nghiên cứu quy hoạch tổng thể đối với đô thị thì quy hoạch tổng thể gắn với nông thôn ngoại thành cũng là một vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu và triển khai. Tránh tình trạng phát triển tự phát và lộn xộn như hiện nay.