Quy hoạch đô thị Hà Nội: bao giờ hết lộn xộn?

HIỀN THỤC (thực hiện)

Sau khi Hà Nội được mở rộng thì việc quy hoạch lại kiến trúc Thủ đô là một vấn đề quan trọng. Tháng 1/2010, Liên doanh Tư vấn Quốc tế PPJ đã lập xong bản đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước trước khi Chính phủ xét duyệt. Bản đồ án này đã gây xôn xao trong giới chuyên môn, những người làm quy hoạch. Phóng viên Hồn Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Huỳnh Đăng Hy, Nguyên Tổng thư kí Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam về vấn đề này.

- P/v: Có rất nhiều ý kiến xung quanh đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- PGS.TS Huỳnh Đăng Hy: Việc lập đề án quy hoạch chung này thực hiện quá nhanh, quá khẩn trương. Quy hoạch một đô thị rộng 3.413 km² như Hà Nội mà từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành chỉ có một năm.

Trên thực tế, quy hoạch một điểm nhỏ trong một năm còn khó chứ nói gì đến đô thị rộng lớn này. Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội không phải bằng một đồ án mà là hệ thống đồ án, gồm 2 phần việc: Quy hoạch tổng hợp toàn bộ lãnh thổ thủ đô và quy hoạch từng đô thị hợp thành.

Muốn làm quy hoạch Thủ đô HN, phải am hiểu tiềm năng của lãnh thổ rồi đi sâu vào cấu trúc của bản thân từng đô thị (mà người nước ngoài không thể hiểu hết được).

Quy hoạch đô thị là một nghiệp vụ, một nghệ thuật sắp xếp những phần tử vật chất (hình thành nên đô thị) một cách khoa học, hợp lý gắn với cảnh quan thiên nhiên, địa hình. Đối tượng vật chất đó là công nghiệp, là các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan hành chính, văn hoá, xã hội, các khu du lịch nghỉ ngơi... ngoài ra còn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, điện nước, các công trình thoát nước...


Bản đồ quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2000 (thể theo
phương án thiết kế của chuyên gia Viện xây dựng đô thị Lêningrat -
Liên Xô (cũ) nghiên cứu và đề xuất năm 1980).

Quy hoạch khác với việc sáng tác một bức tranh, không thể vẽ ra cái này cái kia theo trí tưởng tượng của người vẽ. Mà để sắp xếp được lại là một quá trình vận động và phát triển, vì đô thị sẽ lớn dần lên nên các giải pháp cũng phải có tính chất động, gắn với xã hội, gắn với thực tiễn.

- Quy hoạch đô thị phải gắn với thực tiễn, tức là chúng ta đang làm ngược?

- Không phải chúng ta đang làm ngược mà là tổ chức tư vấn PPJ (đơn vị thực hiện đồ án quy hoạch chung) đang làm ngược. Họ xác định đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 10 triệu dân, rồi chủ quan vẽ đô thị to nhỏ theo suy nghĩ của họ và chưa có sự giải thích hợp lý. Bản đồ án đó là sai nguyên lý cơ bản, phi khoa học về mặt quy hoạch đô thị.

Trong đô thị, những đường giao thông quốc gia không bao giờ cắt ngang trung tâm. Vậy xác định trung tâm ở đâu? Trung tâm Hành chính, Trung tâm Chính trị… là một thể thống nhất của Trung tâm quốc gia. Tại sao họ lại có tư tưởng đưa các cơ quan Chính phủ, các Bộ, các Trung tâm Hành chính về gần Đồng Mô? Trung tâm phải gắn với dân, phải gắn với đô thị chứ có phải con cúi đâu mà đẩy vào trong núi?

Ngay cả quy hoạch những đô thị thành phần như Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Phú Xuyên - Sóc Sơn... họ làm cũng hỏng. Ven sông Hồng cảnh quan đẹp sao không bố trí để hưởng gió mát, hưởng cảnh quan. Công nghiệp việc gì phải ưỡn ngực ra cảnh quan sông Hồng?

Hơn nữa, phía này là đầu hướng gió Đông Bắc, đầu hướng gió mát Đông Nam mùa hè, công nghiệp có bụi khói khí độc sẽ làm ô nhiễm phía Tây. Khu đô thị Phú Xuyên lại bố trí trung tâm y tế ở giữa vùng. Bệnh viện không bao giờ bố trí ở giữa trung tâm, sai nguyên lý cơ bản, vi phạm môi trường sống, phá hoại cảnh quan thành phố, phát triển không bền vững…

Vì vậy, với đồ án quy hoạch chung này, lãnh đạo muốn duyệt để chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì cứ duyệt rồi sau đó lại bỏ tiền ra để làm lại.

 - Hiện nay, có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề quy hoạch đô thị Hà Nội. Theo ông, có giải pháp nào cho vấn đề này?

- Thực tế là quy hoạch đô thị Hà Nội bây giờ đang rất lộn xộn. Muốn giải quyết vấn đề này phải có sự kết hợp giữa các chuyên gia làm quy hoạch với sự chỉ đạo của những người lãnh đạo. Ngay khi dự án này khởi động, chúng tôi đã khẳng định là làm thế này sẽ không hiệu quả đâu. Đến giờ, “sản phẩm” ra đời thật sự là viển vông.

Tôi nghĩ, phải chấn chỉnh trong khâu tổ chức quản lý của Nhà nước, từ Thủ tướng tới Bộ Xây dựng. Có những vị lãnh đạo, không phải là chuyên gia quy hoạch mà dám tuyên bố với báo giới là Trục đường Thăng Long 2010 là bắt đầu. Họ làm như làm chuồng gà nhà mình vậy. Cái trục đó chả có ý nghĩa gì, lại còn là một trục lãng phí.

Các nhà quy hoạch tham gia quy hoạch và quản lý quy hoạch Hà Nội hiện nay không biết có nhận ra rằng, chúng ta đã phí phạm cảnh quan thiên nhiên của Hà Nội hay nói cách khác là đã phá hoại một cách vô thức (và có ý thức) hệ thống cây xanh của Hà Nội.

Ví dụ, 15 năm trước từ đường Thái Thịnh đổ ra Thái Hà, giáp gò Đống Đa khu vực lăng Trần Quang Khải trước đây là hồ, là cây xanh, công viên. Bây giờ sân vườn không có, công viên không có, đường vào nhà, ngõ phố chật cứng. Sai mà không sửa được.

Tôi không thể hiểu nổi tại sao Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhân tài, nhiều nhà khoa học, lý luận, nhiều nhà lãnh đạo... mà lại để tình trạng quy hoạch lộn xộn như thế?

Vấn đề mấu chốt là nằm ở khâu quản lý và tổ chức quản lý không giao rõ trách nhiệm cụ thể. Khi có vấn đề gì sai thì thành phố bảo trách nhiệm của quận, quận lại bảo trách nhiệm của phường quản lý... cuối cùng là không rõ địa chỉ để chỉ đích danh người làm sai vì hệ thống văn bản không rõ ràng.


PGS.TS Huỳnh Đăng Hy - Nguyên Tổng thư ký Hội Quy hoạch
phát triển Đô thị Việt Nam. Ảnh: H.T.

- Ông có thể nói cụ thể hơn một chút về giải pháp cho vấn đề quy hoạch đô thị hiện nay?

- Lịch sử đô thị Hà Nội đã trải qua rất nhiều lần quy hoạch mà lần sau “phá hỏng” lần trước.

Tôi rất ủng hộ Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội duyệt năm 1981. Khi đó, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát (tôi là Vụ phó ở Văn phòng Chính phủ, giúp việc cho cụ. Sau đó cụ về làm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước, còn tôi về làm Vụ trưởng quản lý dự án này), đồ án quy hoạch do Liên Xô và Viện Quy hoạch Việt Nam thực hiện, nêu lên rằng hồ Tây là tài nguyên về cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời của Thủ đô Hà Nội (Hồ Hoàn Kiếm thì hơi nhỏ).

Toàn bộ xung quanh hồ Tây có thể trở thành trung tâm văn hóa của thủ đô. Bao quanh công viên văn hóa nghỉ ngơi này là đại lộ chính của Trung tâm thủ đô. Bên ngoài đại lộ này là tất cả các công trình quan trọng của quốc gia từ quảng trường Ba Đình nối vòng lên hồ Tây.

Từ đó sẽ có những nêm cây xanh vào trung tâm chính mở ra phía Tây Nam (phía sân vận động Mỹ Đình). Quanh công viên trung tâm có thể tập trung hàng triệu người vui chơi giải trí và có thể tổ chức các cuộc tuần hành, mít-tinh...

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, hiện nay, nêm cây xanh là một vấn đề rất lớn. Cây xanh phải tính đủ, chia đều, phân theo tầng bậc.

Mỗi quận phải có một công viên ít nhất 70 - 80 ha, một quảng trường trung tâm tập trung các công trình văn hóa, chính trị xã hội (đến những ngày lễ thì tổ chức văn nghệ, tổ chức các khu vui chơi, tránh trường hợp ngăn đường biểu diễn hoặc người dân toàn Thủ đô cùng đổ về Hồ Gươm, gây ách tắc giao thông như hiện nay).

Mỗi phường cũng phải có một công viên nhỏ chừng 5- 10 ha. Mỗi khu phố phải có sân cây xanh cho trẻ con chơi, cho người già nghỉ ngơi, giao tiếp cộng đồng…

Tôi nghĩ rằng, những việc như thế này không cần đến kỹ thuật cao siêu, không cần những kiến trúc sư quy hoạch tài tình mà chỉ cần có một chút tấm lòng nghĩ đến thủ đô, nghĩ đến môi trường sống của nhân dân là có thể làm được.

- Xin cảm ơn ông!