Độc giả Lê Khuynh (Số nhà 280, xóm trạm bom Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) hỏi:
Tôi đã đọc quyển Các triều đại Việt Nam của hai soạn giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng do Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản lần thứ 5, năm 1999. Cuốn sách mang nhiều sự kiện lịch sử quan trọng nên không thể để sai lầm qua 5 lần in. Chúng tôi xin lấy mấy thí dụ như sau:
1. Về năm sinh của Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ): sách đã ghi là năm 947 (trang 79).
2. Về thời gian trị vì: sách đã ghi: Vua Lý Thái Tổ trị vì 19 năm, thọ 55 tuổi (trang 81). Chúng tôi xin hỏi soạn giả Quỳnh Cư: “Nếu vua Lý Thái Tổ sinh năm 947 và thọ 55 tuổi thì nhà vua phải băng hà vào năm 1002. Như vậy, vua Lý Thái Tổ đâu còn sống đến năm 1010 để có thể dời đô từ Hoa Lư ra Đại La được?”.
3. Về năm sinh của vua Lê Thánh Tông và vua Lê Hiến Tông: Soạn giả Đỗ Đức Hùng đã ghi: “Vua Lê Thánh Tông sinh năm Nhâm Tuất (1442), trị vì 36 năm và thọ 56 tuổi. Năm Quang Thuận thứ 3 (1426) con là Tranh sinh năm 1421 được lập lên làm Hoàng thái tử năm Quang Thuận thứ 3 (1426). Sau khi Lê Thánh Tông băng hà, Thái tử Tranh lên nối ngôi năm 1426 tức là vua Lê Hiến Tông”.
Như vậy thì vua Lê Hiến Tông lên ngôi trước ngày sinh của vua cha là 16 năm và trước ngày sinh của ông là 35 năm (trang 187).
4. Về dòng dõi chúa Trịnh: Soạn giả Đỗ Đức Hùng đã viết: “Vua Mạc từng sai tướng của mình là Mạc Kinh Điển đem quân vào đánh Thanh Hóa đến 10 lần. Ngược lại quan Trịnh cũng kéo ra đánh đến Sơn Lam trước sau 6 lần vào năm Kỷ Mùi (1959) (trang 274).
Chúng tôi không hiểu soạn giả Đỗ Đức Hùng có lạc ở hành tinh nào không? Viết sử như vậy quả là bất cẩn!
Chúng tôi xin Tạp chí Hồn Việt cho chúng tôi được biết ý kiến về những sai lầm trên. Xin thành thật cảm ơn.
Học giả Nguyễn Quảng Tuân trả lời:
Các nhận xét của ông nêu ra đều đúng nếu căn cứ vào quyển Các triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng bản in lần thứ 5, cũng do Nhà xuất bản Thanh Niên in năm 1999 ở Hà Nội. Lần in này đã ghi: “Có sửa chữa và bổ sung”, nhưng rất tiếc là người đánh máy và người sửa bản in đã không cẩn thận nên đã để lại nhiều lỗi. Điều đáng tiếc hơn nữa là hai soạn giả đã không đọc lại để được biết các lỗi để làm bản đính chính.
Chúng tôi có tìm xem lại bản in lần thứ 2 để đối chiếu thì thấy các lỗi mà ông Lê Khuynh nêu ra đều là những lỗi ấn loát. Chúng tôi chỉ xin có một vài ý kiến nhỏ như sau:
1. Năm sinh của Lý Công Uẩn
Năm sinh của Lý Công Uẩn không phải là năm 947 mà là năm Giáp Tuất (974), đời vua Đinh Tiên Hoàng, niên hiệu Thái Bình thứ 4. Thời xưa chưa theo Tây lịch nên cần ghi thêm niên hiệu đời vua trị vì để khỏi nhầm lẫn. Năm 974 còn thuộc đời Tiền Ngô Vương.
2. Thời gian trị vì của vua Lý Thái Tổ
Vì ghi nhầm năm sinh của vua Lý Thái Tổ là 947 nên nếu tính theo tuổi thọ của nhà vua là 55 thì nhà vua phải băng hà vào năm 1002, không còn sống được đến năm 1010 để dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Đây cũng là một sai lầm dây chuyền so với năm sinh của Lý Công Uẩn (sau lên ngôi là vua Lý Thái Tổ).
3. Về năm vua Lê Thánh Tông lập Hoàng Thái tử cho con
Bản in lần thứ 2 đã ghi đúng là “Năm Quang Thuận thứ 3 – năm Nhâm Ngọ (1462) Tranh được lập làm Hoàng Thái tử” (trang 165).
Vì in sai là năm 1426 nên ông Lê Khuynh mới có nhận xét là: “làm sao Lê Hiến Tông lại có thể lên ngôi trước ngày sinh của phụ hoàng Lê Thánh Tông 16 năm và trước ngày sinh của chính mình là 35 năm?”.
Như vậy, năm “lập làm Hoàng Thái tử” là năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Quảng Thuận thứ 3 (1462).
4. Về năm quân Trịnh kéo đánh đến Sơn Lam
Ông Đỗ Đức Hùng viết: “Vua Mạc từng sai tướng của mình là Mạc Kinh Điển đem quân vào đánh Thanh Hóa đến 10 lần. Ngược lại, quân Trịnh cũng kéo ra đánh đến Sơn Lam trước sau 6 lần vào năm Kỷ Mùi 1959”.
Đây rõ ràng là một sự sai lầm do đánh máy vi tính, vì thời Nam Bắc triều, đời vua Lê Thế Tông là năm 1599, chứ không thể là năm 1959 được. Nhưng năm ấy nếu tính theo Âm lịch thì lại là năm Kỷ Hợi chứ không phải là năm Kỷ Mùi.
Qua những nhận xét trên, chúng tôi nhận thấy việc tái bản không thể để có những sai lầm như trong quyển Các triều đại Việt Nam của hai soạn giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng. Nếu ông Lê Khuynh không nêu ra thì các sai lầm ấy sẽ không được sửa lại.