Rau bình bát nấu canh hột vịt lộn

Bình bát là loại dây leo thường mọc hoang, um tùm, lá xanh mướt, thuộc họ bầu bí. Lá bình bát mọc so le, hình trái tim, hoa màu trắng, có năm cánh. Trái lúc còn non có màu xanh giống như dưa leo, to bằng ngón tay cái, vị đắng, lúc chín có màu đỏ rực, ăn khá ngon, ngọt.

Vào những ngày hè nóng nực bà con thường tìm các loài rau vườn có vị thuốc như: rau mướp đắng rừng, rau má, rau bồ ngót, mồng tơi, cải trời… để nấu canh, giúp cho cơ thể thanh nhiệt. Đặc biệt trong các loài cây cỏ mọc tự nhiên ngoài vườn, có một loài dây leo dùng nấu canh ăn rất ngon và ngọt, được nhiều người ưa thích, ai đã từng ăn qua một lần sẽ khó mà quên, đó là dây bình bát, có nơi còn gọi là rau bát, dưa dại… vừa thơm ngon vừa ngọt, một vị ngọt đậm đà, đặc trưng, mang hương vị miệt vườn, không giống với bất cứ loại rau nào khác. Đây là món ăn vừa ngon ngọt vừa có tác dụng thanh nhiệt và làm mát gan.

Trong Đông y, dây bình bát (rau bát) được cho là vị thuốc khá hiệu quả. Theo y học cổ truyền, rau bát có vị ngọt, tính mát. Tác dụng: thanh nhiệt, mát phế, thanh vị, nhuận táo, sinh tân dịch, dưỡng âm, tiêu độc. Người bệnh tiểu đường hái lá non dây bát 100g, thịt cua 50g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn thường xuyên sẽ giảm lượng đường đáng kể. Hoặc dùng ngọn, lá non, cả hoa quả rửa sạch ăn sống hoặc xay nước uống đều được.

Theo kinh nghiệm dân gian, củ bình bát có thể ngâm rượu dùng xoa bóp chỗ sưng đau, viêm khớp. Trái bình bát có thể trị tiểu đường, lá tươi dùng nấu nước tắm trị ghẻ ngứa hoặc đâm nhuyễn đắp nơi mụn nhọt, lở loét hay vết cắn của côn trùng. Bình bát ra hoa kết trái gần như quanh năm. Dịch lá và rễ dùng trị bệnh tiểu đường. Dùng dịch chiết từ thân cây để trị bệnh đau giác mạc. Ở Ấn Ðộ người ta dùng cả cây để làm thuốc trị bệnh lậu. Lá dùng đắp ở ngoài da trị phát ban da, trị ghẻ lở, mụn nhọt, các vết thương và các vết cắn của rắn rết. Ở Indonesia, người ta còn dùng cây làm thuốc trị bệnh đậu mùa, đau dạ dày và ruột.

Rau bình bát không kén đồ nấu. Hái những chiếc đọt và lá non lành lặn, đem rửa sạch, để ráo, có thể nấu với tôm, thịt heo, thịt bò, cá trê, cá lóc v.v… nhưng muốn có một tô canh lá bình bát có mùi vị đặc trưng, vừa ngọt lại thơm ngon, đúng bài đúng điệu thì không có thứ đồ nấu nào sánh kịp khi nấu canh với hột vịt lộn, hoặc làm lẩu hột vịt lộn ăn với bún và món rau chính của lẩu là rau bình bát. Các bạn phi hành với dầu vừa vàng thơm, đổ ít nước đã đun sôi, nêm các loại gia vị cho vừa ăn, cho trứng vịt lộn vào đậy kín nắp cho trứng chín, cho rau bình bát vào đun lửa lớn vừa sôi là nhắc xuống liền, không để lâu rau chín quá mất ngon.

Trứng vịt lộn từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc trong nền văn hóa ẩm thực Việt Nam, là món ăn bổ dưỡng giúp tăng cường sức khỏe. Thưởng thức món trứng vịt lộn nấu canh với rau bình bát trong những ngày hè tiết trời oi nồng, vừa ngon ngọt lại thanh nhiệt cho cơ thể không gì hữu hiệu cho bằng. Hãy khám phá những nét văn hóa ẩm thực dân dã hết sức đa dạng và vô cùng phong phú của các loại rau rừng vừa sạch lại rất ngon, không lo sợ rau bị độc hại do nhiễm thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, vừa phòng ngừa và trị được nhiều căn bệnh, vừa mang tính chất đậm đà hương vị quê hương xứ sở.

Mỹ Nhân