Ở Leyde, thành phố lớn thứ hai của Hà Lan sau Amsterdam, có một ông chủ cối xay. Ông đã có chín người con, và đến ngày 15.7.1606 lại có thêm đứa con thứ mười, đó là Rembrandt Van Rhijin.
Thoạt đầu Rembrandt yêu văn chương nên năm 14 tuổi đã ghi tên theo học văn khoa ở Leyde. Nhưng chỉ ít lâu sau, Rembrandt đã bị các xưởng họa ở thành phố cuốn hút, liền xin vào xưởng họa của Jacob Isaocs để học nghề vẽ. Rembrandt nhanh chóng hiểu rằng, những người thầy mà mình cần theo học là các bạn họa sĩ ở thủ đô Amsterdam, vừa 17 tuổi anh đã tới đó để xin được tập sự tại xưởng vẽ của họa sĩ nổi tiếng Pieter Lasman. Sau đó, anh còn được học thêm một bậc thầy hội họa khác là họa sĩ Elsheimer.

Danh họa Rembrandt Van Rhijin.
Đến năm 1626, Rembrandt quay về Leyde và bắt đầu cuộc sống của một họa sĩ độc lập. Rembrandt cũng bắt đầu nhận các môn sinh, trong đó có Gerard Dou, sau này trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Thời gian này, Rembrandt vẽ khá nhiều tranh trên gỗ với những đề tài rút từ Kinh Thánh. Tác phẩm đầu tiên khiến họa sĩ có chút danh tiếng là bức tranh Hình phạt ném đá vào kẻ tuẫn đạo…
Thế rồi, một thời gian ngắn sau đó, Rembrandt vẽ nhiều trên vải, và đã tạo được những ấn tượng mạnh trong công chúng nghệ thuật Hà Lan, được dư luận coi là một họa sĩ có sức biểu cảm cao. Cố vấn của Thống đốc Hà Lan, ngài Constantin Huygens đã đặt Rembrandt ngang hàng với những họa sĩ nổi tiếng nhất. Trong một lần gặp gỡ, C.Huygens đã thuyết phục Rembrandt rời khỏi Leyde lên sống trong môi trường nghệ thuật Amsterdam, khi họa sĩ mới 24 tuổi.
Ở Amsterdam, Rembrandt vẽ rất nhiều, đồng thời đi sâu vào tìm hiểu thị trường nghệ thuật hội họa.
Người trợ thủ cho họa sĩ là Hendrich Van Uylenburgh, cũng là họa sĩ kiêm buôn bán họa phẩm, đã cho Rembrandt tá túc những năm đầu mới đến Amsterdam.
Rembrandt trở thành một họa sĩ thời thượng với rất nhiều đơn đặt hàng vẽ chân dung. Họa sĩ bắt đầu ký dưới tác phẩm chỉ bằng tên riêng, Rembrandt. Đó là cách ông muốn ghi dấu sự ngang hàng với các bậc thầy danh tiếng lẫy lừng người Italia, như Leonard, Raphael…
Thành công đặc biệt của Rembrandt thời kỳ này là bức tranh Bài học môn giải phẫu của giáo sư Nieclaes. Đương thời, người ta cho rằng, với bức tranh đó Rembrandt đã làm đảo lộn cả kiểu mẫu truyền thống về vẽ chân dung.
Ngay sau đó, họa sĩ tiến một bước cao hơn trong hội họa bằng những tác phẩm rộng lớn hơn với cách bố cục đạt tới chiều sâu tinh thần và xúc cảm mang tính nhân bản sâu sắc, tiêu biểu là bức tranh Suzanne tắm, và bức tranh mà hậu thế gọi là Đoàn tuần tra ban đêm…

Đoàn tuần tra ban đêm.
Đó là năm 1641, viên Đại úy Cock đến gặp Rembrandt, yêu cầu họa sĩ vẽ cho một bức tranh với tên là Lãnh chúa trẻ tuổi xứ Pumberland ban lệnh cho ngài Vlaerdingen điều khiển đội quân.
Rembrandt thấy ngao ngán về sự hãnh tiến của viên thầy quyền đó. Ông than phiền với vợ, Saskia - con gái của ngài Thị trưởng. Nhưng Saskia thật thận trọng, hỏi chồng: “Họ sẽ trả công bao nhiêu?”. “Một ngàn sáu trăm đồng florins”, họa sĩ trả lời. Và, Saskia lại từ tốn nói: “Bức tranh về Bài học môn giải phẫu… anh được người ta trả công ít hơn nhiều. Thôi cố nghĩ ra cách vẽ cho họ, mà còn tránh được phiền hà…”.
Vậy là Rembrandt nhận lời vẽ, bức tranh có tên chính thức là Cuộc xuất trại của đại đội do Đại úy Bahning Cock chỉ huy.
Vả lại, khi đó Saskia sắp đến ngày sinh con, cũng cần có thêm tiền chi dùng. Mỗi ngày họa sĩ gọi một người lính có mang cả súng đến để vẽ chân dung. Rồi ông bố cục bức tranh thật mạnh bạo với mong muốn nó sẽ là một tác phẩm chứa đựng được xúc cảm nhân văn thật sự.
Trong khi đó, các nhân vật làm mẫu cho ông rất thực tế: Viên Đại úy luôn nhắc họa sĩ đừng quên vẽ cái băng đỏ là biểu hiện cấp bậc trên lễ phục của ông ta. Còn viên trung úy thì lưu ý họa sĩ về tấm áo chẽn vàng óng ông mặc và mũi xà mâu ông cầm tay… Rembrandt vẽ.
Saskia sinh con trai tên là Titus, và bà yếu đi nhiều. Họa sĩ vẽ, không muốn dành thời gian cho bất cứ thứ gì, không tiếp bất kỳ người khách nào. Saskia quá yếu nên qua đời, chỉ còn con trai Titus và cô hầu gái Hendrikie. Họa sĩ vẽ cặm cụi, vẽ miệt mài, rồi bức tranh lớn được hoàn thành.
Viên Đại úy cho gọi toàn đại đội tới. Và, họ bỗng phát hiện thấy: tại sao người được vẽ nhìn thẳng, người khác lại bị vẽ nhìn nghiêng?! Người phản đối là mình bị nhấn chìm trong bóng tối; kẻ phàn nàn là mình bị đội cái mũ đã lỗi thời; người nữa phản đối thẳng thừng rằng, tại sao có đứa bé chen vào nghịch khẩu súng mutke của ông ta?!… Một sĩ quan lên tiếng: “Ông Rembrandt, ông vẽ chính ông đây chứ, tay cầm cây giáo và còn ra vẻ chế nhạo bọn tôi! Ông lấy quyền gì mà vẽ vậy, ông có đóng tiền không? Hãy trả lại tôi một trăm florins đi!…”.
Khi hoàn thành bức vẽ, Rembrandt đã nghĩ rằng ở Hà Lan chưa một ai có thể thành công trong việc vẽ nhiều người trong một bố cục như vậy. Nhưng giờ đây, ông quá ngao ngán vì bị khách hàng kêu ca gay gắt đến thế. Họ còn buộc ông phải viết tên từng người trong đại đội lên chiếc hòm đạn đặt bên cổng doanh trại… Họa sĩ thiên tài đã phải cắn răng chấp nhận!…
Bức tranh được đem về trại lính. Trong hơn 70 năm được lưu giữ ở đấy, nơi đầy khói thuốc và khói than bùn, thỉnh thoảng các thầy quyền đem bức tranh đánh bóng lại. Do vậy, bụi bặm theo dầu bóng đóng két lại thành một lớp mờ đục, sần sùi trên bề mặt, bức tranh bị mờ sẫm đi, đến mức người ta gọi nó là Đoàn tuần tra ban đêm.
Đến năm 1715, người ta chuyển những bức tranh của trại vệ binh về Tòa thị chính thành phố, trong đó có tác phẩm của Rembrandt mà người ta cho rằng tên nó là Đoàn tuần tra ban đêm. Và, do chỉ có khung pano nhỏ nên người ta đã xén bớt bức tranh đi.
Mãi đến năm 1889, ông Hopman, một người yêu quý hội họa của Rembrandt, quyết dành tâm sức cho việc làm sạch những bụi bẩn trên bức tranh Đoàn tuần tra ban đêm. Ông cùng các cộng sự cọ rửa thận trọng trên từng milimét vuông, cho đến lúc dưới những ngón tay tỉ mỉ của họ lộ dần ra những hình ảnh và màu sắc thực của thiên tài Rembrandt.
Với cuộc phục chế tuyệt vời này, công chúng nghệ thuật ở Hà Lan đã loại bỏ ngay cái tên Đoàn tuần tra ban đêm. Vẻ rực rỡ của màu đỏ, độ lấp lánh của màu vàng óng mượt và những mảng màu đen lướt trên bức họa đã chứng tỏ rằng Cuộc xuất trại của đại đội được tiến hành giữa ban ngày.
50 năm nữa trôi qua, với những kỹ thuật mới, người ta lại tiến hành một cuộc lau chùi nữa cho bức tranh. Và, cái bóng của cánh tay Đại úy Cock chiếu trên tấm áo chẽn màu vàng của viên trung úy khá rõ trong bức tranh, cho biết thời điểm Rembrandt mô tả là gần giữa trưa rồi! Từ đó, cái tên Đoàn tuần tra ban đêm được nhắc đến như một kỷ niệm buồn về họa sĩ thiên tài…
Về cuộc sống của Rembrandt. Sau khi bị đại đội vệ binh phản đối gay gắt, họa sĩ phải chịu nhiều tai tiếng. Khách hàng thưa vắng hẳn đi. Saskia đã qua đời, Rembrandt nuôi con trai Titus và gắn bó cùng cô Hendrikie Jaghero – người hầu gái của Saskia.
Bà Saskia vốn được thừa kế một tài sản lớn nhưng chỉ để lại cho Rembrandt nếu ông không tục huyền. Do sống chung với Hendrikie Jaghero nên ông không được thừa kế. Rembrandt trở nên nghèo túng. Dẫu không có khách đặt hàng, ông vẫn vẽ rất nhiều những tác phẩm hội họa, vẽ hết tâm sức.
Từ năm 1642 trở đi, Rembrandt lại một lần nữa cách tân nghệ thuật hội họa. Bút pháp của ông mạnh mẽ, khoáng đạt hơn hẳn thời kỳ trước. Trên mỗi hình họa, mỗi mảng màu, thấy ngọn bút của ông tự do và tân kỳ phi thường. Sau này, người đời ghi nhận những bức tranh như Gia đình người thợ mộc, Những thợ dệt tiêu biểu, và hàng loạt các tác phẩm khác của Rembrandt đã tạo nên những đỉnh cao mới cho mỹ thuật Hà Lan và thế giới. Ông đã vẽ miệt mài, vẽ cặm cụi, vẽ suốt đời.

Chúa trong cơn bão ở hồ Galilee.
Đến năm 1669, Rembrandt qua đời trong cảnh không tiền bạc, không được tôn vinh. Để có tiền làm đám tang cho ông, người ta đem bán những bức tranh ông vẽ, với giá 6 xu một tác phẩm!…
Hơn 200 năm sau, tại bảo tàng Amsterdam, thiên tài hội họa Van Gogh đã lặng người trước những tác phẩm của Rembrandt rồi thốt lên: “Tôi sẵn lòng đánh đổi 10 năm cuộc sống của tôi để được ở lại đây 15 ngày thôi, chỉ ăn bánh mì và pho mát…”.
Đến giữa thế kỷ XX, ở Hà Lan và nhiều nơi trên thế giới, người ta truyền tụng chuyện tôn vinh thiên tài Rembrandt. Người đời còn cho rằng, ông để lại hàng ngàn tác phẩm (!). Cho đến năm 1960, một tổ chức nghiên cứu về Rembrandt đã tiến hành phân tích tỉ mỉ tất cả các bức tranh được coi là của họa sĩ Rembrandt. Kết quả từ 960 bức hoạ được coi là của ông, sàng lọc tỉ mỉ còn lại 700, rồi chỉ còn 630, và rồi chỉ là 420 tác phẩm…
Cho đến cuối thế kỷ XX, người ta đã xác định rằng, Rembrandt chỉ để lại cho đời 300 tác phẩm, trong đó có bức tranh từng bị gọi là Đoàn tuần tra ban đêm, một kiệt tác đã gây ra cho ông nhiều khốn khổ.
Cũng xin nói thêm rằng, ngày nay, mỗi hình họa của Rembrandt có giá trị nhiều triệu florins, một tác phẩm của ông có giá trị nhiều tỷ đồng florins.