Rừng Maria

Tặng Đ.K.T

Tôi bị đau răng, bạn bè khuyên nên đi khám bác sĩ và giới thiệu một bệnh viện gần mêtrô “Rừng Maria”. Như người ta nói “Nhất đau mắt, nhì nhức răng”, tôi không thể trì hoãn việc đi khám răng nữa. Và tôi quyết định đi tìm cái bệnh viện ấy.

Buổi sáng tháng tám. Trời se lạnh. Lắc rắc mưa. Tôi đến mêtrô “Rừng Maria”. Đây là cái ga thứ 182 trong hệ thống giao thông ngầm Moskva. Tôi đang loay hoay tìm lối lên phố Xushovskij Val, nơi có cái bệnh viện tôi cần đến, thì nghe thấy tiếng một cô gái hỏi bằng tiếng Nga:

“Xin lỗi, ông cần tìm lối lên phố nào ạ?”

Tôi ngạc nhiên quay lại nhìn: đó là một cô gái Nga. Có lẽ lúc đó tôi có cái dáng vẻ thồn thộn của những người lần đầu tiên đến xứ lạ tìm đường đã khiến cô gái quan tâm.

Tôi trả lời:

“Tôi cần tìm phố Xushovskij Val, nơi có bệnh viện quận “Rừng Maria”, nhưng mà ở đây có nhiều lối lên quá”.

Cô gái nhìn tôi như dò xét rồi mạnh dạn nói:

“Tôi có thể giúp đưa ông đến bệnh viện, nếu ông cho phép”.

Tôi mừng rỡ suýt reo lên như người vớ được vàng. Tôi nói:

“Thế còn gì bằng!”

Tôi cám ơn và ngoan ngoãn đi theo cô gái. Cô bước đi thoăn thoắt. Trước mắt tôi là một cô gái Nga nhỏ nhắn, ăn mặc giản dị như những cô gái khác, áo phông mỏng màu mận chín, quần jean xanh đôi chỗ đã sờn, tóc xõa ngang vai, cổ quàng chiếc khăn lụa màu tím nhạt. Chốc chốc cô dừng lại có ý chờ tôi. Khi tôi bước tới ngang hàng, cô gái nhoẻn miệng cười và nói:

“Xin lỗi, hình như ông mới từ Việt Nam sang?”

“Sao cô lại có cái nhận xét đó?” – tôi hỏi lại.

“Theo cái cách ông ăn mặc và đi đứng” – cô gái trả lời.

Tôi hơi chột dạ, nhưng cũng thấy tò mò muốn biết cụ thể thêm về cái nhận xét đó của cô gái. Cô nói tiếp:

“Người Việt Nam mới sang Nga thường ăn mặc rất chỉnh tề. Trời hơi lạnh đã quấn khăn len kín cổ, đầu đội mũ ấm cẩn thận”.

Tôi nghe như có tiếng cười tinh nghịch trong giọng nói của cô gái, có vẻ như cô đang miêu tả chính tôi. Tôi bắt đầu thấy thích cái tính cởi mở, thân thiện, dễ gần của cô gái Nga. Tôi chờ cô nói tiếp:

“Họ trang bị kỹ lưỡng để chịu đựng khí hậu của nước Nga, có điều cái cần có thì họ không có”.

“Chẳng hạn?” – tôi ngạc nhiên, càng tò mò muốn biết.

“Đó là …”

Vừa lúc ấy chúng tôi ra khỏi sảnh mêtrô. Những hạt mưa lớn dần. Trời kéo mây đen che phủ một góc thành phố. Gió heo may thổi vào mặt mát lạnh rất dễ chịu. Hơi hướng mùa thu từ rừng bạch dương Maria thoang thoảng gợi những cảm giác lâng lâng. Cô gái vừa giương dù che mưa cho tôi vừa nói tiếp câu lúc nãy bỏ lửng:

“Chính là cái này!”

Tôi hiểu cô gái muốn nói đến cái dù, cái mà tôi không có vào cái thời điểm này. Đi bên cạnh cô gái cùng chung dưới chiếc dù nữ mong manh, tôi cảm nhận hương thơm của hoa xiren thoang thoảng dịu nhẹ. Tôi hiểu cô gái dùng loại nước hoa này. Lúc này bỗng thoáng hiện trong tôi một cảm giác rất lạ: tôi được cô gái che chở. Sự che chở này chỉ có từ người mẹ!

Cô gái nhìn tôi bằng ánh mắt tinh ranh, rồi nói tiếp:

“Dân địa phương, mỗi sáng trước khi đi làm hay đi công chuyện gì đều theo dõi thông báo thời tiết trên radio hay ti vi. Nếu đài báo có mưa, họ liền mang theo dù. Ông hãy nhìn kìa, em nói có đúng không? Họ đều có dù trong tay. Mưa ngấm vào tóc tai, ngấm vào da thịt sẽ bị bệnh đấy”.

Tôi thầm phục nếp sống văn hóa của người Nga, lại càng phục cô gái đã cho tôi bài học này.

Chúng tôi cùng lên xe buýt. Ổn định chỗ ngồi xong, tôi liền tranh thủ đem câu hỏi mà tôi băn khoăn mấy hôm nay ra hỏi cô gái:

“Tại sao vùng này gọi là “Rừng Maria”?”

Cô gái ra dáng nghĩ ngợi trong giây lát rồi nói:

“Tương truyền rằng ngày xửa ngày xưa khu rừng này là nơi trú ngụ của những người dân đói khổ, không nhà không cửa, lớp người cùng cực dưới đáy xã hội. Họ tụ tập vào trong khu rừng này, lập thành những băng cướp. Khét tiếng nhất trong số đó là băng cướp do một cô gái xinh đẹp và dũng cảm tên là Maria cầm đầu. Nghe đâu Maria là con gái của một đại điền chủ ác bá vùng này, vì bất mãn với sự đàn áp bóc lột dã man của cha, nên nàng đã bỏ vào rừng đấu tranh cho người nghèo. Nàng thường cưỡi con ngựa bạch tung hoành khắp nơi, chỉ huy thuộc hạ vào những thị trấn gần đó cướp thóc gạo và thực phẩm của các trọc phú đem vào rừng phân phát cho dân chúng. Vó ngựa của nàng in dấu nơi đâu, thì ở đó người dân nghèo có được cái ăn cái mặc. Vì vậy nàng được người dân tin yêu, người ta đã lấy tên nàng đặt cho khu rừng này: Rừng Maria”.

Cô gái kết thúc câu chuyện đúng lúc xe buýt dừng ở trạm. Chúng tôi cùng xuống xe. Cô gái lại giương dù che mưa cho tôi và hướng dẫn tôi vào bệnh viện. Sau khi giúp tôi làm giấy tờ vào cửa, cô gái nói:

“Bây giờ ông vào trong kia, có thang máy lên tầng 6, ở đó có khoa răng-hàm-mặt. Em xin lỗi vì có chút việc phải đi. Xin tạm biệt ông”.

pic

Minh họa: Hoàng Ly

Tôi nói lời cảm ơn và định đưa tay ra bắt tay cô gái, nhưng tôi bỗng khựng lại bởi câu nói cuối cùng của cô:

“Em chào ông. Em chúc ông chóng bình phục sức khỏe”. - Câu này cô gái nói bằng tiếng Việt, phát âm rất chuẩn theo giọng Hà Nội.

Bị quá bất ngờ, nên tôi chỉ đứng lặng nhìn cô gái biến mất sau cánh cửa… Mãi lúc sau tôi mới chợt nhớ ra là đã quên không hỏi cô gái tên gì, làm gì, ở đâu, tại sao em nói được tiếng Việt, tại sao em thông thạo “Rừng Maria” này. Và tôi tự trách mình sao vô tình đến thế. Bây giờ biết tìm em ở đâu?

Sáng hôm sau, tôi lại đến mêtrô “Rừng Maria” vào đúng cái giờ tôi gặp em hôm qua, mặc dù bác sĩ hẹn tái khám vào buổi chiều. Tôi không quên đem theo cái dù, mặc dù hôm nay trời… nắng. Tôi hy vọng sẽ được gặp lại cô gái hôm qua. Tôi cố tìm trong dòng người lên xuống mêtrô bóng dáng một người con gái Nga nhỏ nhắn, ăn mặc giản dị, áo phông mỏng màu mận chín, quần jean xanh đôi chỗ đã sờn, tóc xõa ngang vai, cổ quàng chiếc khăn lụa màu tím nhạt, thoang thoảng hương hoa xiren. Nhưng “bóng chim, tăm cá”…

Tôi đâm nghĩ vớ vẩn:

“Hay là em đã bị thủ lĩnh băng cướp Maria bắt đem vào khu rừng bạch dương ngút ngàn kia…?

Hay em chính là thủ lĩnh băng cướp Maria hiển hiện trong chốc lát để cướp đi trái tim của tôi…?”.

Moskva, tháng 8/2012

 

Trần Văn Cơ