Về mặt lịch sử, nguồn gốc từ ngàn năm của chữ viết Hán – Nôm, chữ viết truyền thống của dân tộc Việt Nam, đã được các nhà nghiên cứu đưa ra những kết luận khá chi tiết về sự hình thành và phát triển của chữ viết này. Thế nhưng, sự “đột tử” không xưa lắm của nó thì cho đến nay vẫn còn là một ẩn số, ít ai nói đến.
Với bao năm suy nghĩ trước ẩn số này, nhất là khi nghĩ đến bao sĩ phu yêu nước đã tranh đấu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo tồn chữ viết Hán – Nôm, chúng tôi đã cố gắng sưu tầm và nghiên cứu đề tài này, những mong hé mở một tia sáng công lý về “vụ án diệt ngữ”, bằng một số tư liệu mà chúng tôi tìm được. Chúng tôi mong được độc giả đóng góp ý kiến, xây dựng cho sự kiện lịch sử quan trọng này.
Những lý do chủ yếu khiến chính quyền thực dân Pháp tiến hành xóa bỏ chữ viết Hán – Nôm
- Về mặt tâm lý: Đối với một đội quân xâm lược, tiếng nói và chữ viết quá xa lạ của dân bản xứ, khiến họ có tâm trạng khó chịu, bực bội, bức xúc khi thấy mình không thu nhận hoặc truyền đạt được một thông tin nào trọn vẹn, dẫn đến sự hoang mang, lo sợ rằng: luôn luôn có sự dối trá, phản bội chứa đựng trong ngôn ngữ của dân bản xứ.
- Về sự tiện lợi của chữ Việt – Latin: Chữ Hán – Nôm không thể dễ dàng thâm nhập đối với người châu Âu, nếu có cố gắng, phải mất nhiều thời gian học. Đằng này, chỉ cần 24 chữ cái Latin là có thể đọc hoặc diễn tả được ngôn ngữ thuộc về nhóm chữ này. Thời gian học lại ngắn (chỉ cần 3 đến 6 tháng).
- Về mặt chính trị: Trước hết, nó giải quyết cấp bách khó khăn trong tiếp xúc. Đặc biệt là sự ban hành các văn kiện, luật định; giảm bớt các thông dịch viên (mà theo chính quyền thực dân Pháp, thì khó mà tin dùng được).
Kế đó, tiếp xúc với chữ Việt – Latin là tiếp xúc, là thâm nhập phong cách văn minh châu Âu. Dân bản xứ sẽ bị tách rời khỏi văn minh Đông Phương, khỏi ảnh hưởng của lớp Nho gia bị coi là đối lập, là những phần tử cách mạng. “Thay đổi ngôn ngữ là thay đổi cả một dân tộc”. Việc hướng nền văn minh Việt Nam theo văn minh La Mã – Hy Lạp của Chính quốc, thực dân Pháp đã tạo bằng được sự lệ thuộc của dân bản xứ vào chính quyền thuộc địa.
- Về mặt đạo giáo: Những nhà truyền giáo đã can đảm đến những nơi dù xa xôi hẻo lánh trên địa cầu, để truyền bá Phúc âm và đức tin vào Chúa Kitô. Chính vì vậy, họ phải biết rõ ngôn ngữ của dân bản xứ, phong tục tập quán, địa lý, lịch sử, văn hóa và tình trạng chính trị tại nơi mà họ sẽ đến để thực hiện thiên mệnh này. Các mẫu tự Latin chính là Thánh ngữ của Đạo Thiên chúa, đối nghịch với chữ viết Hán – Nôm chứa đựng nền đạo lý Khổng Mạnh, Phật pháp. Sau đó, ngoài việc rao giảng Đạo giáo, với sự bảo vệ hữu hiệu của chính quyền thuộc địa, các giáo sĩ đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục người Việt Nam bằng chữ Việt - Latin.
Chữ viết Hán – Nôm bị hủy diệt như thế nào?
Bằng những thông cáo, rồi đạo luật và sau cùng là “quy chế chung của Bộ giáo dục Pháp quốc – Bản xứ”, chữ viết Hán – Nôm đã bị xóa bỏ hoàn toàn, để thay vào đó là chữ viết Việt – Latin (hay gọi là Quốc ngữ). Đó là những văn kiện, tài liệu chính thức, có giá trị pháp lý, do những vị toàn quyền hoặc quan chức cao cấp trong bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp, ban hành và ký tên.
Một vài quan chức cao cấp có lương tri trong bộ máy chính quyền thuộc địa, đã nhìn nhận, cảnh báo hậu quả của nền văn hóa Việt Nam khi xóa bỏ Hán – Nôm
Ông Paul Bert (1886), Paul Beau (1902-1908), Pierre Pasquier (1928-1934) là những người tôn trọng văn hóa nhân loại và đặc biệt là nền văn hóa Việt Nam. Họ đã dám phản ánh một cách trung thực: tác hại và hậu quả lâu dài của việc hủy diệt triệt để chữ viết Hán – Nôm. Họ chủ trương chính sách “hợp tác” hoặc cố tình tránh né những sai lầm mang tính chất “Pháp hóa” một cách cực đoan đối với người An Nam, nhằm phản đối chính sách “đồng hóa”, áp đặt của chính quyền.
“Sự hủy bỏ nền giáo dục Hán – Nôm đồng nghĩa với sự hủy bỏ về giáo huấn đạo lý, mà chúng ta sẽ không có gì để thay thế vào bộ môn đạo đức đã bị tiêu diệt này”. “Không nhất thiết phải xóa bỏ tâm hồn, tư tưởng của dân bản xứ khi điều ấy được tổ tiên họ gây dựng và vun đắp một cách trân trọng và kiên trì. Hãy quan tâm tới phương pháp giáo dục nào là hữu hiệu nhất”.
“Đối với học sinh An Nam, mỗi chữ viết (Hán – Nôm) đều chứa đựng ý nghĩa sâu rộng, khi đọc hoặc viết, chúng tiếp nhận được một cảm xúc mạnh. Còn sách vở của ta, họ tiếp nhận với một tâm trạng khác hẳn. Đó là những tập tục của một xã hội khác biệt với họ, các thầy giáo cũng khác ông thầy Đồ - người mà họ coi có thể thay thế cha mẹ của họ”. Điển hình là sự tiên đoán hay cảnh báo về hậu quả của nền học vấn An Nam khi xóa bỏ chữ viết Hán – Nôm mà ngài Toàn quyền Pasquier đọc trước Hội nghị Địa dư học – tỉnh Marseilles năm 1906:
“Các tác phẩm văn học Việt Nam, dù đậm nét dân gian hay có giá trị đỉnh cao của Nho học, một kho tàng văn hóa độc đáo, phi thường, nếu ta làm mất đi trong quên lãng, thử hỏi đó có là một trọng tội không?
… Ta không nên phá hoại bất cứ thứ gì, trong tòa lâu đài châu Á cổ xưa này. Hãy tìm cách thích nghi, hòa nhập, chứ không phải hủy hoại, sao cho, trong một thế kỷ tới, người Pháp sẽ không phải chuốc lấy những lời trách cứ nặng nề, rằng: “Dưới chế độ tập quyền nghiệt ngã, những bản sắc đặc thù của một đất nước xa xôi đã bị tàn phá”. Chúng ta khỏi phải làm một việc, như đã làm đối với Provence, là “Vực sống dậy một nền văn học chết!”.
Nếu với sự độ lượng, khoan dung, nước Pháp sẽ có thể được tôn trọng hơn, được quý mến hơn khi họ biết đánh giá, biết nâng niu trân trọng những tài năng, những tác phẩm của người dân An Nam tại Đông Dương, biết cúi xuống thấp hơn một chút khi chào, cười với một ông thầy Đồ, chấp nhận mà không chút miệt thị, trên quan điểm thoáng mở, có chọn lọc, trung thực những thành tựu phát triển trí tuệ của họ”.
Tiếp đó phải kể đến sự phản kháng quyết liệt của các sĩ phu yêu nước – kiên quyết không hợp tác với chính quyền. Song rất tiếc, họ bị đè bẹp bởi bạo lực của chế độ cai trị. Chỉ còn lại sự “tỵ địa” trong tầng lớp trí thức Nho gia.
*
“Nếu những đứa trẻ An Nam, xuất thân từ các trường học của ta (Pháp), mà không biết đọc và viết chữ Hán – Nôm thông dụng, thì chúng sẽ trở thành người ngoại quốc trên chính đất nước của chúng!”. (Trích lời của ông G.Dumoutier – Giám đốc Nha học vụ Bắc Trung kỳ năm 1886).
Chính vì vậy, khi nói đến vấn đề thay đổi chữ viết từ Hán – Nôm sang chữ Quốc ngữ hiện tại, chúng ta phải thống nhất nhận định rằng: “Đó là do sự áp đặt có tính bắt buộc của chính quyền thực dân Pháp (được thể hiện bằng các quyết định, đạo luật), chứ không phải vì sự tiện lợi “tuyệt vời” của chữ Việt – Latin hay Quốc ngữ. Đó là lời giải thích duy nhất đúng mà chúng ta có thể trả lời với bất cứ ai, dù đó là bạn bè khắp thế giới hay mọi người Việt Nam mình, khi họ hỏi “Việt Nam Latin hóa, không học chữ Hán, nói rằng chữ Quốc ngữ là một thứ chữ tuyệt diệu để học tiếng Việt, liệu như thế có đúng không?”.
Dân tộc Việt Nam không hề tự từ bỏ chữ viết Hán – Nôm truyền thống của mình. Lịch sử thế giới cho thấy, chưa có quốc gia nào lại tự nguyện chối bỏ, thay đổi chữ viết truyền thống của mình. (Thổ Nhĩ Kỳ là một nước bị thay đổi chữ viết truyền thống gốc Ảrập sang chữ Latin do chế độ thực dân Italia áp đặt).
Ngược lại, nếu chúng ta nhìn nhận sai lầm rằng: Sự từ bỏ chữ viết Hán – Nôm là do chữ Quốc ngữ dễ học, tiện lợi, tiếp cận nhanh và thích hợp với sự phát triển của văn minh, khoa học thế giới (như lý lẽ của thực dân Pháp) thì bằng chứng về sự phát triển và văn minh của những nước có nền văn hóa và chữ viết gốc Hán (như Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc) sẽ được lý giải ra sao?
Họ không khi nào chấp nhận quan niệm về chữ Latin như vậy (kể cả các dân tộc dùng chữ viết gốc Latin). Họ có thể chứng minh rằng, chữ viết Latin không phải là một công cụ tuyệt hảo đến mức chúng ta phải bỏ đi nền văn hóa truyền thống và chạy theo nó. Chúng ta không thể xem chữ viết như một đồ vật thông thường, rằng thứ nào tiện lợi hơn, đẹp đẽ hơn thì sử dụng.
Chữ viết của một dân tộc, bất kể có từ nguồn gốc nào (Hán, Ấn Độ, Arập, Latin, Slavơ…) đều phản ánh sự văn minh, chứa đựng tâm hồn, tư tưởng của dân tộc đó. Nó giữ lại cả đời sống văn hóa, xã hội của dân tộc đó và truyền gửi cho muôn đời con cháu của mình.
Sự vun đắp, tích lũy kinh nghiệm sống, kiến thức hiểu biết, trí thông minh của cộng đồng được truyền lại qua nhiều thế hệ với cùng một ngôn ngữ, đó là nền văn hóa cổ truyền của dân tộc đó. Việc thay đổi chữ viết “Ta” bằng chữ viết “Tây” hoàn toàn do áp lực của chính quyền thực dân Pháp. Vì vậy, chúng ta không nhầm lẫn gì nữa trước hành vi “diệt ngữ” này.
(*) | Tiến sĩ hiện sống ở Bỉ |
Bài liên quan: