Lâu nay kịch nói phía Nam vẫn thường xuyên sáng đèn, nhộn nhịp với các đơn vị sân khấu xã hội hóa hùng hậu. Và Tết bao giờ cũng là thời điểm để sân khấu cả nước tích cực dựng vở mới. Cùng với điện ảnh và ca nhạc, sân khấu cũng là nơi cuốn hút giới trẻ nhiều nhất trong những ngày vui xuân…
Kịch Tết phía Bắc: vẫn cái cười châm biếm
Cuội buôn vua là tiết mục chính trong mùa xuân này của Nhà hát kịch Việt Nam tại các sân khấu của Hà Nội và các tỉnh lân cận. Từ kịch bản của đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn, đạo diễn Lê Hùng đã dựng nên một câu chuyện hài hước, dí dỏm về thói hám danh, ngu dốt của kẻ lắm tiền mượn từ những nhân vật dân gian như chú Cuội, thằng Bờm, phú ông... Và từ chiếc quạt mo của Bờm, đạo diễn đã dẫn dắt khán giả đi đến nhiều bất ngờ thú vị. Bờm ngốc nghếch, Cuội khôn ngoan và có tài nói dối, cả hai cùng tung hứng làm cho phú ông phải một phen thất điên bát đảo trong tiếng cười của khán giả.
Nhà hát Tuổi Trẻ, như thường lệ, trình diễn một tiết mục tổng hợp ca hài kịch có tên Xuân cười vui. Năm nay, chủ đề của “Đời cười 7” là vấn đề giao thông với những tiểu phẩm bi hài quanh việc đầu tư vào xe máy giá rẻ, bán đất để mua xe cho quý tử.
Kịch Tết phía Nam: Kinh dị + Hài vẫn là con toán tốt
Sân khấu kịch Phú Nhuận Hồng Vân đã từng gây tiếng vang khi nhận một lúc hai Giải vàng trong Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 2010 với hai vở Mẹ và người tình và Nỏ thần, nhưng cũng là sân khấu dẫn đầu doanh thu với vở kịch kinh dị Người vợ ma, với hơn 1.000 suất diễn. Từ thành công này, sân khấu Hồng Vân đã gần như chuyển hướng. Năm nào cũng vậy, cứ dịp Tết là sân khấu này ra mắt vài vở kịch kinh dị. Năm nay, sẽ có vở 12 giờ khuya kể về cái chết đầy bí ẩn của một cặp vợ chồng làm công trong hãng dệt. Vở diễn có sự tham gia của Ốc Thanh Vân, Anh Vũ, Lê Quốc Nam.
Sân khấu Thế Giới Trẻ với vở Lạnh một tí sau lưng được xem là vở đinh của sân khấu này trong dịp Tết. Vở diễn với không khí đầy ma mị cuốn hút người xem vào câu chuyện vụ án giết người đầy bí ẩn...
Sân khấu Sao Minh Béo cũng chọn thể loại kinh dị phục vụ khán giả dịp Tết. Vở Con ma nhà họ Mãn luôn có bóng ma nữ ẩn hiện trong ngôi nhà gia đình họ Mãn. Vẫn bầu không khí u ám và những hình ảnh mờ ảo thoắt ẩn thoắt hiện để tạo hiệu ứng sợ hãi, nhưng thông điệp sau cùng của nó là phê phán thực trạng buôn người đang làm nhức nhối xã hội. IDECAF có Linh vật hoàng triều - mượn chuyện người xưa mà chế diễu, đả kích chuyện tham nhũng, ăn đút ở cửa quan ngày nay. Bên cạnh đó là Trùm lừa và Tình gần của đạo diễn Hùng Lâm, cùng Chiếc vòng gia bảo do Đình Toàn dàn dựng.
Sau thành công với vở nhạc kịch Chicago, lần này đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy mang vở High school musical ra rạp Công Nhân từ mùng 4 Tết. Ngoài sự mạnh bạo đầu tư vào nhạc kịch, đạo diễn trẻ này còn chuyển ngữ vở nhạc kịch sang tiếng Việt, và đầu tư tốn kém với hy vọng vở diễn sẽ thu hút giới trẻ như Chicago.
… Sự chuyển hướng tích cực
Ai cũng biết đặc điểm của sân khấu kịch nói ở TP.Hồ Chí Minh là xã hội hóa với đồng chi thu rất khắc nghiệt từ túi tiền tư nhân. Vì vậy, dù hoạt động sân khấu phía Nam luôn luôn sáng đèn với hoạt động nhộn nhịp của hàng chục đơn vị trên địa bàn thành phố, nhưng vẫn là điều đáng âu lo… Sự khắc nghiệt của phòng vé và mối lo chi thu đã khiến các nghệ sĩ phải đi theo chiều hướng ngày càng thấp với nhiều vở diễn hài rẻ tiền và chiêu dụ khán giả bằng những trò giả gái, đồng tính, những kiểu chọc cười khá thô tục. Từ sau thành công của vở Người vợ ma ở sân khấu kịch Phú Nhuận, bắt được mạch của khán giả, hầu hết các sân khấu đều nở rộ kịch ma đến nỗi có năm trên địa bàn thành phố, tổng kết những vở diễn vui xuân, giới truyền thông đã thở dài mà than: Tết này ma quỷ tràn ngập trên các sân khấu, không biết sao Tết mà dân mình lại thích bị nhát ma tới như vậy?!
Nhưng thói thường cái gì cũng có mức bão hòa của nó. Công chúng bị nhát ma quá cũng cảm thấy nhàm chán, bị cù lét nhiều cũng thấy khó chịu. Vì vậy, có thể thấy rõ mùa Tết năm nay có sự chuyển biến khá tích cực khi vòng quanh các sân khấu. Chuyện ma bây giờ đã chuyển sang không khí hình sự. Bao giờ vào đầu câu chuyện cũng xuất hiện cái chết, cũng có những bí ẩn với bầu không khí cô đặc, u ám, nhưng cuối cùng chẳng có con ma nào cả mà là những vấn đề có tính thời sự nóng hổi của xã hội và kẻ gian phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Bên cạnh đó, những kiểu cười cù lét ngày trước giờ cũng chuyển thành những câu chuyện cười châm biếm, ý nhị, lấy chuyện xưa nói chuyện bây giờ… Và đặc biệt năm nay, các sân khấu đã chú trọng đến chính kịch nhiều hơn. Tết 2014, với bốn vở chính kịch, một vở nhạc kịch góp mặt bên cạnh các vở ma và hài thật sự đã là một sự chuyển biến khá tích cực.
Chính kịch trên sân khấu Tết
Trong các vở chính kịch chiếu Tết năm nay, nổi lên hai vở Gương mặt kẻ khác và Sông dài của hai sân khấu Hoàng Thái Thanh và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ. Đó cũng là điều không lạ, vì đây là hai sân khấu có tiếng nghiêm túc và luôn giữ gìn thương hiệu của mình.