Sự nhầm lẫn thời đại

Căn gác phía sau nhà tôi có cửa sổ cách vài chục mét nhìn ra đường phố. Đêm khuya tôi làm việc, vẫn thường nghe tiếng rao “Ai bánh chưng, gai, bánh giò!”. Cửa trước nhà tôi lại trông xuống hẻm sâu, con đường nhỏ khúc khuỷu quanh co song song đường phố. Nhìn từ trên cao, tôi thường thấy một người đàn ông đi trên chiếc xe đạp cà rỉ, cọc cạch có thúng bánh bự đèo sau lưng. Các buổi trưa hè oi ả hay đêm mưa đường vắng tanh, tôi vẫn nghe “… bánh giò!”

Tiếng rao đều đặn ấy khiến tôi hình dung: Đây là một người bố khắc khổ, cần mẫn lặn lội ngày đêm vì bữa cơm gia đình, lo cho vợ ốm yếu và một đàn con. Tiếng xe đạp lọc cọc có vẻ mệt mỏi nhưng tiếng rao không hề biết mỏi… nghe mà ấm lòng, chỉ cần thấy bóng dáng ông ta là tôi đã phải ngó ngang.

Đêm đêm, ông bán bánh giò đi qua được mấy phố, mấy hẻm, mấy ngách, mấy phường… hỏi ế bao lần? Lãi được bao nhiêu? Ngặt nỗi chỉ có những người làm đêm lỡ bữa đi - về, những đôi bạn đi khuya, những nhà có người già, con trẻ đói quá đêm… ông ta mới bán được hàng. Chỉ có đêm, phố xá mới lanh lảnh được ngôn ngữ riêng của người bán bánh giò!

Thế rồi một chiều gần tối, tôi đang thả bộ khi đường còn đông, tai bỗng nghe rõ mồn một cái thương hiệu bình dân quen thuộc “bánh gai, bánh giò!”. Đây rồi, chiếc xe lọc cọc từ phía sau vượt lên sát bên, tôi vội nhìn theo - A, không phải là ông mà là một bà gầy gò, tuổi trung niên vai so. Cặm cụi đạp, nhưng bà ta chẳng rao gì cả, mà đó, tiếng máy CD phát thanh! Như một con vẹt.

Tôi mới sực nhớ ra: Ngày nay, hiện đại - con người có điều kiện để đỡ hao tổn sức. Tốt thôi, dù sao tôi vẫn cảm động như khi phát hiện đâu đó có người thiếu phụ ru con nỉ non, có nhà sư lốc cốc nghiêm trang tụng kinh “nam mô Phật”… cũng bằng băng cát-sét hay đầu đĩa CD…

Một sự buồn vui lẫn lộn trong suy tư về sự lầm lẫn luôn có thực trong thời buổi này, lao xao về tất cả mọi chuyện, mọi hạng người.

Bạn đã bao giờ lóa mắt nhìn ma-nơ-canh đứng sừng sững trước cửa tiệm may lẫn với khách qua lại, với người chủ và cả các người mẫu siêu sao? Và bạn có vui không khi con rô-bốt giống y hệt con người? Hay CON NGƯỜI nào đang chịu sự đào tạo để trở thành RÔ-BỐT?

PHẠM THANH TÂM