Tỉnh Sa Đéc ra đời cùng lúc với 20 tỉnh đất Nam Kỳ từ ngày 1/1/1900. Một trăm năm trước, người ta ghi chép Phsar Dek chỉ có nghĩa là “Chợ Sắt” (Phsar = Chợ, Dek = Sắt). Người Việt rồi đến người Pháp đã “Việt hóa” và “Pháp hóa” thành “Sa Đéc” hay “Sadec”.
Một trăm năm sau, hai ngòi bút của Hội Sử học Đồng Tháp lý giải khác hơn…
Bài viết này xác định chứng tích lịch sử của vùng đất Phsar Dek đưa đến việc thành lập tỉnh Sa Đéc hồi đầu thế kỷ 20.
Sau khi Nam Kỳ bị chiếm trọn năm 1867, “lục tỉnh” từ đây trở thành thuộc địa của Pháp. Lúc ấy, chính quyền thuộc địa vẫn tạm thời duy trì sáu tỉnh, nhưng có vài đổi mới trong tên gọi như: tỉnh Sài Gòn, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Biên Hòa, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Châu Đốc, tỉnh Hà Tiên. Sáu tỉnh vừa kể được đặt ra 24 Sở Tham biện.
Tỉnh Châu Đốc có 3 tham biện: 1- Tham biện Châu Đốc (Châu thành Châu Đốc); 2- Tham biện Sa Đéc(Châu thành Sa Đéc); 3- Tham biện Ba Xuyên (Châu thành Sóc Trăng).
Tiếp theo, kể từ ngày 1/1/1868, số Sở Tham biện trong toàn Nam Kỳ từ 24 tăng lên 27, đặc biệt tại Sa Đéc, có mở thêm Sở Tham biện Cần Lố (nay thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Đến năm 1871, bãi bỏ Tham biện Cần Lố. Tham biện Sa Đéc cai quản 3 huyện: huyện An Xuyên (Nha Mân); huyệnVĩnh An (Sa Đéc) và huyện Phong Phú (Cần Thơ).
Đến năm 1899, toàn cõi Nam Kỳ lục tỉnh có 21 tham biện.
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký nghị định ngày 20/12/1899 bãi bỏ chữ tham biện (Inspection) và gọi là tỉnh (Province). Chữ Inspecteur thì đổi là Administrateur – Chef de Province (quan cai trị - chủ tỉnh). Nghị định vừa kể có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/1900.
Và cũng từ đó, Nam Kỳ thuộc địa có 21 tỉnh mới, được chính thức ghi danh theo thứ tự như sau: Gia Định, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Trà Vinh, Sa Đéc, Bến Tre, Long Xuyên, Tân An, Sóc Trăng, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Biên Hòa, Mỹ Tho, Bà Rịa, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Gò Công, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cap Saint Jacques. Thứ tự này được giữ cố định.
Tỉnh Sa Đéc đứng hàng thứ 6, nên thuở xưa, các ghe thuyền đăng bộ, có số 6 đứng đầu, người ta biết ghe thuyền ấy xuất xứ ở tỉnh Sa Đéc. Ghe nào có số đứng đầu 14, ta hiểu ghe ấy ở tỉnh Mỹ Tho.
Tại sao chính quyền thuộc địa lại chọn chữ Sa Đéc để đặt tên cho một tỉnh thuộc vùng đất Tầm Phong Long thuở xưa?
Triều Nguyễn, hoàn toàn không dùng chữ Sa Đéc để đặt tên cho một cơ cấu hành chính nào có tính cách “công quyền” ở vùng đất này. Lịch sử chỉ ghi: phủ Tân Thành, huyện Vĩnh An… (tức địa giới Sa Đéc ngày nay). Còn người Pháp thì họ làm theo phương cách riêng của họ.
* Hội Nghiên cứu Đông Dương ra đời:
Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) thành lập ngày 23/2/1883. Tôi xin nhấn mạnh về sự ra đời của hội này để từ đó phân ra những mấu chốt lịch sử. “Hội Nghiên cứu Đông Dương có chức năng nghiên cứu các vấn đề nông nghiệp, kỹ nghệ, lịch sử, ngôn ngữ, khảo cổ, mỹ thuật, dân tộc…
Hội có thư viện riêng, ra tập san Nghiên Cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des Études Indochinoises, viết tắt là BSEI). Hiện vật sưu tập được, đều để tại Viện Bảo tàng Sài Gòn” (Trích Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2001, tr.41). Hội Nghiên cứu Đông Dương giữ vai trò “tham mưu” cho chính quyền thuộc địa trong mọi lãnh vực nghiên cứu.
Ngày nay, khi nhắc đến hội này, chứng tích vẫn còn rành rành khi chúng ta có dịp đọc đến những quyển Monographie (Địa phương chí) của từng tỉnh ở Nam Kỳ được biên soạn từ những năm đầu thế kỷ 20. Thí dụ viết về địa chí tỉnh Sa Đéc thì nhan đề sách ghi là Monographie de la Province de Sadec (ấn hành năm 1903). Hai chữ Phsar Dek (Phsar = chợ, Dek = sắt) tức Chợ bán sắt, được dịch ra tiếng Pháp là Marché aux fers.
Hơn một thế kỷ trôi qua, không biết bao nhiêu sách vở viết về địa danh Sa Đéc đều ghi như trên.
Hiện nay tại thư viện của tạp chí Xưa & Nay ở TP Hồ Chí Minh có sưu tầm đủ bộ Monographie của 21 tỉnh đất Nam Kỳ.
***
Từ lúc tỉnh Sa Đéc ra đời đến nay đã có trên một trăm năm lịch sử. Không thấy một sử gia nào “nói đi nói lại” về ý nghĩa của hai chữ Sa Đéc, có ghi rõ ràng trong sử sách. Nhưng cách đây không lâu, hai cây bút của Hội Sử học tỉnh Đồng Tháp: ông Nguyễn Hữu Hiếu và ông Nguyễn Hữu Hiệp có những lý giải khác hơn. Hai ông đã phủ định hết tất cả biên khảo của các tiền bối, kể cả việc làm của tiền bối Trương Vĩnh Ký để lại trong di cảo Le Cisbassac cũng bị phê phán.
- Ông Nguyễn Hữu Hiếu có 2 bài viết đăng trên báo của Hội Sử học Đồng Tháp: 1- Địa danh Sa Đéc; 2- Bàn lại về địa danh Sa Đéc và 1 bài Lại bàn về địa danh Sa Đéc đăng báo của Hội Sử học Việt Nam.
- Ông Nguyễn Hữu Hiệp có 1 bài viết Nghiên cứu về địa danh Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp đăng trên báo của Hội Sử học Đồng Tháp.
Một trăm năm trước, người ta hiểu Phsar Dek chỉ có nghĩa là Chợ Sắt. Còn chợ đó là bằng sắt hay bán sắt, lợp sắt… thì cũng chỉ là bàn tán vậy thôi. Chớ có bắt nó phải có gốc từ chữ Hán là Cát, trong khi nó không thể có xuất xứ từ người Hoa hay người Việt??? (Nguyễn Hữu Hiệp).
Hoặc nói Sa Đéc là … “một danh từ chung, đa âm của người Khmer, để gọi cái miếu, cái đền thờ thủy thần” như ông Nguyễn Hữu Hiếu đã viết. Hoặc ông Hiếu viết rõ hơn: “… ở chợ Sa Đéc có một miếu thờ người con gái họ Thạch” v.v…
Hơn một thế kỷ đã qua, không thấy sách vở nào ghi như vậy. Từ một vị nữ thần nào đó, có miếu thờ đàng hoàng… nhưng hậu thế hôm nay không biết tìm kiếm ở đâu???
Hai ông Nguyễn Hữu Hiếu và Nguyễn Hữu Hiệp đã viết những trang sử mới về “địa danh Sa Đéc”. Nhân dân Sa Đéc rất ước mong các sử gia cùng các bậc thức giả đóng góp ý kiến.
__________
Tài liệu tham khảo:
- Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức)
- Đại Nam nhất thống chí (Lục tỉnh Nam Việt)
- Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim)
- Le Cisbassac (Di cảo của Trương Vĩnh Ký, được nhà khảo cổ Malleret dịch ra Pháp văn)
- Monographie de la Province de Sadec, 1903 (Hội Nghiên cứu Đông Dương biên soạn)
- Annuaire général de l’Indochine, 1910
- Sadec nhơn vật chí (Nguyễn Văn Dần và Nguyễn Văn Cứng), 1926
- Đất Việt trời Nam (Việt Điểu Thái Văn Kiểm), 1960
- Lịch trình hành chánh Nam phần (Đào Văn Hội), 1961
- Sa Đéc xưa & nay (Huỳnh Minh), 1970
- Tập san Sử Địa, số 14&15. Nhóm nghiên cứu trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, 1969
- Tập san Văn Hóa, số 2&3, Sài Gòn, 1969
- Tự vị tiếng nói miền Nam (Vương Hồng Sển), NXB Trẻ, 1999
- Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ (Bùi Đức Tịnh), NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1999