Sự thủy chung của đời người trong văn hóa Việt

Tròn một chu kỳ bốn mùa tám tiết của tự nhiên, ai ai cũng đều được tính thêm cho một tuổi, và tuổi mới thường được chọn ở cái mốc mùa xuân, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật. Bất luận đông tây kim cổ đều như vậy nhưng với người Việt ta có vài sự khác biệt: khác biệt giữa năm và tuổi, khác biệt ngay chính trong nội hàm văn hóa tuổi. Và chính sự khác biệt này mà từ ngàn năm qua nó vẫn tạo nên đặc nét độc đáo trong nền văn hóa Việt.

Không như những nền văn hóa khác, người Việt trước khi mở mắt chào đời dù chưa hình thành đủ dáng hình cụ thể thì hài nhi kia vẫn được cộng đồng nhìn nhận ở sự hiện diện của nó và ra sức bảo vệ. Thế nên ngay khi vừa lọt lòng mẹ đứa trẻ đã được tính ngay cho một tuổi rồi. Một tuổi chớ không phải một năm theo tư duy một cách rất hướng ngoại và cơ giới như người Anh, người Trung Hoa… – “one year old”, “yí nẻn”… Với các nền văn hóa như trên chẳng hạn, thiếu một ngày sống trên đời thì không ai được tính thêm tuổi. Ở đây chúng ta không luận tốt xấu hay dở mà chỉ thuần túy nhìn ở góc độ phong cách nhân văn mà thôi. Vả chăng lâu nay chúng ta vẫn đã tiếp thu và học hỏi nghiêm túc văn hóa “one year old” để ứng dụng trong khoa học hành chánh đó sao!

 

 Lễ thượng thọ cụ ông

 Lễ thượng thọ cụ bà

Thế người Việt ta có “ăn gian” không? Không, ngàn lần không! Người Việt Nam tuy nghèo nhưng có thừa hào phóng, chỉ có cho thêm chớ không lấy bớt đi của ai bao giờ.
Sinh lão bệnh tử, già rồi chết đi là lẽ thường. Nhưng ngay cả một người Việt dù chỉ là người bình thường thôi đi nữa, khi nhắm mắt xuôi tay rồi thì những người thân còn lại vẫn coi như chưa thực chết. Bởi người chết kia vẫn còn lại cái bóng kia mà (hồn ma bóng quế). Họ sẽ được cư xử như người còn đang hiện hữu, cũng ngày ngày được dâng cơm bữa nước nôi... Chỉ sau khi làm tuần mãn, thường là một năm sau, thì người chết mới được coi như thực chết để rồi từ đó về sau người ta chỉ làm giỗ để kỷ niệm ngày mất. Chỉ “coi như” thôi là bởi họ vẫn còn tồn tại trong tâm tưởng của người đang sống kia mà.

Do chưa sinh đã được nhìn nhận rồi nên người Việt không kỷ niệm ngày sinh mà chỉ kỷ niệm những ngày thọ và ngày tử. Ngày giỗ, có thể coi là sản phẩm văn hóa được sáng tạo nên bởi tâm hồn và tư duy thuần túy Việt Nam. Một ngày trọng đại nào đó của dân tộc có thể có người không nhớ, nhưng bất kỳ người Việt nào cho dù ở đâu đâu đi nữa vẫn không bao giờ quên mà luôn tâm niệm “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Giỗ ai vậy? Là một dân tộc luôn phải đối mặt với thiên tai địch họa, những di sản vật thể để chứng minh cho sự tồn tại và phát triển của mình đối với nhân loại, dân Việt để lại cho mình và cho đời là không có gì đáng kể. Cái đáng kể và khả dĩ để cho nó luôn được tiếp nối trường tồn là cái phi vật thể – một trong nhiều di sản quý báu ấy là cái ngày giỗ này đây.

Quả thật không ai được biết mình sinh ra khi nào và chết đi vào ngày tháng năm nào. Ví dụ, anh sinh ngày 9 tháng 10 năm 1960. Thật ra cái biết đó chỉ là do anh nghe mẹ cha nói lại hay giấy tờ khai sinh chỉ ra, chớ anh không hề thực biết! Ngày mất cũng vậy, chỉ con cháu và những người còn lại biết mà làm giỗ cho anh đó thôi… Vậy ai sẽ là người thu xếp cho sự tận thủy tận chung ấy của năm tháng đời người vốn là một trong những đức tính cao đẹp của người Việt nếu không phải là những người đang sống? Vâng, chính những-người-Việt-đang-sống một tay nắm vào quá khứ, một tay nắm vào tương lai trong chuỗi dài dằng dặc đã tạo nên cái mắt xích tồn tại bền vững không một kẽ hở nào trên cái vòng tròn dân tộc tính ấy bất chấp thử thách nghiệt ngã của thời gian, và không một ngoại lực hữu hình hay vô hình nào công phá nổi!

Đứa trẻ tròn một năm kể từ ngày sinh, tức 2 tuổi ta, nó sẽ được ăn mừng thôi nôi. Tròn một hoa giáp 13 tuổi ta, và tiếp theo là đáo tuế - hạ thọ (60 tuổi), trung thọ (70 tuổi), thượng thọ (80 tuổi), đại thọ (90 tuổi), rồi trường thọ (100 tuổi) là những ngày kỷ niệm tiếp theo.
Văn hóa của mình đôi khi mình lại thờ ơ bởi nó quá quen thuộc. Cũng phải thôi, bởi nó bình thường như khí trời ta vẫn hít thở từng ngày nên có mấy ai kịp nghĩ cho rằng nếu như ngày nào đó lỡ ra ta không còn có nó!… Là nói như vậy thôi, chớ với người Việt, ta có quyền tin rằng nét văn hóa này của mình đã và sẽ mãi mãi thấm đẫm vào máu thịt, vào cả trong trời đất. Dù trong lòng đại dương thẳm sâu, dưới lòng đất âm u hay giữa không gian lồng lộng trên cao kia tôi tin rằng nếu có hai nhà khoa học người Việt trò chuyện với nhau thì trong câu chuyện ấy thế nào cũng có người nhắc nhớ, đại thể “Hôm nay đám giỗ má tôi”…

Từ Phạm Hồng Hiên