Đó là câu thơ của một phụ nữ đã qua tuổi bảy mươi chưa bao giờ biết làm thơ sau một đêm trằn trọc không ngủ và sáng sớm tinh mơ mở cửa sổ ngước lên trời nhìn ngôi sao mang cái tên thân thương của người chồng mới qua đời của mình. Vì ông tên là Khuê, Giáo sư-bác sĩ Phạm Khuê, nguyên Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Tổng hội Y Dược học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên Hội Người cao tuổi Việt Nam, nguyên đại biểu Quốc hội. Ông cũng từng là Tổng biên tập tập san
, hội viên Hội Y học Paris, Phó chủ tịch Hội Lão khoa các nước nói tiếng Pháp.
Bà là Đỗ Thị An, người vợ tảo tần năm mươi năm đầu gối tay ấp của ông. Họ đã cưới nhau gần đúng 50 năm tính đến ngày ông mất (tháng 1/2003). Bà còn nhớ rõ hồi ấy bắt đầu chiến dịch Tây Nam ở Ninh Bình, ông làm Viện trưởng Phân viện K32, bà là dược tá ở đấy. Cưới xong tối hôm trước thì sáng hôm sau ông đã đeo ba lô lên đường tham gia chiến dịch. Cưới trong rừng nhưng cũng đông vui bao bè bạn, anh chị em trong phân viện. “Tiệc cưới” đơn sơ chỉ có lạc rang và chuối, dưới đất thắp đèn bão có che chắn và trên đầu máy bay địch vè vè lượn. Nhưng có hề chi vì lúc ấy họ còn rất trẻ, đầy nhiệt huyết, ông 28 và bà 21 tuổi. Để đến được với nhau họ đã phải vượt qua bao khó khăn thử thách, bao ngăn cản và định kiến vì thành phần xuất thân của ông(*) trong lúc bà đã là một đảng viên trẻ nhiều triển vọng. Chỉ 5 năm sau, qua một chặng đường phấn đấu cống hiến bền bỉ và không hề tính toán cá nhân, năm 1958 ông mới được kết nạp Đảng và trở thành đồng chí của bà.

Ông bà Phạm Khuê - Đỗ Thị An năm 1967. Ảnh: Phạm Tôn.
Năm 1954, hòa bình lập lại, hai ông bà đều về công tác ở Cục Quân y. Năm 1962 ông ra làm công tác giảng dạy ở Đại học Y. Cuộc sống tưởng dễ dàng hơn nhưng trên thực tế hai vợ chồng vẫn phải sống riêng rẽ hai nơi. Ông ở với đơn vị ở Cục Quân y và bà một nách hai con trai nhỏ _ Phạm Hùng và Phạm Thắng _ sống trong một căn phòng 10m2 ở khu tập thể cơ quan bên bờ sông Hồng. Căn nhà bằng gỗ, đêm mùa đông gió lạnh lùa qua khe cửa. Cho đến bây giờ bà vẫn không hiểu tại sao bản thân là một cô gái gốc Hà Nội, sinh ra ở phố Dã Tượng, quận Hai Bà Trưng, sau đấy ở rừng nhiều, sốt rét nhiều, gầy nhỏ và yếu đuối, bà lại có thể vừa nuôi hai con vừa tích cực công tác, vượt qua được những năm tháng gian khổ và khó khăn ấy. Có thể một phần nhờ tình yêu và sự động viên khích lệ của ông và cũng do quyết tâm phải luôn vươn lên trên con đường đi cùng với ông mà bà đã chọn. Bà nói với tôi: “Tôi cũng chịu nhiều ảnh hưởng của nhà tôi. Anh ấy là người rất chịu khó và luôn vượt khó khăn. Thời sinh viên, anh chơi accordéon, chơi guitare để lấy tiền ăn học. Thời kháng chiến chống Pháp, làm việc trong một quân y xá vùng địch hậu, anh đã làm đủ mọi việc, từ mổ vết thương chiến tranh để đỡ đẻ, mổ quặm, chữa lỵ, chữa ghẻ, sốt rét… vừa làm vừa học. Thời chống Mỹ, đưa sinh viên đi sơ tán, đi tham gia cấp cứu phòng không chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, sau đó chuyển sang nội khoa đi sâu nghiên cứu các bệnh về tim mạch, các bệnh của người già. Lúc nào cũng làm, cũng đọc… Về nhà thì dù ốm yếu, từ lúc trẻ đến già, anh vẫn luôn tự giặt lấy quần áo, đi làm về lúc rảnh rỗi là lau nhà, rửa bát, không nề hà bất cứ việc gì…”.
*
Vào nhà Giáo sư Phạm Khuê, một căn hộ chung cư tương đối rộng rãi, trang nhã và đơn giản, căn phòng đầu tiên đập vào mắt khách là thư phòng. Một căn phòng không lớn, chỉ độ 10-12m2 và không có cửa sổ. Nhưng bao quanh cả ba mặt tường là các giá sách cao đến tận trần nhà và điều làm tôi chú ý là cuốn sách nào cũng được bọc giấy báo cẩn thận. Một chiếc đèn chùm treo trên trần và chiếc ghế tựa có bánh xe bên chiếc bàn rộng để đọc và viết. Nhưng bà An kể với tôi là ông chỉ ngồi khi viết, khi cần đọc và ghi chú. Còn thông thường, sau mỗi buổi chiều làm việc về, tắm rửa xong, ông hay nằm trên chiếc ghế xích đu bằng mây để ngoài hiên nhà đọc sách báo và luôn luôn nằm cạnh chân ông là ba con mèo trắng, mèo tam thể mà ông hay bế ẵm và vuốt ve. Ông là tác giả của 19 đầu sách và đồng tác giả của 31 cuốn sách y học khác, có 68 công trình nghiên cứu về nội khoa và bệnh lý người cao tuổi, 66 đề tài nghiên cứu viết cùng các đồng nghiệp. Nhưng ông không chỉ đọc sách về y học. Ông thích đọc Chu Ân Lai, đọc các tác giả văn học cổ điển và đương đại, thích Tolstoi và Pautovski, thích âm nhạc và chơi cây cảnh. Theo ông, ngành y không đơn thuần là một ngành khoa học, nó ở giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, có phần hồn và phần tâm lý, có cả nghệ thuật xử thế. Đó là một nghề nhân văn.
Một thầy thuốc, một trí thức lớn đầy tính nhân văn như thế, một người đàn ông, một người chồng và người cha tuyệt vời như thế lại nhanh chóng ra đi sau một cơn bệnh đột ngột và hiểm nghèo trong lúc còn đầy mơ ước cống hiến và sáng tạo, trong lúc cả hai ông bà đang sung sướng chờ đón ngày kỷ niệm 50 năm sống ấm áp bên nhau. 50 năm cùng nhau sát cánh vừa làm việc vừa nuôi dạy hai con trai giỏi giang và thành đạt hết lòng phục vụ đất nước, hết lòng yêu quý cha mẹ và gia đình. Năm cháu nội của ông bà đều thông minh, xinh đẹp, là con ngoan, trò giỏi… Tôi không thể nào quên buổi tối trời lạnh giá theo bà vào thăm ông nằm thiêm thiếp sau lần cửa kính ở bệnh viện Việt–Nhật. Bà đứng ngoài cửa kính, đôi mắt đăm đăm đau khổ, vừa tuyệt vọng vừa như còn cố níu chút hy vọng. Và sau đó hai hôm, gặp bà ở cổng, tôi hỏi thăm “Sức khỏe anh hôm nay ra sao hở chị?” thì bà rơm rớm nước mắt trả lời nho nhỏ: “Anh ấy mất rồi chị ạ!”. Tôi sững sờ. Tin quá đau buồn, nhưng sao lại có người phụ nữ bình tĩnh, chịu đựng và gan góc đến vậy!
Hai năm sau, trong một lần cùng nhau đi dạo buổi sáng, bà giữ tôi ngồi lại trên ghế đá công viên và rụt rè đưa cho tôi xem một tập thơ nho nhỏ do đứa cháu gái của bà vừa đánh máy xong. Bà nói: “An không biết làm thơ đâu, chỉ vì nhiều đêm không ngủ được rồi tự nhiên trong đầu lại nghĩ ra…”. Tôi đọc lướt qua mấy bài và hết sức ngạc nhiên. Những lời thơ mộc mạc, chân thành nhưng thật truyền cảm. Truyền cảm cho người đọc hết tình yêu và nỗi đau của bà.
Tôi xin ghi ra đây hai trong những bài thơ đã ám ảnh tôi cho đến hôm nay:
Ước gì Ước gì tôi biết làm thơ Để tôi gửi cả tâm tư nỗi lòng Ước gì tôi biết làm văn Để cho nhật ký từng trang thêm dày Ước gì biết lối đường trời Để tôi tìm lại được người tôi yêu Sao Khuê lấp lánh trời cao Là ngôi sao sáng ngọt ngào đời tôi. |
Đã hai mùa đông Đã hai mùa đông vắng bóng Anh Đêm em nằm như cây củi mục Giá lạnh vây quanh đêm dài trằn trọc Đôi chân gầy chẳng biết ủ vào đâu Quá khứ buồn vui cứ lởn vởn trong đầu Những chuyện vui triền miên nhớ mãi Còn chuyện buồn muốn cất tận lòng sâu Thời gian nào khỏa lấp được nỗi đau… |
Tôi nghĩ, không có nhà thơ nào không phải là vợ góa tha thiết nhớ chồng, thương chồng, tự cảm thấy dường như mình không còn giá trị gì ở trên đời này khi chồng mình đã vĩnh viễn ra đi lại có thể viết được hai câu như: “Đêm em nằm như cây củi mục” và “Đôi chân gầy chẳng biết ủ vào đâu” như bà đã viết.
Tháng 10/2011
(*) Ông là con trai của Phạm Quỳnh.