Chẳng bao giờ gian bếp lại trở nên ấm cúng và đông vui như mỗi độ cuối tháng chạp. Mọi người trong gia đình quây quần, góp cho ngày Tết đầy thêm hương vị. Trong cái se se lạnh lúc giao mùa, sẽ thấy thoang thoảng mùi thơm của nếp, đậu xanh, củ hành, củ kiệu… len lỏi thoát ra từ từng mái nhà thỏa thuê phả vào trong gió, hòa quyện cùng với hương đất trời, sẽ thấy cả cái Tết yêu thương ấm áp đang ùa về.
“Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”, bởi vậy, dù gia cảnh thế nào cũng phải lo cho ngày Tết được sung túc: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” và “Tết về có bánh chưng xanh”. Theo quan niệm truyền thống, mâm cỗ Tết còn thiêng liêng ở chỗ trước là để cúng các vị thần linh trong nhà, sau là cúng ông bà, tổ tiên, cuối cùng mới là để gia đình quây quần sum họp, vì thế gia chủ bao giờ cũng chuẩn bị chu đáo, kỹ càng sao cho được “mâm cao cỗ đầy”, sao cho toát lên nét văn hóa ẩm thực của cha ông. Mâm cỗ Tết theo truyền thống của ta thường có các món như: bánh chưng, xôi gấc, gà luộc, xôi đậu xanh, giò chả, dưa cải, củ hành-kiệu nén, chén nước chấm, rượu gạo, các món rau và các món mặn khác tùy theo từng vùng miền, tùy theo nhu cầu mỗi nhà sao cho tròn mười món, với mong muốn một năm tròn đầy, viên mãn.
 |
Chẳng phải ngẫu nhiên mà hiển hiện trên mâm cỗ Tết Việt âm dương cân bằng, màu sắc hài hòa như thế. Có thể nói, đó là tác phẩm nghệ thuật được kết tinh bởi trí tuệ và tâm hồn của dân tộc. Ngay trong tấm bánh chưng, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, tiêu, muối; được gói bằng lá dong và buộc bằng lạt mềm cũng thể hiện được âm dương tương xứng, tỏ đầy đủ lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Trên mâm cỗ Tết, đĩa dưa cải muối chua, nhân bánh trưng đậu xanh, mứt… có màu vàng tượng trưng cho hành Thổ thể hiện sự an lành, thịnh vượng. Màu xanh tươi của rau trái, tượng trưng cho hành Mộc, thể hiện mùa xuân tươi tốt, sum vầy. Màu đỏ của xôi gấc, thịt nạc đỏ hồng, hành tím nén… tượng trưng cho hành Hỏa thể hiện niềm tin, sự may mắn. Màu trắng của cơm, xôi, củ kiệu nén… tượng trưng cho hành Kim, thể hiện sự vững chắc, bền bỉ. Màu nâu, đen của nấm mèo, tiêu… tượng trưng cho hành Thủy, thể hiện sự may mắn, hanh thông. Ngoài ra, trong mâm cỗ Tết, cũng thường có món chân giò ninh măng giúp trung hòa hương vị trong bữa ăn, tạo cuộc sống sung túc, đâm chồi; hoặc tô canh khổ qua dồn thịt, với ước mong cuộc sống sẽ tốt đẹp như dư vị ngọt ngào của tô canh khi qua cái đắng… Trên mâm cỗ ngày Tết có đầy đủ ngũ vị: mặn, ngọt, chua, cay, đắng tượng trưng cho ngũ hành vần xoay, cuộc sống no đủ. Cho nên, mâm cỗ Tết không chỉ để “ăn” mà còn thể hiện ước mong một năm mới thuận lợi, tốt đẹp!
Làm mâm cỗ Tết chẳng phải để ăn lấy no, mà ăn lấy lộc, ăn lấy hương đất trời. Vì thế, có những người con do học hành, do công tác phải xa quê, cũng ráng vượt đường xa vạn dặm về quê, vì ở xứ người cái ăn chẳng thiếu, chỉ… thiếu quê hương, như Nguyễn Tuân đã nói. Dẫu thời nay cuộc sống có nhanh hơn, thú chơi Tết và “ăn Tết” có phần khác xưa, nhưng một khi gia đình sum vầy bên mâm cỗ, sau khi dâng dương cúng ông bà, thì sự hiếu đạo, lễ nghi vẫn còn hiện diện đầy đủ dưới mỗi mái ấm gia đình.