Sắc màu trên giấy điệp

Tranh Tết xuất hiện ở phương Đông đã lâu trong các đô thị cổ Trung Hoa, nhưng phải đến thế kỷ XVI mới chính thức có mặt ở Việt Nam, với dòng tranh dân gian Đông Hồ. Chúng ta không biết trước đó, người Việt có chơi tranh Tết hay không và chúng được làm như thế nào, nhưng chắc chắn những hình thức có tính tín ngưỡng trong các dịp lễ Tết ắt phải có.

Vị Tiến sĩ nhà Lê, Lương Như Hộc (1420 - 1501) khi đi sứ ở Trung Quốc đã học được nghề in khắc gỗ và truyền cho hai làng Hồng Lục, Liễu Chàng (Hải Dương) quê hương ông, có lẽ chẳng bao lâu nghễ in khắc gỗ lan đến miền Thuận Thành, Bắc Ninh, và người dân Đông Hồ đã học được nó đưa vào in khắc tranh. Người Lục Liễu ra phố Hàng Trống, Hàng Nón làm nghề in khắc sách, và nhanh chóng được phiên chuyển thành in khắc tranh Hàng Trống. Dân làng Kim Bảng và Hoàng Bảng ở Hà Đông cũng mau chóng học được nghề in khắc tranh, gọi là tranh Kim Hoàng, phổ biến trong thế kỷ XIX. Có điều đặc biệt là cả ba dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng đều do những người gốc Thanh Hóa làm.

Có ba loại kỹ thuật in khắc gỗ: Hắc bạch mộc khắc (khắc gỗ đen trắng) thường dùng trong in khắc sách và bản Kinh, Thao sắc mộc khắc (khắc và in bằng các bản in màu) dùng trong in tranh dân gian Đông Hồ, và Bút thái mộc khắc (khắc in gỗ nét đen, còn màu tô bằng bút) dùng trong in tranh dân gian Hàng Trống. Người Trung Hoa gọi là tranh Niên họa, tức là tranh dùng vào dịp năm mới hàng năm, cũng đồng nghĩa với tranh Tết ở Việt Nam, chúng đều ra đời và thịnh hành trong điều kiện kinh tế nông nghiệp thịnh đạt, nhu cầu tinh thần cao của người nông dân và sự ra đời của các đô thị cổ với đời sống thị dân.


Phơi tranh. Nguồn: skydoor.net

Vào mùa đông, người làng Mái (Đông Hồ) đã nhộn nhịp in tranh bằng các ván khắc do cha ông để lại. Giấy dó pha nhỏ, gọi là pha đôi hoặc pha ba, quét điệp có màu trắng lóng lánh từ nhang vỏ sò điệp biển, đốt tồn tính. Màu xanh từ gỉ đồng, đỏ từ đá son, vàng từ hoa hòe, nâu từ củ nâu, và đen từ tro lá tre, rơm… nghĩa là toàn màu gốc tự nhiên. Ván màu in trước, nét đen in sau. Người thợ đặt tờ điệp lên ván in quay ngửa lên, rồi xoa bằng xơ mướp, nên gọi là in ngửa. Ở những tranh lớn, người Đông Hồ học lối vờn màu bằng bút của người Hàng Trống.

Tranh xếp thành chồng, đưa lên thuyên rồi rong ruổi theo các triền sông, từ sông Đưống sang sông Hồng, xuôi Thái Bình, vào Lục Đầu giang đến sông Cầu, sông Thương, đến các chợ làng, bán buôn, hoặc bán lẻ. Những năm ế tránh, người Đông Hồ phải chạy chợ đến 30 Tết, nên dân gian có câu rằng: Con gái đừng gả cho anh hàng tờ/ Ngày ba mươi tết vẫn phất phơ ngoài đường. Các đường, hiệu ở Thăng Long, thì hoạt động quanh năm, thường nhật vẽ tranh thờ, hoàn toàn vẽ tay hoặc in, đến dịp Tết thì làm tranh Tết như tranh Đông Hồ. Phố Hàng Trống, Hàng Nón, Lý Quốc Sư, Hàng Bông, Hàng Hòm, Hàng Quạt, Tô Tịch… đều có cửa hiệu tranh, phần do người Lục Liễu, phần do người Nhị Khê thực hiện, nhưng nổi danh lại thuộc dòng họ Lê Đình gốc Thanh Hóa, hậu duệ là cụ Lê Đình Liệu còn vẽ tranh trong thế kỷ XX.

Dòng tranh Kim Hoàng, còn gọi là tranh đỏ, do in trên giấy nhuộm nước tàu vang. Dòng tranh này kết hợp những kỹ thuật của tranh Đông Hồ và Hàng Trống, để tự có một lối riêng với những nét vẽ trên nền đỏ, hoặc những mảng lớn gần với đồ họa hiện đại. Ra đời muộn, nhưng tranh Kim Hoàng lại lụi tàn sớm khoảng những năm 1945.

Dòng tranh làng Sình ở Huế cũng có nét độc đáo, bởi tính tạo hình hoang sơ mang nhiều ý tưởng tôn giáo. In nét đen, rồi tô màu phẩm, tranh được làm rất nhanh chóng, chủ yếu dùng trong nghi thức tín ngưỡng rồi hóa vàng.

Mỗi một dòng tranh đều có ít nhiều xuất xứ liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, và phần tranh thờ cũng chiếm một số lượng đáng kể. Song, tranh sinh hoạt và chúc tụng năm mới, mới làm rõ tinh thần dân gian, yêu cuộc sống lao động, hài hòa với thiên nhiên, lấy cái nhàn hạ của các bậc thoát tục, cái thanh bình của nhà nông làm ước vọng.


Lợn âm dương. Tranh dân gian Đông Hồ

Cách thức chơi tranh dân gian của người Việt có lẽ cũng không khác lắm so với người Trung Quốc. Có loại tranh thờ cúng và chúc tụng. Tranh thờ cúng có thể treo quanh năm. Ngoài cổng dán hai võ sĩ Ất đinh và Giáp đinh, ban thờ chính trong nhà treo bộ tranh chủ, chính giữa là bức vẽ ban thờ có chữ Đức Lưu Quang, hai bên có hai câu đối chữ Nho cách điệu thành hình người và hoa lá: Tứ thời xuân tại thủ / Ngũ phúc thọ vi tiên (Bốn mùa xuân bắt đâu / Năm phúc thọ đứng trên). Hai bên có thể là hai chữ Phúc / Thọ lớn, hoặc hai bức tranh Công và Cá chép trông trăng. Gầm ban thờ thì dán tranh Thần Hổ. Tranh chúc tụng thường chỉ bán dịp Tết với ý nghĩa cầu mong cho ngày xuân, năm mới gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống, lợn gà đầy chuồng, thóc lúa đầy bồ. Những bức tranh Gà đàn, Lợn ăn cây ráy, Vinh hoa, Phú quý, Thất đồng… đều mang ý nghĩa thế cả. Tùy theo tuổi sinh, người ta có thể tặng trẻ con bức tranh, tuổi lợn hoặc tuổi gà. Nếu lợn, trâu bò biếng ăn, người ta dán bức tranh con vật đó vào chuồng. Tranh dân gian giá chỉ vài xu ngày xưa, vài ngàn hiện nay, nên người ta mua hàng năm, hỏng lại bỏ đi, sang năm mua bức mới, thế mới đúng nghĩa là Niên họa.

Tranh dân gian không mang giá trị nghệ thuật cao như tranh hội họa độc bản của các danh họa, nhưng nó được đúc kết lâu đời các hình vẽ tượng trưng, đường nét chắt lọc, người vẽ cũng xuất thân từ nông dân, họ thuộc lòng đồng ruộng gia súc, nên vẽ theo trí nhớ sinh động và lấy được những gì ấn tượng nhất. Người nông dân thuộc các tượng trưng đó, họ biết thế nào là tứ linh, tứ quý, họ xem tranh để suy nghĩ về đời sống trần thế của mình. Một đời sống trọng các giá trị hiện thực và trực tiếp, dĩ thực vi tiên, và nghệ thuật dù sâu sắc đến đâu cũng không ngoài cái ý nghĩa dĩ văn tải đạo.

PHAN CẨM THƯỢNG