Sau những sôi động nhờ có hai đợt Hội diễn Sân khấu kịch nói và cải lương chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức tại TP.HCM cuối năm 2009, năm 2010 vừa qua được xem là một năm khá “bình yên” của sân khấu TP.HCM. Không có vở diễn nào tạo được sự đột biến về mặt sáng tạo, chẳng thấy không khí nô nức, vồ vập trong việc làm nghề, chỉ từ từ nhàn tản như người già tập dưỡng sinh.
Thật ra, theo thông lệ, việc dàn dựng những vở mới thường chỉ tập trung cao vào đầu năm dương lịch, thời điểm chuẩn bị cho đợt “tổng tấn công” vở diễn mới ra mắt trong dịp Tết Nguyên đán. Hầu hết những sân khấu lớn như IDECAF, Hồng Vân, 5B,… đều dựng từ 3 đến 4 vở và những vở này sẽ là những kịch mục chủ lực được công diễn suốt cả năm.
Trong số 4 vở mới dựng trong năm 2010 của Công ty Thái Dương (sân khấu IDECAF), ngoài Một cuộc đời bị đánh cắp là chính kịch, các vở còn lại như Họng súng vô hình, Con Tám con Cấm, Thuốc đắng giã tật, Vùng đất cấm (ba vở sau có đề tài dân gian) mang nhiều hơi hướng náo kịch với không khí sàn diễn luôn ồn ào, chủ yếu gây cười. Phương hướng diễn xuất thiên về ngoại hình này thời gian qua đã khiến cho một số đối tượng khán giả vốn yêu thích dòng kịch tâm lý xã hội sâu sắc của sân khấu IDECAF trước đây ít nhiều bị hụt hẫng. Dẫu vậy, những người phụ trách ở đây xem ra vẫn rất tự tin vào con đường mình đang đi bởi “dù ai nói ngả nói nghiêng”, các vở kịch này suốt năm vẫn đều đặn hết vé.
Thái độ bình chân như vại ấy còn dựa trên một thực tế, bên cạnh những vở mới, hàng chục vở cũ được diễn xoay vòng, trong đó có những vở trên dưới 10 tuổi đời vẫn còn hút khách như Cậu Đồng, Cái tráp vàng, 12 bà mụ,… Nhưng thế mạnh gần như không đối thủ của công ty Thái Dương là kịch thiếu nhi nằm trong chương trình Ngày xửa ngày xưa và sân khấu rối.
Trong năm qua, công ty này đã dựng 3 vở “nhạc kịch” dành cho lứa tuổi nhỏ vào ba thời điểm, gồm Ba chú bé khoai lang tây và ba bà tiên (hè), Võ công tiểu quái (Trung thu) và Tề thiên đại náo thiên cung (Noel). Ở lĩnh vực biểu diễn rối, ngoài một nhà hát rối nước Rồng Vàng (trong khuôn viên Cung Văn hóa Lao động TP.HCM) đều đặn một ngày vài ba suất, các đội rối cạn hằng tuần vẫn liên tục chia đi diễn khắp nơi theo hợp đồng, trong năm 2010, công ty Thái Dương đã mở thêm một Nhà hát múa rối Nụ Cười tại Đà Nẵng.

12 bà mụ. Nguồn: tuoitre.vn.
Trong năm 2010, tuy không có sự đột phá về vở diễn gây tiếng vang như năm trước nhưng Sân khấu Hồng Vân vẫn tạo ra được những điều mới. Ngoài hai điểm diễn tại Phú Nhuận và rạp Kim Đô (cũ) trên đường Nguyễn Thái Bình (Q.1), năm 2010, bà bầu Hồng Vân còn mở thêm một điểm mới tại siêu thị Superbowl trên đường Trường Sơn (Tân Bình). Bên cạnh một Giếng lạ được đánh giá cao chất lượng, hai vở Oan gia và Căn hộ 404 ra đời trong năm qua cũng được các nhà chuyên môn xếp vào hạng khá. Cũng như IDECAF, tuy chỉ vài ba vở mới nhưng Sân khấu Hồng Vân suốt năm sống khỏe nhờ hàng loạt vở cũ như Người vợ ma, Ngôi nhà hoang, Mẹ và người tình, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây,… Ngoài việc tổ chức biểu diễn, năm qua, bà bầu Hồng Vân còn mở lớp chiêu sinh khoảng 50 học viên sân khấu do nghệ sĩ Minh Nhí trực tiếp phụ trách, nhằm tìm kiếm những gương mặt mới, đồng thời tạo cơ hội cho những người yêu thích tiếp cận được với nghề diễn.
Năm 2010 là một năm hơi khó khăn của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ khi những vở ăn khách nhất vẫn là những vở cũ như Nếu như yêu, Kính thưa osin, Dạ cổ hoài lang,… cho dù có thêm Dòng nhớ, Trò chơi của quỷ, Đời có đợi anh không… Nhà hát kịch TP.HCM, đơn vị kịch nói quốc doanh duy nhất của TP.HCM năm qua không dựng vở “hoành tráng tiền tỉ” như những năm trước, chỉ diễn những vở kịch làng nhàng, chờ đợi sự “bùng nổ” về doanh thu từ những chuyến trở về của vợ chồng diễn viên Kiều Oanh.
Sân khấu Kịch Sài Gòn, sau một thời gian trồi sụt vì ông bầu Phước Sang dành hết tâm huyết cho việc sản xuất phim, thời gian gần đây bắt đầu hoạt động đều trở lại song chất lượng vở diễn khiến dư luận không khỏi lo ngại. Sân khấu Nụ Cười Mới, sau khi vắng bóng người sáng lập là nghệ sĩ Hữu Lộc, những người “kế vị” đã tìm được cho sàn diễn của mình một chỗ an cư mới là bên cạnh nhà hát Hòa Bình (Q.10). Với sự chung vai gánh vác trách nhiệm của nghệ sĩ hài Hoài Linh, những vở diễn của sân khấu này luôn được khán giả ủng hộ. Tuy nhiên, việc thử nghiệm dựng vở chính kịch Tình cha trong năm qua của Sân khấu Nụ Cười Mới có vẻ không mấy thành công vì không khai thác được sở trường gây cười của Hoài Linh, một yếu tố đã và đang quyết định cho sự sống còn của sân khấu này.
Năm qua, Sân khấu TP.HCM có thêm hai điểm diễn mới: Nhà hát Thế Giới Trẻ và Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Tuy được thành lập đã vài năm song chỉ đến 2010, nhà hát Thế Giới Trẻ mới bắt đầu đỏ đèn hằng tuần do có sự đầu tư của một Việt kiều Úc. Với mục đích lôi kéo khán giả trong buổi đầu, cả bốn vở dựng ở đây như Lầu hoang, Điện thoại nửa đêm, Yêu nhầm hoạn thư và Chuyện hai chàng đều mang yếu tố ma và hài.

Nghệ sĩ Hồng Ánh trong vở Nửa đời ngơ ngác.
Sự ra đời của Sân khấu Hoàng Thái Thanh với những vở diễn mang “thương hiệu” Thành Hội - Ái Như, xác định tiêu chí đi theo dòng kịch duy nhất là tâm lý xã hội có thể xem là một điểm son trong hoạt động sân khấu trong năm qua. Được làm mới lại từ những vở diễn cũ, nhưng những vở kịch trên sân khấu này như Mùa đông cuối cùng, Trần gian phải có tình yêu, Mua bảo hiểm tình, Người điên trong ngôi nhà cổ, Ngôi nhà thiếu đàn bà,… vẫn được đông đảo người xem ủng hộ. Đặc biệt, vở mới Nửa đời ngơ ngác (dựa theo truyện ngắn Chiều vắng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) với sự xuất sắc trong việc dựng và diễn, đã luôn trong tình trạng cháy vé từ khi ra mắt đến nay.
Sân khấu TP.HCM trong năm qua còn có hai sự kiện đáng chú ý khác nữa. Đó là việc vở kịch Xin lỗi, em chỉ là… ở nhà hát Hòa Bình được một công ty đầu tư nhiều tỉ đồng với nhiều dự án rất “kêu” nhưng chỉ diễn được vài ba buổi phải ngưng vì giá vé vượt quá ngưỡng của người yêu kịch. Sự kiện thứ hai là sự thành công bất ngờ của công ty Dương Minh của đạo diễn Vũ Minh khi lần đầu tiên dựng lại hai vở cải lương Câu thơ yên ngựa và Thần nữ dâng ngũ linh kỳ với sự có mặt của những gia đình cải lương tuồng cổ nhiều đời Minh Tơ, Huỳnh Long, trong đó đặc biệt là sự trở về sàn diễn của các nghệ sĩ hải ngoại Bạch Lê, Thanh Bạch,…
Hiện nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn về kịch bản và diễn viên, song các sân khấu vẫn tiếp tục “truyền thống” đua nhau dựng kịch mới phục vụ Tết Âm lịch. Người xem đang chờ đợi những dự án mới trong năm 2011, trong đó, đặc biệt là vở cổ trang hoành tráng về hoàng đế Hồ Quý Ly tại Nhà hát Bến Thành của Công ty Thái Dương.