Sông Trà Khúc đang bị hủy hoại

Là một vùng đất nghèo, thế nhưng Quảng Ngãi được nhiều người biết đến, yêu mến nhờ có cảnh sông núi đẹp và đặc biệt có những áng thơ văn hay nhất về sông nước của xứ này, như bài Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh, Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử, hay Trà Giang thu nguyệt ca của Cao Bá Quát và tên của những con sông ở xứ ấy được lấy làm nghệ danh, bút danh của nhiều người… Nhiều người đi xa, nhớ quê lấy tên sông núi quê mình đặt tên cho con, cho doanh nghiệp, cửa hàng của mình…

Nhưng đầu tháng 5/2010 đọc báo, xem trên đài truyền hình thấy cá chết hàng loạt, phơi xác trắng hai bên bờ sông Trà Khúc, nước sông thì đỏ ngầu, hôi thối, người dân làm nghề chài lưới thì ngẩn ngơ, lơ láo, không biết tai ương từ đâu giáng xuống đầu mình, cái đói lại chực chờ…

Ai nhìn thấy cảnh ấy cũng phải tức giận, nhất là những người Quảng Ngãi xa quê… Bởi bất cứ người Việt nào một khi đã xa quê, cái hồn quê họ mang theo đó chính là dòng sông quê hương êm ả hay dáng ngọn núi uy nghiêm nơi quê nhà.


Cá chết hàng loạt trên sông Trà Khúc.

Thế nhưng, hiện nay vô số những dòng sông trên đất nước ta đang bị đầu độc bằng chất thải công nghiệp và nhiều cách khác, khiến sông không còn là sông… Cách đây nhiều năm, nghe ngọn núi Đình Cương ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi bị san bằng cũng quá đau lòng. Nhưng rồi, khi đi đến những tỉnh khác thấy núi rừng cũng bị phá một cách thô bạo, nào phá để lấy củi, gỗ, lấy đất đá, khai thác quặng…

Sông núi là cái gốc của một quốc gia, cho nên bảo vệ đất nước chính là bảo vệ núi sông. Gìn giữ “sơn hà xã tắc” là nhiệm vụ cao cả, sống còn của mỗi người dân và nhất là của chính quyền. Nhưng ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý hoặc thiển cận cho rằng, cái gì làm giàu được thì cứ khai thác triệt để hoặc đồng tiền của những nhà đầu tư khiến họ làm lơ như vụ Vê-đan đầu độc sông Thị Vải là quá rõ ràng, nhưng đến nay cũng chưa bị xử phạt và đền bù cho người dân bị thiệt hại một cách đích đáng.

Giết sông không chỉ là giết tôm cá, những mầm sống hai bên bờ sông, là nguồn sống của cư dân quanh đó mà chính là hủy diệt một dòng chảy văn hóa. Có biết bao những kiệt tác văn chương, âm nhạc lay động lòng người chính là những tác phẩm viết về những dòng sông, trong đó có sông Trà Khúc và nhiều con sông khác như sông Hương, sông Hồng, sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ Đông…


Nhà máy đường xả nước thải ra sông Trà Khúc.

Và nhiều con sông nhỏ khác nhưng hồn sông không nhỏ chút nào. Chính vẻ đẹp thơ mộng, lung linh gợi cảm đầy biến ảo và những lợi ích to lớn về nhiều mặt như kinh tế, giao lưu do những dòng sông mang lại, nhất là những dòng sông lớn mang đến cho con người nên cứ mỗi dòng sông là có một nền văn hóa, văn minh đi kèm. Trên thế giới, những dòng sông lớn luôn có một nền văn minh lớn. Nền văn minh sông Nile, văn minh sông Hằng, sông Hoàng Hà, sông Volga, sông Danube…

Đất nước ta rồi có thể giàu hơn, phát triển hơn nhưng sẽ ra sao nếu núi chỉ còn là những gò đống trơ trụi, khô khốc. Sông chỉ là những cái hố chứa chất thải hôi hám và độc hại? Và một khi núi sông không còn, chỉ là những bãi rác, thì con cháu mai sau của chúng ta lấy gì để rung động, để làm thơ, vẽ tranh, để tự hào yêu dấu quê nhà, để đi xa thì nhung nhớ, dám xả thân để bảo vệ như ông cha ta đã từng? Hay lòng yêu nước, lúc ấy cũng chỉ còn là phế tích khi non sông không còn là hoa gấm và hồn thiêng sông núi cũng sẽ nhạt nhòa?

NGUYỄN THÚY ÁI