Sướng và khổ của họa sĩ Lưu Công Nhân

PHẠM THANH TÂM

Năm 1954, Lưu Công Nhân bắt đầu nổi trội trong giới họa sĩ trẻ là một cây bút tài hoa, và tôi cũng là một trong những người hâm mộ tranh của anh: Bút pháp Lưu Công Nhân phóng khoáng, màu sắc trong trẻo, vẽ như chơi mà đẹp! Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn nhớ nhiều ấn tượng, kỷ niệm vui vui ở ông bạn họa sĩ này…

Một họa sĩ sướng nhất…

Lưu Công Nhân sướng nhất được là học trò “cưng” của họa sĩ Tô Ngọc Vân; được cùng thầy đi thực tế trên một chiến trường oanh liệt nhất – Điện Biên Phủ.


HS Lưu Công Nhân

Khi về tới Hà Nội, vẫn dáng dấp thư sinh, dong dỏng cao, thông minh, tính tình cởi mở, hay cười. Anh được nhà nước tuyển chọn trong danh sách một số họa sĩ hưởng chế độ đặc biệt ăn lương trong biên chế, chỉ có việc sáng tác tranh, không bị chi phối thêm công việc chức trách cơ quan, đó là chế độ lý tưởng đối với các văn nghệ sĩ trong thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX… Thế là anh tự do phơi phới mang cặp vẽ lên đường về lại với đồng quê, với những con đường kháng chiến cũ, với thiên nhiên.

Sung sướng nữa là anh không bị ràng buộc, cấn cái bởi kinh tế gia đình – vì vợ anh là một dược sĩ cao cấp, phụ trách một xí nghiệp dược phẩm của nhà nước. Chị ấy rất hiểu tính cách nghệ sĩ với nghề nghiệp của chồng. Chị đảm đang lo tất cả mọi việc nuôi con ở nhà để anh rảnh rang làm nghệ thuật. Vì thế, anh phấn chấn trẻ trung, bay bổng cùng nét cọ tài hoa mà không hề lo lắng gì đến cơm áo gạo tiền.

Họa sĩ Đào Đức, bạn tôi, và cũng là bạn cùng khóa với Lưu Công Nhân kể: Có lần đi qua xí nghiệp, Lưu Công Nhân ghé vào thăm vợ. Người bảo vệ cơ quan lúc đầu không cho vào. Khi ông ta vào báo cáo bà giám đốc… có một thanh niên người cao ráo đi chiếc xe đạp “cuốc”, mặc quần soọc ngắn, trắng trẻo, đẹp trai nhưng có vẻ cấc lấc… anh ta cứ nhất định đòi vào… thì bà giám đốc (vợ anh) đang nghiêm trang bỗng đổi vẻ hiền hòa, mỉm cười nhỏ nhẹ: Bác cứ mời anh ấy vào ngồi phòng khách, bảo pha trà…

Trông thấy họa sĩ cũng ngồi xe ô-tô Mốt-sky-vít với bà giám đốc đi đâu đó, người ta vui vẻ kháo nhau: Ngày xưa, cái thuở hàn vi, các thầy khóa được vợ tần tảo nuôi cho ăn học. Tới khi thi đỗ ông Nghè, vinh qui bái tổ thì “võng chàng đi trước võng nàng theo sau”. Lưu Công Nhân thành đạt kém chi ông Nghè. Chỉ thiếu quyền cao chức trọng thôi. Có khác là ngồi cùng “võng” của vợ… Thế còn sướng hơn ông Nghè ấy chứ! Đúng là vinh quy thời hiện đại.

Một lần chịu khổ…

Chuyện là thế này: chiều hôm đó rảnh rỗi, Lưu Công Nhân đi chơi qua chợ Bến Thành, nghĩ tới một Bảo tàng mỹ thuật mới thành lập, chắc có gì mới, anh quyết định tới xem. Kiến trúc bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh rất đồ sộ, có khoảng mười lăm phòng trưng bày ở mỗi tầng lầu. Tuy chưa phải là kiến trúc dành riêng cho bảo tàng, nhưng kiên cố, cẩn mật.


Chân dung - sơn dầu - 2003

Họa sĩ say mê xem tranh. Đặc biệt mảng tranh ký họa của các họa sĩ đi B… nhiều tác giả quen biết, nhiều tác giả trẻ mới được đào tạo; nhiều bút pháp, phong cách khác nhau. Nhiều cảnh sắc chiến đấu sinh động của từng vùng, miền đã nói lên ý chí, tình cảm con người Việt Nam trong ba mươi năm cách mạng và kháng chiến.

Như bị cuốn hút vào mê cung của cái đẹp hào hùng, Lưu Công Nhân không hề nhớ mình đang ở lầu mấy? Tiếng chuông reo hết giờ anh cũng không để ý. Bảo vệ đã khóa chặt mọi cửa, các cô thuyết minh đã ra về từ lúc nào.

Ngắm nghía mỏi mắt chồn chân rồi thì Nhân mới xem hết phòng cuối của lầu 2. Thấy còn cầu thang nữa, anh lại nghĩ, đã cất công xem thì phải xem cho hết.

Lầu trên này còn mang tính chất kho tàng ngổn ngang, hơi lộn xộn. Nhưng những tủ kính hiện vật, những lọ gốm, chóe men dáng lạ, những bộ y phục dân tộc, những cồng chiêng Tây Nguyên… Cho tới khi quá mệt mỏi, hơi lả đi vì đói, khát; nhìn đồng hồ; đã quá 22 giờ, anh giật mình – đêm rồi! Anh vội “leo” xuống thì than ôi, mọi cánh cửa sắt đã đóng chặt. Nhìn qua các khe thấy sân trong sân ngoài vắng tanh. Anh gọi, chẳng có hồi âm.

Nhân kể lại: “… “Oải” quá, mình đành phải ghé lưng trên cái bàn thường trực, định đánh một giấc cho quên, nhưng không tài nào ngủ được. Muỗi Sài Gòn tấn công tàn bạo! chúng vo ve trắng trợn lao tới như những con thiêu thân, mà mình chỉ mặc có cái quần soọc ngắn gấu cao trên đầu gối với áo sơ mi cộc tay. Tâm trạng bứt rứt, mình quyết định lùng sục tất cả mọi ngóc ngách từ dưới lên trên mong tìm lối thoát ra khỏi cái “két” ngân hàng tranh tượng này mà không thể.

Để giết thời gian, mình lại xem tranh, chỉ còn cách xem tranh thôi. Chưa bao giờ trên đời, mình lại được dịp xem tranh nhiều và xem kỹ đến thế: xem cả các kiểu khung và loại vải bố, ván hậu sau tranh! Thực suốt mấy chục năm kháng chiến, khi ở rừng rú cũng chưa bao giờ đến nỗi chịu cho muỗi đốt hung như thế! Tay cứ vỗ đùi non, cứ tự vả vào má, bạt tai liên tục…”.

Tôi bảo: Bạn bè từng cho rằng ông là sướng nhất – thì qua chuyện này, có thể nói rằng – thì là – ông khổ nhất, phải không?


Chân dung - sơn dầu - 2004

Nhưng xin tiên sinh hiểu cho rằng, nếu như một người tù nào đó có trình độ văn hóa mà đang phải nằm trong khám, biết chuyện này, chắc chắn sẽ nằm mơ có một đêm như ông. Nghĩa là được bị tống giam tại một bảo tàng giữa thành phố lớn, giữa những gian phòng lung linh đầy màu sắc.

Vậy khổ của họa sĩ Lưu Công Nhân vẫn cứ là khổ - sướng, cực sướng!