Sương siu

HỎI:

Trong quyển Chinh phụ ngâm bị khảo, ở bản dịch F (Khuyết danh) có hai câu:

Kìa xem đôi én dập dìu,

Trọn mùa ríu rít sương siu đầu rường.

GS Hoàng Xuân Hãn đã phiên âm hai chữ  霜 超  là sương siu và đã chú thích là bịn rịn.

Chúng tôi đề nghị tạp chí Hồn Việt cho biết phiên âm và chú thích như vậy có đúng không?

Đào Văn Bích

(TP.HCM)

ĐÁP:

Hai câu “Kìa xem đôi én dập dìu/ Trọn mùa ríu rít sương siu đầu rường” được trích từ bản F trong quyển Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn. Nguyên văn chữ Hán trong bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn như sau:

又 不 見 梁 頭 雙 燕 燕

白 頭 何 曾 忘 繾 綣

Phiên âm: Hựu bất kiến lương đầu song yến yến, 

Bạch đầu hà tằng vong khiển quyển.

Dịch nghĩa: Lại không thấy: đôi chim én trên xà nhà,

  Đầu bạc cũng chưa từng bao giờ quên sự quyến luyến nhau.

Hai câu này ở bản Đoàn Thị Điểm đã được dịch như sau:

Chẳng xem chim yến trên lương,

Bạc đầu chẳng nỡ đôi đường rẽ nhau.

(c.351 - c.352)

Dịch như vậy là đúng ý với hai câu chữ Hán của Đặng Trần Côn nhưng ở bản F hai câu ấy đã được GS Hoàng Xuân Hãn phiên âm là:

Kìa xem đôi én dập dìu,

Trọn mùa ríu rít sương siu đầu rường

và đã được giáo sư chú thích  霜 超  sương siubịn rịn.

Chúng tôi nhận thấy phiên âm và chú thích như vậy thì sai. Nếu phân tích nghĩa theo hai câu thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn thì:

pic

Hựu bất kiến = lại không thấy, lương đầu = đầu xà nhà, song yến yến = đôi chim én, bạch đầu = bạc đầu  (bản F dịch là sương gieo, ý nói “sương gieo bạc trắng mái đầu”), hà tằng vong = chưa từng bao giờ quên, khiển quyển = sự quyến luyến nhau. (Trong quyển Hán Việt tự điển, Thiều Chửu cũng đã giảng khiển quyển là quyến luyến không nỡ rời nhau).

Căn cứ vào sự phân tích ấy chúng ta thấy GS Hoàng Xuân Hãn đã nhầm khi cho “sương siu” là được dịch từ hai chữ khiển quyển.

Thực ra hai chữ  霜 超  phải được phiên âm là “sương gieo” để dịch hai chữ “bạch đầu” như đã trình bày ở trên. Hơn nữa Từ Hải cũng có ghi  白 曰  霜  (bạch viết sương = bạch tức sương) và chúng ta cũng thấy có từ ngữ sương phát, sương mấn dùng để chỉ tóc bạc.

Trong thơ văn của ta cũng có các câu: Tuyết sương điểm trắng mái đầu hoa râm (Truyện Kiều), Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về (Chinh phụ ngâm), Da mồi sạm mặt, tóc sương điểm đầu (Nhị độ mai).

Vì phiên âm và giải nghĩa sai như trên nên trong quyển Hồ Xuân Hương - Thiên tình sử ở bài Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu, GS Hoàng Xuân Hãn cũng đã phiên âm và chú thích sai câu “Biết còn mảy chút sương siu mấy” như sau:

pic

Sương siu mấy: T.T.Mại và N.Lộc đều đã phiên âm sương đeo mãi. H.T.Niệm chữa âm đeo ra treo.Cả hai thoại đều vô nghĩa. Riêng tôi khi đọc M4 của T.T.Mại, tôi đã đoán được sự lầm ấy, vì tôi biết rằng ông chưa biết thành ngữ về chữ Nôm viết 霜 超 và có thể đọc ra “sương siêu” hoặc “sương siu”. H.T.Niêm trong N3 đã cho hay rằng chữ ông chữa âm là chữ siêu 超.

Vậy tôi chắc thoại tôi là đúng. Tôi đã chọn đọc sương siu vì trong thoại sương siêu hai âm kép ƯƠ và IÊ liền nhau thành khó đọc. Các từ điển cũ không có từ ấy, vậy tôi phải lấy ý và các thí dụ đã gặp để đoán nghĩa.

Sau đây là ba thí dụ mà tôi đã gặp:

1. Sách Thiên Nam Ngữ Lục: “Quốc Tuấn nhớ lời cha truyền, gặp cơn khổng tổng lòng bèn sương siu (vế 6315 – 316 trong bản của tôi, vế 6059 – 060 ở bản XB Văn học).

2. Sương siu vì một chữ tình (tuồng Thù thế tân thanh).

3. Nhớ những kẻ văn nhân tài tử, tủi sương siu về một chữ tình (sách trên). Còn chữ sau có âm mãi, nhưng trước đã có từ mảy chút thì ý mãi không thuận bằng ý mấy nghĩa là với.

Qua phần phiên âm và chú thích trên, chúng tôi nhận thấy GS Hoàng Xuân Hãn đã nhầm như ở phần phiên âm và chú thích hai chữ 霜 超 trong bản dịch F Chinh phụ ngâm. Hai chữ ấy phải đọc là sương gieo mới đúng và hai câu kết trong bài Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu phải được phiên âm là:

Biết còn mảy chút sương gieo mãi,

Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.

và phải được hiểu là:

Biết còn mảy chút khổ lòng mãi nữa (vì nhớ bạn)

Lầu nguyệt một mình một bóng thức suốt năm canh.

Hai chữ sương gieo là dịch từ hai chữ sương trụy và có nghĩa là tội tình , tội vạ, cái họa, nỗi khổ.
Truyện Hoa tiên cũng có câu Sương gieo để chịu biết bao tội tình.

Nguyễn Văn Tố, Đinh Xuân Hội và Tôn Thất Lươngđều đã phiên âm hai chữ 霜 超 là sương gieo và đều hiểu là tai vạ, tội tình hoặc nỗi khổ.

Nghĩa ấy áp dụng vào ba thí dụ mà GS Hoàng Xuân Hãn nêu ra thì cũng thích hợp:

1. Quốc Tuấn nhớ lời cha truyền, gặp con khổng tổng, lòng cảm thấy tội tình khổ sở.

2. Đau khổ vì một chữ tình.

3. Nhớ những kẻ văn nhân tài tử, tủi khổ trong lòng về một chữ tình.

Qua mấy phần trình bày ở trên, chúng tôi mong đã giải đáp được cách phiên âm và chú giải của hai chữ 霜 超 mà bạn đọc đã nêu ra.

Nguyễn Quảng Tuân