Ấy là một xã ven bờ sông Thương, tuy rất thơ mộng nhưng những người dân trên mảnh đất kiên cường này đã phải chống chọi với mọi thứ giặc. Thời kỳ chống Pháp, Song Mai là địa danh bị tạm chiếm. Chúng chọn ngọn núi Thờ, nơi cao nhất để xây bốt, đóng đồn, khiến người dân trong xã phải sống chung với giặc.
Ban ngày thì vườn không nhà trống, ban đêm vừa sản xuất vừa đánh nhau với địch. Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu gian khó cứ vậy qua đi cho tới khi giặc rút khỏi bờ cõi Việt Nam.
Sang thời chống Mỹ, Song Mai được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Nơi đây là trọng điểm đánh phá của máy bay địch vì giáp ranh với thị xã, gần cầu Bắc Giang, lại là nơi đặt các trận địa phòng không của mình. Ác liệt, khó khăn là thế, nhưng Song Mai vẫn đảm bảo sản xuất, vẫn tổ chức chiến đấu, góp phần bắn rơi 18 máy bay Mỹ.
Sau mỗi trận đánh, Hội mẹ chiến sĩ cùng với dân quân tự vệ nhanh chóng thu dọn chiến trường, chăm sóc binh sĩ, sửa sang trận địa.
Cô Nguyễn Thị Nụ đâu có ngán, 17 tuổi, một mình ngồi lên quả bom nổ chậm to lừng lững, đen ngòm, hai bàn tay khéo léo tháo kíp nổ cho từng quả, từng quả một bằng chiếc kẹp tóc ba lá, để mọi người bình yên.
Tổng kết chống Mỹ, Song Mai đã cử gần 1400 con em đi kháng chiến, trong đó có 170 người không trở về và 124 quân nhân mang thương tích trên mình...
Hai cuộc chinh chiến ở Song Mai oai hùng là vậy nhưng ở thời kỳ đầu xây dựng đời sống vật chất và tinh thần, nhân dân đã gặp rất nhiều khó khăn.
Cả xã có 17 thôn, 15 thôn sống bằng nông nghiệp nhưng ruộng đất đã ít ỏi lại cằn cỗi. Không ít người làm ruộng nhưng chưa giỏi công việc đồng áng, nên thu nhập cũng chẳng là bao, bởi bao nhiêu năm làm ăn tập thể, là người “chỉ đâu đánh đấy”, nay tự mình lo việc nhà mình thì lúng túng.Vì thế mà đa phần vẫn là nhà tranh, tường đất, khá hơn cũng chỉ mái ngói tường xây.
Đường đi trong ngõ ngoài làng cứ mưa thì lầy lội, nắng lại bụi mù. Con em đến lớp, cả chỗ ngồi cũng thiếu.

100% đường nông thôn ở xã Song Mai được bê tông hóa.
Song Mai lúc ấy nổi lên một điển hình làm ăn giỏi, đó là Nguyễn Văn Loan ở Trại Tây, là cán bộ nghỉ hưu về địa phương, lẽ ra an phận tuổi già, vậy mà ông lại rất say mê làm kinh tế. Ông bảo “làm giàu không khó lắm đâu”.
Thật thế, ông cùng với 10 người nữa rủ nhau chuyển đổi những mảnh ruộng lúa một vụ, khi được ăn lúc mất trắng thành mô hình kinh tế VAC. Lập nên Hợp tác xã thuỷ sản Sao Mai do Nguyễn Văn Loan làm chủ nhiệm, đứng ra vay vốn ngân hàng để đào ao nuôi cá, quanh bờ ao trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả.
Thêm nữa, với cơ cấu cây trồng - vật nuôi, Song Mai đã không ngần ngại khi đưa cà chua bi xuất khẩu thay cho cây trồng thu hoạch thấp, rồi nhập dưa chuột Nhật Bản vào đồng đất của mình.
Xã còn hướng cho nông dân làm sản phẩm mới, đó là trồng hoa. Ai đăng ký sản xuất loại cây này, xã sẽ hỗ trợ mỗi sào ba bốn trăm ngàn đồng, kích cầu cho việc mở mang diện tích.
Trong cơ cấu cây lương thực và thực phẩm, Song Mai mạnh dạn cấy giống lúa cao sản, khoai tây Đức…
Ở ngay thôn Phú Giã, cựu chiến binh Nguyễn Văn Cử, tuổi đã cao, sức đã cạn nhưng ông vẫn chạy vạy mọi nơi, xa có gần có để học hỏi kinh nghiệm trồng hoa rồi đầu tư vốn liếng để trồng trọt - chăn nuôi. Ai ngờ ông thắng rất lớn và đã xây ngôi nhà to nhất làng, khiến mọi người thán phục.
Sau nữa là Nguyễn Văn Thủy, cả hai vợ chồng còn rất trẻ, mà dám đứng ra thành lập hợp tác xã dịch vụ mang tên Thuỷ Lan, xây cất hai nhà kho bảo quản khoai tây giống bằng các thiết bị công nghệ cao, được nhiều đơn vị cá nhân hợp đồng bảo quản mỗi năm 9 tháng, lãi xuất chỉ 2 ngàn đồng một cân, mà trữ lượng của kho hơn 80 tấn. Cơ sở này còn nhận bảo quản kén tằm khi các cơ sở sản xuất khác không kịp ươm tơ.

Mô hình trồng hoa ở thôn Phú Giã.
Cứ như vậy, dần dà Song Mai đã có của ăn, của để. Cả 17 thôn như được thay da, đổi thịt, bởi nhiều nhà cao tầng mái bằng mái dốc thi nhau mọc lên vươn cao. Nhà nào cũng có đủ mọi tiện nghi, thấp là ti-vi, xe máy, cao hơn là ô-tô con, ô-tô tải.
Khi vật chất được đầy đủ, người ta nghĩ tới đời sống tinh thần nên mỗi thôn đều có nhà văn hoá để mọi người sinh hoạt, họp hành, và mỗi đơn vị còn có đội hoặc tổ văn nghệ, gọi là “cây nhà lá vườn”, biểu diễn cho bà con trong thôn thưởng thức.
Từ những việc làm tới lời ca tiếng hát của các đội văn nghệ và các vần thơ của các câu lạc bộ trong xã, tất cả như những dòng chú thích cho một bức tranh toàn cảnh của Song Mai ngày nay.