Trong những di sản do tổ tiên để lại, kho thư tịch Hán Nôm có một bộ mặt riêng, một vị thế riêng, một tầm quan trọng riêng.
Ra đời chủ yếu từ 1945 trở về trước, kho thư tịch Hán Nôm bao gồm các sánh và tài liệu ghi bằng chữ Hán, Chữ Nôm, hoặc kết hợp cả Hán lẫn Nôm, trên giấy, trên vải,trên gỗ, trên đá, trên đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, gạch, ngói, phim, kính… Sách, khoảng 15000 cuốn, chia ra làm các loại: Hán, Nôm Hán - Nôm (Nếu lấy mặt chữ làm tiêu chuẩn); kinh, sử, tử, tập, Phật, đạo, thần sắc, thần tích, thần phả, tộc phả, gia phả, tục lệ, địa bạ, địa chí, cổ chí, xã chí… (Nếu lấy nội dung làm tiêu chuẩn). Tài liệu còn nhiều hơn thế nữa, với trên 30.000 đơn vị, gồm phim, kính, ảnh, vi phim, bản rập lại các bài văn bản bản khắc trên bia đá, chuông đồng, khánh đá, cột mốc, biến gỗ…
Số sách và tài liệu này đến tay chúng ta thật không dễ. Nó đã qua nhiều lần hao hớt, mất mát do bảo vệ, cất giữ chưa tốt cũng có, do chiến tranh huỷ hoại cũng có, đặc biệt là do kẻ thù tìm mọi cách đốt sạch, cướp sạch, phá sạch, nhằm phục vụ cho các ý đồ chính trị, văn hoá thâm hiểm của chúng. Lấy việc phong kiến Trung Quốc phá hoại sách vở của chúng ta làm thí dụ.
Mọi người còn nhớ, hồi đầu thế kỉ XV, lúc Chu Năng, một viên tướng viễn chinh của Trung Quốc sắp mang quân vào xâm lược nước ta, chính quyền nhà Minh trong một mật dụ đề ngày 21- 8- 1406 từng ra lệnh: “Khi quân vào nước họ, trừ số ván khắc và sách in về đạo Phật, đạo Lão ra, còn thì tất thảy sách vở, văn tự, kể cả những sách học thông thường kiểu “Thượng đại nhân, Khâu Ất Kỷ”(1) đều phải đốt sạch, dù là một mẩu giấy, một chữ viết. Trong nước họ, phàm những di tích lịch sử nào mà Trung Quốc có lập bia thì hãy giữ lại, còn nếu là bia do An Nam dựng lên thì phải phá huỷ cho kì hết, không để lại một mảnh nào”(2).
It lâu sau, nhận thấy mệnh lệnh trên đây chưa được chấp hành ráo riết, chính quyền nhà Minh lại gửi tiếp cho chân tay họ tại Đông Quan (Hà Nội) một mật dụ nữa đề ngày 16-5-1407, lời lẽ như sau: “Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng tất thảy sách vở văn tự của An Nam, kể cả những sách học thông thường của trẻ con kiểu “Thượng đại nhân, Khâu Ất Kỷ”, dù là một mẩu giấy, một chữ viết cùng những tấm bia do người địa phương dựng lên, hễ thấy thì phải phá hủy ngay, đừng để lại. Nay nghe nói trong quân đội mỗi khi thu được sách vở không những không ra lệnh đốt ngay, mà còn chọn để xem mà còn chọn để xem rồi sau đó mới đốt. Vả, quân lính phần đông không biết chữ, nếu ai ai cũng làm như vậy thì việc chuyển từ người này sang người khác sẽ để thất lạc đi nhiều. Các ngươi nay phải theo đúng tinh thần sắc dụ trước, ra lệnh cho quân lính bên ấy hễ gặp sách vở là đem đốt ngay không được lưu giữ”(3).
Cần phải nói thêm là những chỉ thị thuộc loại tuyệt mật này về sau được lệnh thu hồi và trao lại cho Minh Thành Tổ, vì sợ nếu để rơi vào tay người bản xứ sẽ “bất tiện” biết bao! Những sách vở, tài liệu nào còn sống sót qua cơn huỷ diệt này, lại tiếp tục bị một viên tướng viễn chinh khác của nhà Minh là Trương Phụ thu vét đưa về Kim Lăng (Nam Kinh)(4), thực hiện đến cùng điều mà bọn theo địa chủ bành trướng phương Bắc hằng tâm niệm: xoá cho bằng hết nền văn hiến của dân tộc ta.
Cũng may mà sau những lần sách vở gặp tai ách như vậy, nhân dân ta đã tìm mọi cách phục hồi. Lê Thánh Tông, đầu năm Quang Thuận (1460- 1469), với cương vị một người đứng đầu một nước, đã ra lệnh tìm kiếm các cuốn sử tư nhân và các truyện kí cổ kim còn sót lại nộp lên cho ông xem. Khoảng đến năm Hồng Đức (1470-1497), ông một lần nữa xuống chiếu sưu tầm những sách còn cất giữ trong dân gian đưa về kho Nhà nước. Vào dịp này, có người đem dâng những sách lạ, sách “bí truyền”, được ông hậu thưởng.
Ngoài Lê Thánh Tông, một số nhà bác học, hiếu cổ khác như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Dương Bá Cung, Cao Xuân Dục… đều là những điển hình đáng ca ngợi về sự nỗ lực bảo vệ sưu tầm di sản thư tịch của ông cha. Nếu không có những khối óc lớn, những con tim nhiệt thành, những tầm nhìn xa rộng như thế thì ngày nay chúng ta biết lấy gì làm bằng chứng cho nền văn minh lâu đời của dân tộc, lấy gì để thuyết minh cho mấy nghìn năm văn hiến của dân tộc ta? Cái công chắt chiu, tích góp, gìn giữ sách Hán Nôm của người xưa từ đời này qua đời khác trước khi trao lại cho thế hệ chúng ta ở đây thật lớn lắm, sâu nặng lắm, nói sao cho hết được.
Bên cạnh công lao đóng góp của các cá nhân, sự đồ sộ về khối lượng và phong phú về chủng loại của di sản Hán Nôm còn gắn liền với sự có mặt của nhiều kho sách, nhiều công việc công cũng như tư trên đất nước ta từ thời Lý - Trần cho đến cuối triều Nguyễn. Chỉ riêng vài thế kỉ gần đây thôi, đã có những kho sách, thư viện công nổi tiếng như Tụ Khuê thư viện (thư viện Hoàng gia, lập đời Minh Mệnh), sử quán thủ sách (lập vào đời Thiệu Trị), Tập Hiền viện (lập vào đời Tự Đức), Tàng thư lâu (lập vào đời Thành Thái), Nội các thủ sách, Tân thư thủ sách (lập vào đời Duy Tân), Cổ học viện thư tịch thủ sách (lập vào thời Khải Định), Thư viện Bảo Đại (1933- 1945). Thư viện tư nhân được nhiều người nhắc đến có Hoàng Lê tứ khố, Hoàng Nguyễn tứ khố, thư viện gia đình Lê Quý Đôn (Thái Bình), thư viện gia đình Nguyễn Mậu Kiến (Thái Bình), thư viện gia đình Cao Xuân Dục (Nghệ An)… Mỗi thư viện thực sự là một trung tâm thu hút và bảo quản sách vở Hán Nôm thời trước.
Không những đồ sộ về khối lượng và phong phú về chủng loại, kho thư tịch Hán Nôm của ta còn đáng được chú ý bởi vị trí và tầm quan trọng của nó.
Chắc chắn nhiều ngành khoa học như triết học, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội học, pháp luật, quân sự, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, văn tự, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, toán học, địa lí, sinh vật, y dược, vệ sinh, nông nghiệp, kiến trúc v.v… sẽ phải dựa vào không ít vào kho sách Hán Nôm để dựng lại diện mạo một thời, trong đó có đối tượng nghiên cứu, thậm trí cả bản thân nghành nghiên cứu. Những ẩn số trong quá khứ dân tộc có thể sẽ được giải đáp một phần qua việc tìm đọc kho thư tịch Hán Nôm.
Gần đây xảy ra đôi chuyện bất ngờ. Một số cuốn kinh Phật tưởng như ngày càng thu hẹp phạm vi sử dụng, thì nay, với phần “chú âm” và “thích nghĩa” của chúng, chúng đã trở thành cứ liệu quan trọng để nghiên cứu về chữ Nôm, về ngữ âm lịch sử… Một số sách phong thuỷ, bói toán mà dư luận yên trí đã quá thời, thì nay bỗng nhiên nhiều người lại tìm đọc, vì trong đó có những chỉ bảo thú vị cho công tác địa chất học, dân tộc học... Kho thư tịch Hán Nôm là nguồn tư liệu gốc mang tính tổng hợp đối với việc tìm hiểu lịch sử các mặt của dân tộc Việt Nam.
Chẳng những vậy, là hiện thân của văn hiến mấy nghìn năm, kho thư tịch Hán Nôm còn tàng trữ nhiều truyền thống tốt đẹp cân nhắc, với phương châm “kế thừa có chọn lọc, có phê phán, có sáng tạo”, nhằm phục vụ cho việc xây dựng nền văn minh tinh thần Việt Nam, xây dựng tư tưởng mới, văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nguồn: Intetnet
2. Tình hình sưu tầm, bảo vệ di sản Hán Nôm từ 1945 đến nay
Chính vì các đặc điểm làm nên giá trị kho sách Hán Nôm trên đây, mà Đảng và Nhà nước từ lâu đã quan tâm tới việc sưu tầm bảo vệ sách vở, tài liệu Hán Nôm, loại di vật dễ hư hỏng, dễ mất mát, trong khi không còn được sản xuất ra nữa. Sự quan tâm này thể hiện ngay từ hồi Đảng ta còn hoạt động bí mật. Trong bài Mấy nguyên tắc của cuộc vận động văn hoá mới Việt Nam hiện nay đăng trên báo Đảng năm 1944, đồng chí Trường Chinh viết: “Những công trình và tác phẩm văn hóa của thời phong kiến Việt Nam để lại là vốn quý của dân tộc ta, chúng ta cần phải giữ gìn và nghiên cứu, để phát huy cái hay cái đẹp…”(5)
Sau ngay giành được chính quyền, các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng… mỗi khi có dịp, đều nhắc tới nhiệm vụ sưu tầm, bảo vệ di sản văn hoá cha ông. Đồng chí Phạm Văn Đồng từng nói như sau trong Hội nghị văn hóa và thông tin vùng các dân tộc ít người năm 1977: “Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay hết sức coi trọng việc sưu tầm và phát huy truyền thống quý báu của nền văn hoá các dân tộc. Truyền thống và khả năng sáng tạo văn hóa của các đồng bào dân tộc về các mặt văn học, nghệ thuật, kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, ngôn ngữ… không ngừng được sưu tầm, gìn giữ và phát huy đã góp phần làm cho nền văn hoá chung của cả nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng phong phú, tươi sáng và đẹp đẽ…”(6).
Đi đôi với sự chỉ đạo về mặt tư tưởng, là một số biện pháp về mặt tổ chức. Công tác sưu tầm, bảo vệ sách vở, tài liệu Hán Nôm được Nhà nước lần lượt giao cho một số cơ quan chịu trách nhiệm. Khởi đầu là Bộ Văn hoá, với Chỉ thị số 117/TTg ngày 13-12-1963 của thủ tướng Chính phủ. Theo văn kiện thứ hai này, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam có trách nhiệm “thống nhất quản lý việc thu thập và giữ gìn các sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm trong cả nước”. Riêng về mặt sưu tầm, “Uỷ ban Khoa học xã hội có nhiệm vụ tổ chức thu thập về kho tất cả các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm hiện có trong các thư viện, các kho lưu trữ, các cơ quan vv… thuộc các nghành, các cấp, đồng thời kế hoặch từng bước sao chụp nguyên bản để cung cấp cho các cơ quan, thư viện có nhu cầu về tư liệu chữ Hán, chữ Nôm”.
Đối với những tư liệu Hán Nôm còn rải rác trong nhân dân, Uỷ ban Khoa học xã hội với sự giúp đỡ tích cực của Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp tục sưu tầm, thu thập và quản lý”. Có thể “vận động nhân dân tặng hoặc bán các tư liệu đó cho Nhà nước, hoặc để Nhà nước sao chụp lại ”. Đối với số sách Hán Nôm hiện tản lạc ở ngoài, “Uỷ ban Khoa học xã hội cần có kế hoạch sưu tầm và thu thập” bằng cách “trao đổi hoặc sao chụp” những gì cần thiết cho ta…
Cuối 1979 theo quyết định số 326/CP ngày 13-9-1979 của Hội đồng Chính phủ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập, và trở thành trung tâm sưu tầm, bảo vệ, chỉnh lý, khai thác các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm trong phạm vi cả nước. Lần đầu tiên kể từ sau 1945, công tác sưu tầm, bảo vệ thư tịch Hán Nôm được nhà nước chính thức giao cho một Viện Nghiên cứu chuyên ngành đảm trách.
Cho đến nay, qua nỗ lực nhiều năm của các cơ quan có trách nhiệm, công tác sưu tầm, bảo vệ thư tịch Hán Nôm đã thu được kết quả bước đầu.
Về mặt sưu tầm, chỉ tính riêng trong phạm vi Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam, ngoài số sách Hán Nôm ngót nghét.10.000 cuốn do trường Viễn Đông bác cổ Pháp để lại, Viện Thông tin khoa học xã hội và Viện Nghiên cứu Hán Nôm bằng nhiều nguồn khác nhau- biếu, tặng, nhượng, mua, trao đổi, sao chép lại - đã bổ sung thêm được khoảng 5.000 cuốn nữa. Đóng góp nhiều nhất cho kho sách Hán Nôm trước đây thuộc Viện Thông tin khoa học xã hội và nay thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm, là thư viện Văn Miếu, Vụ bảo tồn bảo tàng, Sở Xuất nhập khẩu ngoại văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Ty Văn hóa Hà Đông…
Một số nhà Hán Nôm học như cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Đặng Thai Mai, cụ Hoàng Xuân Hãn và một số người yêu ngành Hán Nôm, trong đó có gia đình và các nhà khoa bảng cũ, như cụ Vũ Văn đối, cụ Trần Phương Tri, cụ Lê Hồng Thuận, cụ Vũ Tất Trực, cụ Song Tùng…đã hiến vào kho sách Hán Nôm không ít sách. Những năm gần đây, một số kiều bào ta ở nước ngoài thỉnh thoảng cũng gửi về tặng Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhiều tài liệu cổ có giá trị.
Di sản Hán Nôm còn sót lại trong nhân dân từng bước quy tụ về các kho Nhà nước, rồi lại từ các kho Nhà nước từng bước quy tụ về Viện Nghiên cứu Hán Nôm, được xem như trung tâm thống nhất quản lí hiện nay, đó là một sự di chuyển hợp lý, đáng khích lệ.
Về mặt gìn giữ, bảo quản, cũng đã có những cố gắng không nhỏ. Sách Hán Nôm ở Viện Thông tin Khoa học trước kia và Viện Nghiên cứu Hán Nôm nay đều được đặt ở nơi cao ráo nhất, thoáng đãng nhất trong cơ quan. Việc chống bụi, chống ẩm, chống mốc, chống mối mọt thường xuyên được coi trọng. Vào những ngày máy bay Mỹ đánh phá trên miền Bắc nước ta, số sách Hán Nôm này được xếp vào hòm tôn hoặc túi nhựa để đưa đi sơ tán sớm nhất, trước nhất… Chưa bao giờ trong khâu bảo vệ, những người được giao nhiệm vụ không dành sự quan tâm nhiều nhất cho kho sách Hán Nôm.
Tuy nhiên, nhìn trên một phạm vi rộng rãi hơn, chưa kể nói công tác sưu tầm, bảo vệ thư tịch cổ những năm qua không có gì phải uốn nắn.
Sách không chân mà chạy. Mới thấy sách ở một địa phương nào đó, ít lâu sau trở lại đã thấy không còn. Sách mạnh ai nấy“sưu tầm”, dù họ không phải là người hoặc cơ quan có trách nhiệm. Sơn Tây một dạo thu thập được một số tài liệu về thời kì Hùng Vương, đã có cán bộ lấy danh nghĩa cơ quan Nhà nước đến mang về làm của riêng, một đơn vị quân đội, sau ngày miền Nam giải phóng (1975), đã chở toàn bộ số sách ở Hội Cổ học Huế ra Bắc, nay vẫn chưa rõ số phận mảng thư tịch này như thế nào(7). Tư tưởng địa phương cục bộ, tuỳ tiện đã gây trở ngại thực sự cho việc tập trung và công hữu hóa di sản Hán Nôm của toàn dân tộc. Và biết đâu đấy lại chẳng có những tác phẩm Hán Nôm thuộc loại quý hiếm “quỷ dẫn đường ma đưa lối” đang tìm cách chạy ra nước ngoài…
Cũng có trường hợp tài liệu Hán Nôm bị mất mát, huỷ hoại bởi gia đình người có sách không ai đọc được và do đó rẻ rúng. Có kẻ dùng thậm chí còn đem sách Hán Nôm chôn theo người chết, hoặc dùng để phất quạt giấy, quạt thóc, trộn vôi vữa vv… ở vùng Tây Bắc, một số cơ quan văn hóa tịch thu các sách gọi là “mê tín dị đoan” viết bằng chữ Hán, chữ Nôm của các thầy cúng. Do thiếu ý thức bảo quản, hay đúng hơn, thiếu người có trình độ đọc được sách này, tài liệu thu về rốt cục để hỏng đi, thậm chí còn lôi ra đốt. Một số di vật “kim thạch” mang chữ Hán, chữ Nôm cũng chẳng may mắn gì hơn, khi người ta chỉ nhìn vào giá trị “kim thạch” trần trụi của chúng mà không quan tâm gì tới chữ nghĩa.
Phần lớn sách vở, tài liệu Hán Nôm của tư nhân, kể cả của các đền chùa, các nhà thờ họ, các hội tư văn cũ, do không có điều kiện bảo quản tốt, đã hư hao dần năm này qua năm khác do lũ lụt, ẩm mốc, mối mọt, và nhiều nguyên nhân khác.
3. Công việc trước mắt
Để khắc phục tình trạng trên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ và sưu tầm theo tinh thần Quyết định số 311/CP của Hội đồng Chính phủ.
Số thư tịch hiện còn có tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cố nhiên không ít, và đây là phần cơ bản nhất, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong toàn bộ di sản Hán Nôm của ta. Thế nhưng, theo điều tra sơ bộ của chúng tôi, số sách và tài liệu Hán Nôm hiện chưa được sưu tầm vẫn còn nhiều.
Trong đồng bào Kinh (đặc biệt ở các vùng Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Huế), số còn sót lại chủ yếu là thuộc loại văn bia, thần sắc, thần tích, thần phả, hương biên, hương phả, khế ước, gia phả, tộc phả, kinh Phật…
Trong đồng bào dân tộc ít người (đáng chú ý là ở đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mường, Dao. Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu ở Việt Bắc, Tây Bắc), số sách và tài liệu Hán Nôm còn sót lại chủ yếu thuộc các loại sử biên niên, truyện nôm khuyết danh, tình ca (sli, lượn, phong slư), nghi lễ (quan lang, cò lẩu, văn than, ca cúng bái). Có nơi thậm trí còn giữ được cả “nửa bồ sách”, nhất là những gia đình trước có người từng là Thầy mo, thầy cúng, ông tào, ông bụt, ông then…
Ở một số cơ quan Nhà nước (Cục,Vụ, Viện, Sở, Phòng, Thư viện), số tài liệu còn giữ gồm châu bản, công văn, địa bạ, mộc bản, cùng một số bản chụp hoặc bản sao các sách đã có tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thỉnh thoảng ở đây cũng có những bản sách quý.
Ở nước ngoài như Pháp, Trung Quốc, Nhật bản, Thái Lan…cũng tàng trữ một số sách Hán Nôm của ta hoặc liên quan với ta. Riêng tại Pháp, Thư viện Quốc gia Paris hiện giữ 64 sách Hán (có người nói 65 hoặc 120), 108 sách Nôm; Hiệp hội Châu á với tủ sách Henri Maspero để lại có 159 tên sách cả Hán lẫn Nôm chưa phân loại; trường Viễn Đông bác cổ Paris có hơn 100 tên sách Hán Nôm chưa lên kí hiệu; một phân hiệu Trường Đại học Dauphin có 19 tên sách toàn Nôm(8).
Một số nơi khác cũng tại Pháp, như thư viện của Maurice Durand, nguyên Giám đốc trường Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội; Bảo tàng Thiên chúa giáo, với tủ sách của linh mục L. Cadiere để lại; Trường Quốc gia sinh ngữ Phương Đông; Kho lưu trữ; thư viện Bộ Ngoại giao; Thư viện Đại học Nice; Tủ sách cụ Hoàng Xuân Hãn; Tủ sách ông Xuân Phúc…, trên những chừng mực khác nhau, đều có sách Hán Nôm quý.
Đối với số sách và tài liệu Hán Nôm còn xót lại trong nhân dân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thể, trên cơ sở tôn trọng quyền sở hữu tư nhân, đặt vấn đề xin sao chụp lại. Nếu chủ sách vui lòng biếu, nhượng hoặc bán, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà có thể đền đáp thoả đáng. Cố nhiên, dù là sách tư nhân, vẫn nên quan niệm đây thuộc loại tài sản chung của toàn dân tộc, cần được bảo vệ tốt nhất và sử dụng một cách có ý nghĩa nhất. Để thúc đẩy công việc, cũng có thể tổ chức mạng lưới cộng tác viên ở các địa phương, gồm những cụ có trình độ Hán Nôm kết hợp với những cán bộ thông tin văn hoá trẻ, nhiệt tình.
Họ sẽ là “tai mắt” quan trọng của chúng ta, là cộng tác viên đắc lực của chúng ta. Ai sưu tầm được sách lạ, sách quý, sẽ hậu thưởng. Ai tổ chức được các việc thống kê, hiến biếu, bán nhượng, sao chép… sẽ có thù lao cẩn thận. Họ cũng sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc phát hiện các tấm bia còn sót lại, cùng với chính quyền địa phương tổ chức việc bảo vệ tốt các bia đó và tiến hành dập lại các bài văn khắc trên bia, nếu có điều kiện. Tên tuổi người sở hữu, kể cả người phát hiện, sưu tầm, cần được ghi lại để lưu truyền cùng di vật. Quyền sưu tầm nên ưu tiên dành cho cơ quan được dành cho cơ quan được Nhà nước giao trách nhiệm, hoặc các người được cơ quan này được uỷ thác, chấm dứt tình trạng cá nhân mượn danh nghĩa cơ quan đi sưu tầm sách về làm của riêng cho mình.
Đối với số sách và tài liệu Hán Nôm hiện nằm rải rác trong cơ quan, Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thể, trên cơ sở tôn trọng nhu cầu nghiên cứu của cơ quan đó, đặt vấn đề xin tiếp nhận loại bản gốc, và cung cấp lại các bản chụp tương ứng, nếu phía trao sách thấy cần. Dù sao thì cũng không nên kéo dài hiện tượng cất giữ các nguyên bản Hán Nôm một cách tuỳ tiện, không theo chế độ quy định chung của nhà nước.
Đối với số sách Hán Nôm hiện tản lạc ở nước ngoài, cái chính là tìm cách để có được bản chụp. Trong điều kiện cho phép, thông qua con đường trao đổi tư liệu hoặc nhiều con đường khác, cũng có khả năng mang về được bản gốc.
Tóm lại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ và nhân dân về nhiệm vụ sưu tầm, bảo vệ thư tịch Hán Nôm, và bằng mọi biện pháp, sớm đưa di sản Hán Nôm về một mối, vì lợi ích nghiên cứu, cũng như để có thể bảo quản được dài lâu. Đây là một công việc đầy khó khăn, tốn kém, nhưng nếu hiểu sự cấp thiết và tầm quan trọng của nó, nhất định chúng ta sẽ làm được.
(1) | Chỉ loại sách Tam tự kinh |
(2) | Việt kiệu thư, quyển II. Sách này do Lý Văn Phượng, người đời Minh soạn. Bài tựa sách đề năm 1540. |
(3) | Việt kiệu thư, Sđd. |
(4) | Nghệ văn chí tự. Xem Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn. |
(5) | Về văn hóa văn nghệ, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1976, tr. 141. |
(6) | Báo Nhân dân, số ra ngày 6-12-1977. |
(7) | Xem Thư tịch cổ và nhiệm vụ mới, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, các trang 36, 49, 66. |
(8) | Theo tài liệu do Phạm Văn Thắm cung cấp. |
Theo Viện Hán Nôm