Suốt đời vì sự nghiệp trồng người

VÕ ANH TUẤN (*)

GS Nguyễn Văn Chì (Bác Sáu) là Giám đốc đầu tiên của Sở Giáo dục Nam Bộ, thành lập tháng 8 năm 1947 ở căn cứ Đồng Tháp Mười. Thời ấy, Bác Sáu cùng với nhiều vị trí thức lớn đã rất tâm huyết trong việc xóa mù chữ cho hàng triệu đồng bào, phát triển hệ thống giáo dục tiểu học khắp các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là mở các Trường Trung học kháng chiến và Trung học bình dân cho hàng ngàn thanh niên theo kháng chiến…; là người luôn tận tụy phục vụ đất nước và suốt đời vì sự nghiệp trồng người.

Tôi gặp lại Giáo sư Nguyễn Văn Chì vào một ngày đầu xuân năm 1950 tại chiến khu rừng U Minh khi Giáo sư đang làm hiệu trưởng Trường Sư phạm Nam Bộ. Tôi nói “gặp lại” bởi vì dưới thời Pháp thuộc, tôi là học trò của thầy Nguyễn Văn Chì tại Trường Trung học Pétrus Ký, thầy dạy môn Luân lý (Morale), bọn học trò chúng tôi nhận xét thầy khi ấy tuy nghiêm nhưng hiền.

Mỗi khi lên lớp, thầy cầm cây roi mây dài gần cả thước, không phải đánh học trò, mà chỉ nhịp nhịp trên lưng trò nào ngồi cong “lưng tôm”, hoặc ẹo xương sống. Ai bị thầy nhịp roi trên lưng là sợ xanh mặt, từ đó về sau đều ngồi thẳng người. Khi tôi nhắc lại chuyện đó, thầy cười đôn hậu và cũng nhắc lại câu mà thầy thường nói với chúng tôi trong những giờ giảng bài: “Thanh niên trai tráng cần có một tâm hồn trong sáng trong một cơ thể cường tráng để phụng sự dân tộc”.

Trong kháng chiến, chúng tôi quen gọi Giáo sư Nguyễn Văn Chì một cách thân kính bằng Bác Sáu, mặc dù Bác không phải là người con thứ sáu trong gia đình. Cách gọi rất Nam Bộ đó là theo sáng kiến của Bác Sáu được mọi người tán thành. Vốn là khi mới thành lập (tháng 8/1947), Sở Giáo dục Nam Bộ lần lượt tiếp nhận cán bộ từ cơ quan khác điều động đến. Bác Sáu quy định ai về Sở trước tiên thì mang thứ Hai (vì Nam Bộ không có thứ Cả) cho đến thứ Mười, những người về sau đó đều mang thứ Út. Bác Sáu là người thứ Năm về Sở nên mang thứ Sáu cho đến tận bây giờ.

Dưới thời Pháp thuộc, trí thức Nam Kỳ, trong đó giáo giới học trường Tây, làm việc cho Tây và lãnh lương của Tây, có người vô dân Tây, thậm chí cưới vợ đầm, nhưng vẫn đau đáu trong lòng nỗi nhục người dân mất nước, luôn hướng về cách mạng, khi có điều kiện thì sẵn sàng rời bỏ lợi danh, dấn thân vào sự nghiệp yêu nước, giải phóng dân tộc.

Bác Sáu Chì quê ở Bến Tranh, thuộc tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), nhờ học giỏi nên được học bổng của Trường Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Văn Chì dạy học tại các Trường Trung học Mỹ Tho, Cần Thơ và Pétrus Ký. Khi Hội truyền bá Quốc ngữ được thành lập năm 1944, Giáo sư Nguyễn Văn Chì làm cố vấn cho Hội này.

Trong những ngày sôi sục Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bác Sáu cùng nhiều vị giáo sư khác tham gia Phong trào Thanh niên Tiền Phong, tham gia giành chính quyền tại Sài Gòn.

Bác Sáu kể: “Sáng hôm đó (ngày 25 tháng 8), chúng tôi gồm các Giáo sư Đặng Minh Trứ, Lê Văn Chí, Trần Văn Nguyên, Võ Văn Nhung, và nhiều giáo chức khác, tay không tiến vào Nha học chính Nam Kỳ, đi khắp tầng trên, tầng dưới, mời một số công chức đang làm việc tại các phòng ra nói với họ rằng kể từ ngày hôm nay họ sẽ làm việc với chúng tôi. Hôm đó tên Giám đốc Nha học chính là người Pháp trốn mất. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Những người có mặt “bầu” tôi làm Giám đốc Nha học chính của chính quyền cách mạng.

Sau khi Pháp tái chiến Sài Gòn, Giáo sư Nguyễn Văn Chì không trở lại dạy học cho Pháp, không còn lãnh lương, nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, nhưng vẫn tích cực hoạt động trong Liên đoàn Viên chức Sài Gòn - Chợ Lớn, một số tổ chức yêu nước bán công khai.

Chỉ thị số 4/NV ngày 22 tháng 5 năm 1947 kêu gọi công chức bất hợp tác với Pháp, là cơ hội để Giáo sư Nguyễn Văn Chì thực hiện hoài bão của mình là ra bưng biền trực tiếp tham gia chống giặc dốt theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông và Giáo sư Đặng Minh Trứ rời khỏi Sài Gòn theo hướng Phú Lâm, đi đường ruộng đến chợ Đệm. Từ đó có xuồng rước đến kênh Dương Văn Dương giữa Đồng Tháp Mười, “Thủ phủ” của Nam Bộ kháng chiến.

Giáo sư Nguyễn Văn Chì được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Sở Giáo dục Nam Bộ, thành lập tháng 8 năm 1947. Cùng thời gian ấy, Viện Văn hóa kháng chiến được thành lập, Giám đốc là Giáo sư Thạc sĩ Triết học Hoàng Xuân Nhị, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, từ Pháp về thẳng bưng biền Đồng Tháp Mười.

Thời gian ở Đồng Tháp Mười tuy không bao lâu, nhưng Sở Giáo dục tranh thủ mở Trường Trung học kháng chiến đầu tiên mang tên Thái Văn Lung, một trí thức yêu nước, công giáo, dân Tây, sớm tham gia kháng chiến. Việc cấp tốc thành lập một trường Trung học trong chiến khu thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của lãnh đạo Nam Bộ. Lúc bấy giờ cần gấp rút nâng cao trình độ học vấn cho con em nông dân để trở thành trí thức phục vụ kháng chiến trường kỳ đến thắng lợi, có tính cả đến việc kiến quốc sau này.

Giáo sư Nguyễn Văn Chì rất tâm huyết trong việc xóa mù chữ cho hàng triệu đồng bào, phát triển hệ thống giáo dục tiểu học khắp các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là mở các Trường Trung học kháng chiến và Trung học bình dân cho hàng ngàn thanh niên theo kháng chiến, về sau trở thành cán bộ cốt cán trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Bác Sáu là người có công đầu trong việc đào tạo hàng ngàn giáo viên tiểu học tại Trường Sư phạm Nam Bộ đóng ở Rạch Tắt (Cái tàu). Trường Sư phạm Nam Bộ là nguồn cung cấp cán bộ Sư phạm cho Ty giáo dục các tỉnh, cung cấp giáo viên cho các Trường tiểu học ngoại trú khắp 21 tỉnh và hơn 50 Trường tiểu học nội trú ở những vùng tương đối an toàn, nhất là một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh thân thương của Bác Sáu vẫn còn mãi trong lòng biết bao học viên của các khóa Trường Sư phạm Nam Bộ do Giáo sư Nguyễn Văn Chì làm hiệu trưởng.


(*)

Tức Nguyễn Văn An, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.