Lịch sử châu Âu thường nhắc nhở giai đoạn suy thoái và ngày tàn của Đế quốc La Mã, đã từng trải qua năm thế kỷ huy hoàng, được xem là thành lập từ năm 27 TCN theo Thiên Chúa giáo với sự thiết lập một chế độ quân chủ chuyên chế thay thế giai đoạn cộng hòa La Mã dân chủ, cho đến năm 476 sau Thiên Chúa giáo(*). Khoảng thời gian này tương đương với giai đoạn cuối đời Tây Hán cho đến hết đời nhà Tống ở lục địa châu Á. Những cuộc chiến tranh khát máu, cướp bóc, hãm hiếp, giết hại dân chúng khủng khiếp của những người cùng chủng tộc, hay khác chủng tộc, xảy ra liên tục ở cả Âu lẫn Á để tranh giành đất đai và quyền cai trị. Sự tàn nhẫn của đạo quân Hung nô Atilla (395-453) hay đạo quân Tần Thủy Hoàng (259 TCN-210 TCN) thời Chiến Quốc, cho đến các đạo quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn (1162-1227), là một chiến lược quân sự để thúc đẩy quân lính hăng say ra chiến trường, khi chiếm được đất đai thành trì thì quân lính bên thắng trận được thi hành công trận, tha hồ cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, giết chóc bừa bãi tùy hứng thú, xem sinh mạng con người không đáng gì cả.
Trong giai đoạn huy hoàng nhất của mình, Đế quốc La Mã chiếm đóng một khu vực đất đai rất rộng lớn trên quả địa cầu, bao trùm và trải dài từ Bồ Đào Nha cho đến Syria hiện nay, gộp từ nước Anh phía Bắc cho đến Bắc châu Phi và Ai Cập phía Nam. Nhưng những suy tàn về đạo đức, dấu hiệu hay nguyên nhân, qua những biểu hiện tình dục đồng tính luyến ái, tình dục tự do, quan hệ xã hội xấu đi, tham nhũng vơ vét, kèm với những suy yếu về kinh tế, lực lượng quân đội… dẫn đến kết quả là dân chúng chán ghét, mất niềm tin hoàn toàn, rồi Đế quốc La Mã bị kết thúc sau khi đã mất quyền cai trị ở nhiều nơi.
Người có cái nhìn bi quan có thể cho rằng, thời đại chung của loài người, từ đầu thế kỷ thứ 21, đang đi vào giai đoạn suy thoái đạo đức để đi đến một ngày tàn lụi, chấm dứt một quá trình diễn tiến lịch sử hơn hai ngàn năm. Sau đó, việc gì sẽ xảy ra? Sẽ lại có một “Đấng Cứu Thế” mới đưa nhân loại vào một con đường sống mới?!
Hiểu thế nào là đạo đức?
Đạo đức là một khái niệm có nhiều tranh cãi, thế nào là có đạo đức và thế nào là không có đạo đức? Đứng trên quan điểm nhân tâm nào, hệ thống tư tưởng chính trị nào, nền tảng triết học nào, cơ bản tôn giáo nào để phán đoán và suy luận về đạo đức? Có phải đạo đức của số đông trong một tập thể xã hội luôn luôn đúng, nhất là trong một bài viết ngắn dài hai, ba trang giấy.
Đạo đức trong bài này là một cách nhìn xuất phát từ trải nghiệm của cả một đời người, có thời gian chiến tranh và có thời gian hòa bình, xuất phát từ sự kết hợp của nhiều luồng tư tưởng Âu Á. Nó nhất định không phải là thứ đạo đức đàn ông ngồi chiếu trên, đàn bà con nít ngồi chiếu dưới, thứ đạo đức “người quân tử sĩ phu” học thuộc lòng kinh điển ngoại bang để ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau. Mãi tới đầu thế kỷ thứ 20 phụ nữ Việt Nam mới được chính thức cắp sách đến trường, dưới chế độ thuộc Pháp.
Đạo đức, trước tiên hết phải có tính chất “bình đẳng”, bình đẳng nam nữ, bình đẳng dù giàu hay nghèo, bình đẳng vì không phải con người chỉ là mèo đen hay mèo trắng, bình đẳng vì ai cũng chết với hai bàn tay trắng như thưở mới chào đời, chỉ đem theo được trong cái chết những tình thương. Đạo đức không phải do luật lệ của một chính phủ, một chế độ đặt ra, mà đạo đức là một hiện tượng xã hội, tức là giá trị đạo đức mang lại những điều tốt lành, điều hay lẽ phải, được nhiều người trong một xã hội công nhận, chấp thuận, đồng ý và thi hành một cách tự nguyện, tự giác.
Tham nhũng cũng là một hiện tượng xã hội tập thể, không ai có thể tham nhũng một mình, mà muốn tham nhũng thì phải kéo bè có cánh, chia nhau mà ăn cắp, bóc lột một cách có hệ thống, đường dây mối nhợ, của cải to lớn đi đôi với quyền lực, vì thế muốn giải quyết tham nhũng là một điều rất khó, nó bứt dây động rừng và thời đại nào, từ thượng cổ, ở đâu, cũng đều có tham nhũng, chỉ khác nhau ở mức độ, giấu diếm hay công khai, tham nhũng ít thì dân thở ra được một chút, mà tham nhũng trầm trọng thì bóp nghẹt dân. Tham nhũng đối lập với đạo đức và mức độ tham nhũng tăng cùng với mức độ suy thoái của cả xã hội.
Suy thoái đạo đức diễn biến muôn hình vạn trạng...
Từ đầu thế kỷ thứ 21 đến nay, dần dà có một vấn đề nổi lên ngày một rõ nét, đó là thế lực của đồng tiền. Câu nói “Có tiền mua tiên cũng được” trở thành hiện thực: tất cả mọi thứ từ vật chất, đến đạo đức, đến giá trị tinh thần, giá trị thiên nhiên, giá trị triết học… đều có thể được mua bằng tiền. Sự kiện này chính là hệ thống tư tưởng “tất cả vì tiền” đang lũng đoạn mọi xã hội, mà biểu hiện của nó là hàng loạt các suy thoái về đạo đức đang được biến thành “luật lệ” mới, “luật pháp” mới của xã hội, khi sự chia cách giữa giàu và nghèo ngày càng lớn thêm hơn, thành phần trung lưu bị giảm thiểu nhanh chóng.
Thí dụ mới nhất là đạo luật cho kết hôn đồng tính luyến ái tại Pháp của chính phủ Hollande/Ayrault được thông qua và áp dụng vào tháng năm 2013 dưới chiêu đề “bình đẳng”. Đạo luật này được áp đặt cho dù đa số dân chúng phản đối với những cuộc biểu tình lớn tại thủ đô Paris.
Luật do con người tự viết ra, đặt ra để quản lý một xã hội cho có trật tự, công bằng, bảo đảm các quyền lợi tối thiểu của con người trong sự sống, nhưng không có nghĩa là luật nào cũng dân chủ, tức là được đa số trong xã hội chấp nhận. Có những đạo luật đi ngược với nhân quyền, nhân đạo, nhân phẩm. Có những đạo luật không được tôn trọng, vi phạm trắng trợn.
Đối với nhiều người dân, dù có ảnh hưởng tôn giáo hay không, thì sự kiện đồng tính luyến ái nằm trong phạm vi một “phương cách kỹ thuật tình dục” để thỏa mãn một nhu cầu sinh lý của một thành phần nhỏ trong xã hội, vẫn có tự do thực hiện việc ấy. Những người dân phản đối, không chấp nhận một sự “bình đẳng hóa” tạo ra bởi luật lệ mà động lực và căn nguyên chính của nó là giải quyết vấn đề “tiền” trong mọi quan hệ xã hội giữa con người với con người. Đây chính là một sự suy thoái đạo đức của xã hội, kéo theo những sự suy thoái đạo đức khác, trầm trọng hơn, với những biến đổi xã hội sâu hơn, rộng hơn – đồng thời làm cho ý thức chống lại sự suy thoái đạo đức càng sâu sắc hơn.
Thí dụ mới nhất cũng là cuối tháng chín 2014 vừa qua “Hội đồng luân lý” của nước Đức (der Ethikrat) yêu cầu bãi bỏ mọi ngăn cấm và hình phạt trong việc anh em ruột thịt có quan hệ tình dục với nhau, chung sống và đẻ con cái.
Người nhà giàu có tiền, thuê người phụ nữ nghèo cần tiền để cấy tinh trùng, hay cấy nguyên cả trứng đã thụ thai, dùng thân xác của một người khác để “đẻ” ra cho mình một đứa con theo ý muốn và thế lực của tiền. Như thế, hai người đàn bà, hay hai người đàn ông, đều có thể “có” con với nhau. Sự phát triển của ngành y khoa phục vụ cho một sự suy thoái đạo đức trầm trọng. Vì sao? Người ta đặt câu hỏi về sự hiện hữu của người phụ nữ trong thế giới loài người và thân xác phụ nữ, về thiên chức làm mẹ, thiên chức làm vợ, cũng như quyền “bình đẳng” và phẩm giá, danh dự của người phụ nữ. Một số người, nhân danh nhà xã hội học, tâm lý học, triết học… hợp xướng cho rằng, hễ không phải đẻ con là làm mẹ, tách rời thiên chức làm mẹ và khả năng sinh lý mang thai, đẻ (con), xem thân xác phụ nữ chỉ là một cái máy sản xuất theo yêu cầu, để bênh vực cho một sự “tiến triển” của xã hội thời đại mới. Họ là những bồi bút cho thế lực đồng tiền, một loại “đánh đĩ” lương tri, tâm hồn.
Cũng thế, cái nghề xưa nhất thế giới, mãi dâm, trước đây phổ biến là phụ nữ hành nghề mãi dâm ngoài vòng pháp luật xã hội, thì nay “nghề” này được “luật lệ” công nhận chính thức là một nghề kiếm sống như mọi ngành nghề khác, có đóng thuế thu nhập cho ngân sách chính phủ, đóng mọi thứ bảo hiểm xã hội. Từ phụ nữ, đàn ông, trẻ con đều chính thức cung phụng một cách chuyên nghiệp và chính thức cho tất cả mọi yêu cầu về kỹ thuật tình dục.
Chọn giới tính khi sinh đẻ, chọn con trai, bỏ con gái, phá thai hàng loạt chỉ vì lỡ lầm dục tính là những biểu hiện suy thoái đạo đức nghiêm trọng. Phong trào bình quyền của phụ nữ ở châu Âu đã tranh đấu trong thập niên 70 để cho một đạo luật được phép phá thai không bị tù tội, và do bác sĩ, nhà thương đảm nhiệm thời ấy chưa mang dấu ấn của sự suy thoái đạo đức, vì những người phụ nữ tiên phong đó kèm theo yêu cầu phải có sự giúp đỡ của xã hội trong những trường hợp phụ nữ bị lâm vào hoàn cảnh quẫn bách, phải phá thai, đem trẻ sơ sinh cho một cách vô danh tại các nhà thờ. Thời ấy, sự kiện vợ chồng có kết hôn chính thức phải ly dị nhau trước tòa án thì người phụ nữ thường bị xã hội kết án là vô đạo đức. Thời nay, không cần kết hôn, khỏi phải ly dị, tha hồ sống phóng túng, tự do!
Đạo đức không chỉ là mực thước, điểm dừng chân trong vấn đề tình dục, thế nào là lành mạnh sinh tồn, và thế nào là thú tính dục vọng, mà đạo đức thể hiện trên nhiều bình diện khác. Một trong những thước đo đạo đức con người là cá tính trời sinh của người đó, cha mẹ sinh con trời sinh tính, gian tham đối với ngay thẳng, dối trá đối với thật thà, ác độc đối với hiền lành, thâm hiểm đối với chân thật, lừa đảo đối với thanh liêm, phung phí đối với cần kiệm, ghen ghét đối với thương yêu, vất bỏ đối với giúp đỡ, miệng lưỡi đối với cẩn trọng, kiêu căng hách dịch đối với tôn kính, lộng quyền đối với bổn phận, xa đọa đối với trách nhiệm…, nếu có ý thức đạo đức thì học được những cái tốt, sửa (bớt) được những cái xấu của chính bản thân mình.
Người có tiền khi thiếu một bộ phận nào đó, thì mua ngay một quả tim, một trái thận, một con mắt, một cánh tay, một nửa khuôn mặt…sống của người nghèo túng tiền phải bán “bớt” một bộ phận của thân thể mình.
Người có tiền cần có một quốc tịch khác cũng rất dễ giải quyết, họ mua một cuộc hôn nhân giả, thế là được quốc tịch của người vợ hờ, chồng hờ. Người có tiền cũng dễ mua những đứa trẻ con làm con nuôi của những người bán trẻ con nghèo, trẻ con bị ăn cắp. Người có tiền mua mấy kí silicon đắp vào thân thể, thay hình đổi dạng theo một tiêu chuẩn thị hiếu nào đó… để khoe thịt.
Sự suy thoái đạo đức “diễn biến” muôn hình vạn trạng, nó quảng cáo cho một “nếp sống mới” chà đạp lên giá trị đạo đức mà nó cho là đã “lỗi thời”, vô dụng, là vì đời sống con người đã trở thành một thị trường tiêu thụ, mọi thứ đều có một “giá” để bán và mua bằng tiền. Nhưng, có gì không ai mua được không? Không ai bán, chỉ cho, tặng không? Có đấy chứ. Đó là cái Tình và cái Tâm. Không ai mua được tình yêu, tình thương. Không ai mua được một tâm hồn. Tình thương thật sự và tâm hồn bác ái, từ bi, khoan dung, độ lượng là liều thuốc chống lại sự suy thoái đạo đức, mà trong đó ý thức trách nhiệm của mỗi người là một công cụ hữu hiệu để thực hiện tình thương và biểu hiện tâm hồn lành mạnh.
-----------------------------
* Lịch hiện tại mà thế giới đang sử dụng là lịch của đạo Thiên Chúa ấn định để đánh dấu thời đại Thiên Chúa giáo (l’ère chrétienne), chia thời gian làm hai phần, trước Chúa Jesu sinh (av. J.-C.) và sau Chúa Jesu sinh (après J.-C.) với cái mốc là năm Jésus-Christ Giáng Sinh (gọi là Năm Ơn Trên, an de grâce, an du Seigneur, Anno Domini). Năm 33 sau Thiên Chúa là năm mà Jesu, người gốc Do Thái, bị tổng đốc khu vực tỉnh Juda là Pontius Pilatus cho đóng đinh trên thập tự giá ở Jerusalem vì tội chống lại thế lực tài chính khi ấy, thành phần Do Thái buôn bán và đổi tiền, và xúi giục dân chúng nổi loạn.