TÊN NƯỚC SAU BẮC THUỘC

* THU TỨ *

Hỏi: Từ ngày Ngô Quyền đuổi quân Nam Hán đến nay, đất nước này đã mang một số tên gọi khác nhau. Có tên do ta tự xưng, có tên nước khác gọi ta…

Đáp: Hãy bắt đầu với những tên tự xưng. Ngô Quyền chưa đặt quốc hiệu. Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Đặc điểm hay được nhắc của tên này là chữ “Cồ”, nhưng tôi thấy chữ “Việt” mới thực là đáng chú ý. Ngay trước Bắc thuộc, quốc hiệu nước ta gồm tên của hai nhóm Việt tộc chính là Âu và Lạc, hẳn bởi khi ấy anh em còn phân biệt rõ. Đến đời Đinh, lại hẳn do hai nhóm đã hoàn toàn nhập làm một nên nước được gọi bằng cái tên chung của chủng tộc. Có thể thấy cả một quá trình cộng cư hết sức tốt đẹp qua hai quốc hiệu trước, sau!

Hỏi: Quốc hiệu Đại Việt xuất hiện lúc nào?

Đáp: Đời Lý Thánh Tông, bắt đầu năm 1054. Nhân đây, xin nhắc không phải chỉ có ta xưng nước mình “lớn”. Đại Hàn, Đại Hòa (Nhật), Đại Lý, Great Britain v.v đó. Và cái chữ “Trung” trong Trung Hoa cũng có ý nghĩa tự tôn.

Hỏi: Năm 1400 Hồ Quý Ly lên ngôi, đặt lại tên nước là Đại Ngu. Ngu đây nghĩa là yên vui…

Đáp: Vâng. Nước Đại Ngu tồn tại tới năm 1407 thì mất vào tay quân Minh. Lê Lợi lãnh đạo kháng chiến thành công, năm 1428 dựng triều mới và phục hồi cái tên Đại Việt. Quốc hiệu ổn định đến năm 1804.

Hỏi: Từ năm 968 đến năm 1804, người Tàu đã gọi nước ta bằng những tên gì?

Đáp: Cho đến năm 1164, họ chưa công nhận nước ta là nước. Vua ta họ gọi là Giao Chỉ quận vương. “Vương” đây không phải là vua, mà là cái tước cao nhất trong triều đình. Quận Giao Chỉ bây giờ người cầm đầu được phong tước vương, thế thôi.

Hỏi: Trong lịch sử chiếm đóng, bắt đầu họ gọi lãnh thổ ta là Giao Chỉ quận. Đến năm 679, đổi thành An Nam đô hộ phủ.(1) Sau khi bị đánh đuổi ra, lại trở lại gọi là Giao Chỉ quận. Vậy là thế nào?

Đáp: Quận là đơn vị hành chính nội địa. Đô hộ phủ lập trên lãnh thổ của nước khác. Đổi từ quận sang đô hộ phủ là bước thụt lùi về hình thức. Kẻ xâm lược lùi vì không còn nắm đất chiếm vững được như trước. Vài trăm năm sau hắn bị buộc phải lùi luôn về nội dung. Mất hẳn nước ta rồi, nhưng người Tàu lại gọi như thể nước ta trở lại là một phần của nước Tàu! Việc đổi tên ngược từ đô hộ phủ sang quận là hoàn toàn vô nghĩa, không tương ứng với lịch sử như đã xảy ra.

Hỏi: Bao lâu sau thì họ chấp nhận sự thực?

Đáp: Từ năm 1164, Tàu bắt đầu gọi vua ta là An Nam quốc vương. Đây tất nhiên là thay đổi đầy  ý nghĩa. Nó rút cuộc chịu rằng ta độc lập! Nhưng ta không vui chút nào về cái tên nước ta mà nó tự ý đặt. An Nam, An Bắc, An Đông, An Tây là những vùng đất bị người Tàu chinh phục rồi bình định để cai trị. An Nam là phương nam đã bình định. Cái tên nhắc nhở quá khứ tối tăm không thể đem làm quốc hiệu!(2) Để ý sử quan ta viết Đại Việt sử ký toàn thư, còn kẻ phản bội Lê Tắc viết An Nam chí lược (sau khi chạy qua Tàu).

Hỏi: Năm 1804 Gia Long đề nghị ta và Tàu thống nhất tên gọi nước ta. Vua thoạt tiên chọn “Nam Việt”…

Đáp: Nam Việt là tên cái nước do Triệu Đà lập ra xưa kia, gồm cả đất từ lâu thuộc về Tàu. Gia Long không có ý “đòi lại” Lưỡng Quảng như Quang Trung, không biết tại sao chọn nó.

Nhân đây, thử nghĩ về chọn lựa quốc hiệu của Triệu Đà. Sao lại “Việt” khi y là người Hoa tộc? Chắc do như sử sách chép, Triệu Đà đã tự đồng hóa với văn hóa Việt tộc bản địa. Thế còn “Nam”? Có lẽ là để phân biệt với nước Việt của Câu Tiễn ở về phía bắc. Nên nhớ vào thời Triệu Đà xưng đế, “Bắc Việt” mất chưa lâu lắm…

Hỏi: Tàu bác bỏ đề nghị của Gia Long. Vua bèn chọn “Việt Nam”. Tại sao?

Đáp: Cũng không biết tại sao. Nhưng Việt Nam không hề là sáng kiến của Gia Long mà đã thành tên tự xưng thứ hai của nước ta từ trễ nhất là cuối thế kỷ XIV. Khoảng năm 1390, Hồ Tông Thốc viết Việt Nam thế chí. Trong Địa dư chí (1435), Nguyễn Trãi chép: “… ngày nay cũng xưng là Việt Nam”. Khoảng năm 1545, Nguyễn Bỉnh Khiêm biên soạn tập Việt Nam sơn hải động thưởng vịnh. Năm 1715, trong bài thơ vịnh đèo Hải Vân của Nguyễn Phước Chu có câu: “Việt Nam hiểm ải thử sơn điên”. Ngoài ra, tên Việt Nam còn thấy nơi một số đình, chùa xây dựng trong thế kỷ 16…

Hỏi: Việt Nam nghĩa là gì và tại sao Tàu chấp nhận?

Đáp: Việt Nam là “đất phương nam của người Việt”, phân biệt với Hoa Nam là “đất phương nam của người Hoa”. Hoa Nam vốn là đất của Việt tộc, nhưng Hoa tộc đã nam tiến chiếm mất. Vào lúc mở rộng nhất, Hoa Nam gồm cả Việt Nam. Dĩ nhiên Tàu rất muốn nước ta trở lại làm một phần của Hoa Nam, nhưng sau bao nhiêu nỗ lực tái chiếm không thành công, sau đại bại Xuân Kỷ Dậu dưới tay Quang Trung hãy còn mới tinh, rút cuộc họ chịu xóa di tích của một thời oanh liệt đã quá xa…

Hỏi: Năm 1838 Minh Mệnh đổi quốc hiệu thành “Đại Nam”. Lý do là gì và Tàu phản ứng ra sao?

Đáp: Trong bài dụ về quyết định của mình, Minh Mệnh giải thích sở dĩ đổi như thế là do “phàm là người có tóc có răng (thì) đều thuộc vào trong bản đồ”, ý rằng không phải chỉ có người Kinh mới là dân của Tổ quốc. Ý đó là hay. Nhưng giữ trong tên nước cái tên của tộc người có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nước là chuyện bình thường. Người Tàu hiện nay vẫn xưng nước họ là Trung Hoa.

Không thấy có sách vở nào chép về phản ứng của Tàu. Nhưng do tên mới có chữ “Đại”, chắc chắn là họ không chấp nhận.

Hỏi: Chỉ vài chục năm sau đó, ta tự xưng là gì trở nên vô nghĩa, vì đất nước mất quyền tự chủ…

Đáp: Trong thời Pháp thuộc, ta vẫn còn “nước” còn “vua”, nhưng nước bé hẳn lại và không độc lập mà chỉ là một thuộc quốc của đế quốc Pháp. Trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim nhận xét: “Thực quyền về chính phủ bảo hộ hết cả. Triều đình ở Huế chỉ giữ cái hư vị mà thôi”. Còn trong bài thơ “Hỏi Gia Long”, Phan Chu Trinh than thở: “Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ: / Vua thời còn đó, nước thời không!”.

Hỏi: Về tên của cái “nước không”…

Đáp: Triều đình “vua tượng” vẫn xưng là Đại Nam. Nhưng Pháp gọi thuộc quốc ấy của mình là An Nam. Để ý Pháp bỏ qua cái tên Việt Nam. Tại sao? Chắc vì kẻ thống trị muốn nhắc mọi người rằng đây vốn là đất thuộc Tàu, bây giờ thuộc về hắn.

Hỏi: Sau khi Nhật đảo chính Pháp, nước ta bỗng trở thành một đế quốc: “Đế quốc Việt Nam”!

Đáp: Tuy danh xưng mạnh bạo, nhưng thực chất đó vẫn hoàn toàn là tình trạng “nước không, vua tượng”. Chỉ có thay chủ “Đại Pháp” bằng chủ “Đại Nhật Bản”.

Hỏi: Đế quốc Việt Nam sinh tháng 3-1945, tử tháng 8-1945, để sau đó một nước Việt Nam có thật sẽ ra đời…

Đáp: Tôi nghĩ quốc hiệu sẽ không bao giờ thay đổi nữa. Trước khi kết thúc, tôi muốn quay trở lại cái tên “An Nam” một chút. Trong thời Pháp thuộc, một số trí thức ta, kể cả những người chắc chắn yêu nước, đã dùng nó trong tác phẩm mình: “người An Nam”, “dân An Nam”… Tại sao? Trước tiên, do tư thế của Pháp, nó rất phổ thông. Thấy nó khắp nơi mà không biết hay quên nó có ý nghĩa xấu, dĩ nhiên là dùng. Ngay cả những người biết và nhớ và không thích, họ có khi cũng dùng vì lý do thực tế. Ngoài ra, có người dùng với ý tự biếm, có người mang tâm lý tự ti…

An Nam là một cái tên xúc phạm tự hào dân tộc do một ngoại bang sáng kiến ra và dùng đi dùng lại, rồi một ngoại bang khác lại dùng. Nó đã chết rồi, nhưng mong mọi người Việt Nam không dửng dưng khi trông thấy “xác” nó ở chỗ nọ chỗ kia.

Tháng 4-2022

________

Phỏng vấn đây là hình thức trình bày. Hỏi và đáp đều là tác giả.

(1) Năm 622 đổi thành Giao Châu đô hộ phủ. Năm 679 đổi tên của đô hộ phủ.

(2) Trong Lịch sử Việt Nam (1983), Trần Quốc Vượng viết: “… cái tên “An Nam” đáng ghét”.

- THU TỨ -