Một trong những nguyên tắc căn bản của việc luyện tập khí công là thuận tự nhiên. Không những phải thuận theo những quy luật vận hành chung của vũ trụ và con người mà còn phải thuận theo sự phát triển tự nhiên cá biệt cho từng cá nhân.
Mỗi cá nhân có căn cơ và bầm tụ khí chất khác nhau nên có sự phát triển khí hỏa cũng không giống nhau. Do đó, Tĩnh tọa Châu thiên pháp ngoài việc khai thông Nhâm Đốc còn phối hợp với tĩnh tọa để đưa cơ thể tiến dần đến vô thức hoặc nhập tĩnh, hệ thần kinh trung ương sẽ phục hồi khả năng tự điều chỉnh, tự hoàn thiện, tối ưu nhất cho từng cá nhân và vòng Tiểu Châu thiên, tức nội tức cũng sẽ tự động luân chuyển với tốc độ và hiệu quả cao nhất.
Từ đó, nội khí sung mãn có thể lan tỏa tự nhiên sang các kinh mạch và tạng phủ toàn thân thành vòng Đại Châu thiên theo một trình tự khế hợp với sự phát triển sức khỏe và tâm linh riêng cho mỗi người.
Ngồi thiền là con đường đưa đến nhập tĩnh. Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là giúp người tập tập trung sức chú ý về một điểm, một hình ảnh, đề tài hoặc một câu ám thị nhất định nhằm dẫn cơ thể tiến dần đến tình trạng nhập tĩnh, khi tâm không còn bám víu vào bất cứ ý niệm nào.
Như vậy, ngồi thoải mái, lặng lẽ, tập trung sức chú ý vào hơi thở lên xuống ở mạch Nhâm hoặc vào ra ở Đan điền, hoặc theo dõi luồng chân khí triển chuyển trên vòng Tiểu Châu thiên, hoặc chỉ tập trung quán chiếu Đan điền... đều là những phương pháp thiền.
Điều quan trọng là nếu đã chọn phương pháp nào để thiền thì nên giữ mãi phương pháp đó để từ thế ngồi, thế tay, cách thở, lời ám thị, đường khí vận luyện... được não ghi nhận qua thời gian sẽ hình thành nên những mã khóa, những cung phản xạ có điều kiện đưa người tập tiến nhanh vào trạng thái nhập tĩnh.
Trong quá trình ngồi sẽ có những lúc tâm bị phân tán, các tạp niệm xen vào. Điều này là bình thường. Chỉ cần tiếp tục phương pháp hoặc tập trung vào đề tài là đủ.
Lâu dần những tạp niệm sẽ thưa dần, thời gian tập trung được dài hơn, hơi thở sẽ điều hòa, chậm hơn, cho đến lúc không còn ý niệm và quên luôn cả hơi thở. Đây là một quá trình lâu dài. Tùy theo khí chất của mỗi người, mức độ nhập tĩnh đạt được sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, để tự chữa bệnh bằng khí công tĩnh tọa, việc duy trì tình trạng bám víu vào đề tài hoặc vào điểm tập trung một thời gian nhất định là đủ. Điều quan trọng là nên đều đặn hằng ngày, mỗi ngày một hai lần, mỗi lần 15 phút trở lên.
Nếu không thiền bằng cách quán chiếu Đan điền thì trước khi xả thiền cũng cần tập trung ý vài phút tại Đan điền, để tụ khí lại nơi đây.
Đan điền còn gọi là Khí hải hoặc Khí huyệt, vì là nơi ở của khí, nguồn gốc của sự sống. Tụ khí về Đan điền để tránh tình trạng khí nghịch, khí trệ do chân khí còn lưu đọng ở kinh lạc, ở tạng phủ, vùng đầu hoặc vùng ngực trong quá trình luyện công.
Nếu thời gian ngồi thiền lâu, cần quan tâm đến việc xả thiền để giúp khí huyết lưu thông bình thường trở lại.
Trước khi đứng dậy nên co duỗi tay chân, xoay người qua lại nhiều lần. Xoay ở vùng eo, vùng cổ. Dùng cả hai tay vuốt nhẹ hai bên sống mũi, từ đầu mũi đến tận chót cằm. Vuốt ấm hai vành tai. Xoa nóng hai lòng bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân từ đùi ra đến bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn chân.
Cuối cùng áp lòng bàn tay phải vào bụng dưới xoa vòng tròn quanh rốn 36 vòng, xong lại xoa 36 vòng theo chiều ngược lại.
Những hiệu ứng khi luyện công
Luyện tập khí công có thể mang đến những kết quả chữa bệnh rất kỳ diệu. Tuy nhiên, kết quả này không thể sinh ra trong ngày một, ngày hai mà phải thông qua một quá trình cần mẫn lâu dài.
Tuần tự tiệm tiến là một nguyên tắc cần tuân thủ trong khi luyện công. Thông thường việc “đánh thức” Đan điền, sinh nội khí có thể xảy ra từ vài ngày đến vài tuần.
Những hiệu quả tích cực đối với sức khỏe như giảm hoặc hết bệnh, ăn ngon hơn, ngủ dễ hơn (nếu khó ngủ) hoặc ngủ sâu hơn, tăng cân (nếu khó ngủ) hoặc ngủ sâu hơn, tăng cân (hoặc giảm cân nếu trước đó béo phì)... có thể thấy được từ 3 đến 6 tháng.
Những cảm nhận về khí cũng khác nhau ở mỗi người. Những cảm nhận này có thể làm cảm giác nóng ở một huyệt vị hoặc cảm giác về luồng khí di chuyển theo đường kinh, hoặc về màu sắc của khí...
Có nhiều người không hề cảm nhận được những dấu hiệu này dù sức khỏe được cải thiện và luyện tập vẫn còn tiến bộ. Do đó, không nên lo lắng, mong cầu. Lòng tin và quyết tâm tất sẽ đưa đến kết quả.
Quá trình tập có thể gây đau, tức, ngứa ngáy, co giật do việc khai mở
một số huyệt vị trên đường kinh hoặc công phá một tổ chức bệnh trước khi những bế tắc này được thải trừ hết.
Thông thường, những phản ứng này sẽ tự chấm dứt sau đó. Một số ít trường hợp luyện công xảy ra tức ngực, khó thở, tim đập nhanh hoặc căng nặng ở đầu.
Những trường hợp này thường do hít sâu vào quá hoặc ngưng thở quá lâu. Cần điều chỉnh lại hơi thở và tăng cường buông lỏng cơ thể trong quá trình luyện công.
Có một số người, nam hoặc nữ, sau một thời gian luyện công thì tính dục xung động, gia tăng cảm giác ham muốn tình dục. Đây không phải là một hiệu ứng xấu mà là dấu hiệu của luyện tập có hiệu quả dẫn đến nội lực sung mãn.
Vấn đề chỉ là điều tiết chuyện phòng the và tận dụng nguồn nội lực ấy để tái bổ sung cho cơ thể như thế nào. Để tái bổ sung, chỉ cần ngồi yên tĩnh, lặng lẽ vận hành vòng Tiểu Châu thiên cho đến khi có cảm giác bình thường trở lại.
Điều này sẽ khiến năng lực tính dục thông qua Nhâm Đốc phân bố lại để nuôi dưỡng cơ thể. Đây là điều mà các đạo gia gọi là luyện tinh hỏa khí, luyện khí hỏa thần, chuyển năng lực tính dục theo mạch Đốc lên đầu để phát triển trí não và huy động những chức năng còn tiềm ẩn.
Trên thực tế, sau một thời gian luyện tập tốt Tĩnh tọa Châu thiên pháp, chỉ cần ngồi vào tư thế, nhập tĩnh hoặc lặng lẽ quan sát vùng bụng dưới thì việc “hỏa khí” sẽ tự động diễn ra và hoàn tất trong vòng vài phút mà không cần phải tác ý hay vận luyện gì.
Ngoài ra, người tập cũng có thể tập trung tư tưởng tại Mệnh môn thay vì Đan điền khoảng 10 phút trước mỗi lần xả thiền.
Mệnh môn là chỗ ở của chân Hỏa. Tập trung ý tại Mệnh môn để dẫn Hỏa về đây sẽ giải tỏa được áp lực ở vùng sinh dục hoặc Đan điền.
Nói đến Hỏa, không thể không đề cập đến Trường cường. Trường cường là nơi xuất phát chân Hỏa, tương ứng với luồng hỏa xà Kundalini của khí công Ấn Độ.
Sự khai mở và vận dụng hợp lý trung tâm nội lực này có thể mang lại nguồn nội lực to lớn cho việc chữa bệnh và dưỡng sinh.
Ngược lại, nếu không kiểm soát được, nguồn năng lượng này có thể gây tác hại. Sự khai mở Trường cường phải tiến hành đồng thời với sự khai mở huyệt Thần đình và Bách hội và cả sự khai thông mạch Đốc.
Khai mở Thần đình, Bách hội không những để thu nhận ngoại khí, bổ sung cho chân khí mà còn để tạo một van an toàn nhằm tiết bớt chân Hỏa trong quá trình vận hành Châu thiên qua vùng đầu.
Việc khai thông Nhâm Đốc là điều kiện để chân Hỏa ở Trường cường cũng như nội khí sinh ra ở Đan điền có thể luân lưu tuần hoàn tạo ra sự giao hoán, cân bằng giữa Âm và Dương, giữa ngũ tạng và lục phủ.
Thỉnh thoảng, nếu có những biểu hiện dương Hỏa quá vượng như ù tai, nhức đầu, nổi mụn, sưng nướu răng do phong nhiệt hoặc do sự phát tác của những ổ nhiễm khuẩn cũ thì nên tạm ngưng kích hoạt Trường cường. Trường hợp này, khi chuyển vận Châu thiên đến Đan điền nên đưa thăng từ Đan điền sang Mệnh môn đi lên mạch Đốc mà không cần qua Trường cường.
Ngoài ra, sử dụng tư thế kiết già khi vận hành Châu thiên hoặc ngồi thiền cũng là một biện pháp để cân bằng với chân Hỏa. Ở tư thế này, xương mác của một chân đã tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí của huyệt Tam Âm giao ở chân còn lại.
Như vậy, trong suốt thời gian ngồi kiết già, những đường kinh Âm và huyệt Hội âm liên tục được kích hoạt, có tác dụng tăng cường Âm khí và tạo thêm một kênh an toàn để trung hòa với chân Hỏa và khí Dương ở mạch Đốc.
Bài liên quan