Nhà văn Phan Tứ (Lê Khâm) là cháu ngoại nhà yêu nước Phan Chu Trinh và là một nhà văn xuất sắc viết về đề tài chiến tranh, với một gia tài sáng tác đồ sộ các tác phẩm phẩm giàu lý tưởng, mang đậm vẻ đẹp lãng mạn cách mạng, như "Gia đình má Bảy", "Mẫn và tôi", "Trước giờ nổ súng", "Bên kia biên giới" v.v... Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT từ năm 2000.
"Từ chiến trường Khu 5" là bộ sách đặc biệt của nhà văn Phan Tứ, gồm toàn bộ các sáng tác lần đầu tiên được xuất bản. Bởi sau khi ông mất, suốt nhiều năm liền, hàng chục cuốn sổ tay với ngót 7.000 trang di bút của nhà văn Phan Tứ đã được giữ nguyên vẹn, vì ngoài bìa cuốn nào ông cũng ghi "MẬT" nên gia đình, đồng đội và bạn bè văn chương đều ngần ngại, không dám mở ra.
Hàng chục năm sau, chị gái ông là bà Phan Thị Kinh (tức Lê Thị Kinh) đã thuyết phục gia đình cho xuất bản những di cảo của ông. Ban biên soạn và các nhà dịch thuật gồm bà Lê Thị Kinh - nhà nghiên cứu, Đinh Thị Phương Thảo - vợ nhà văn Phan Tứ, nhà văn Thanh Quế, Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng đã bắt tay vào làm với tất cả tình cảm trân trọng tác giả.
Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng cho biết: Việc khôi phục và dịch các bản thảo của ông rất khó khăn, vì chữ viết tay trên nền giấy xấu, phải được phóng to lên để đọc được chữ. Hơn nữa, khoảng 4.000 trang của 43 cuốn sổ được viết bằng cả 5 thứ tiếng: Lào, Pháp, Nga, Anh, Việt và các ký hiệu khác nhau, nhằm bảo vệ bí mật chiến trường khi đó. Vì thế, phải mất 10 năm việc biên dịch và biên soạn mới hoàn thành. Những trang nhật ký cho thấy ông đi nhiều, học nhiều, ghi chép và làm đề cương rất cẩn thận để dự định viết những bộ tiểu thuyết đồ sộ.
Bộ sách mở đầu từ lúc Phan Tứ rời Khu 5 để về đồng bằng mở ra vùng giải phóng đầu tiên Tứ Mỹ (Nam Tam Kỳ) và kết thúc lúc ông chấm dứt hành trình 2 tháng rưỡi đi bộ gian khổ trên đường Hồ Chí Minh tại Lệ Thủy (Quảng Bình), về đến Hà Nội sau 5 ngày đêm đi xe tải dưới bom đạn.
Ông Nguyễn Cừ, Giám đốc NXB Văn học nhấn mạnh: Bộ sách "Từ chiến trường Khu 5" thể hiện sức làm việc và nghị lực phi thường của nhà văn Phan Tứ, để có những trang tư liệu hết sức giá trị về cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc. Ông đã phải viết trong một điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn của những ngày dài đói cơm, nhạt muối, trong sự hành hạ của những cơn sốt rét rừng, dưới làn mưa bom bão đạn và những cuộc càn quét của địch.

Bộ sách "Từ chiến trường khu 5" của nhà văn Phan Tứ
Với thủ pháp đặc trưng của nhật ký là giàu cảm xúc, ngắn gọn, đầy ắp thông tin, bộ sách sẽ là nguồn sử liệu giàu chất văn chương cho thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau cùng tìm hiểu, chiêm nghiệm để thêm tự hào về những thế hệ cha anh đã một thời không tiếc máu xương, viết lên những trang sử hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Đây còn là kho văn liệu quí báu, đóng góp vào sự phát triển của văn học Việt Nam.
Cuốn sách ra đời vào năm 2011, thời điểm Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kỷ niệm 40 năm thành lập, còn mang ý nghĩa đặc biệt khi nhà văn Phan Tứ cũng là một nạn nhân chất độc da cam khi ông sống và chiến đấu tại chiến trường Khu 5.
Vì thế, suốt 15 năm cuối đời, ông đã phải chống chọi với những căn bệnh nan y xuất phát từ thứ chất độc chết người kia. "Từ chiến trường Khu 5" sẽ góp thêm một tiếng nói đanh thép tố cáo và lên án tội ác chiến tranh và kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Bộ sách sẽ được tặng các thư viện và trung tâm thông tin lớn của các tỉnh trong cả nước.
Tại buổi lễ, đại diện Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị được tặng lại bản thảo copy di cảo của nhà văn Phan Tứ, do NXB Văn học đang giữ. Với những giá trị vượt thời gian và mang tầm lịch sử, thiết nghĩ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia nên sớm liên lạc với gia đình nhà văn, để các di cảo gốc của nhà văn hiện gia đình ông đang giữ được bảo quản ở một nơi có điều kiện tốt nhất.