“Đốt giai đoạn” một thành ngữ của Pháp?

Tôi nghe nói thành ngữ “đốt giai đoạn” rất quen thuộc với chúng ta và hiện đang được dùng rộng rãi trong tiếng Việt là dịch từ một thành ngữ của Pháp, nhưng lại dịch sai. Sự thật như thế nào? Nhờ Tạp chí Hồn Việt nói rõ thêm?

(Trần Phạm Công Danh - Quốc lộ 13,  P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TP.HCM)

GS Bát Sách trả lời:

Quả có như thế. “Đốt giai đoạn” được dịch từ ba chữ “brÛler les étapes” của Pháp và riêng tôi thì tôi nghe một mẩu chuyện ngày xưa có một nhà báo ngồi trong toà soạn dịch tin. Gặp ba chữ tiếng Pháp nói trên anh ta mở ngay từ điển thấy “brÛler là “đốt” và étape là “giai đoạn”. Trong lúc vội vàng để có bài đưa cho nhà in anh ta dịch luôn một mạch không cần lật xem ở trang sau để thấy “étape” còn có một nghĩa thứ hai nữa là “chặng đường”, là “trạm nghỉ chân ở mỗi chặng đường”; giống chuyện một ông lang vườn nọ khi tra sách thuốc để kê đơn chỉ đọc có bốn chữ “thốn tâm phục sâm” ở trang trước mà không đọc tiếp hai chữ “tắc tử” ở trang sau. Và anh nhà báo của chúng ta cũng không ngờ là động từ “brÛler” trong “brÛler les étapes” không có nghĩa là “đốt” mà lại có nghĩa là “vượt bỏ, không dừng lại, không ghé lại”. Nếu bạn bị công an giao thông ở chốt đèn phạt vì tội “brÛler un feu rouge” thì tội ấy không phải là tội “đốt một ngọn đèn đỏ”, mà chính là tội “vượt đèn đỏ”. Ba chữ “đốt giai đoạn” bị cài trong tiếng Việt trong trường hợp đó.

Thành thử, nếu dịch đúng thì brÛler les étapes phải dịch là “vượt trạm nghỉ chân, không dừng lại ở trạm nghỉ chân”. Vì ngày xưa ở Pháp, muốn di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác hành khách phải đi bằng xe chuyên chở công cộng do bốn con ngựa kéo gọi là xe diligence. Đường thì xa, nên ở mỗi chặng đường đều có một trạm nghỉ chân để thay ngựa mới, để mọi người xuống xe nghỉ mệt một lát rồi mới tiếp tục cuộc hành trình. Nếu có việc gấp thì đi luôn, không ghé trạm. Như thế gọi là brÛler les étapes. Ba chữ này có thể được hiểu theo nghĩa bóng nhưng không được dịch là đốt giai đoạn.

Trong tiếng Pháp có đến năm sáu thành ngữ thông dụng bắt đầu bằng động từ “brÛler” nhưng ở mỗi thành ngữ “brÛler” lại có nghĩa khác nhau. Xin kể ra đây:

- BrÛler la politesse là bỏ đi đột ngột mà không có một lời chào từ giã.

- BrÛler les planches không có nghĩa là đốt sàn diễn của sạp hát mà là diễn xuất một cách say mê, lôi cuốn.

- BrÛler le pavé là chạy nhanh hay phóng xe trên đường với tốc độ bạt mạng.

- BrÛler la cervelle à quelqu’un không phải là đốt não của ai mà là bắn vỡ óc ai.

Chỉ có “brÛler” trong thành ngữ “bruler les vaisseaux” mới là đốt thật, nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng là làm việc gì một cách quyết tâm chỉ có tiến tới chứ không có lùi. Đó là lấy điển tích ngày xưa mấy ông tướng cầm quân ra trận, sau khi đưa quân đổ bộ lên đất địch rồi đốt luôn các thuyền bè để cho ba quân hiểu là trong trận này chỉ có hoặc toàn thắng vẻ vang hoặc da ngựa bọc thây chứ nhất định không chịu quay về tay không.

Và bây giờ thì “đốt giai đoạn” đã lỡ bám rễ quá sâu trong ngôn ngữ của chúng ta rồi, không còn cách nào nhổ bỏ nó được nữa. Đó là một bài học nhớ đời để từ nay về sau chúng ta phải cảnh giác hơn đối với những loại cỏ dại mà có người muốn đem trồng trong khu vườn tiếng Việt thương yêu của chúng ta.