Tế Hanh, người thầy kính yêu của tôi

THANH QUẾ

Nhà thơ Tế Hanh là người đưa tôi đến với thơ, là người thầy kính yêu của tôi. Tôi nhớ năm tôi lên 10, đang ở trường học sinh miền Nam số 2, Hà Đông. Vì lúc ấy là mùa hè, chưa vào năm học mới nên chúng tôi chỉ rủ nhau chơi bóng rồi nhảy ùm xuống ao bơi đuổi nhau. Một buổi trưa đi tắm về, ngang qua lớp học bổ túc văn hóa cho các cô chú phục vụ trong trường, tôi nghe thầy giáo đọc cho cả lớp viết chính tả một bài thơ. Bài thơ viết về miền Nam thương nhớ, có một con sông, hồi nhỏ…

Nhà thơ Tế Hanh là người đưa tôi đến với thơ, là người thầy kính yêu của tôi. Tôi nhớ năm tôi lên 10, đang ở trường học sinh miền Nam số 2, Hà Đông. Vì lúc ấy là mùa hè, chưa vào năm học mới nên chúng tôi chỉ rủ nhau chơi bóng rồi nhảy ùm xuống ao bơi đuổi nhau. Một buổi trưa đi tắm về, ngang qua lớp học bổ túc văn hóa cho các cô chú phục vụ trong trường, tôi nghe thầy giáo đọc cho cả lớp viết chính tả một bài thơ. Bài thơ viết về miền Nam thương nhớ, có một con sông, hồi nhỏ… Là người miền Nam xa quê, bài thơ làm cho tôi bồi hồi xúc động. Tôi cứ mặc quần đùi, cắp áo trong nách, nép sau cánh cửa nhẩm đọc từng câu theo lời thầy. Khi các cô chú viết xong chính tả, tôi cũng thuộc bài thơ. Sau này, tôi mới biết đó là bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh.


Chân dung nhà thơ Tế Hanh.

Trên đường về nhà, tôi cứ thấy buồn, nhớ, nhớ cha mẹ, nhớ nhà, nhớ quê, day dứt mong gặp lại những người thân. Buổi chiều ấy, tôi không chơi đá bóng nữa mà cứ thẩn thơ ra vào. Ngay khi ấy, tôi thấy thơ có cái gì thật là lạ. Nó nói giúp cho mình những gì mình không nói được với người khác, mình không viết được trong thư. Từ đó, tôi không la cà chơi nhông nữa mà lên thư viện nhà trường mượn sách thơ để đọc. Từ thơ, tôi đọc đến văn và nghiến ngấu bất cứ sách gì có ở thư viện. Tôi thấy sách cho tôi những hiểu biết cao hơn những gì tôi nghe, tôi nhìn thấy trong cuộc sống.

Từ đó, tôi bắt đầu tập làm thơ để nói lên tình cảm của mình với quê hương, cha mẹ, anh em cũng như bạn bè, thầy cô trong trường. Tôi tập làm thơ trong cuốn vở học sinh, lầm thầm viết, lầm thầm đọc một mình, không dám cho ai biết.

Vào năm lớp 7, lúc này tôi học ở trường học sinh miền Nam số 16, Đông Triều. Trường tôi có tổ chức cuộc thi thơ viết về Bác, Đảng. Giải thưởng cuộc thi là những cuốn sách mà nhà trường gửi thư xin các nhà thơ, nhà văn, nhất là các tác giả người miền Nam. Lần ấy, tôi được giải nhì về thơ và được nhận cuốn “Gửi miền Bắc” của nhà thơ Tế Hanh. Khi được trao giải, tôi sững sờ, đứng lặng, ứa nước mắt. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình được cầm quyển sách của nhà thơ nổi tiếng, có bài “Nhớ con sông quê hương” mà tôi yêu quý đề tặng. Cảm động hơn là khi về lớp, giở trang đầu quyển sách, tôi thấy nhà thơ ghi:

“Cháu nào nhận được tập thơ này thì gửi thư cho chú. Địa chỉ: 10 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội”.

Tôi vội viết một lá thư cảm ơn nhà thơ và kèm theo mấy bài thơ tôi tập viết. Thật là bất ngờ và cảm động, gần một tháng sau, tôi nhận được thư trả lời của nhà thơ. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi một đoạn thư:

“… Theo ý chú thì cháu có tâm hồn thơ đấy. Cháu cố gắng làm thơ và bồi dưỡng tâm hồn mình. Trước hết, cháu nên học tốt tất cả các môn để làm cái nền cho văn hóa chung. Người làm thơ cũng cần biết tất cả các ngành khoa học khác. Sau này lớn lên cháu sẽ hiểu rõ hơn. Còn về văn học thì nên đọc thơ văn cổ điển, tục ngữ ca dao, thơ văn của các nhà thơ, nhà văn trong nước và thế giới…”.

Nghe theo lời nhà thơ, suốt đời tôi đã tự học, tự học không ngừng, không những về thơ, văn mà còn nhiều thứ khác nữa để hỗ trợ cho mình trong sáng tác.

Nhà thơ Tế Hanh là người đã đưa tôi đến với thơ, là người thầy kính yêu của tôi, tôi mãi mãi mang ơn…


Bài liên quan: