Tế Hanh như tôi đã biết

MAI QUỐC LIÊN

Có một thông lệ là: nếu xếp 5 đại gia thơ việt nam (để dịch giới thiệu ra nước ngoài) thì đầu tiên là tố hữu rồi đến huy cận – xuân diệu (hai “ông hoàng” của thơ mới), tiếp đến là chế lan viên và tế hanh.

Tế Hanh (1921-2009) có lẽ là “em út” trong số người này về tuổi tác (Huy Cận thực ra tuổi Bính Thìn cùng năm với Xuân Diệu 1917 (*), Tố Hữu – Chế Lan Viên cùng sinh năm 1920; Tế Hanh nhỏ hơn 1 tuổi). Họ vẫn gọi nhau bằng tên “húy”: Cận, Diệu, Hoan, Hanh. Huy Cận – Xuân Diệu học trước Tế Hanh ở Huế, Huy Cận còn là người “chỉ vẽ” cho Tế Hanh buổi đầu làm thơ, năm đó Huy Cận đã có tên tuổi trên thi đàn; nên “làm anh” là phải rồi.

Tôi thấy Tế Hanh rất nể Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… Nhưng cái chính là anh là người rất mực khiêm tốn, nhường nhịn, yêu thương, đằm thắm, nên giữa họ quan hệ rất đẹp. Nhất là Chế Lan Viên đối với Tế Hanh vừa yêu thương vừa quý mến:

Tôi vừa đến Nam Kinh
Nhớ bạn ốm Nam Ninh
Trời Trung Hoa rộng lớn
Có nói hết mối tình

(Thơ gửi Tế Hanh).

Theo chính Tế Hanh kể, Liễu là bài thơ Chế Lan Viên “tặng” cho anh, bắt anh ký tên. Cũng lạ!


Tế Hanh. Ảnh TL.

Tế Hanh rất hiền. Cái hiền bẩm sinh, nó toát ra từ mỗi cử chỉ của anh. Chế Lan Viên, Xuân Diệu rất dễ nổi nóng, chứ Tế Hanh thì tuyệt đối không bao giờ. Anh bao giờ cũng nhường nhịn, hòa ái, từ tâm. Ngày xưa, học ở Huế, chàng trai có đôi mắt nồng nàn yêu thương ấy, bắt đầu làm thơ (cả một mùa hè anh làm 30 bài thơ, gởi đi dự thi Tự Lực Văn Đoàn, được Nhất Linh nhận xét: “Ông Tế Hanh rất nhiều hứa hẹn trở nên một thi sĩ có tài; ông có một linh hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc và để diễn tả linh hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt câu, tìm chữ…”). Bắt đầu làm thơ, bắt đầu yêu, bắt đầu bước vào Thơ Mới với Nghẹn ngào, với Hoa niên

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới…
… Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

Bắt đầu đời thơ là lòng yêu quê hương trong sáng, nhưng cũng bắt đầu nỗi buồn, nỗi buồn chia ly, nỗi buồn con đường nhỏ, nỗi buồn của tình yêu vô vọng:

Nếu em chết chắc là anh có thể
Tỏ mối tình lặng lẽ quá sâu thâm
Anh tìm đến nơi em nghỉ giấc ngàn năm
Ngồi điên dại sầu như cây liễu rũ.

Nói cho cùng, những cô gái Huế đài các, quý phái ngày xưa ấy, đâu có để ý, đâu có đáp lại tình yêu của chàng thi sĩ – dẫu sao cũng là “dân quê”, “rụt rè, ngượng nghịu như một chàng rể mới” (Hoài Thanh). Anh có kể cho tôi nghe mối tình nồng nàn của anh với một cô gái và anh làm rất nhiều thơ, về sau cô ta kết hôn với một ông kỹ sư nổi tiếng, ông trở thành nhà bác học lớn thời ta, mà có lẽ nếu nói tên ai cũng biết. Tế Hanh bị “ra rìa” ngay từ cuộc so găng đầu tiên: Anh thất thế.

Cách mạng Tháng Tám đến như một cơn lốc, làm thức tỉnh cả một thế hệ thanh niên – trí thức ở Huế, ở miền Trung lúc bấy giờ. Tế Hanh lập tức nhập cuộc. Anh được tín nhiệm giao nhiều công tác văn hóa – văn nghệ của miền Nam Trung Bộ. Anh chân thành đi vào cách mạng, đi thực tế chiến trường “từ Đà Nẵng đến Cực Nam gót rổ” và mang hơi thở khốc liệt, gấp gáp của chiến trường vào thơ:

Tôi gặp chị một chiều Ninh Thuận
Vai mang gùi đầu quấn khăn tang
”.

Ở đây cũng cần nói một câu chuyện mà anh chị em văn nghệ Khu 5 ai cũng biết. Hồi đó, anh kết hôn với một phụ nữ đẹp, quê Đà Nẵng (ta cứ tạm gọi là chị P.). Nhưng cuộc hôn nhân, cuộc tình ấy vỡ tan khi va đập vào cái khốc liệt của chiến tranh, của cuộc sống. Chị rời bỏ kháng chiến, rời bỏ Tế Hanh vào thành (Đà Nẵng), mang theo đứa con còn trong bụng mẹ. Cho nên, ra Bắc, Tế Hanh có hai bài Im lặng (1 và 2), mà bài thứ 2 là một khúc bi ca não nuột:

Sinh con chưa biết mặt con
Con sinh gặp cảnh nước non cách vời
Lỡ làng một giọt máu rơi
Thân con bé bỏng cuộc đời mông mênh
Mấy năm đau khổ chiến tranh
Bao nhiêu nước mắt cũng đành lặng im
Cha vẫn giữ trong tim thắm đỏ
Tình thương yêu con nhỏ của cha
Ngọn đèn khuya, ánh sao trời
Chứng minh im lặng những lời của cha!

Bây giờ anh mất rồi, chị Yến – người vợ của anh, tần tảo thủy chung chăm sóc anh hơn 10 năm anh hôn mê, “chăm để lấy tuổi thọ cho anh” – chị nói, cũng đã già rồi, vết thương của anh cũng đã lành lâu rồi. Nhưng sẽ không hiểu một số bài thơ, một số tình điệu thơ anh, nếu ta không hiểu nỗi đau của lòng anh, đời anh hồi ấy.

*

“Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”
Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình…
Có ai gọi tên tôi trong gió bấc
Trong gió nồm tôi muốn gởi lời ra.

Ở Khu 5, lòng anh nhớ về Việt Bắc, thủ đô kháng chiến. Đến khi ra đến miền Bắc rồi thì đất nước lại chia cắt. Tế Hanh trở thành nhà thơ của nỗi niềm thống nhất, cắt chia, nỗi niềm “ngày Bắc đêm Nam” của bao cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết:

Chiêm bao bừng tỉnh giấc
Biết là em đã xa,
Trên tường một tia sáng
Biết là đêm đã qua
Ban ngày công tác bận.
Ban đêm, dành nhớ em
Ban ngày ở miền Bắc
Ở miền Nam ban đêm…

Anh nhớ mảnh Vườn xưa, nơi có bà mẹ già, có cái giếng trong, bốn mùa đi qua mảnh vườn ấy và đôi trai gái yêu nhau không gặp lại nhau vì cách trở, tuy cùng có về vườn xưa:

 

Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh.

Tình yêu, cách chia, cô đơn, buồn… những chuyện ấy thơ nói mãi rồi. Nhưng với Tế Hanh, đó là tình thực, và sự giản dị nhưng truyền cảm, quyến rũ, những luyến láy trùng điệp trong tình điệu, trong ngôn từ… làm thơ anh có một sức mạnh không ngờ.

Những bài thơ tình của anh – trong đó có bài thơ được nhiều người yêu thích Bài thơ tình ở Hàng Châu:

Mùa thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng trong cây
Một ít buồn trong gió trong mây
Một ít vui trên môi người thiếu nữ…

Phải có một tâm hồn tinh tế lắm mới cảm nghe được cái sắc màu, cái tâm trạng buồn – vui của thiên nhiên như thế. Thơ Tế Hanh là một dòng suối mát, nó vọt trào lên thật tự nhiên, thật hồn nhiên từ đất, từ đáy giếng sâu của hồn anh hồn hậu, chân tình… Thực ra, để có được những kiệt tác như thế, Tế Hanh đã phải “thử” và làm hỏng khá nhiều. Nhưng khi đã thành công thì tuyệt diệu.

Huy Cận có thể trầm mặc, lắng sâu, thâm u; Xuân Diệu có thể nồng nhiệt, hối hả; Chế Lan Viên có thể triết luận, biến ảo… trong khi Tế Hanh chân chất, mộc mạc, làm nghệ thuật mà như chẳng làm, “vô vi”, thế nhưng anh có cái phép màu “đạm sau khi nồng” và dẫn đến thành công bất ngờ. Bởi có nhiều con đường dẫn đến thơ hay mà con đường ngắn nhất là con đường của trái tim thi sĩ và sự giản dị đầy nghệ thuật của ngôn từ. “Chiếc áo trời không có đường may” (thiên y vô phùng); thơ lời giản dị nhưng có thể làm người nghe biến cả thần sắc… (Viên Mai – Tùy Viên thi thoại).

Tế Hanh đọc rất nhiều, anh am hiểu tất cả các nền thơ, các nhà thơ lớn. Anh dịch Pushkin, Aragon, Éluard, Nezval, Evtouchenko, Nâzim Hikmet… và dịch cả các thi hào dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Anh có ý thức học tập tất cả để tìm ra chính mình. Và không ít lần, anh đã tìm ra, phát hiện: anh chính là anh, không lẫn với bất kỳ ai.

Một trong những đại diện xứng đáng của thơ Việt Nam thế kỷ XX, một trong những nhà thơ lớn của dân tộc… đã ra đi, để lại sau mình nỗi tiếc thương và cảm giác trống vắng.

Tôi xem anh như bà chị hiền. Mỗi lần dắt anh qua đường phố Hà Nội khi mắt anh đã mờ, tôi lại nhớ đến câu thơ tình của anh:

Ta dắt tay nhau
Cùng qua đường cho khỏi ngã
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại
Nhưng em đã xa xôi
Và cơn bão lòng ta thổi mãi…

Thơ anh như vậy đó, ám ảnh, quyến rũ cả một thế hệ. Không mãnh liệt, nhưng đằm sâu. Con người anh, đôi mắt thời thanh xuân màu nâu long lanh, đẹp và ẩn sâu bao tình ý… Và một cuộc đời như bao cuộc đời khác, có vui, có buồn, có chiến thắng và có bi kịch, rốt cuộc cũng đã khép lại rồi…

Thương anh biết bao nhiêu, anh Tế Hanh!


(*) Cũng có thể Huy Cận sinh năm 1916, nếu như tháng 2 Dương lịch năm ấy còn là năm Thìn?