Tố Hữu, một tài năng dịch thơ lỗi lạc

Tố Hữu là một tài năng thơ lớn, là nhà thơ lớn của dân tộc và của cách mạng. Đó là một tài năng thơ bẩm sinh: mới mười sáu tuổi, mười bảy tuổi đã có những bài thơ hay, làm chấn động tâm hồn của cả một thế hệ. Có thể nói, gia đình, quê hương, văn hóa… đã tạo nên tài năng ấy. Nhưng cái chính vẫn là bản ngã của một tâm hồn.

Nhưng ngoài tài năng sáng tác, Tố Hữu còn là một dịch giả thơ lỗi lạc. Thế kỷ vừa qua, có nhiều người dịch thơ nhưng khó có ai sánh được với Tố Hữu về phương diện ấy. Tài năng sáng tác đã chuyển hóa thành tài năng dịch và ở đây, sự sáng tạo là một.

Vấn đề dịch, nhất là vấn đề dịch thơ, là một vấn đề rất phức tạp, nằm giáp ranh giữa nhiều bộ môn như văn học, ngữ học, mỹ học, có cái có tính quy luật, khoa học, nhưng có cái nằm ở vùng tình cảm, thẩm mỹ rất khó xác định.

Chung quy, dịch là đi tìm một cái tương đương với nguyên tác trong một ngôn ngữ khác. Và dịch thơ, tức là phải chuyển được chất thơ, ý thơ, ngữ điệu thơ… cả cái “ý ở ngoài lời”, những khoảng lặng trong bài thơ… sang một ngôn ngữ khác. Và dịch là sáng tạo, là sáng tạo lại trên cơ sở chất liệu của nguyên tác. Ở đây không được phép thêm bớt, nhưng rõ ràng là trong lúc dịch, tài năng sáng tạo của người dịch được bộc lộ rất rõ và sự hơn kém của các bản dịch cũng rất rõ ràng.

Có những bản dịch giết chết nguyên tác bằng cái tầm thường, tầm thường trước hết về cách diễn đạt của tiếng mẹ đẻ, rồi sau đó là ngữ nghĩa, vần điệu, chưa nói đến những cái cao diệu hơn của thơ. Nhưng cũng có những bản dịch được giới văn hóa ưa thích, kính trọng…

Trong văn học Việt Nam, ta có thể nói đến bản dịch Chinh phụ ngâm khúc mà gần đây nhiều chứng cứ cho là của Phan Huy Ích, người đã tự cho là mình “đã làm rõ được tấm lòng tác giả” (“tự tín suy minh tác giả tâm”) do khi dịch đã rất chú ý đến “nhạc thanh”. Bản dịch Tỳ bà hành của Phan Huy Thực cũng là một sáng tạo lớn: quả thực là đối với người Việt, thì bản dịch của Phan Huy Thực “hay” hơn, thú vị hơn nguyên tác của Bạch Cư Dị! Tản Đà cũng để lại nhiều bản dịch Thơ Đường trứ danh (dù không phải là tất cả)…


Nhà thơ Tố Hữu và tác giả.

Tố Hữu, một nhà thơ hiện đại, chủ yếu là nhà cách mạng chuyên nghiệp. Ông ít có thời gian để sáng tác. Sáng tác, như ông nói, chủ yếu là lúc ông nằm bệnh viện hoặc tranh thủ đêm hôm, ngày nghỉ… Thế nhưng, ngoài sáng tác, ngoài công việc, chính luận… ra; ông còn rất quan tâm đến dịch thơ. Và đã để lại một di sản dịch đáng kể, hơn 200 bài.

Đó là vì, trước hết, ông thấy cái bức thiết của việc phải tiếp nhận những tinh hoa thơ của nhân loại cho nhân dân mình. Nhân dân ta, do chiến tranh, đói nghèo… rất bị thiệt thòi trong tiếp xúc với các nền văn hóa thế giới. Điều cũng không kém phần quan trọng là trong công cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng xã hội mới; chúng ta cần đến những người đồng chí, đồng tình, cùng chung lý tưởng chiến đấu chống xâm lược, chống áp bức, bất công…; cần những bài thơ như những tuyên ngôn chiến đấu, mãnh liệt và giàu năng lượng sống. “Bạn ơi, dù đầu ta rơi mất. Ta sẽ nâng trái đất trên vai. Từ đôi mắt mẹ khóc hoài. Sẽ đưa trái đất ra ngoài lệ đau (…). Phí hoài đâu những hy sinh? Bạn ơi, tạm biệt! Chết là việc mới cho mình đó thôi!” (Jinđrich Vichra - Tiệp Khắc).

Vì lý do đó, Tố Hữu đã tìm đến các nhà thơ, đồng thời cũng là những anh hùng dân tộc như Pêtôphi, Cristo Botev…; những nhà thơ cộng sản như Maïakovski, L.Aragon, Pablo Neruda, Nazim Hikmet… Ở họ, trước hết Tố Hữu tìm thấy sự đồng điệu, đồng cảm lớn lao và ông đã đem tâm hồn sôi nổi, nhiệt huyết, trong sáng của mình để lọc những bài thơ ấy qua tiếng Việt yêu thương…

Sự ngang tầm về lý tưởng, về tâm huyết, tâm hồn, tâm sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho Tố Hữu dịch; do đó, dịch mà như là sáng tác; giữa người dịch và người sáng tạo như là tình nhân, là anh em, đồng chí… Vì thế, bài thơ dịch, dù chủ yếu qua tiếng Pháp chứ ít khi qua nguyên ngữ, vẫn cho thấy một sức cuốn hút lạ lùng, từ sự thắm thiết của ý thơ, cái mẫu mực, cái đẹp của vần điệu, cái trong sáng duyên dáng của tiếng Việt, cái cao diệu của những tình điệu muôn màu sắc… Tất cả được Việt hóa và được Tố Hữu hóa, để trở thành bản dịch tuyệt diệu như lời đánh giá của Simonov, tác giả Đợi anh về…

“Hãy đợi anh… Hãy chờ anh và anh sẽ trở về. Chỉ có điều là em phải rất mong… Hãy chờ anh khi mà những cơn mưa mùa thu vàng vọt gieo nỗi buồn. Hãy chờ anh khi tuyết rơi, hãy chờ anh khi nắng gắt… Hãy chờ anh khi những người khác không chờ anh nữa (…) Hãy chờ anh và anh sẽ về. Bất chấp cả cái chết. Bằng sự đợi chờ của em, em đã cứu anh…”. Qua bản dịch của Tố Hữu, người ta cảm nhận được cái tha thiết, cả cái thê thiết, cái hy vọng và tuyệt vọng, chiều rộng của không gian, mong manh phấp phỏng của thời gian, và trên hết cả là tình yêu, là chờ đợi, là thủy chung… cao đẹp của hồn người.

“Em ơi đợi anh về. Đợi anh hoài, em nhé. Mưa có rơi dầm dề. Ngày có buồn lê thê. Em ơi em cứ đợi/ Dù tuyết rơi gió nổi. Dù nắng cháy em ơi. Bạn cũ có quên rồi. Đợi anh về em nhé!”.

Từ nguyên bản thơ Nga, qua thơ Pháp, qua thơ Việt, bản dịch tất yếu phải thêm bớt, biến đổi, vần điệu cũng phải khác (trong tiếng Nga, thơ Simonov cũng là thơ tự do, không phải thơ cổ điển; tiếng Nga đa âm tiết, có trọng âm; sang tiếng Việt đơn âm tiết, có sáu thanh điệu, hệ thống khác nhau, cái chính là bản dịch giữ lại hồn cốt, giữ lại chất thơ, chất nhạc, sức quyến rũ của một tình yêu bất diệt.

Chín năm chống Pháp, trên rừng Việt Bắc, trên đại ngàn Tây Nguyên, đồng bằng Khu 5, bưng biền Nam bộ, bản dịch đã đi vào tâm hồn bộ đội, nhân dân…, đem đến cho họ một vẻ đẹp mới của lý tưởng nhân văn cách mạng.

Tố Hữu nắm bắt rất điệu nghệ, tài hoa cái hồn của bài thơ qua nhạc điệu của nó; và chuyển rất thành công qua tiếng Việt. Đó là trường hợp nguyên tác là tiếng Pháp mà ông thông thạo, thấm nhuần từ hồi còn đi học.




Bút tích nhà thơ Tố Hữu.

Bài thơ Tiếng ca thu (Chanson d’automne) của Paul Verlaine, Tố Hữu dịch vào lúc cuối đời, trong một tâm sự buồn rất dễ bắt vào nỗi buồn của P. Verlaine. Bài thơ đơn giản trong từ ngữ tiếng Pháp, nhưng nó diễn tả một nỗi buồn sâu sắc, triền miên của một trái tim đau, của một tâm hồn nhạy cảm và tuyệt vọng. Nhạc điệu của nó, trong những câu thơ tự do, trong từng phân đoạn của bài thơ, cũng nức nở một nỗi sầu tẻ ngắt, ngột ngạt, chán nản, đơn điệu, tuyệt vọng. Tố Hữu nghe rõ những cái đó của tứ thơ và nhạc điệu và đã diễn đạt nó một cách tinh tế trong tiếng Việt:

“Tout suffocant.
Et blême, quand.
Sonne l’heure,
Je me souviens.
Des jours anciens.
Et je pleure”

(Chao ôi, ngột ngạt
Tái
Khi lòng ta lại nhớ về ngày qua
sa nước mắt)

Vần trong bản tiếng Việt ôm nhau (tê - về; qua - sa) rất đẹp, tình điệu bài thơ đã được chuyển hóa hoàn toàn từ tiếng Pháp sang tiếng Việt; không để rơi rụng bất kỳ cái gì của bài thơ; mà lại còn làm cho ta thấy nó như một sinh thể sống - một sáng tác trong tiếng Việt.

Cuối đời, còn chút ít thời gian, Tố Hữu dịch một số bài thơ phương Đông, và của dân tộc mình, những bài thơ chữ Hán; chủ yếu là qua các bản dịch nghĩa. Điều thuận là qua phiên âm, dịch nghĩa… người như Tố Hữu dễ dàng nắm được tình ý của nguyên tác. Các bản dịch thơ Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… đều thể hiện tấm lòng của thơ Tố Hữu đối với các thi hào cổ điển, và được dịch rất công phu. Long thành cầm giả ca… được dịch, chữa đi chữa lại nhiều lần, kỳ cho đạt đến sự hoàn chỉnh mới thôi…, vất vả còn hơn sáng tác.

Lỗ Tấn nói đúng: “Dịch khó hơn sáng tác”. Bởi vì dịch luôn luôn bị bó buộc bởi nguyên tác, còn sáng tác thì tự do hơn. Long thành cầm giả ca của Tố Hữu là một bản dịch xứng với Nguyễn Du, người mà Tố Hữu đã nghe qua thơ ông tiếng vọng của cả nước non “nghe như non nước vọng lời ngàn thu… Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du. Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày…”.

Tố Hữu dịch nhiều bài của Cao Bá Quát, nhưng bài hay nhất là bài Sa hành đoản ca (Bài hát ngắn đi trên bãi cát), một bài thơ phức điệu, nhiều tâm sự và lớn của Cao.

Để kỷ niệm 90 năm ngày sinh Tố Hữu, Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học - Hội Nhà văn Việt Nam gấp gáp làm một số việc để kỷ niệm, trong đó có việc in lại và bổ sung tập thơ dịch này của Tố Hữu.

Sinh thời Tố Hữu và cũng như hiện nay, Toàn tập, Tuyển tập… của Tố Hữu không tính đến các bản dịch. Chúng tôi cho rằng, đối với Tố Hữu, dịch cũng là sáng tác, và đối với ông, dịch, sáng tác hay làm bất cứ công việc gì cũng là vì đời, vì nhân dân, vì cách mạng, vì kháng chiến, vì lý tưởng của mình. Đó cũng là món quà mà ông dâng hiến, là “cho”, “Sống là cho. Chết cũng là cho” như ông nói.

Chúng ta tiếp nhận món quà quý ấy với lòng biết ơn ông vô hạn.

Trung thu năm 2010.


Bài liên quan:
MAI QUỐC LIÊN