1.1. Đề cương của cuộc Hội thảo khoa học Văn hóa, con người và nguồn nhân lực Việt Nam đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa gợi cho tôi nhớ lại một sinh hoạt văn hóa - tư tưởng của sinh viên Khoa Đông phương, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP. HCM trong khuôn khổ một Lễ hội văn hóa đông phương cách đây khoảng 5 năm.
Chủ đề của sinh hoạt văn hóa - tư tưởng ấy là:
“Sinh viên Đông phương học! Bạn là ai và bạn sẽ là người như thế nào” |
Tán thành và ủng hộ Đoàn TNCS Khoa thực hiện sáng kiến này, chúng tôi những người lãnh đạo khoa Đông phương học lúc bấy giờ muốn nhân đấy hiểu được động cơ học tập, nguyện vọng được đào tạo của sinh viên đối với Khoa, cũng như ý thức về trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ nói chung đối với đất nước trong điều kiện lịch sử mới.
Những lo toan, mong ước cũng như là những băn khoăn của các bạn trẻ ấy về tương lai, về trách nhiệm hết sức đa dạng, phong phú. Và có một điều tình cờ mà thật thú vị, nhiều câu hỏi rất cụ thể mà các bạn trẻ đặt ra hồi ấy lại khá gần gũi với những điều chúng ta tìm lời giải đáp trong Hội thảo khoa học hôm nay.
1.2. Tham gia thảo luận với sinh viên Đông phương học lúc bấy giờ, tôi nhắc đến các nhân vật lịch sử cũng như các hình tượng văn học đã từng có tác dụng đến thế hệ chúng tôi, những thanh niên, thiếu niên được Cách mạng Tháng Tám soi gương, mỗi người một cương vị nhập thân vào cuộc sống của đất nước đã giành lại được độc lập và đang tranh đấu để bảo vệ nền độc lập ấy.
Quả thật hình ảnh Hoàng Văn Thụ, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, cũng như Kim Đồng, Nguyễn Bá Ngọc… và cả những Nicolai Ostrovski, Maretsev, những Paven Vlasov, Paven Kortsaghin… với những nét lãng mạn cách mạng, với sự hào hùng, xả thân vì nghĩa lớn của “những người dũng cảm” mang phong vị của “Bài ca con chim ưng” (1) trong bão táp chiến đấu có thu hút sự quan tâm của những sinh viên tham gia buổi sinh hoạt, khơi dậy ở họ tình cảm khâm phục, quý mến, và gây thêm không khí sôi nổi, hào hứng, cởi mở cho cuộc tranh luận.
1.3. Tuy nhiên qua nhiều ý kiến trao đổi tiếp theo của buổi sinh hoạt tôi cảm nhận sâu sắc rằng người sinh viên hiện nay có những điều lo nghĩ khác với thế hệ chúng tôi là những người hầu hết khi ngồi trên ghế nhà trường đều có sẵn hướng đi đã được xã hội xác định. Ngưỡng mộ anh Nguyễn Văn Trỗi có thái độ hiên ngang trước mũi súng quân thù, nhưng “Sống như Anh” trong thời kỳ đất nước đang ở giai đoạn lịch sử hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì người sinh viên và người thanh niên Việt Nam nói chung hiện nay phải chuẩn bị hành trang gì để bảo đảm thành công khi bước vào đời đây?
Rồi trên bước đường lập nghiệp trong điều kiện nước ta với di sản quá khứ và vốn liếng hiện có đang vừa đối diện vừa phải nhanh chóng nhập cuộc với nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa đâu là “Ánh lửa đàng trước” mà người sinh viên, người thanh niên hiện nay phải dõi theo trên dòng sông thị trường đầy bất ngờ và thách thức để mình khỏi bị chậm chân và thậm chí có thể bị lạc lối?
1.4. Những lời lẽ đầy tâm huyết như vậy, những câu hỏi ẩn chứa nhiều tâm sự như vậy từ bấy đến nay vẫn được lưu giữ thường trực trong suy nghĩ của tôi. Và có thể nói thêm, theo dõi diễn đàn của sinh viên thanh niên trong đời sống và trên báo chí thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp nhũng băn khoăn, thắc mắc tương tự dưới hình thức này hay hình thức khác.
II. Nhân vật của thời đại - vấn đề mang tính phổ niệm
2.1. Cách đây hơn một thế kỷ rưỡi nhà văn Nga M.J.Lermontov (1814-1841) cho ra đời tác phẩm nổi tiếng “Nhân vật của thời đại chúng ta” (2). Do tính điển hình của nhân vật Petshorin và của vấn đề được tác giả đặt ra nên tên gọi của tác phẩm này dần dần trở thành cách gọi chung cho cả một lớp người tiêu biểu cho một hoàn cảnh xã hội - lịch sử cụ thể và sự ứng dụng cách gọi đó vượt ra ngoài biên giới nước Nga Sa hoàng.
Theo lô gích biện chứng của cuộc sống ở mỗi quốc gia, vào các giai đoạn lịch sử khác nhau luôn luôn xuất hiện những nhân vật điển hình về cả hai mặt - tích cực hoặc tiêu cực - vốn là sản phẩm của chính cái xã hội ấy. Chức năng của giáo dục - hiểu theo nghĩa rộng - là xây dựng lớp người phù hợp với lý tưởng mà mỗi xã hội, mỗi cộng đồng nhân dân, mỗi quốc gia theo đuổi. Xây dựng ở đây bao gồm cả hai phương diện: khuyến khích, cổ vũ, tạo điều kiện cho các nhân tố tích cực nảy nở, phát triển và phê phán, đấu tranh, chống lại, hạn chế, tiến tới loại trừ các nhân tố tiêu cực.
Vì vậy hoạt động giáo dục luôn luôn bao hàm hai mặt này trong chức năng của mình nhằm tạo nên một nguồn nhân lực - cũng hiểu theo nghĩa rộng - thích hợp đối với lý tưởng xã hội cho mỗi thời kỳ lịch sử, tức là xây dựng những nhân vật tích cực của thời đại, loại trừ các hạng nhân vật tiêu cực, cản trở bước tiến của thời đại nói chung hay của một xã hội cụ thể nói riêng. Gọi nhân vật của thời đại cũng như quá trình tạo dựng cho mỗi thời đại một thế hệ thích ứng với thời đại ấy là vấn đề mang tính phổ quát bởi lẽ ta có thể nhận ra điều này ở mọi thời đại và ở bất kỳ quốc gia dân tộc nào.
2.2. Năm 1923, diễn thuyết (lần thứ hai) tại Hội khuyến học Nam Kỳ về Lý tưởng của thanh niên An Nam, Nguyễn An Ninh đã phê phán không chút nể nang những thói hư tật xấu của những người cùng thế hệ mình, “giới thanh niên có dáng đi như vịt, khoác bộ cánh châu Âu”, trong đầu óc “chứa đầy tham vọng” (nhưng chỉ biết) vừa đi rểu rến ngoài đường giữa những thúng mẹt của chị hàng rong, vừa hểnh mũi đánh hơi những người đàn bà qua lại”. Phác họa hình ảnh nhân vật thanh niên lý tưởng đáp ứng yêu cầu của thời đại ấy Nguyễn An Ninh nói đến “những con người biết rõ những nhu cầu và những gì thích hợp với nòi giống ta”.
Đó phải là “những con người hướng dẫn bước đi của dân tộc, và soi sáng con đường dân tộc ta đi,… những nghệ sĩ, những thi sĩ, những họa sĩ, những nhạc sĩ, những nhà bác học, để làm giàu thêm di sản tinh thần của chúng ta”. Những con người ấy sẽ hợp thành một thế hệ “có những lý tưởng mới, những lý tưởng của chính mình, có những hoạt động của chính mình, có những đam mê mới, những đam mê của chính mình”.
Từ Pháp trong bức thư Gửi thanh niên An Nam, năm 1925 được in lại dưới hình thức phụ lục của Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết: “...Chúng ta có đủ những cái mà một dân tộc có thể mong muốn… nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức (vì) thanh niên của ta… không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những người có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn
những kẻ xuất dương thì chỉ biết nghĩ đến việc thỏa mãn tính tò mò mà thôi?”. Người viết tiếp: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.2, tr.132-133).
Chỉ vài chục năm sau tiếng chuông cảnh tỉnh phải “sớm hồi sinh” và lời “réo gọi, chờ mong và nguyện cầu của các nhà cách mệnh tiên phong, những con người dũng cảm thuộc các thế hệ khác nhau đã lần lượt xuất hiện để gánh vác sứ mệnh lịch sử của mình. Và trong các bài viết, bài nói của mình Bác Hồ đã nhiều lần nhắc đến Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Lý Tự Trọng, Kim Đồng và cả Ngô Gia Khảm, Nguyễn Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Quốc Trị… như những con người tiêu biểu cho thế hệ mình. Ta hoàn toàn có thể nói họ đều là những nhân vật - nhân vật tích cực, chính diện - của thời đại mình.
Vậy đặc điểm chung của những nhân vật đó là gì? Mỗi nhân vật, đúng hơn là mỗi thế hệ nhân vật đó có những đặc điểm riêng gì? Việc xác định được điều này ắt sẽ có thể soi sáng cho ta nhiệm vụ đào tạo con người tạo nguồn nhân lực Việt Nam đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
III. Con người và nguồn nhân lực nhìn từ một chuyên ngành đào tạo
3.1. Không phải không có những lý do khách quan khiến cho thế hệ thanh niên hiện nay trong quá trình được đào tạo, chuẩn bị hành trang bước vào đời phải tìm cho mình, và một cách gián tiếp, đặt ra cho xã hội, cho nền giáo dục một loạt câu hỏi cần được giải đáp như vậy (xem mục 1.3 phần trên). Bởi vì đối với họ ngày nay sống là lựa chọn, lựa chọn từ việc nhỏ đến việc lớn. Thi vào ngành khoa học mà mình say mê và tự nhận thấy có khả năng phát triển hay theo ý gia đình thi vào ngành nghề mà sau này dễ thăng tiến về kinh tế, về chính trị xã hội.
Quay cóp để bài làm được điểm cao như những “người biết linh động” hay làm bài một cách trung thực trên cơ sở kiến thức đích thực của mình để rồi có thể điểm số cuối cùng kém hơn? Dành toàn bộ thời gian ngoài giờ học chuyên ngành đào tạo chính thức của mình để học thêm các lớp ngoại ngữ, tin học… hay phải phân phối thời gian cả cho hoạt động xã hội (mùa hè xanh, đến với lớp học trẻ em đường phố…), tham gia xây dựng Đoàn, Hội?
Sau kỳ thi tốt nghiệp, cầm tấm bằng trên tay, anh chị cử nhân, kỹ sư, bác sĩ trẻ ngày nay phải lựa chọn các ngả đường bước vào cuộc sống. Trở về góp phần xây dựng một miền quê hương cũ thể theo tiếng gọi của mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình? Xung phong đi xây dựng quê hương mới theo chủ trương của Đoàn, của Hội để đưa các vùng sâu, vùng xa nhanh chóng thoát khỏi cảnh trầm kha thiếu người, thiếu ánh sáng văn hóa? Hay tìm một công việc nào đó, dù nó không phù hợp với ngành nghề, để tiếp tục được sống ở thành phố?
Có lẽ ta chớ vội nghĩ những câu hỏi này được đặt ra là hoàn toàn xuất phát từ động cơ cá nhân. Cuộc mưu sinh ở thành phố mà trái với ngành nghề đào tạo đối với họ cơ cực vất vả nhiều lắm. Nhưng bù lại họ có thể theo học các lớp ngoại ngữ, vi tính với hy vọng về sự thăng tiến mai sau. Và trước mắt họ không ít người về quê cũ hay tình nguyện đến vùng sâu vùng xa đã gặp phải nhiều chuyện đáng buồn.
Nói tóm lại những người đang được nền giáo dục hiện nay đào tạo trên mỗi chặng đường của mình đều gặp nhũng giao lộ buộc họ phải có sự lựa chọn. Sự lựa chọn này mới nhìn qua, ta tưởng chừng như không đáng kể so với thời kỳ Tố Hữu viết “chọn một dòng hay để cuốn trôi”, nhưng thực ra nó cũng đòi hỏi giới trẻ ngày nay một bản lĩnh không thua sút hơn bất kỳ giai đoạn lịch sử nào trước đây. Nếu thiếu vững vàng, thiển cận do không được trang bị đủ tri thức khoa học, không được rèn luyện chu đáo về nhân cách, đạo đức, về trách nhiệm công dân họ có thể đi vào ngõ cụt, thậm chí vấp ngã.
3.2. Về thông tin liên quan đến nguồn nhân lực, - “Ngày 18/06, Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân số - kế hoạch hóa gia đình VN Trần Thị Trung Chiến cho biết: dân số Việt Nam ngày càng gia tăng, trung bình mỗi năm tăng 1-1,1 triệu người. Đặc biệt, chất lượng dân số VN hiện vẫn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Số năm học trung bình trên đầu người mới đạt trên 6 năm/người và tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 20% trong khi các nước khác đạt 50%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tên tới trên 30%.
Bộ trưởng Trung Chiến dự báo dân số VN có thể ổn định vào giữa thế kỷ 21 với quy mô 113 - 122 triệu người. Hiện gần 50% người VN ở độ tuổi dưới 20” (Tuổi trẻ, ngày 19/06/2002).
Đây là lời cảnh báo rất đáng cho những người làm công tác giáo dục đào tạo phải suy nghĩ. Có lẽ lời cảnh báo này như một sự tổng hợp các thông tin cụ thể mà gần đây thỉnh thoảng ta vẫn gặp trên các phương tiện truyền thông đại chúng: Số người đáp ứng về tiêu chuẩn ngoại ngữ để có thể tham gia hợp tác lao động có trình độ cao về khoa học kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất thấp so với không ít nước trong khu vực; chiều cao và thể lực của thanh niên VN không
tăng là bao sau mấy thập kỷ mặc dù nền kinh tế của đất nước liên tục tăng trưởng; người hợp tác lao động bỏ việc, vi phạm hợp đồng, hạn chế về khả năng hòa nhập văn hóa.
Nếu mở rộng thêm các tiêu chuẩn khác đối với “yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa” như mẩu tin trên đã nêu, chúng ta sẽ thấy còn biết bao công việc mà hoạt động giáo dục - đào tạo mà chúng ta cần tính đến. Theo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, chúng ta hiểu con người - thành tố trong nguồn nhân lực đó - phải là “con người toàn diện, đạt đến trình độ cao về trí, đức, thể, mỹ tương xứng với cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”. Trong số những mặt hợp thành tác động đào tạo chúng ta thử xét đến mặt tác động văn hóa.
Từ giữa năm 2001, để thực hiện Cương lĩnh của Đảng, giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Văn hóa Thông tin đã có kế hoạch 5 điểm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong trường học”.
3.3. Dựa vào kế hoạch đó, gần đây các cơ sở đào tạo trong cả nước nói chung và ở thành phố này nói riêng đã có những bước khởi động đáng mừng. Bước khởi động này không chỉ xuất phát từ cấp lãnh đạo, chẳng hạn lời hứa và chỉ thị của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 06/2002 về việc tạo điều kiện để sinh viên có một nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa, mà còn là hiện tượng tự thân vận động của các cơ sở như việc các Trường tiểu học trọng điểm có chất lượng cao Phước Bình và Trường THCS Trần Quốc Toản đề ra kế hoạch phấn đấu để sớm đạt danh hiệu “Trường có đời sống văn hóa tốt” (nguồn tin: Tuổi trẻ, ngày 13/06/2002).
Điều kiện về vật chất để Thành đoàn TP. HCM thành lập Nhà văn hóa sinh viên (NVH - SV) cũng được giải quyết khẩn trương với quyết tâm lớn của lãnh đạo thành phố và hoạt động tích cực của Đoàn TNCS và Hội sinh viên (Hội SV TP.HCM).
Tuy nhiên để cho nhân tố văn hóa có thể tác động tốt đối với quá trình “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”, có thể thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc…” (Văn kiện Đại hội IX của ĐCSVN, 2001) phong trào đã được phát động, cơ sở vật chất đang được xây dựng, tuy là cần thiết và quan trọng, nhưng mới chỉ là một phần thuộc về điều kiện khách quan của nhân tố đó.
Ngay những điều ghi trong kế hoạch phối hợp và năm điểm hướng dẫn cuộc thực hiện cuộc vận động cũng khó mà bao quát hết yêu cầu làm cho văn hóa trở thành nhân tố không thể thiếu trong quá trình đào tạo con người là thành viên của nguồn nhân lực trong giai đoạn lịch sử hiện tại. Vì sao tôi lại nói đến tính chất chưa bao quát nói đến những điều kiện khách quan cần nhưng chưa đủ, mặc dù chắc chắn rằng không ai là không đánh giá cao các điều kiện khách quan đang được tạo ra như trên đã nêu?
Làm thế nào để cho “bộ phận sinh viên chậm tiến, thiếu rèn luyện và chỉ thích hưởng thụ”, “yếu kém về tính cộng đồng” có thể hòa nhập vào “sự phát triển đa dạng phong phú” với “các nhu cầu của giới sinh viên đang thay đổi” như đã được đặt ra trong cuộc hội thảo về “Đời sống văn hóa tinh thần cho sinh viên học sinh: thực trạng và giải pháp” (Tuổi trẻ, 08.06.2002). “Các nhu cầu đang thay đổi” ấy của giới sinh viên, học sinh và nói chung của thế hệ thanh niên là gì? Theo tôi đây là câu hỏi hiện nay cần được giải đáp trước mọi câu hỏi khác.
V. Con người và thời đại, truyền thống và phát triển
5.1. Tìm hiểu các lời dạy của Hồ Chủ Tịch đối với thanh niên, chúng ta có thể thấy đó không chỉ là những nguyên tắc chung, mà còn luôn thiết thực và gắn với từng giai đoạn lịch sử nhất định. Gặp gỡ thanh niên chỉ ít lâu sau ngày T.Ư Đảng và Chính phủ về thủ đô Người nói: “Khi được tổ chức, giáo dục và lãnh đạo thì thanh niên rất hăng hái hoạt động.
Trước cuộc Cách mạng Tháng Tám thanh niên Hà Nội đã tham gia.
Ngày kháng chiến bắt đầu, thanh niên Hà Nội đã oanh liệt đánh giặc bảo vệ thủ đô… sau đó, đại bộ phận thanh niên ấy… đã lập chiến công ở nhiều mặt trận.
Trước ngày tiếp quản Hà Nội, thanh niên công nhân và công chức hăng hái tham gia đấu tranh giữ gìn nhà máy và cơ quan.
Ngay sau khi ta tiếp quản, mặc dù có nhiều khó khăn, thanh niên đã cố gắng giúp sức trong việc khôi phục kinh tế, văn hóa ...
Ngày nay, Đội thanh niên xung phong Thủ đô là một tập thể gương mẫu… họ đã thu được nhiều thành tích…” Và Người vận động thanh niên học tập, phấn đấu theo tinh thần ấy.
Lời khen ngợi và căn dặn của Bác ở đây cho chúng ta thấy trong những thời điểm có tính giai đoạn người thường chỉ rõ cho thanh niên những nhiệm vụ rất thiết thực và cụ thể. Nhưng ở các bước ngoặt quan trọng của vận mệnh đất nước thì Người lại luôn đề ra những định hướng phấn đấu có tầm chiến lược để đào tạo, rèn luyện các mẫu người thích hợp với từng thời đại. Chẳng hạn lời kêu gọi “phải sớm hồi sinh” trong bức thư Người Gửi thanh niên An Nam được nhắc đến ở trên (2.2) là một định hướng cho thanh niên ở thời kỳ dân ta bị mất nước.
5.2. Ba mươi sáu năm sau đọc diễn văn bế mạc Đại hội III của Đảng (05 - 10/09/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “quyết định về đường lối chung của thời kỳ quá độ lên CNXH ở miền Bắc và đường lối đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”. Và liên quan đến thời kỳ lịch sử này vào tháng 03/1961, khi nói về nhiệm vụ xây dựng CNXH ở nước ta Người đề ra một luận điểm rất quan trọng về chiến lược con người: “MUỐN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRƯỚC HẾT CẦN CÓ NHỮNG CON NGƯỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”.
Không chỉ nhấn mạnh nhân tố hàng đầu là CON NGƯỜI (ta chú ý từ TRƯỚC HẾT) trong tác động lịch sử, Người còn nêu lên tiêu chuẩn và nội dung để phấn đấu trong quá trình tạo dựng nhân tố ấy ở thời kỳ quá độ này: Đó là xây dựng những con người “có tư tưởng và tác phong XHCN”, những con người có ý thức làm chủ Nhà nước, tinh thần tập thể XHCN, và tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”; “tất cả phục vụ sản xuất; cần kiệm xây dựng nước nhà; tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH” (HCM toàn tập, T.10, tr.309 - 316).
Đây là một luận điểm vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính nhân văn sâu sắc. Luận điểm này không những đề cao nhân tố con người trong tác động quyết định đối với lịch sử, mà còn định hướng phấn đấu cho những nhân vật trong thời đại lịch sử này.
5.3. Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra về luận điểm chiến lược con người cho đến nay đã hơn bốn thập kỷ. Ở thời kỳ bản lề giữa hai thế kỷ XX - XXI thế giới đã có nhiều thay đổi. Không ít biến động lớn đã diễn ra. Nhân loại đang đối mặt với những thách thức mới. Nhưng lịch sử vẫn phát triển theo quy luật khách quan của nó. Và chúng ta cũng đã chứng kiến, đã góp phần vào nhiều sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra chính ngay trên đất nước mình. Tuy nhiên - như Cương lĩnh của Đảng từ Đại hội VII đến Đại hội IX đã khẳng định - mục tiêu hướng tới của nhân dân ta vẫn là một: “Đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên CNXH”.
Như vậy, đối với chúng ta, tính chất của thời đại rõ ràng là không hề thay đổi. Thế hệ ngươi Việt Nam ngày nay vẫn đang đi chung một chặng đường thuộc thời đại quá độ lên CNXH trên đất nước mình vốn đã được xác định từ Đại hội III của Đảng ta.
Nhấn mạnh điều này trong nhiệm vụ những con người đáp ứng được các yêu cầu của thời đại, đồng thời chúng ta phải lưu ý đến một thực tế sinh động khác của cuộc sống ngày nay. Đó là những biến cố chính trị - xã hội diễn ra trên thế giới và trong nước ở thời kỳ này khiến cho các thế hệ đang cùng sống và hành động trong giai đoạn lịch sử hiện nay không thể không nghĩ đến việc thích nghi với thực tế.
Tất cả những câu hỏi của giới thanh niên, học sinh, sinh viên đã được giới thiệu ở phần trên chung quy có thể khái quát thành một câu hỏi lớn: người thanh niên Việt Nam trong thế giới đầy biến động và thách thức hiện nay phải hành xử sao đây cho phù hợp với thực tế? “Con người XHCN - nhân vật thời đại của giai đoạn quá độ hiện nay là người như thế nào? Nhiệm vụ xây dựng con người, tạo nguồn nhân lục cho đất nước chỉ có thể thành công khi hoạt động giáo dục xã hội ta trong giai đoạn này có thể giúp cho thanh niên không chỉ tự mình tự tìm được đáp số chung cho bài toán trên, mà còn phải tạo cho họ những điều kiện để áp dụng các đáp số ấy trong đời sống xã hội.
5.4. Nhân chuẩn bị tham gia cuộc hội thảo này, tôi tìm gặp lại một số sinh viên của mình đã ra trường, trong đó có người đã từng tham gia cuộc thảo luận đã nói đến ở 1.1, để làm vài cuộc phỏng vấn nhanh, và tổ chức một cuộc tọa đàm trao đổi với một nhóm sinh viên đang học (3). Tôi xin phép được phản ánh một số ý kiến thu thập được trong các buổi làm việc ấy với mong muốn được đóng góp ít nhiều cho cuộc hội thảo về văn hóa, con người và nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay.
5.4.1. Chúng tôi bắt đầu đi từ cái chung của đào tạo rồi dần dần bàn đến mối quan hệ giữa văn hóa - con người - nguồn nhân lực trong giai đoạn trước mắt. Những nội dung được đề cập trong các cuộc trao đổi ý kiến có thể tổng hợp thành mấy vấn đề lớn.
a. Nhũng điều mong muốn đối với hệ thống đào tạo hiện nay của đất nước.
b. Quan niệm của thanh niên hiện nay về truyền thống và phát triển trong nhân tố văn hóa và về tinh thần yêu nước.
c. Vai trò của yếu tố văn hóa trong sự thành công của thanh niên hiện nay.
d. Chỗ mạnh và chỗ yếu của thanh niên Việt Nam với tư cách là nguồn nhân lục của đất nước khi tham gia vào cuộc đua tranh với người cùng thế hệ của mình ở các nước khác.
5.4.2. Nội dung được đề cập đến trong các cuộc trao đổi qua điện thoại, thư điện và trong cuộc thảo luận trực tiếp rất đa dạng. Dưới đây là phần tổng hợp những ý kiến có liên quan đến chủ đề cuộc hội thảo hôm nay.
a. Điều mong muốn lớn nhất của thanh niên hiện nay xung quanh vấn đề đào tạo là toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam từ bậc thấp đến bậc cao phải ổn định và đặc biệt cần nhanh chóng nâng bậc đào tạo đại học và trên đại học lên ngang tầm thế giới. Tính ổn định nên được thể hiện không chỉ trong nội dung mà cả về quy trình. Sự thay đổi thường xuyên nội dung (của một số môn) và nhất là sự thay đổi quy trình đào tạo gây ra không ít khó khăn cho cả người học lẫn người dạy học.
Những sinh viên có cơ hội đi học trên đại học ở ngoài nước cho biết nếu bậc đại học ở nước ta sớm được thừa nhận có thể chuyển đổi bình đẳng với đại học các nước thì ắt những thế hệ sau họ khỏi bị thiệt thòi như hiện nay, mặc dù về nhiều mặt trình độ không ít chuyên ngành ở Việt Nam không thua kém gì nhiều nước.
b. Yêu nước là một trong những thành tố rất quan trọng của văn hóa. Trong thời đại ngày nay mỗi quốc gia là một bộ phận của thế giới mở. Người lao động, nhất là lao động trí thức, của mỗi nước khi tham gia vào công cuộc toàn cầu hóa, muốn đạt được sự bình đẳng và kính trọng, thì không những phải có trình độ khoa học kỹ thuật ngang bằng hoặc hơn người mà còn cần thể hiện mình là người đại diện cho một nền văn hóa nhất định. Điều này chỉ có thể có được theo kinh nghiệm của trí thức trẻ Việt Nam đã và đang thành đạt - trên nền tảng của tinh thần yêu nước, của lòng tự hào về con người, về đất nước, về lịch sử của nhân dân mình (4).
Theo các bạn trẻ thì trong khi nền kinh tế và khoa học kỹ thuật của ta nói chung chưa đạt vị trí cao trong bảng lược đồ của thế giới thì một trong những nhân tố làm nền tảng cho niềm tự hào dân tộc Việt Nam là truyền thống văn hóa, là lịch sử hình thành và bảo vệ đất nước mình. Vì vậy quá trình giáo dục - đào tạo phải làm sao cho điều đó thấm vào xương thịt, ẩn sâu vào tiềm thức của từng thanh niên như một nguồn năng lực dự trữ. Và khi gặp có gì xúc phạm đến niềm tự hào ấy hoặc nếu cần phải huy động đến sức mạnh đó thì tự nhiên từ trong ý thức sâu thẳm của mỗi người tiềm năng ấy tự nó vụt hiện lên để hỗ trợ. Đó là ý tưởng của một cựu sinh viên Đông phương học (5).
c. Người thanh niên yêu nước, theo nhiều ý kiến được nêu khi thảo luận phải là người có tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, đối với gia đình, đối với cộng đồng, đối với đất nước. Tất cả những người tham gia cuộc tọa đàm đều cho rằng lời những khúc ca như: Quê hương, đừng hỏi tổ quốc làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay… có sức lay động rất lớn đối với tình cảm của giới thanh niên HS - SV. Tác dụng cũng được nhắc đến nhiều là của phim tư liệu lịch sử, trong đó có Vượt sóng mà Thành đoàn TP. HCM mới xây dựng. Đồng thời với tác động ấy đối với rất nhiều người gia đình là nhân tố quan trọng đầu tiên trong sự hình thành nhân cách.
Chính điểm xuất phát ấy giúp họ liên tưởng đến truyền thống văn hóa của đất nước mình. Và từ ý thức phải làm tròn bổn phận người con hiếu thảo trong gia đình chuyển sang ý thức trách nhiệm đối với tập thể họ đang sống, tinh thần trách nhiệm công dân đối với đất nước, theo ý kiến chung, là sự chuyển tiếp tự nhiên và tất yếu.
Có những người trong số họ luôn nhớ nằm lòng lời răn dạy của mẹ cha “phải đáp đền nợ áo cơm”, “phải xứng danh làm người trong cõi đời”, “phải có công gì với núi sông”… Thì ra, những châm ngôn tưởng chừng như xưa cũ ấy vẫn được trân trọng trong giới thanh niên sinh viên và được soi rọi dưới ánh sáng của nhận thức về nghĩa vụ công dân để giúp họ hành xử trong thời đại mới. Kết luận chung được mọi người tán thành là mầm mống văn hóa xuất phát từ gia đình cần luôn luôn được bồi đắp trong suốt quá trình đào tạo và bằng mọi hình thức.
Tuy nhiên ở mỗi cấp học cần có cách làm thích hợp. Các ý kiến thảo luận đều thống nhất nhận xét cách dạy của nhà trường hiện nay đang thiên về các giờ lý thuyết. Thiên nhiên quanh trường phong phú mà giờ sinh vật học sinh chỉ tiếp cận chủ yếu với hình vẽ trong sách. Giờ học sử, kể cả lịch sử Đảng, có nhiều phần lặp lại từ cấp này đến cấp khác.
Phải chăng một số chương lý thuyết đó có thể thay bằng những buổi đến học tại các bảo tàng như bảo tàng lịch sử, bảo tàng chứng tích chiến tranh, nhũng buổi xem phim tư liệu lịch sử. Được cung cấp dồn dập các nhận định, các kết luận có tính lý thuyết mà thiếu hiểu biết thực tế không có cơ hội liên hệ với cuộc sống sinh động, người sinh viên không được rèn luyện khả năng phân tích phê phán, nên chuẩn bị cho thi cử họ chỉ biết học thuộc lòng. Tệ nạn quay cóp có một phần bắt nguồn từ đó.
d. Vào đời đối với người thanh niên ngày nay là bước vào cuộc đua tranh trong một thế giới mở của nền kinh tế thị trường theo xu hướng toàn cầu hóa. Trong bối cảnh đó với tư cách là những người được đào tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam, qua kinh nghiêm giao lưu của mình, sinh viên Đông phương học tự nhận thấy mình có những mặt mạnh đáng quý mà cũng có những mặt yếu đáng lo ngại.
Chỗ mạnh nhất của giới trẻ Việt Nam thể hiện qua các cuộc giao lưu quốc tế là họ có một vốn truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa của nhân dân và đất nước mình mà khi hiểu ra các bạn bè quốc tế đều nể phục.
Trong sự tiếp xúc giao lưu thanh niên Việt Nam ta thường thể hiện sự hiểu biết của mình về các nước khác, về tình hình thế giới. Trong khi đó thì các bạn thanh niên các nước cùng lớp tuổi ít hiểu biết và quan tâm những gì ngoài bản thân họ, công việc cụ thể của họ. Ý thức chính trị của thanh niên Việt Nam có lẽ thể hiện rõ rệt hơn. Thanh niên Việt Nam thường được đánh giá là có thái độ thân thiện, quan tâm và sẵn sàng chia sẻ khó khăn, sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhất là những người ở thế yếu.
Nếu mặt mạnh của thanh niên Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống của nhân dân mình thì các chỗ yếu của họ cũng chính là do họ chịu ảnh hưởng những nhược điểm của thực tế xã hội Việt Nam. Chỗ yếu đáng kể hơn cả của thanh niên ta, ngay cả trong giới sinh viên, là thiếu tác phong công nghiệp, chưa quen phong cách ứng xử văn hóa của người lao động trong một xã hội công nghiệp hiện đại. Điều này được bộc lộ qua nhiều biểu hiện cụ thể: không nghiêm túc tuân thủ các quy định về thời gian (muộn giờ, trễ hạn quy định); tùy tiện, kém ý thức trong việc chấp hành các quy ước của cộng đồng, của xã hội và của luật pháp nói chung.
Một tỷ lệ không nhỏ trong giới trẻ Việt Nam có tâm lý chuộng bằng cấp, danh vị mà thiếu nghiêm khắc tự đánh giá thực chất năng lực bản thân để xác định chỗ đứng phù hợp cho mình trong xã hội. Tính chủ động và tinh thần dân chủ chưa cao, phần nào thiếu tự tin, nên sinh viên và người lao động kỹ thuật Việt Nam ngại công khai bày tỏ ý kiến của mình, ít tham gia vào các cuộc tranh luận. Tình trạng yếu năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh ngoại ngữ giao lưu quốc tế phổ biến hiện nay, cũng dẫn đến nhũng hạn chế ở sinh viên và lao động kỹ thuật Việt Nam trong quá trình hội nhập văn hóa và hợp tác với nước ngoài.
5.5. Qua các cuộc trao đổi ý kiến và thảo luận với sinh viên là giới thanh niên mà mình có quan hệ gần gũi nhất, tôi nhận thấy có ba căn cứ quan trọng để chúng ta xây dựng thành công nguồn nhân lực trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Đó là:
a. Lấy luận điểm của Hồ Chủ tịch về chiến lược con người làm căn cứ lý thuyết.
b. Xem việc đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển đất nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên bối cảnh của hội nhập với nền kinh tế đang trên đà toàn cầu hóa là căn cứ về mục tiêu phấn đấu.
c. Và những nhu cầu, nguyện vọng, chỗ mạnh, chỗ yếu của thanh niên ta trong chính giai đoạn này như căn cứ thực tiễn. Phải chăng đây là một trong những hướng cần phải nghĩ tới khi đào tạo những nhân vật của thời đại kinh tế trí thức mà nước ta đang cùng thế giới bước vào?
Những quan niệm chúng tôi trình bày và những ý kiến của một số sinh viên được giới thiệu trong bảng tham luận này chắc hẳn chỉ phản ánh một phần thực tế. Nhưng chúng tôi hy vọng thực tế đó có thể góp được ít nhiều điều đáng tham khảo cho các nhà hoạch định chiến lược bồi dưỡng văn hóa, đào tạo những con người hợp thành nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn hiện nay.
TP. HCM ngày 11/07/2002
(1) | Một số tên gọi tác phẩm hoặc nhân vật trong bài viết này được trích dẫn từ văn học Xô viết hoặc văn học Việt Nam. - Nicolai Ostrovski, tác giả của Thép đã tôi thế đấy, trong đó nhân vật chính là Paven Kortsaghin có nguyên mẫu là chính bản thân tác giả. - Maretxev - nhân vật trong tác phẩm Một con người chân chính của nhà văn Xô viết B. Polevoi - Paven Vlasov là nhân vật chính trong tác phẩm Người mẹ của M. Gorki. - Sống như anh - tác phẩm do Trần Đình Vân ghi chép theo lời kể của Phạm Thị Quyên, trong đó nhân vật chính là Nguyễn Văn Trỗi cũng là người liệt sĩ thanh niên hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Mỹ và tay sai. - Bài ca chim ưng - tên một tác phẩm của M. Gorki. |
(2) | Tác phẩm Nhân vật của thời đại chúng ta (1839 - 1840) miêu tả bi kịch xã hội của thế hệ cùng thời với Tác giả, chỉ ra các thói hư tật xấu của thế hệ đó vốn là hệ quả của một lề thói xã hội không bình thường. Phản ứng trước sự lên án đanh thép này và tác dụng xã hội của cuốn sách, giới cầm quyền phản động Nga lúc bấy giờ đã không ngớt săn lùng, truy nã M.J. Lermontov. Do tính điển hình của nhân vật chính trong tác phẩm cũng như hoàn cảnh xã hội trong đó nhân vật này sống và hành động nên tên gọi của tác phẩm dần dần trở thành cách gọi chung để chỉ lớp người tiêu biểu cho cả một thế hệ trong hoàn cảnh xã hội - lịch sử cụ thể. |
(3) | Trả lời các câu hỏi phỏng vấn và tham gia cuộc tọa đàm này là những sinh viên thuộc Khoa Đông phương học, ĐH KHXH&NV và Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Đông phương. Đây là hai đơn vị cùng chuyên ngành đào tạo tuy thuộc hai trường, nhưng có nhiều nét chung về nội dung chương trình, về phương thức đào tạo về thành phần sinh viên và có nhiều môn học liên thông. Một số trong các sinh viên này được bạn bè đánh giá là đạt kết quả tốt trong học tập và thành công khi ra đời, có người đang theo học trên đại học ngoài nước, có người đã hoàn thành chương trình cao học ở các nước khác trở về làm việc. Một số người đã tham gia thành công các sinh hoạt của sinh viên quốc tế hoặc khu vục như học kỳ hè trên chuyến tàu Pitthurg, Summer School (ASEF). Các sinh viên đang học tham gia vào cuộc tọa đàm gồm 25 người đại diện cho các khối chuyên ngành của Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Đông phương, Trường Đại học Dân lập Ngoại ngữ & Tin học TP. HCM từ năm thứ nhất đến năm thứ tư. |
(4) | Trong khi thảo luận về mục này những người tham gia các cuộc phỏng vấn và thảo luận đã có nhiều dẫn chứng sinh động về mối liên hệ giữa văn hoá truyền thống và tinh thần yêu nước. Chẳng hạn có bạn cho biết, các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài tự hào gắn danh xưng tổ quốc VIỆT NAM trên các trang chủ (website) giới thiệu thông tin về mình. Một nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam thành đạt đã phát biểu về ngày Quốc khánh Việt Nam như sau: Ngày 2/9 có một ý nghĩa hết sức vĩ đại - đặc biệt đối với tầng lớp thanh niên trí thức trẻ yêu nước Lịch sử bi hùng của dân tộc đã minh chứng qua sự vươn lên của bao thế hệ với một lý tưởng hừng hực, cao đẹp ngút trời. Thế hệ trẻ sau này gánh vác vai trò lịch sử quan trọng đưa đất nước đi lên hội nhập với thế giới cũng phải có những lý tưởng, nghị lực, hoài bão, mục đích sống… tương xứng với lịch sử đã và sẽ thể hiện thông qua tầng lớp doanh doanh nhân trẻ ngày nay. Trong mỗi lĩnh vực đều phải có sự đột phá và biến những ước mơ, ý tưởng của họ thành hiện thực bằng công việc thiết thực từng ngày, và đây sẽ là cơ sở vững chắc cho quá trình hội nhập. (Theo Tuổi trẻ, ngày 01/09/2001). |
(5) | Trong nhóm thanh niên TP. HCM tham gia cuộc gặp mặt xung quanh bàn tròn với Tổng thống B. Clinton có một người nguyên là sinh viên Khoa Đông phương học. Sau khi anh ứng đáp câu hỏi của một vị trợ lý cho Tổng thống về quan niệm dân chủ, tự do trong thanh niên Việt Nam đại ý: Do hoàn cảnh và điều kiện lịch sử khác nhau mà người ta có cách quan niệm về tự do và dân chủ không nhất thiết phải giống nhau. Chẳng hạn thanh niên Việt Nam hiện nay cho rằng khi yêu nhau ta có thể hôn nhau, đó là biểu hiện của tự do. Còn thanh niên Mỹ có lẽ yêu cầu trong yêu đương muốn giới hạn của sự tự do còn có một biểu hiện gì hơn thế nữa. Sau đó Tổng thống B. Clinton trong phát biểu của mình có nêu nhận xét: Thanh niên Mỹ luôn đòi hỏi tự do nhưng dường như quên đi trách nhiệm, với thanh niên thì tự do và trách nhiệm phải luôn đi đôi với nhau. Thanh niên Việt Nam theo tôi có tự do và có ý thức trách nhiệm hơn. |