Ít người được biết hoàn cảnh bức tranh được vẽ từ hơn nửa thế kỷ nay và ý nghĩa bí mật của nó. Theo anh An Kiều, con trai tác giả - họa sĩ Nam Sơn (1890-1973), thì năm 1952, một Hội Từ thiện đã đến gặp họa sĩ Nam Sơn để quyên tiền cho trẻ mồ côi Việt Nam. Ông liền vẽ bức này tặng cho Hội Từ thiện và Hội đã cho bán đấu giá lấy tiền góp. Thủ hiến Bắc Việt đã mua tranh đó và cho treo ở phòng khánh tiết mà không biết thâm ý của nghệ sĩ!
Hồi đó, Nam Sơn bị mắc kẹt trong thành đã năm sáu năm từ khi thực dân Pháp trở lại gây hấn (1946). Trong nhân dân, ông có uy tín là người đã cùng họa sĩ V. Tardieu (1870-1937) thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925), Ông là thầy giỏi, người mở đường cho hội họa Việt Nam hiện đại và đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam tài danh. Ông đã từ chối không nhận đứng ra mở lại trường Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội theo đề nghị của chính quyền vùng tạm chiếm. Sau đó một họa sĩ Việt Nam khác nhận làm việc đó năm 1954. Nam Sơn chỉ nhận dạy vẽ cho một trường trung học để tránh con mắt soi mói của mật thám từng nhận xét ông thuộc loại trí thức trùm chăn, không chịu hợp tác.
Vẽ Núi rừng Việt Bắc là dịp để Nam Sơn gửi gắm tấm lòng yêu nước và đưa ra một bản thông điệp của một người họa sĩ hướng về kháng chiến chống thực dân Pháp. Việt Bắc tượng trưng cho pháo đài kháng chiến của nhân dân ta. Nhìn kỹ mây trắng phía trên, bên phải bức tranh có đàn chim bay theo hình chữ M. Chữ M tách ra là hai chữ V-M (Việt Minh); M còn là Minh (Hồ Chí Minh). Những ngày trước tháng 8/1945, Nam Sơn đã cùng sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (sơ tán lên Sơn Tây từ1943) tổ chức hai cuộc triển lãm với các tác phẩm của sinh viên và giảng viên của trường có nội dung yêu nước. Nam Sơn đã vẽ bức tranh Thiên thư minh họa 4 câu thơ nổi tiếng của Lý Thường Kiệt:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư… |
Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám, Nam Sơn đã được cử vào Ban phụ trách tiếp quản Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Ủy viên Hội đồng cố vấn Học viện Đông Phương Bác cổ). Từ 1957 đến khi qua đời vào năm 1973, ở tuổi 83, ông đã là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam và tiếp tục sáng tác tới cuối đời (1972), để lại hơn 400 tác phẩm đủ thể loại.
Nam Sơn là người rất khiêm tốn, sống lặng lẽ, kín đáo, không khoa trương, vụ lợi, nên ít người được xem tác phẩm của ông và được biết ông đã được nhiều giải thưởng lớn quốc tế ở Paris và Rome… Cho nên đã có người hiểu lầm là ông không vẽ được gì!
Như các nhà Nho Việt Nam, Nam Sơn rất quý trọng Bác Hồ. Ông cũng có ngoại hình phảng phất giống Bác. Có lần, năm 1947, ông đi vẽ những đường phố Hà Nội bị phá tan hoang, ghi chép lại dấu tích lịch sử của chiến tranh và đã bị một toán lính Tây bắt, có tên quá mừng tưởng là đã bắt được Cụ Hồ!
Những bức tranh Hà Nội điêu tàn qua chiến tranh ấy là những tư liệu hội họa lịch sử duy nhất còn lại ở Việt Nam và chưa được giới thiệu. Vì ngoài Nam Sơn, không có họa sĩ nào đã vẽ các cảnh đó. Họa sĩ Lưu Công Nhân là một trong sô ít người được xem các tác phẩm đó từ cuối năm 1954.
Đến khi Thủ đô được giải phóng (1954), Nam Sơn mới có dịp công khai nói lên tình cảm của mình trong các bức tranh chì son (sanguine): Hồn dân tộc, Hành quân, Giấc mơ thời kháng chiến, giấc mơ của một em bé học sinh ngủ thiếp trên cuốn sách Lịch sử Việt Nam, trong giấc mơ hiện lên hình ảnh Bác Hồ và các anh bộ đội.
Nam Sơn có sáng tác một bức tranh sơn dầu từ 80 năm nay trước khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Đó là bức tranh sơn dầu Sĩ phu Bắc Hà (1923) cũng thuộc loại tác phẩm ẩn giấu ý nghĩa chính trị. Tranh vẽ chân dung cụ Cử Nguyễn Sĩ Đức, người đã tham gia Đông Kinh nghĩa thục và là thầy dạy Nam Sơn Hán học và lối vẽ phương Đông. Cụ Cử nét mặt đau buồn mà cương nghị, đôi mắt rực sáng, không ai biết là cụ chít khăn trắng để tang nước mất và Đông Kinh nghĩa thục bị Pháp đóng cửa, đàn áp dã man (1907).
Nam Sơn hồi đó ở phố Hàng Bè, ngay sau trường Đông Kinh nghĩa thục ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Sau khi cho trưng bày bức họa ít lâu và để giới thiệu trên bìa cuốn sách Nho Phong (của nhà văn Nhất Linh, hiện còn lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội – ký hiệu P (12) 9838), Nam Sơn đã đưa tranh lên bàn thờ gia tiên cất giấu, vì mật thám đánh hơi thấy ý đồ yêu nước, ca ngợi Đông Kinh nghĩa thục.
Mãi đến năm 2000, bức tranh Sĩ phu Bắc Hà mới được gia đình họa sĩ Nam Sơn công bố rộng rãi trên báo chí Việt Nam và ngay cả họa sĩ Công Văn Trung (96 tuổi – học khóa 1 Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) đến năm 2000 mới được xem tranh đó lần đầu tiên!
Ngược với một vài nghệ sĩ có tên tuổi thời Pháp thuộc, Nam Sơn không bao giờ vẽ chân dung những toàn quyền, công sứ Pháp, vua quan Việt Nam, nhà giàu… Ông thường vẽ chùa chiền, nhà sư, phong cảnh đất nước, những người lao động, người nông dân, thậm chí cả người cùng khổ như người hành khất (như họa sĩ Tây Ban Nha thế kỷ XVII, Murillo). Ông còn có tham vọng đưa nghệ thuật vào các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam để nâng cao chất lượng cạnh tranh với thị trường quốc tế, đã giảng dạy trang trí ứng dụng vào thủ công mỹ nghệ tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông đã giải thích điều này rất rõ ràng từ 73 năm nay trong bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Hoàng Tích Chu, báo Đông Tây – Hà Nội, tháng 1/1930.
Nam Sơn sinh năm 1890, cùng một năm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Việt Nam bị quân Pháp xâm chiếm đã được một thập kỷ. Chế độ thực dân đã bước đầu đặt cơ sở vững chắc. Việc hiện đại hóa của trí thức Việt Nam trải ra nhiều thế hệ. Không kể những thế hệ đi tiên phong ở trong Nam (như Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của…), ta có thể tạm chia làm 3 thế hệ:
1. Thế hệ 1: Những Nho sĩ thông thạo chữ Hán và chữ Quốc ngữ (sinh những năm 70 thế kỷ XIX, như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…)
2. Thế hệ 2: Những người sinh những năm 80, 90 thế kỷ XIX, ít viết chữ Hán hơn, viết Quốc ngữ và biết cả tiếng Pháp thành thạo.
3. Thế hệ 3: Những người sinh ra và lớn lên trong khoảng 25 năm đầu thế kỷ XX, Tây học là chính, thành thạo tiếng Việt, tiếng Pháp, có khi có vốn Hán (như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai…).
Thế hệ thứ hai được vinh dự có Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm 1890, các nhà nghiên cứu như: Nguyễn Văn Tố sinh năm 1899, Dương Quảng Hàm sinh năm 1898, v.v… Khi lớn lên họ đều chịu ảnh hưởng đạo lý Nho học, sống trong không khí yêu nước của các phong trào Cần Vương, Đông Kinh nghĩa thục…, giỏi Hán học và Pháp văn.
Ở những vị trí, tầm vóc khác nhau, trong những hoàn cảnh, hình thức, điều kiện khác nhau, những nhân vật ưu tú trong thế hệ này đã tiếp biến văn hóa Đông – Tây để phục vụ đất nước và đã có nhiều cống hiến.
8/3/2003.