Tự tay lo Tết

Còn khoảng hơn hai tháng nữa mới tới Tết mà chị bạn thân đang định cư ở Canada đã gửi thư điện tử nhờ tôi mua hộ một số thực phẩm cho ngày Tết như bánh tráng, lá chuối khô, kiệu khô, dưa món khô… gởi nhờ người bạn mới về Việt Nam mang qua xứ lạnh ấy để chị chuẩn bị Tết.

Tôi bảo chị chuẩn bị Tết còn sớm hơn người đang sống trong nước, bởi ở đây mọi thứ đều được làm sẵn không thiếu món gì, đến 28, 29 Tết cứ ra chợ hay siêu thị rinh về cũng không muộn. Chị trả lời rằng chị rất bận rộn, cả ngày Tết nếu không trùng với mấy ngày nghỉ cuối tuần vẫn phải đi làm, thế nhưng chị vẫn muốn tự tay mình lo Tết cho gia đình thì mới… sướng. Chị cho rằng, “quốc hồn quốc túy” lẫn vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam được thể hiện rõ nét nhất trong mấy ngày Tết, mà chị có tới 3 cô con gái tới tuổi lấy chồng, chị muốn con gái mình luôn là những cô gái Việt Nam tuyệt vời…

Tôi bỗng nhớ lại năm đầu đại học ở trọ nhà chị và hình ảnh mẹ chị, một phụ nữ mảnh mai, dáng dấp quý phái đã chịu khó chuẩn bị Tết như thế nào, dù gia đình họ có thu nhập cao, có người giúp việc, bà có thể thuê người làm chứ không cần nhọc công như thế. Vậy mà, từ 23 tháng Chạp, sau khi đưa ông Táo về trời, bà bắt đầu làm từ món mứt để được lâu như mứt gừng, mứt bí rồi đến mứt me, mứt chanh… Gần Tết bà mới làm các món bánh như bánh thuẫn, bánh mì xốp, bánh gai… Mỗi khi làm món gì bà không sai người giúp việc mà kêu đám con gái, cháu gái đến phụ, chủ yếu là để học cách làm.

Tôi vẫn nhớ dưa món bà làm ngon tuyệt mà cho đến nay thỉnh thoảng tôi mới làm ngon gần bằng. Tuy không phải là người Bắc, bà vẫn gói bánh chưng rất khéo bên cạnh những khúc bánh tét bà gói tuy không có khuôn nhưng đều bằng nhau, khi tét ra lát bánh trắng tươi, một nét viền xanh do màu lá chuối in vào, nhân đậu xanh màu vàng nằm ngay chính giữa, cứ như một bông hoa tỏa thơm ngát mùi mỡ hành, tiêu… Lát bánh ấy được chấm với nước mắm dưa món, kèm với những củ kiệu, lát đu đủ, cà rốt giòn tan, ăn là nhớ đời.

Ông làm trong ngành ngoại giao, nên Tết đến tủ rượu nhà ông bà đầy những loại rượu Tây rượu Tàu của người ta mang biếu, nhưng bà vẫn chọn loại nếp ngon nhất để làm món rượu nếp cho gia đình dùng. Bà vẫn tự hào và tự trào rằng, nhờ món rượu nếp này bà làm năm 17 tuổi, Tết đó ông đến nhà chơi uống và “say” cho đến… bây giờ.


Bánh chưng. Ảnh: Rmt photography.

Trong khi bà quây quần với đám con gái lao xao bánh trái, dọn dẹp nhà cửa thì ông cũng bình dị trong bộ pyjama cùng mấy cậu con trai tỉa tót mấy chậu mai được khiêng từ sân thượng xuống. Lặt lá mai xong họ hì hục đánh bóng bộ lư đồng, lau chùi cẩn trọng những bộ hoành phi cùng cái bàn thờ được khảm xà cừ rất tinh xảo. Có khách đến thăm bảo sao không mang ra ngoài, họ đánh bóng bằng máy còn sáng bóng và nhanh hơn mình nhiều. Ông bảo làm việc này là để cho con cái nhớ tới ông bà tổ tiên chứ không phải chỉ nhanh gọn, tiện lợi là được… Cái cảnh gia đình cùng nhau lo Tết ấy thật đẹp. Tôi cũng hiếm thấy có được gia đình nào hạnh phúc viên mãn đến như vậy, vợ chồng luôn tôn trọng nhau, các con hiếu thảo, đặc biệt là người phụ nữ nội trợ, không có chức vụ gì ngoài xã hội nhưng luôn được chồng yêu, con quý.

Nhiều người cho rằng, vui nhất không hẳn là những ngày Tết chính thức là mồng Một, mồng Hai, mồng Ba, mà là những ngày chuẩn bị Tết. Từ việc cùng nhau tung tăng đi mua sắm, ngắm hàng hóa ngày Tết, trang hoàng nhà cửa, mang quà biếu đến những gia đình thân thiết rồi thức canh nồi bánh tét, hồi hộp chờ nụ mai đầu tiên có nở đúng Tết hay không. Đến thăm nhà ai vào ngày Tết người ta không khó nhận ra gia đình đó có êm ấm, an khang, việc làm ăn năm rồi có thịnh vượng hay không. Đặc biệt những món ăn thức uống thể hiện sự khéo léo, đảm đang, thông minh lẫn khiếu thẩm mỹ của những người phụ nữ trong gia đình.

Ngày xưa, đặc biệt là những vùng quê không mấy ai đi mua bánh mứt bên ngoài về để cúng ông bà, để ăn Tết, nếu có đó là những phụ nữ vụng về, lười biếng mà thôi còn hầu hết những phụ nữ khéo tay, yêu quý tôn trọng cái tổ ấm của mình đều tự tay chọn lọc những vật liệu ngon lành, tươi mới, tinh khiết nhất làm nên những món ăn truyền thống trước hết để dâng cúng tổ tiên và sau đó là chồng con, người thân, bạn bè được thưởng thức sự khéo tay lẫn sự tận tụy của họ.

Nhiều người cho rằng, chuẩn bị Tết thật vất vả nhưng rồi năm sau họ lại lao vào việc lo Tết với tất cả niềm vui nao nức…

THÚY ÁI