Tư tưởng chính trị và xã hội của nhóm NAM PHONG-PHẠM QUỲNH*

LTS: Vấn đề Phạm Quỳnh nay lại đang tấy lên trên một số báo, diễn đàn hội thảo. Vì sao một nhân vật đã rõ ràng “bán nước” cho lũ “cướp nước” như thế, mà một số người lại hăng say khơi lên, hẳn là có hậu ý. Chúng tôi đăng lại dưới đây bài của GS Trần Văn Giàu, nhà sử học kỳ cựu, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, một bậc thầy trong sử học, để các bạn đối chiếu (xin xem thêm vấn đề Phạm Quỳnh trên Hồn Việt từ số 14 đến số 17/2008 và từ số 58 đến số 64/2012).

Chiến tranh thế giới gần tới ngày chấm dứt, thực dân Pháp ở Đông Dương thấy trước rằng tình thế sẽ đổi mới, khác xa với thời tiền chiến. Thời tiền chiến, Đông Dương Tạp Chí hô hào học theo Tây, mà không chú ý tới học vấn Việt Nam và học vấn Đông Dương, Đông Dương Tạp Chí chống lại cách mạng giải phóng dân tộc một cách quá ư thô bạo, nó nịnh Tây một cách quá ư lộ liễu, trơ tráo; nó tán dương khai hóa và những cải cách của Pháp mà không hề tự mình yêu cầu nhà nước thuộc địa phải cải cách chính trị và xã hội. Bởi vậy cho nên, Đông Dương Tạp Chí thực tế chỉ là một cơ quan, một nhóm người được trả tiền để làm việc tập hợp các lực lượng thân Pháp, chuyên lo việc tuyên truyền “chủ nghĩa Pháp – Việt”, tức là sự hợp tác với Pháp, trong tầng lớp người Việt Nam có học; một cơ quan như thế, một nhóm như thế, trong tình hình hậu chiến sẽ không còn có thể làm tròn nhiệm vụ mà Pháp giao cho. Nó đã mất ảnh hưởng. Pháp bèn lập ra tạp chí Nam Phong từ giữa năm 1917 để tiếp tục và triển khai các nhiệm vụ trên ở trong tình hình mới, nhằm duy trì và củng cố chủ quyền của Pháp trên Đông Dương. Trong hai mươi năm dài, Nam Phong đã góp sức xây dựng lên cho tư sản và địa chủ phong kiến thân Pháp một chủ nghĩa, một hệ thống tư tưởng làm vũ khí đấu tranh với lý tưởng cách mạng, đã câu kết chúng nó lại tới chừng mực nào đó để làm một lực lượng chính trị có đường lối trái hẳn với đường lối cách mạng và chân chính yêu nước. Trùm của Nam Phong là Phạm Quỳnh.

a) Xa-rô, Phông-ten và chính sách hợp tác
Ông thầy về tư tưởng chính trị của Phạm Quỳnh là toàn quyền An-be Xa-rô. Cho nên, trước khi nói đến Nam Phong và Phạm Quỳnh, hãy nói đến lý luận về chủ nghĩa thực dân của Xa-rô, lý luận này hợp lại với những hứa hẹn chính trị của Pháp trong khi Pháp hô hào Đông Dương đóng người, đóng của cho chiến tranh chống Đức, thực tế đã góp phần làm sôi động thêm tư tưởng dân tộc cải lương ở nước ta sau chiến tranh thế giới thứ nhất.

Nam Phong mới ra đời liền tâng bốc tận mây xanh bài diễn văn ngày 2 tháng 12 năm 1916 của Xa-rô tại một trường đại học. Xa-rô nói và Phạm Quỳnh dịch lại như sau đây (xem Nam Phong số 2) về cái mà y gọi là triết lý truyền thống Việt Nam: “Muốn giải được cái tâm hồn người An Nam, muốn biết sức mạnh của cái cựu truyền trong nước, lấy việc thờ tổ tiên làm gốc, muốn hiểu được tôn chỉ cao thượng của tư tưởng người Việt Nam, muốn hình dung được những cuộc vinh hoa trong lịch sử văn minh dân ấy thì tất phải đã hàng giờ đi dạo chơi thơ thẩn trong mấy chốn bồng lai tiên cảnh là những nơi lăng tẩm của các vị đế vương ấy đời xưa như lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…”.

Vậy Xa-rô xem những lăng tẩm của bốn vua Nguyễn là biểu hiện tóm tắt của văn minh Việt Nam, của tâm hồn Việt Nam, của tư tưởng Việt Nam, chớ không phải hai ngàn năm lịch sử chống xâm lăng, không phải thơ văn Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, không phải truyền thuyết Lạc Long Quân, Phù Đổng Thiên Vương… Cách nhìn của Xa-rô về cơ bản sẽ là cách nhìn của Phạm Quỳnh, cốt duy trì chế độ phong kiến, đặc biệt là duy trì những tàn dư xấu hổ nhất của vương triều bị phỉ nhổ, nhất là nhà Nguyễn. Hãy nghe Xa-rô tán dương phong kiến: “Các ngài tất tự nghĩ rằng một dân đã sáng nghĩ, đã thực hành được những sự như thế, đã biết lấy một cái mỹ thuật, một cái triết học như thế mà tô điểm cho cuộc lịch sử của mình, thì cái dân ấy thực là đáng cho ta quyền cố một cách đặc biệt, chớ không phải là chỉ luyện thành cái đồ dùng làm việc nô lệ ở trong trường lao động của loài người này. Cái văn minh nước Nam ấy là bởi Khổng giáo nước Tàu đào luyện mà thành ra; trong văn minh ấy gồm hai chế độ tưởng là phản trái nhau mà thực là không phản trái nhau, là cái quân quyền chuyên chế với cái dân quyền bình đẳng. Như thế thì dân An Nam lại càng đáng cái lòng quyền cố của ta lắm nữa”.

Vậy là Xa-rô đi từ chỗ tán dương phong kiến mà đi đến đề nghị một chính sách thuộc địa “hợp tác”; y nói: “Như thế thì ta (người Pháp) vừa là người bảo hộ, vừa là người ân nhân của dân An Nam vậy. Xưa kia, khi mới sang xứ này, ta dẫu có phạm nhiều điều lầm lỗi, hoặc vì không quen biết, hoặc vì vội vàng khinh suất, nay phải nên tránh cho khỏi những điều nhầm ấy, song nước Pháp vẫn được cái danh dự thiên nhiên đã quyền cố đến một dân vì yếu hèn nên từ xưa đến nay phải chịu lao lung, mà lấy đạo huynh trưởng đưa dắt vào đường tự do, tiến bộ”.
A. Xa-rô chẳng những xưng đạo “huynh trưởng”, hắn còn xưng “phụ mẫu” đối với dân Nam, anh hay cha, bọn Nam Phong đều tán thưởng, cho rằng đó là lòng thành khai hóa của nước Đại Pháp. Hãy ráng nghe Xa-rô đọc diễn văn tại Hội Khai trí tiến đức (Hà Nội) năm 1918 trước một số thính giả thắt cà vạt hay khăn be áo dài:

“Ta thương dân như cha thương con.
Dân đã quá mến ta mà gọi ta là ‘cha’ hiền. Người cha lẽ nào lại bỏ con?”.
“Nay người Tây và người Nam phải hiệp lực mà làm cho xứ này được ích lợi, dân này được sung sướng; vậy thì đôi bên định làm gì và phải làm thế nào?”.

Xưng “cha” như vậy mà lại được thính giả “thượng lưu” Hà Nội bấy giờ hoan nghênh, thì đủ biết cái tâm địa của đám tự gọi là “thượng lưu” này ra sao! Rồi Xa-rô đi vào phân tích các loại chủ nghĩa thực dân, ca tụng chủ nghĩa thực dân của Pháp: “Cách thứ nhất là do những lối thực dân từ đời cổ xưa, chỉ chủ lợi dụng người bản xứ làm nô lệ cho mình, cốt thu được nhiều lời cho mình thôi”. Còn cách thứ hai mà Pháp đang đeo đuổi “là chủ đem cho các dân được bảo vệ những sự tốt đẹp của văn minh thời nay, là dạy cho những điều công lý nhân đạo, khiến cho được hưởng những kết quả hay vừa về đường vật chất vừa về đường tinh thần. Theo cái lý tưởng đó thì dân cường quốc tự coi như người anh lớn đến giúp đỡ che chở cho người em nhỏ, không dám coi dân bản xứ như nô lệ để lợi dụng cho mình, như một cái máy để bắt làm cho hết sức, mà coi như một người chung phần giúp việc với mình, mình phải trông nom săn sóc đến, phải giúp cho mỗi ngày một phát triển cái nhân cách ra, phải làm cho thỏa mãn những sự yêu cầu về đường tinh thần, trí thức, để cho cái trình độ mỗi ngày một cao dần lên và đến bậc nhân cách hoàn toàn vậy. Lại phải cứ để cho tiến hóa ở nơi chốn cũ, không có cưỡng bắt theo những lề lối ngoài; hoặc có phải cải lương những lề lối cũ cho hợp với nhân đạo, thì cũng lấy sự ôn hòa mà giải cho biết, không lấy cái áp lực mà bắt phải theo, dần dần mở mang cho biết những cuộc văn minh tiến bộ mới, những điều tư tưởng trí thức lạ, để cho có đủ tư cách mà làm được việc lợi ích cho Tổ quốc mình, cùng với người anh lớn hiệp sức đồng tâm”.
Có thể xem đây là một xuất phát điểm, một phương châm đã vạch sẵn của chủ nghĩa dân tộc cải lương của nhóm Nam Phong.

Khỏi phải nói rằng Xa-rô đã dành nhiều thời giờ và hơi sức để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Pháp trên Đông Dương, trên nước Việt Nam mà gọi là “quyền của người mạnh phải được bênh vực những người yếu!”. Xa-rô cho rằng: “Tất nhiên đến ngày phải mở rộng cho các ông con đường chính trị, hễ các ông về đường tinh thần, về đường trí thức, tiến bộ được đến đâu thì chúng tôi sẽ cho rộng được đến đấy, cho nó xứng đáng”.

Cái mà Xa-rô gọi là “con đường chính trị” chính là sự “tham chính” của lớp gọi là thượng lưu: “Cái nghĩa vụ cần nhất của chúng tôi là phải dạy cho một bọn thượng lưu càng ngày càng có học, càng ngày càng đông thêm lên, biết cái danh nghĩa làm dân, vừa có quyền lợi vừa có nghĩa vụ khiến cho những người nào tài giỏi có thể cùng với chúng tôi ra cáng đáng cái trách nhiệm nặng nề trong việc cai trị xứ này”. Xa-rô nhấn mạnh vào vai trò của hạng thượng lưu mà Pháp muốn đào tạo để “hợp tác”; vai trò của bọn thượng lưu là “vừa đẩy cuộc tiến hóa lên, vừa giữ được trật tự, kỷ luật trong xứ”. Cho nên “phá đổ bọn thượng lưu đi là cuồng dại, hạn chế bọn thượng lưu lại là nguy hiểm, vì nếu hạn chế họ lại thì bọn thượng lưu thành một bọn hào trưởng chỉ biết lợi riêng mình và hay áp bức kẻ bần dân. Phàm chính phủ muốn giữ đạo công bằng, muốn theo phép khôn ngoan, thì phải tìm đường mở rộng lần lần cái bọn thượng lưu ấy ra”.

Khoảng năm, mười năm sau chiến tranh, cái từ “thượng lưu” được các báo chí dùng và bàn đến rất nhiều. Khỏi phải nói rằng đó là Pháp muốn đào tạo một tầng lớp trí thức và nhà kinh doanh thân Pháp xuất thân chủ yếu từ tư sản, địa chủ và công chức lương cao để phục vụ chính sách thực dân của nó. Vì vậy mà, cũng khỏi phải nói rằng trong thời gian đó, nhiều bài báo dài, nhiều quyển sách nhỏ “gỡ mặt nạ thượng lưu ngày nay” đã tiếp nhau xuất hiện. Dù sao ảnh hưởng của những diễn văn của Xa-rô khá rộng rãi và khá lâu dài, một lúc nó đánh lừa được nhiều người, kể cả nhiều người yêu nước chân thật, nó là một nguồn cảm hứng lý luận cho bọn truyền bá chủ nghĩa dân tộc cải lương ngoài Bắc và trong Nam suốt thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.

Đường lối, chương trình của Nam Phong đã rõ ngay từ những số đầu. Đặc điểm chính của chương trình này là:

Thứ nhất, tập hợp bọn “thượng lưu”, bọn “trí thức xã hội”, được xem là lớp người chủ yếu hay duy nhất có năng lực và có trách nhiệm “giữ gìn cái cốt cách trong nước”, “bồi dưỡng cái quốc túy”. Nam Phong (số 1) viết: “Nước cốt ở dân; dân chủ ở một bọn người gọi là thượng lưu hay là bọn thức giả xã hội, như nhà có nóc vậy”. Theo Nam Phong, nước chưa có thượng lưu trí thức, chưa có thức giả xã hội bao nhiêu thì chưa gọi là nước; giá trị của bọn thượng lưu trí thức, thức giả xã hội bao nhiêu thì giá trị của nước bấy nhiêu. Nói một cách khác, quảng đại nhân dân thì không đáng kể, đáng kể là thượng lưu, chỉ là thượng lưu thôi.

Thứ nhì, “ra sức gây lấy một cái cao đẳng học thức mới”, để thay vào cái học thức cũ đã tàn tạ, xem đó là điều không có gì cần kíp bằng. Cái học thức cao đẳng mới ấy là gì? – Là kết quả của sự điều hòa dung hợp cái học cũ của ta với cái học mới thời nay, khiến cho sự học của ta sau này vừa không đến đỗi thất bản, vừa không đến đỗi chậm thời, giống như cây thì phải vừa có gốc vững vàng, phải vừa có ngọn phát triển, có ngọn mà không có gốc thì thành dây leo, có gốc mà không có ngọn thì sắp mục nát. Theo Nam Phong, người Việt Nam cựu học lúc này thì thiếu cái ngọn, không thích dụng với thời thế, còn người Việt Nam tân học lúc này lại thiếu cái gốc, không ứng thuận với quốc dân; cần dung hợp cả hai, “tiếp cái ngọn nọ vào cái gốc kia để tạo ra giống mới”.
Sau này người ta sẽ thấy rằng những câu nói văn hoa, mùi triết lý đó rốt cuộc chỉ là chủ trương liên kết tư sản với phong kiến, chống lại cách mạng nhân dân.

Thứ ba, “tin tưởng vào cái thiên chức của nước Đại Pháp” xưa nay vẫn là đi dạy cho dân các nước biết phát triển cái quốc túy của mình, khiến cho dân mỗi nước biết mình có một nhân cách riêng mà sống theo cái nhân cách ấy.
Bạn đọc hãy nhớ lại ý của Xa-rô “để cho tiến hóa ở nơi chốn cũ” đã nói bên trên. Thực ra, đây là bọn thực dân tự thú nhận sự thất bại của chính sách “đồng hóa” và chuyển sang chính sách “hợp tác”, chớ không có gì lạ.

Thứ tư, mong mỏi nhờ lòng tốt của nước Pháp bảo hộ, nhờ trí thức được mở mang dưới chế độ bảo hộ của Pháp, mà “biết đâu đến ngày ta có đủ tư cách quản trị lấy công việc của ta thì Nhà nước hẹp gì mà chẳng cho ta được quyền tự trị”.
Nam Phong nêu lên cái viễn cảnh “Việt Nam tự trị” như là cái đích của mọi cuộc vận động cải lương, của sự hợp tác Pháp – Việt, khác với viễn ảnh “Á Đông chi Đại Pháp”, thiếu màu dân tộc của đám Đông Dương Tạp Chí trước kia.

Thứ năm, tuyệt đối không bao giờ Nam Phong nghĩ đến đấu tranh, dù chỉ là hòa bình hợp pháp, để đòi nhà cầm quyền thực hiện yêu sách này hay yêu cầu nọ. Cái cách duy nhất là “tiến bộ về tinh thần, về trí thức, về nhân cách” để Pháp tùy theo sự tiến bộ mà ban cho cải cách này hay cải cách kia.
Nam Phong và Phạm Quỳnh chẳng những là kẻ giải thích và đeo đuổi tư tưởng thực dân chủ nghĩa của “chính khách” như Xa-rô, mà còn là kẻ giải thích và đuổi theo tư tưởng thực dân chủ nghĩa của bọn tư bản cá mập loại chủ công ty rượu Phông-ten, chớ nào phải là những nhà “văn hóa dân tộc” sáng tạo gì đâu. Hãy chịu khó nghe mấy đoạn văn của tên cá mập ấy (xem Nam Phong số 114, tháng 2 năm 1927). Đám kinh doanh thường hay thiết thực. Phông-ten nói là tình thế bắt buộc Pháp phải “hợp tác”. Y không cần nói tới “thiên chức”, “sứ mạng” của kẻ đi “bảo hộ”: Tình thế gần đây có thay đổi bởi mấy duyên cớ sau đây: “Một là, việc loạn nước Tàu có ảnh hưởng sang bên này, truyền bá những cái tư tưởng tự do, độc lập. Hai là, những lính cùng thợ Việt Nam sang tòng chinh và làm việc bên Pháp trong khi chiến tranh cũng nhiễm được những tư tưởng mới ấy ở Pháp và đem hạt giống về đây. Ba là, các quan cầm quyền chính phủ ở đây từ trước đến nay đã hứa cho người An Nam nhiều điều mà ngày nay nhân tình thế thiên hạ thay đổi mau quá, cái thời kỳ thực hành những lời hứa ấy đã gấp đến nơi. Bốn là đám thanh niên An Nam ngày nay nhờ được giáo dục ở trường Tây đã có cái tư tưởng khai phóng tuy số còn ít, trí còn non, nhưng chí hăm hở muốn phá hoại hết cả”.
Nhận định khá gần sát với thực tế!

Dĩ nhiên cũng như toàn quyền Xa-rô, ông trùm nấu rượu Phông-ten nhằm chống đỡ cho cái chủ quyền của Pháp trên đất Đông Dương; muốn được vậy, Chính phủ Pháp “phải sửa đổi cái phương châm chính trị thế nào cho thích hợp với thời thế”. Phông-ten nói trắng; lời nói trắng của tên cá mập như vả vào mồm đám tay sai bản xứ lúc nào cũng đề cao cái “lòng tốt” của nước bảo hộ đến đem văn hóa cho nước yếu hèn, lạc hậu. Phông-ten viết: “Nước Pháp muốn ở bền được bên này, muốn bảo toàn được cái thế lực về chính trị và về kinh tế ở cõi Á Đông này thì phải tựa vào người An Nam, phải được lòng người An Nam mới được. Vẫn biết nước Pháp có võ lực, nhưng võ lực ngày nay không đủ đàn áp được nhân tâm. Và võ lực ấy chưa chắc đã sung túc gì cho lắm, không thể toàn ỷ lại vào đó được. Vậy làm thế nào cũng không thể không đề huề với người An Nam. Người Pháp phải cùng người An Nam lập như một cái công ty lớn, quyền chủ trương vẫn ở người Pháp, nhưng người An Nam cũng được đứng vào cái địa vị cổ đông xứng đáng, trong việc doanh nghiệp chung bao giờ cũng được hỏi han đến và bàn bạc vào”.

Anh nấu rượu có cách nói của nó, tựu trung cũng giống như ông toàn quyền. Ông toàn quyền có “văn hóa” nói về “đạo huynh trưởng”, anh nấu rượu thiết thực và chẳng kém say sưa, nói về “công ty kinh doanh”; anh nấu rượu chẳng những đề nghị phương hướng lớn mà còn đi vào chương trình cụ thể và ta thấy Phạm Quỳnh thực hiện như y khuôn, Phông-ten cho rằng không thể xây dựng cái gì hết trên đống cát, tức là với bọn “dưới không rễ, trên không chằng”; cần phải có một nền móng chắc, nền móng chắc đó là cái trật tự đã có sẵn: “Thế tất phải nương tựa vào cái nền nếp cũ trong xã hội Việt Nam. Vẫn biết rằng cái nền nếp này đã bại hoại lắm rồi, mà sở dĩ bại hoại cũng là tại người Pháp một phần lớn, tại cái chính sách sai lầm từ khi đặt bảo hộ đến giờ. Nhưng bây giờ không có gì hơn nữa, thì phải cố lợi dụng lấy vậy. Cái nền nếp cũ, cái trật tự cũ trong xã hội Việt Nam là ở đâu? Là: Ở giữa thì quan trường, ở dưới thì hương thôn, ở trên thì quân chủ. Ba cái cơ quan đó tuy đã đồi bại đi nhiều lắm, nhưng còn có thể lợi dụng được. Muốn lợi dụng thì cần phải sửa sang lại cho mạnh mẽ và vững vàng thêm”.

Cụ thể, Phông-ten yêu cầu:
- Đối với chặng giữa, thì hãy trả lại cho quan trường “uy quyền và hào quang”;
- Đối với bên dưới, hãy làm cho hương thôn “được đánh thức dậy và sinh hoạt như xưa” (ý muốn nói trao đủ quyền cho hương lý và các tổ chức thân hào);
- Đối với trên cao thì phải “khôi phục nước Việt Nam đế chế cũ, phải hợp nhất ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ lại khiến cho nước Nam thành một nước xứng đáng, vua Nam cũng thành ông vua xứng đáng. Bây giờ phải cho nước Nam tự trị, việc nội chính thì lo liệu lấy, việc ngoại giao thì hiệp với Pháp mà đối phó với liệt cường toàn cõi Đông Á. Nhờ đó dân Nam được có nhân cách hoàn toàn, nước Nam được có địa vị tôn trọng. Nước Pháp cầm quyền bảo hộ không phải lấy võ lực mà cưỡng bách người Nam phải theo. Tự nhiên hai mươi lăm triệu dân xứ này sẽ vui vẻ mà phục tòng Đại Pháp, làm vây cánh cho Đại Pháp trong cõi Á Đông này”.

Ta sẽ thấy chương trình của Phạm Quỳnh trước chiến tranh thế giới thứ hai, trở lại Hiệp ước 1884, “cho dân Nam có nước để mà thờ”…, là đúng với lời lẽ của nhà nấu rượu Phông-ten hơn mười năm trước đó, có phần thấp kém hơn là khác. Tư sản yếu đuối, phong kiến suy tàn không thể sinh những nhân vật nào khác hơn là những con vẹt dù óc thông minh và có tiếng thanh tao.

b) Một lý luận của chủ nghĩa cải lương: Hợp tác vĩnh viễn với thực dân Pháp để cầu tiến bộ dần dần
Nam Phong được Pháp trả tiền để tạo ra một cơ sở lý luận cho sự “hợp tác Pháp – Nam”. Cơ sở lý luận đó được Nam Phong xây dựng từ đầu, song có thể xem năm 1921 là năm của cái thứ lý luận đó được phát triển xung quanh bài diễn văn nổi tiếng của Xa-rô.

Ở số 23, Nam Phong phân biệt năm loại chính sách thuộc địa: 1- “Thực dân” (colonisation); 2- “Lợi dụng” (exploitation); 3- “Đồng hóa” (assimilation); 4- “Hiệp tác” (association); 5- “Khai phóng” (émancipation). Cách dùng chữ gây hiểu sai lầm, song ta không cần thảo luận ở đó. Hãy xem Nam Phong lập luận thế nào để đi đến chủ nghĩa hợp tác với Pháp: “Nay trong năm hạng chính sách khác nhau ấy, hạng nào là hạng nước Pháp dùng đối với dân An Nam ta?”. Nam Phong tự đáp rằng: Không phải chính sách thực dân (ý muốn nói di dân), “vì xứ ta nóng, dân ta đông, người Pháp không ở vĩnh viễn được”. Cũng không phải chính sách lợi dụng (ý muốn nói khai thác), “vì nước Pháp vốn là nước văn minh cao thượng, biết chuộng nghĩa, tự cổ chí kim không từng đi áp chế dân nào, nước nào bao giờ; vả lại, dân ta cũng không phải là một giống đê hèn gì mà chịu để cho người khác bắt mình nô lệ, coi mình như trâu ngựa”. Hay là Pháp thi hành chính sách đồng hóa chăng? Không lẽ được, “vì dân ta chẳng những đông mà lại có lịch sử hiển hách”, phần khác, “Chính phủ Pháp lại không xâm phạm đến quốc túy Việt Nam”. Thế là bằng mấy câu lập luận, tác giả bài này đã gọn gàng loại trừ giùm cho Pháp những chính sách xấu nhất, nghĩa là những trường hợp đúng bản chất nhất của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Nói cho phải, thì lập luận của Nam Phong có một chỗ đúng: Khác An-giê-ri, Đông Dương không thể làm thuộc địa di dân cho Pháp, còn chính sách đồng hóa thì Pháp đã từng dùng đối với nước ta, ngay Phông-ten cũng đã công nhận như vậy, chỉ vì thất bại mà bỏ đi thôi, chớ đâu phải vì Pháp lập tâm “không xâm phạm quốc túy Việt Nam”? Đông Dương là thuộc địa khai thác điển hình, chớ còn gì khác. Chính sách “lợi dụng” ngay thực dân Pháp cũng không giấu mà rầm rộ thi hành, chỉ có nhóm Nam Phong mới bảo rằng nước Pháp vì “chuộng nghĩa”, vì “cao thượng” mà không định khoét đẽo và nô dịch! Sau khi loại ra ba trong năm, mà đó là loại ba cái ác, còn lại hai, mà cả hai đều “hiền” là: Hợp tác và khai phóng, thì Nam Phong múa may để cho quan thầy hả dạ rằng “đáng tiền lắm”; vậy “nay còn cái chính sách hiệp lực và cái chính sách khai phóng thôi, cái nào là cái nước Pháp thi hành đối với dân ta? Thiết tưởng là gồm cả hai mà tham chước lẫn nhau vậy, cứ đọc bài diễn thuyết của quan toàn quyền tháng trước thời đủ biết – tuy ngài không nói rõ hai chữ “hiệp lực” và “khai phóng” nhưng mà những ý kiến ngài diễn giải, những phương hướng ngài trù liệu thật là nhằm muốn liên lạc người Pháp, người Nam để cùng nhau mở mang cái cõi đất lớn này, mưu sự khai hóa cho người dân để có ngày đủ tư cách mà tự lập thành một dân quốc hoàn toàn vậy. Hình như hiệp lực là cái phương kế mà khai phóng là cái mục đích, hiệp lực để khai phóng vậy”.

Quá rõ là, nếu trong lịch sử nước ta, có nhiều người đã làm đẹp thêm cho non sông, rạng rỡ cho dân tộc, thì cùng có nhóm Nam Phong đã làm “đẹp” cho quân xâm lược!
Bỗng chốc, sự cướp nước, sự bóc lột trở thành ân nghĩa, kẻ thù không đội trời chung trở thành “huynh trưởng”, “đại sư”…

(Kỳ sau tiếp)

__________

*Trích Tổng tập Trần Văn Giàu, tập 3, NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2008.

Trần Văn Giàu