Tọa đàm khoa học: Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa

LTS: Nhân dịp đầu xuân, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tổ chức một cuộc gặp mặt. Đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà văn, nghệ sĩ… đã đến dự. Bác sĩ Bùi Minh Đức, hội viên của nhiều Hội nghiên cứu quốc tế về y khoa, nhà nghiên cứu Huế, tác giả Từ điển tiếng Huế, Sông Hương ngoài biên giới, Dấu ấn văn hóa Huế, Ẩm thực Huế… đã trình bày chuyên đề “Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa”(*). Hồn Việt lược trích một số ý kiến.

* BS Bùi Minh Đức: Sau khi làm Từ điển tiếng Huế được công chúng đón nhận, tôi bắt đầu nghĩ đến những vấn đề lịch sử quen thuộc mà tôi biết đôi chút. Từ đó, tôi đã nảy ra một suy nghĩ là tại sao những vấn đề hết sức là bí hiểm, bí mật còn chưa giải thích thấu đáo, ngay cả Trần Trọng Kim cũng không nói đến. Những vấn đề đó tôi cho là khá quan trọng, chẳng hạn như vua Quang Trung Nguyễn Huệ giỏi như thế mà sao chết sớm? Vì sao Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh 12 năm vẫn không có con, sau đó lấy Lê Phụ Trần lại có 2 con: một trai và một gái? Vì nghĩ tất cả những vấn đề này đều liên quan đến y khoa, nên tôi đã áp dụng những điều được học hỏi từ ngành y khoa suốt 42 năm để đi tìm câu trả lời cho mình. Hôm nay, tôi xin nói mấy vấn đề:

- Trường hợp Lý Chiêu Hoàng:
+ Tra cứu các sách y khoa ngày nay, tôi thấy phần lớn các sách có ghi một chứng bệnh là “bệnh dậy thì sớm”: vào khoảng 8 tuổi, cơ thể bệnh nhân tự nhiên lớn vù, vú ngực nảy nở (y khoa gọi là Precocious thelarche). Bệnh dậy thì sớm tuy trông ra vẻ người lớn nhưng kỳ thực bệnh nhân chưa trưởng thành về tâm lý và cũng chưa thật sự trưởng thành về phương diện tâm lý tình dục. Có hai loại “bệnh dậy thì sớm”: “dậy thì sớm thật sự” và “dậy thì sớm giả tạo”. Trong “bệnh dậy thì giả tạo” buồng trứng thường không phát triển, da của bệnh nhân thường có mùi hôi, mặt có mụn, cơ thể sau khi lớn nhanh một thời gian thì sụn ở đầu các xương thường hóa xương sớm nên không còn sụn để xương có thể phát triển dài ra, vì thế thân hình bệnh nhân thường thấp… Như vậy, chúng ta có thể chứng minh được, Lý Chiêu Hoàng bị chứng bệnh “dậy thì sớm” nên mới chỉ 8 tuổi đã biết yêu đương.
+ Tại sao Lý Chiêu Hoàng có con với Lê Phụ Trần ở tuổi 42 mà lại không có con với Trần Cảnh lúc còn son trẻ, dưới 21 tuổi? Có thể lý giải như sau: 1) Liệu Trần Cảnh có thật tình ăn ở giường chiếu với Lý Chiêu Hoàng hay chỉ biết vâng lời Trần Thủ Độ? 2) Mức độ gần gũi giường chiếu với Lý Chiêu Hoàng của Trần Cảnh có bình thường như những người đàn ông khác không? 3) Hậu quả của bệnh dậy thì sớm khiến Lý Chiêu Hoàng hôi, thấp bé, mặt nhiều mụn… có thể khiến Trần Cảnh “dẫy vợ”, nhưng theo tôi, dù chê bai bề ngoài Lý Chiêu Hoàng nhưng Trần Cảnh cũng phải cố gắng có con để củng cố vương triều nhà Trần theo lời khuyên của Trần Thủ Độ. 4) Liệu Lý Chiêu Hoàng có lên giọng “bà hoàng” với Trần Cảnh khiến Trần Cảnh tự ti và ghét bỏ? 5) Mới lên ngôi, Trần Cảnh đã tuyển nhiều mỹ nữ vào cung, có bỏ rơi Lý Chiêu Hoàng “phòng không, buồng trống” trong nhiều ngày? 6) Bệnh dậy thì sớm của Lý Chiêu Hoàng thuộc loại “dậy thì sớm thật sự”, vì sau này, Lý Chiêu Hoàng có con với Lê Phụ Trần.
- Trường hợp Quang Trung: Căn bệnh của vua Quang Trung là “xuất huyết não dưới màng nhện” do “vỡ mạch phình”. Nguyên nhân tử vong của vua Quang Trung: viêm phổi hít dẫn đến trụy hô hấp.
- Trường hợp Mạc Đĩnh Chi: Mẹ Mạc Đĩnh Chi bị vượn hiếp khi đang ngủ ngoài đồng. Ngày xưa phụ nữ mặc váy nên con vượn chồm lên người bà và chỉ trong vòng 7 giây là có thể thụ thai…