Thông thường, một cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố rất quan trọng là “xứng đôi vừa lứa”. Một cặp được gọi là đẹp đôi bao gồm sự tương xứng về ngoại hình, vì một người xấu và một đẹp đứng bên nhau thì không thể gọi là “xứng đôi” được. Rồi tuổi tác không quá chênh lệch (chẳng hạn khi vợ chồng đi bên nhau không bị hiểu lầm là cha - con hay chị - em). Nhưng chuyện những “đôi đũa lệch” về hình thức không đáng sợ bằng sự cách biệt về nhận thức, trình độ văn hóa, lối sống, trí tuệ…
Có những cặp vợ chồng ban đầu rất đẹp đôi, tương đồng về nhiều phương diện như trình độ học vấn, địa vị xã hội, vẻ đẹp, nguồn gốc xuất thân… Chỉ nhìn họ thôi cũng lắm người trầm trồ, ngưỡng mộ, thèm muốn… Điều này ắt hẳn làm tăng lên chỉ số hạnh phúc của hai người.
THỜI GIAN KHẮC NGHIỆT
Thời gian luôn là một một sự thử thách đầy khắc nghiệt cho mỗi cặp vợ chồng, dù ban đầu họ có sẵn những yếu tố thuận lợi về tài, về sắc… Nhưng sau nhiều năm chung sống, thậm chí chỉ cần vài năm, khoảng cách giữa họ có khi trở thành “một trời – một vực”, mà phần “rớt đài” thường thiên về phái nữ.
Có một giai thoại quen thuộc (với nhiều dị bản) là có một người đàn ông, khá lâu anh ta mới liên lạc được với người bạn cũ và tìm đến thăm. Vừa đến sân nhà, thấy một người đàn bà đang quét sân anh ta liền đon đả: “Thưa bác, đây có phải là nhà của anh X. không ạ?”. Người đàn bà ngỡ ngàng: “Dạ phải, anh chờ chút!”. Chủ nhà ra thấy bạn không còn nhớ vợ mình nên bèn giới thiệu: “Đây là bà xã của mình, cậu quên rồi à?”. Người bạn phải chữa thẹn: “Tại lâu quá không gặp, xin lỗi chị nhé!”. Quả là lâu, hơn 10 năm, nhưng lẽ nào chừng ấy thời gian đủ biến một phụ nữ xinh tươi, phơi phới thành một bà già gầy gò, xộc xệch như thế?
Ở một học viện chuyên ngành tại TP. HCM, các nữ đồng nghiệp của anh Th. hay xì xầm: “Ông Th. coi sang trọng, phong độ vậy mà tới nhà mới biết vợ ổng giống như người giúp việc vậy!”. Có người chen vào: “Hèn gì đi đâu ổng chẳng bao giờ dẫn vợ theo. Mà có dẫn cũng im re, không giới thiệu cho ai biết!”. Họ không biết rằng, ngày ấy, để cưới được nàng, chàng sinh viên Th. đã phải “chiến đấu” với biết bao chàng trai trong lẫn ngoài trường đại học để rước được nàng về dinh. Bởi Yến (tên người vợ) lúc đó là một cô sinh viên xinh đẹp, dịu dàng, nhất là những lúc cô thướt tha trong chiếc áo dài, với mái tóc huyền óng ả khiến bao người ngây ngất. Họ cùng ra trường, đi làm được vài năm rồi cưới nhau.
Ảnh minh họaKhi có con, Yến ở nhà chăm lo gia đình để chồng dốc toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp. Nhất là khi chồng ra Hà Nội học cao học, sau đó là tiến sĩ. Chị sẵn lòng làm “phân bón” cho chồng vươn lên. Nhưng trớ trêu là chồng càng thành đạt, ngày một tỏa sáng, phong độ thì chị ngày càng lu mờ. Con cái đi học khi khai lý lịch hỏi: “Mẹ làm nghề gì hả mẹ?”, chị bảo chúng khai ngắn gọn “nội trợ”. Đứa con ngây thơ bảo: “Sao mẹ không khai là … “giám đốc” như mẹ của bạn con? Con thích như vậy hơn!”.
Không đi làm, quan hệ xã hội hẹp dần, bạn bè ít, lẩn quẩn trong nhà, ngại giao tiếp, chị càng lười chăm sóc sắc vóc nên “người đẹp” ngày xưa trở nên xồ xề lúc nào không hay. Chị càng lười chuyện mua sắm quần áo thời trang, có gì mặc nấy, tóc búi lên một cục trễ nãi. Thậm chí, cô em chồng mỗi lần đến thăm cũng bảo: “Sao chị giống… má quá vậy?”. Vì chị cũng lạc hậu, bảo thủ, chẳng biết sử dụng máy tính, không cần điện thoại di động...
ĐÀN ÔNG CŨNG BỊ “CHÌM”
Nhưng thời buổi này nếu không chịu khó học hỏi, đổi mới thì khối ông cũng “chìm ngỉm” trong mắt vợ con. Vợ chồng ông K. cùng là nhà giáo, cuộc sống gia đình của họ khá hạnh phúc, nhưng khi lỡ sinh thêm đứa con thứ 3 người vợ xin nghỉ dạy để ra ngoài làm ăn vì bà cảm nhận được cái nghèo đang lù lù trước mặt. Ông K. không đồng ý việc làm của vợ nhưng bà vẫn cứ làm theo ý mình. Bà nhanh chóng thành công và mở công ty. Có tiền, bà không chỉ nâng cấp mức sống gia đình, đầu tư cho con cái ăn học mà còn “đầu tư” cho bản thân về nhiều mặt. Bà học thêm ngoại ngữ, vi tính, học lái xe, ăn mặc hợp thời trang…
Giao tiếp với bà người ta cảm nhận đó là một phụ nữ hiện đại toàn diện, cả quan niệm sống, cách bà dạy con cũng mới mẻ, cấp tiến nên con cái có vấn đề gì cũng trao đổi, tâm tình, nhờ mẹ tư vấn… Trong khi ông chồng thuộc “phe bảo thủ” khi cứ áp dụng những cách dạy con cũ kỹ, những quan niệm sống kiểu phong kiến lạc hậu. Nhất là khi ông về hưu sớm vì lý do sức khỏe, thú vui chỉ là mấy chậu cây kiểng, mấy giò lan trên sân thượng. Một phần sức khỏe kém, tính cách thiếu năng động nên ông hay ấm ức, mặc cảm thua kém vợ, rồi nghĩ mình không đáp ứng được nhu cầu yêu đương còn khá “nóng” của vợ…
Triền miên trong tâm trạng ghen bóng ghen gió khiến ông K. ngày càng thêm khắc khổ, già trước tuổi và lắm lúc nói năng “trật chìa” khiến vợ mỗi khi phải xuất hiện bên cạnh chồng, thay vào niềm hãnh diện như cách đây nhiều năm, là một nỗi khổ tâm không thể che giấu. Cũng có người trách bà vợ “chạy” nhanh quá mà không chịu đợi chồng, bà bảo: “Cũng lắm lúc nhắc nhở ổng phải tăng tốc chút đỉnh, nhưng rồi vẫn cứ ì ạch một chỗ, làm sao mà chờ nổi?”.
Vợ chồng còn được gọi là “bạn đường” của nhau, đó là hình ảnh một người đàn ông và một người đàn bà yêu thương, quấn quýt, sánh vai đi bên nhau suốt đời. Thế nhưng, nếu “tốc độ” của một người trở nên quá chậm hay một người quá nhanh mà không biết nhắc nhở, chờ đợi, dìu nhau để người kia cùng sánh bước thì họ sẽ bị xô về hai ngả khác nhau là điều khó tránh khỏi, dù nhiều khi vẫn sống trong một nhà.