Thơ Dũng Hiệp

Dũng Hiệp là một kịch tác gia nổi tiếng, viết tuồng, viết kịch nói. Và là một thi sĩ. Một thi sĩ hồn nhiên, bẩm sinh, trong sáng, tâm huyết, đạo lý. Anh đã từng là người lính “đặc công” của văn nghệ. Trong những ngày ác liệt, u ám năm 1955-1956 ở Quảng Nam - Đà Nẵng, anh đã làm những bài thơ chống Mỹ - Diệm, ca ngợi Cụ Hồ. Anh là một người tài hoa (viết chữ thảo đẹp “phượng múa rồng bay”, dịch thơ chữ Hán rất có hồn), và thơ, và kịch…

Nhưng trên hết, anh là một con người, một cán bộ cách mạng, dù ở cương vị nào, cũng hết lòng ra sức. Vợ anh, chị Nguyệt, ở tù Côn Đảo về, 20 năm mới gặp lại nhau, nay nuôi anh trên giường bệnh mà vẫn chịu khó, vui vẻ; thật là một người phụ nữ Việt Nam! (Anh có bài thơ tặng chị).

Về bài phú trào lộng Niềm vui vô giá của Dũng Hiệp, GS Trần Thanh Đạm có viết về việc có một thời, người ta đã phê phán bài thơ ấy, như sau: “… Cũng có thể do “những người không thích đùa”. Trên đời này vẫn có những hạng người như vậy: không thích đùa và không hiểu lời nói đùa của người khác. Ngày xưa, Socrate cho rằng hạng người ấy dễ ác. Khổng Tử thì cho họ ít lòng nhân.

Thực ra, tác phẩm của Dũng Hiệp là một tác phẩm rất vui vẻ, hiền lành. Đây không hẳn là một bài thơ, tác giả đã làm một bài phú theo lối cổ. Lối phú này đã có truyền thống từ xưa. Từ Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông thế kỉ XIII, đến Tịch cư ninh thể phú của Nguyễn Hàng thế kỉ XVI, sang Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ, Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát thế kỉ XIX. Đó là những áng văn chương nói về cái vui của cảnh nghèo. Trong thơ văn cách mạng thì bắt đầu từ Nhật ký trong tù và mấy bài thơ Pác Bó của Bác Hồ: Sáng ra bờ suối, tối vào hang… Cuộc đời cách mạng thật là sang…”.

Hồn Việt trân trọng giới thiệu với bạn đọc một chùm thơ trích từ Dũng Hiệp - tác phẩm (chưa in) và mong anh sẽ khỏe lại, trở về với thơ, với người thân, với bạn bè.

HỒN VIỆT

CỤ GIÀ CÂU CÁ (*)

Cụ ngồi thong thả buông cần trúc
Hồ rộng trời in ánh nước hồng
Muôn vạn đài sen hương bát ngát
Tuổi già vui thú với non sông
.


HỒN NHIÊN

Trên đầu tượng thần La Sát
Thấy đôi chim sẻ giao tình
Zeus bảo: Loài này chẳng sợ thần linh
Bụt bảo: Trong sự hồn nhiên có Phật


PHỦ ĐẦY

Nhớ Liên Nguyễn

Cánh én chiều mưa gió cuốn bay
Nghẹn ngào năm ấy, buổi chia tay
Chiều nay ngàn dặm, về thăm bạn
Một nấm mồ xanh cỏ phủ đầy!


ĐIẾU VĂN GỬI NGƯỜI ĐANG SỐNG

Tôi viết bài thơ phúng điếu anh
Mắt không nước mắt chảy vòng quanh
Tin buồn anh chết, chưa đăng báo
Anh vẫn còn kia, vẫn mạnh lành.

Phải nói: Anh còn béo tốt hơn
Đời tư ngập ngụa cảnh vàng son
Nhưng anh đã chết từ lâu lắm
Anh chết mà đời chửa bận chôn.

Anh chết từ khi anh đổi thay
Tính toan tìm mối lợi riêng tây
Tình dân, nghĩa Đảng trôi dòng nước
Mê muội hơn người uống rượu say.

Anh mê quyền vị, mê tiền bạc
Cái bả hư danh phỉnh nịnh anh
Đôi mắt nhìn đời: xưa sắc sảo
Bây giờ bỗng hóa kẻ thong manh!

Anh tệ làm chi, tệ quá thôi
Vũng bùn danh lợi rõ tanh hôi
Trăm tôi, ngàn luyện, sao đành để
Lăn xuống bùn dơ, uổng một đời.

Anh để đàn em thất vọng nhiều
Miệng đời mai mỉa biết bao nhiêu
Còn đâu những tháng ngày cao đẹp
Đảng quý, dân thương, bạn mến yêu.

(Anh em đồng đội thương anh lắm
Nghĩa nặng, tình sâu há bỏ đành
Thương lắm, cho nên càng giận lắm
Một đoạn đường đi, mấy đoạn tình.)

Thôi chớ buồn chi, chớ tủi chi!
Ngã rồi, lại đứng dậy mà đi
Mạch đời tìm lại nguồn - trong - sáng
Cái lợi - danh kia, sá kể gì.

Phúng điếu thơ này gửi đến anh
Mong anh tỉnh ngộ, kịp hồi sinh
Tình dân, lượng Đảng như trời biển
Hãy tự vươn lên: Cứu lấy mình!

 

NIỀM VUI CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ VÀ CÁN BỘ NGHÈO (1)
(hay NIỀM VUI VÔ GIÁ)

1. Chà chà!
Cán bộ như mình sang thật là sang
Nghệ sĩ như ta của đà lắm của
Nhà thuê năm, bảy thước
Lương lĩnh mấy mươi đồng
Lênh khênh vài giá sách, nào truyện, nào kịch, nào họa, nào thơ
Lỉnh kỉnh một góc phòng, này chảo, này nồi, này soong, này lọ
Hộp thuốc lá bằng nhôm phản lực, hàng Hoa Kỳ lắm nước giành mua
Lọ cắm hoa dùng vỏ đạn đồng, của hỏa tuyến mấy ai đã có?
Sấp giấy báo nào Nhân Dân, nào Văn Nghệ, dán trần nhà thắm nghĩa văn chương
Ghép gỗ thùng tấm Trung Quốc, tấm Liên Xô, làm bàn viết tầm cao quốc tế
Rọc áp-phích đóng thành bản thảo, văn viết đậm màu son
Gò ống bơ đun nước pha trà, thơ ngâm vang chất thép
Gối quanh năm toàn sách Mác - Lê, mới biết đỏ từng gốc tóc
Đệm mùa rét trải bằng báo chí, làm sao chữ chẳng thấm da?
Ghế mòn kê chân thấp, chân cao, ngồi ngất ngưởng tợ phi trên mình ngựa
Màn thủng dán giấy vàng, giấy đỏ, nằm mơ màng như lượn giữa rừng hoa
Sợ mất cắp, không thèm mua: đồng hồ, vô tuyến, đài, quạt máy, bàn là
Ngại phát phì, nên chỉ ăn: rau muống, dưa cà, ốc, mắm tôm, canh cải
Đi xe sợ xảy ra tai nạn, nên ung dung dạo bước vỉa hè
Vào rạp e nóng mất vệ sinh, cứ đủng đỉnh xem phim ngoài bãi
Khinh cảnh nghèo, ít công, ít của, dân buôn chẳng đến nhà
Thương kẻ sĩ, một bóng, một mình, nàng Thơ thường gõ cửa
2. A ha!
Nhà trống huếch một gian
Thơ ngâm tràn ba bữa
Mới hay rằng: có cái có mà không
Càng thấu nhẽ: có cái không mà có
Sang như Mỹ chưa hẳn đã giàu
Nghèo như ta chắc gì đã khó
Hậu thiên hạ chi lạc, ta biết thanh bần
(2)
Tiên thiên hạ chi ưu, ta là triệu phú
(3)
Thế giới còn nghèo nhân phẩm, ai muốn vay đến chúng tớ cho vay?
Quê hương còn nặng đau thương, ta vui khổ cho mọi người đỡ khổ
Vay nhân phẩm phải trả bằng nhân phẩm, há không cần lãi mẹ đẻ lãi con?
Chia đau thương cho vơi bớt đau thương, sao chẳng biết tấm lành đùm tấm rách.
Nhà khó mới hay con thảo, ấy ấy phương ngôn
Lửa nung thêm biết tuổi vàng, kìa kìa ngạn ngữ
Nghèo để dân giàu nước mạnh, ấy là nghèo thảo nghèo thơm
Khó mà kẻ trọng người yêu, đó thật khó cao khó quý
Vong bần lạc đạo, người cách mạng có lúc phải cần
Trọng nghĩa khinh tài, kẻ nghệ sĩ lẽ nào chẳng nhớ
Rây nhân tình ta chọn con người
Lọc trí tuệ ta tìm lẽ sống
Đại gian đại ác, giàu như Mỹ rồi đến phải thua
Đại nghĩa đại nhân, nghèo như ta thế mà lại thắng
Đời Mác gieo neo, gương sáng còn kia
Lời Bác ân cần, sử vàng chép đỏ
Anh em ơi!
Ta còn sướng hơn nhiều, khi so với chiến khu miền Nam
Đồng chí hỡi!
Ta còn sang quá chứ, nếu nhớ đến cơ quan Pác Bó
Ăn ngon mặc đẹp ai lại chẳng ưa
Tiết sạch giá trong mới là chuyện khó
Nước ta nhỏ, lấy tinh thần làm sức mạnh diệu kỳ
Nhà ta nghèo, có nhân phẩm làm nguồn vui vô giá.

Hà Nội, 1973


(*)

Bài thơ làm tháng 5-1955 ở vùng địch chiếm - Hội An. Tác giả bị truy lùng phải vào trốn trong hang đá, nhưng bài thơ vẫn được truyền tụng.

(1)

Bài thơ này đã đăng ở báo Sân Khấu Việt Nam, năm 1978.

(2), (3)

Lấy ý tưởng chính trị của Phạm Trọng Yêm (989-1052) trong Nhạc Dương lâu ký: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc: Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.