Vào một sáng chủ nhật năm 1970 tại một cánh rừng ở miền Đông Nam Bộ. Bữa đó, trời hơi se lạnh. Chúng tôi xúm xít quanh chiếc đài bán dẫn của nhà thơ Giang Nam để nghe công bố kết quả cuộc thi thơ của tuần báo
năm đó trong một chương trình văn nghệ.
Anh Giang Nam ngồi trên võng. Chiếc đài bán dẫn để trên chiếc bàn bằng cây ghép lại. Cặp kính trắng của anh cứ lấp lánh, hướng vào chiếc đài. Anh có vẻ chăm chú và rất thích thú. Còn chúng tôi, mấy anh em ở tổ Văn tiểu ban Văn nghệ đều im lặng lắng nghe. Không khí lúc đó sao mà linh thiêng, huyền diệu đến thế!
Sau khi giới thiệu Phạm Tiến Duật đoạt giải nhất với chùm thơ viết về Trường Sơn, đài liên tục ngâm các bài thơ: Tiểu đội xe không kính, Gửi em cô Thanh niên xung phong, Lửa đèn. Qua các giọng ngâm của Trần Thị Tuyết, Linh Nhâm, các câu thơ cứ bay bổng lên rồi lại len lỏi vào từng tế bào mỗi người, làm chúng tôi, ai cũng gà gà, ngây ngất, lâng lâng như đang được nhấp những ly rượu thật ngon.
Chương trình kết thúc, tất cả ồ lên luyến tiếc. Anh Giang Nam gọi sang lán bên:
- Anh Bảy ơi, Phạm Tiến Duật là ai mà thơ hay quá vậy?
Anh Bảy đây là anh Bảo Định Giang, Trưởng tiểu ban Văn nghệ miền Nam được Trung ương cử vào nắm tình hình văn nghệ Nam Bộ. Anh vào đã được mấy tháng rồi, chạy càn Đông Dương liên tục, giờ đang chuẩn bị ra Bắc. Lúc này ở lán anh rất đông anh chị em văn nghệ sĩ. Người đến gửi tác phẩm, tranh ảnh, người đến nhờ gửi thư, quà về gia đình. Anh Bảo Định Giang nghe Giang Nam hỏi vậy liền ậm ừ:
- À, cậu này là công nhân ấy mà!
Chả là lúc đó ngoài Bắc có mấy anh công nhân làm thơ rất hay, thí dụ như Thanh Tùng, Đào Cảng ở Hải Phòng.
Nghe vậy, Giang Nam gật gù, thán phục:
- Chà, mấy anh công nhân ngoài đó giờ giỏi quá!
Còn tôi, thấy vậy chợt phì cười, anh Giang Nam hỏi tôi:
- Có chuyện gì vui mà cười dữ vậy?
Tôi đành phải lại sát bên Giang Nam nói nhỏ, sợ bên kia nghe được, anh Bảy buồn:
- Cậu này cũng học với tôi ở Đại học Sư phạm Hà Nội đầu những năm 60, sao lại là công nhân được.
Nói tới đó, tôi lại nhớ những ngày cùng học ở Cầu Giấy. Tôi và Duật cùng tổ 3 và lớp Văn Đ. Ngày ấy, khóa Văn chúng tôi có bốn lớp, lớp chúng tôi là lớp cuối. Duật còn khá trẻ, là học sinh, còn chúng tôi là cán bộ đi học. Duật có hai đam mê: thơ và bóng đá. Cứ cuối tuần là rủ bạn đi xuống sân Hàng Đẫy.
Có lần xem về, cơm anh em lấy cho chỉ còn thau cơm, thức ăn mất hết, Duật vẫn vui vẻ ngồi ăn cơm với muối, bàn tán rôm rả về trận đấu vừa xem. Anh Q. lớp trưởng, một người khó tính và gia trưởng, thấy vậy cằn nhằn: Mấy thằng này, đi xem về trễ thì ăn đi chứ bóng với banh mãi!
Duật không giận, cười khì khì:
- Cơm không có thức ăn phải lấy bóng thay mà ông ấy không cho thì ta lấy thơ làm thức ăn vậy.
Duật nháy Nguyễn Đình Ảnh – người bạn đồng hương Phú Thọ, cũng mê bóng đá và thơ như Duật. Ngày ấy, Ảnh cũng hay làm thơ, thỉnh thoảng báo Tiền Phong, Tổ Quốc có đăng thơ của Ảnh. Thơ Ảnh đèm đẹp, có duyên nhưng không sâu, còn thơ Duật đọc nghe gồ ghề trúc trắc cứ như nói. Vậy mà cặp thơ Phú Thọ đó lại chơi thân với nhau.
Một hôm, anh Trác “rỗ” xách đâu tờ báo Cứu Quốc về thì thầm với tôi: “Này, cái bài thơ này tác giả ký tên Phạm Duất Tiện, có phải là của thằng Duật không?” Tôi cầm tờ báo lên xem. Chao ôi, ở gần trang cuối có một bài thơ rất già nua, làm theo thể thơ Đường luật rất chỉnh, đủ bảy chữ, tám câu. Đọc xong tôi nói với Trác: “Đúng rồi, nhưng cu cậu không dám ký tên thật, đừng nói, nó buồn”.
Tôi kể chuyện đó với anh Giang Nam. Anh thú quá lại khen:
- Có vậy chớ! Thơ này sắc sảo, lạ và thâm thúy lắm. Phải là dân có học mới tìm tòi vậy.
Sau giải phóng, Duật đến số nhà 190 Công Lý tìm tôi. Ngày ấy tôi công tác ở tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng. Duật dắt theo một anh lính người thâm thấp và nhanh nhẹn giới thiệu với tôi:
- Đây là Nguyễn Duy. Thằng em này được lắm. Nó muốn về báo các anh đấy. Nên nhận.
Nguyễn Duy lúc ấy cũng vừa được giải thơ của tuần báo Văn Nghệ, đang nổi như cồn với những Bầu trời vuông và Hơi ấm ổ rơm.
Tôi nói với Duật:
- Có ông bảo lãnh, để mình bàn với các anh Giang Nam, Hoài Vũ xem sao.
Sau đó chúng tôi kéo ra quán bia hàn huyên, thăm hỏi về các bạn cũ ở Đại học Sư phạm. Trong lúc vui chuyện tôi có kể về bài thơ Đường luật ở báo Cứu Quốc do anh Trác “rỗ” đem về và hỏi:
- Sao hồi ấy cậu lại có bài thơ lụ khụ như mấy cụ Mặt trận, Khăn xếp áo the vậy?
Duật phá lên cười:
- Ôi, bài thơ cứu đói ấy mà. Vậy mà cũng được hơn một tuần xôi sáng. Quên hết rồi. Mà sao ông anh nhớ dai vậy!