Từ Kính sang huyện Phụng Tiên tả nỗi lòng 500 chữ
Đỗ Lăng, kẻ áo vải
Về già hóa vụng về.
Lập thân sao ngu thế!
Tiết, Tắc(1) dám trộm ví!
Quả nhiên thành hão huyền
Cực nhọc cam đầu bạc,
Đậy quan tài đành thôi
Chí này thường mong đạt.
Suốt đời lo dân đen,
Thở than nóng gan ruột.
Bạn bè có cười chê
Ca vang càng khích liệt.
Đâu thiếu chí hải hồ,
Tiêu dao cùng nhật nguyệt,
Nhưng gặp thời Thuấn Nghiêu
Nỡ lòng nào vĩnh quyết.
Rường cột đầy triều đình
Nhà lớn đâu khiếm khuyết
Hoa quỳ vốn hướng dương
Tính người đâu dễ đoạt?
Nghĩ như lũ kiến sâu
Quẩn quanh chốn hang huyệt
Sao sánh được kình ngư
Vẫy vùng nơi biển biếc.
Lấy đấy nghiệm sự đời
Cầu cạnh người, đáng nhục
Vất vả cho đến giờ
Nỡ chịu vùi bụi đất!
Thẹn so cùng Sào, Do,(2)
Không thể đổi khí tiết
Say mềm mong khuây khoa
Ca vang tiêu sầu tuyệt.
Năm tàn, cây cỏ chết
Gió mạnh, núi đồi nứt
Trời vần vũ âm u,
Nửa đêm đi mải miết.
Sương dữ, tay áo rách
Tay cóng, khó buộc kết
Tảng sáng qua Ly Sơn,
Long sàng ngự cao ngất.
Trời đỏ bầm lạnh buốt
Đạp sườn núi trơn trợt
Dao trì khí nghi ngút
Vũ Lâm quân đông nghịt
Vua tôi mải vui chơi
Nhạc vang lừng réo rắt
Tắm, toàn là quan to
Tiệc, phải đâu áo cộc?
Lụa phân phát cung đình
Do gái nghèo ngồi dệt
Roi quất lưng chồng con
Gom góp cống cửa khuyết.
Nhà vua rộng ban ơn
Muốn nước nhà mát mặt
Lẽ ấy chợt nghĩ ra,
Phải đâu đem của vứt?
Kẻ sĩ đầy triều đình
Nhân sĩ phải lo nghĩ
Vàng bạc trong cung vua,
Đều về nhà Vệ, Hoắc(3).

Thần tiên múa trung đường
Khói mây lồng vẻ ngọc
Khách khứa ấm áo cừu
Sáo theo đàn dìu dặt.
Canh lạc đà đãi khách
Mùi chanh át hương quất
Cửa quan rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết rét.
Tươi héo chỉ tấc gang
Bồn chồn đâm khó viết
Bắc đi về Vị, Kinh
Qua đò, theo hướng khác.
Nước đổ lưng trời Tây,
Ngước nhìn cao chót vót
Ngỡ nước tự Không Đồng,
Trời phen này gãy cột!
May mà cầu chưa gãy
Ván cầu kêu răng rắc
Người đi níu kéo nhau
Sông rộng không thể vượt
Vợ già gởi huyện xa
Mười mạng trong gió tuyết
Ai chẳng mong về thăm
Được cùng nhau sống thác.
Vào cửa nghe tiếng gào
Con út vừa đói chết
Lòng cha thêm bi ai
Xóm giềng cũng nghẹn thắt
Thẹn mình phận làm cha
Nuôi con, con sức kiệt
Vụ mùa này bội thu
Đói nghèo, chết, thảng thốt.
Thân được miễn thuế tô
Đăng lính tên chẳng liệt
Thế mà còn đắng cay
Dân thường sao chịu xiết
Nghĩ người lính thú xa
Người cùng đinh thất nghiệp
Mối lo dường non cao
Mênh mông dòng nước xiết(4).
_______
Chú thích:
(1) Tiết: thủy tổ nhà Ân, dạy văn hóa cho dân. Tắc: thủy tổ nhà Chu, dạy dân cày cấy.
(2) Sào Phủ, Hứa Do: hai người hiền cao khiết đời Cổ đại.
(3) Vệ, Hoắc: hai họ bên ngoại vua Hán, đây chỉ nhà Dương Quý Phi.
(4) Ý nói nước lớn mênh mông không bờ bến. 憂 端 齊 終 終 南, 澒 洞 不 可 掇 Ưu đoan tề Chung Nam, Hạng đỗng bất khả xuyết (chú ý hạng đỗng có bộ thủy (氵), chỉ nước, không thể dịch là: “gỡ hoài càng rối rít”. Theo chú thích của Đỗ Phủ thi tuyển (bản Hồng Kông, 1984, tr.149) thì xuyết: thu thập. Hai câu này ý nói mối lo như núi cao (Chung Nam), lại mênh mông, vô bờ như nước lớn (sông, biển lớn), không thể thu hồi.
Bình Phan Ngọc (xem Nhà thơ thánh với hơn một nghìn bài thơ. Hà Nội, 2001 – tr.150) cho rằng: “Đó là bài thơ hay nhất của Đỗ Phủ, theo các nhà phê bình nói. Nhưng trên một nghìn năm qua, không ai hiểu đúng giá trị của nó. Nó là bản tuyên ngôn của nền thi ca mới mà Đỗ Phủ mở đầu và thực hiện. Tiếc rằng, nền thi ca ấy bị chìm đi trong bóng tối của hiểu lầm, xuyên tạc”. Nếu hỏi có câu thơ nào trong hàng nghìn bài thơ của Đỗ Phủ có thể tiêu biểu cho thơ ông, thì có thể chọn hai câu trong bài này: “Cửa quan rượu thịt ôi – Ngoài đường xương chết rét”. Một đối nghịch nghệ thuật vĩ đại! Tấm lòng vì nhân dân của Đỗ Phủ chiếu rọi đến tận ngày nay. Kết thúc bài thơ, sau khi về thăm nhà, chứng kiến cảnh con chết đói, là nỗi lo mênh mông cho cuộc đời: “Mối lo dường non cao – Mênh mông dòng nước xiết”. Thơ Thánh là như thế, là thơ vì nhân dân. Nguyễn Du tôn ông là “văn chương muôn đời, bậc thầy thơ muôn đời” và vô cùng ngưỡng mộ ông cũng là vì như vậy. M.Q.L. |
Đời Càn Nguyên ngụ huyện Đồng Cốc làm bảy bài ca (*)
(7 bài, tuyển dịch 2 bài)
Kỳ I
Người khách, người khách tên Tử Mỹ
Tóc bạc bờm xờm quá tai trễ
Trời chiều gió lạnh trú hang sâu
Theo lũ thư công tìm hạt dẻ
Quê nhà bặt tin chẳng lối về
Chân tay rét buốt, thịt da nẻ
Ô hô! Một khúc ca chừ, ca buồn đau
Vì ta gió thảm tự trời cao!

Kỳ II
Thuổng dài, thuổng dài, cán gỗ trắng
Đời ta lấy ngươi làm bổn mạng.
Củ mài trụi mầm, tuyết bời bời
Áo ngắn che làm sao kín cẳng.
Lúc này vác ngươi về tay không
Trai gái kêu rên bốn vách lặng.
Than ôi! Khúc thứ hai chừ, hát đôi câu
Hàng xóm thương ta mặt tủi sầu.
_______
Chú thích:
(*) Còn gọi là Đồng Cốc thất ca, được tác giả làm khi ở huyện Đồng Cốc, tỉnh Cam Túc, nói lên cảnh ngộ của mình trong lúc loạn ly. Đây là 7 bài ca đầy huyết lệ, là kiệt tác của thơ Đỗ Phủ. Cao Bá Quát có câu thơ: “Ngâm bãi thất ca cánh hồi thủ/ Mang mang thân thế độc hu hành” (Ngâm xong bảy bài ca ngoảnh đầu nhìn lại/ Thân thế mờ mịt, chỉ đáng trừng mắt trông đời) chính là nói đến 7 bài ca này của Đỗ Phủ.
Gặp Lý Quy Niên ở Giang Nam (1)
Nhà Kỳ Vương gặp mặt hoài(2),
Lại nhà Thôi Cửu từng nghe khúc đàn(3).
Đương khi cảnh đẹp Giang Nam
Mùa hoa rụng, cánh hoa tàn(4) gặp anh.
_______
Chú thích:
(1) Lý Quy Niên là một nghệ sĩ ca hát nổi tiếng của cung đình thời Đường được đãi ngộ xây phủ đệ xa xỉ còn hơn công hầu. “Sau loạn An Sử, Lý Quy Niên lưu lạc Giang Nam, lấy đàn ca nuôi miệng”. Thời 14, 15 tuổi ở Lạc Dương, Đỗ Phủ đã nghe Lý ca hát. Khoảng năm 770, lại ngẫu nhiên gặp Lý ở Đàm Châu. Tác giả “an ủi hiện tại, nhớ nhung ngày xưa, cảm khái vô hạn”. Bài thơ thuận miệng viết ra, ngôn ngữ bình đạm không cần điêu sức mà ý vị vô cùng.
(2), (3) Kỳ Vương: tên Lý Phạm. Thôi Cửu: tức Thôi Điều. Là các nhà tinh thông âm luật; sủng thần của Huyền Tông. Tại nhà các vị này, Ðỗ Phủ gặp danh ca Lý Quy Niên.
(4) Bài tuyệt cú này được cho là bài tuyệt cú hay nhất (áp quyển) của Đỗ Phủ. Vinh hoa, ly loạn, thay đổi, gặp lại trong ngậm ngùi, mùa hoa rụng, đều chứa trong bài thơ. Từ chuyện hai người, nó chứa đựng cả thịnh suy của một thời đại.
Chơi chùa Phụng Tiên ở Long Môn
Sáng đến thăm chùa Phật,
Ngủ trọ chùa đêm nay.
Hang lạnh vi vu sáo,
Ánh trăng rải rừng cây.
Sao trời ở bên cạnh,
Như nằm ngủ trong mây.
Nghe tiếng chuông báo sáng,
Chợt tỉnh ngộ lòng này.
|
Thảo Đường Đỗ Phủ ở Thành Đô, Trung Quốc |
Ngày xuân nhớ Lý Bạch
Anh Lý, thơ vô địch(1)
Nhẹ bay tứ tuyệt luân
Trong như Dữu Khai phủ(2)
Mạnh sánh Bão tham quân(3)
Giang đông mây chiều tối(4)
Vị bắc cây trời xuân(5)
Bao giờ một bầu rượu
Gặp nhau, bàn thơ văn.
Ngắm núi Thái Sơn
Thái Sơn hùng vĩ sao!
Sắc núi xanh Tề Lỗ,
Tạo hóa đúc tinh anh
Bắc Nam phân sáng tối.
Lâng lâng mây điệp trùng
Chiều tối chim về núi,
Lên đến đỉnh Thái Sơn
Muôn núi đều ở dưới.

_______
Chú thích:
(1) Nguyên văn: Bạch dã 白 也 (Bạch a, Bạch ấy a!), bạn thân nói với nhau, rất thân mật! Đỗ Phủ dùng hư tự rất diệu kỳ.
(2), (3) Tức Dữu Tín (513-581) và Bão Chiếu (415-470), hai nhà văn đời Nam Bắc triều nổi tiếng mà Đỗ suy tôn. Khai phủ và Tham quân là chức quan.
(4) Giang đông: hạ lưu sông Trường Giang. Lúc ấy, Lý đang ở Đông Ngô. Hai nơi cách xa ngàn dặm. Đỗ tưởng nhớ Lý. Cây Vị bắc là cảnh trước mặt; mây chiều tối: tưởng tượng Lý đang phiêu bạc vô định. Ngụ tình trong cảnh, là câu thơ đẹp, dưới xem là danh cú muôn đời.
(5) Vị bắc: phía bắc sông Vị, Tràng An, nơi Đỗ đang ở.

Không gặp
Lâu chẳng gặp chàng Lý,
Giả cuồng thật bi ai.
Người đời đều muốn giết,
Riêng ta vẫn tiếc tài.
Phiêu linh rượu một chén,
Mau lẹ thơ ngàn bài.
Núi Khuông còn chứa sách,
Đầu bạc, hãy về thôi.
Từ biệt mộ Phòng Thái Úy (1)
Quê người còn lang bạt,
Dừng ngựa thăm mồ hoang.
Lệ rơi ướt mặt đất,
Trời cao mây che ngang.
Đánh cờ, học Tạ phó(2),
Treo kiếm, tìm Từ quân(3).
Chỉ thấy hoa rừng rụng,
Tiếng oanh đưa dặm ngàn.
_______
Chú thích:
(1) Phòng Thái úy: tức Phòng Quán, giữ chức quan lớn trong triều đình và là bạn thân của Đỗ Phủ.
(2) Tạ phó: tức Tạ An, danh nhân đời Tấn, nổi tiếng mê đánh cờ, giỏi việc nước, được phong tặng chức Thái phó.
(3) Từ quân: vua nước Từ. Đời Xuân Thu, công tử Quý Trát công du nước Tấn, có đi ngang qua nước Từ, Từ quân bày tiệc chiêu đãi trọng hậu. Để tỏ lòng cảm kích, Quý Trát hứa lúc về sẽ tặng Từ quân thanh bảo kiếm của mình. Khi quay về, Từ quân đã qua đời, Quý Trát đến viếng mộ rồi treo thanh bảo kiếm của mình ở đấy. Điển tích này nhằm ca ngợi nhân cách Phòng Quán