Bạch Mã được mây ôm ấp vào lòng, tô dáng núi đậm đà giữa nước non. Núi như mọc ra từ mây, mây khoát lên núi, mây núi quyện vào nhau, bất khuất đất trời.
Đi quanh những lối mòn trong rừng vắng, ta bắt gặp những cây hoàng đàn giả hay còn gọi là tùng Bạch Mã có dáng vẻ khẳng khiu, màu lá xanh đậm, lạnh. Loại thực vật lá kim, quanh năm xanh tốt, không mấy khi không rụng lá. Một bóng tùng cheo leo bên dốc núi, cành khảng khái vươn ra giữa ngàn mây. Người xưa mượn tùng để nói lên cái khí tiết của trượng phu, “Tuế bất hàn, vô dĩ tri tùng bách” - đông không lạnh, làm sao biết được là tùng là bách. Đến kẻ gian hùng như Tào Tháo còn phải phong quan, đội mão cho tùng cổ thụ, gọi là tùng trượng phu vì đương thời không ai hạ ngã được “ngài”. Nguyễn Trãi xếp tùng trong ba người bạn của tiết lạnh (tùng, trúc, mai): “Cội rễ bên đời nào chẳng động/ Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày”. Tùng Bạch Mã phong trần cùng giá lạnh, gìn giữ cốt cách với tiết trời quanh năm lạnh lẽo nơi núi cao. Cây mạnh mẽ cắm sâu vào đá sỏi, cành quẩy gánh tang bồng với nước mây, lá xanh muôn thuở, trầm ngâm thấu chuyện nghìn thu. Tùng giờ được nhân giống dọc đường lớn, những lối mòn Ngũ Hồ, xuống thác Đỗ Quyên đều thấp thoáng bóng tùng nơi bờ đá. Ngắt một lá vân vê thấy tỏa ngát mùi thơm thanh cao. Tôi ngồi dưới cội tùng bóng đổ, hưởng chút phong lãm của cổ mộc đứng đầu cây trăm họ. Ba lô trên vai trút xuống đất, thứ hành trang đánh dấu ta chẳng thuộc về nơi này với trăm thứ của nhân sinh. Thế cuộc ngoài kia vẫn chảy không ngừng, thuộc về hay không thuộc về cũng chỉ là bèo trong ao, bèo đâu dạn dĩ để đủ như tùng, thông đứng giữa trời mà reo. Cái chí phóng lãng - không vướng mắc của người xưa thật đáng mong cầu.
Lối mòn quanh co trước mặt rồi mất hút vào xa xăm của cây lá. Một người đi giữa rừng bắt gặp lối mòn tức mừng rỡ vì tìm được đường đi, lối ra. Có ai dám tách ra khỏi lối mòn để xăm xăm băng lối cùng hoang vu. Chân lý là đất không lối mòn. Ta chưa bao giờ lắng nghe mình. Ánh sáng cùn mòn theo tạp niệm, chính mình đánh mất quyền năng “thắp đuốc” trước vạn sự. Đất không lối mòn, tức là sự cần truy vấn, phản biện để tỉnh thức những con đường rộng lớn. Tôi đứng trước một bóng tùng đương reo bên sườn núi, lối mòn quanh co trước mặt và nghĩ như thế. Đường còn xa, rừng còn thăm thẳm. Suối reo bên tai, chân thoăn thoắt trên đá. Và lối mòn đưa chúng tôi ra khỏi những rối ren, ít ra là nó hữu dụng đối với những kẻ lờ mờ về định hướng.
* * *
Khi nhắc đến “đại danh hoa” của núi rừng Bạch Mã phải kể đến đỗ quyên. Giống hoa này thuộc loại sơn thạch lựu, màu đỏ, nở dọc các con suối trong rừng vào dịp tết và mọc nhiều nhất tại một ngọn thác được lấy hoa để đặt tên. Trong văn hóa Đông phương, loài hoa này biểu tượng cho sự dịu dàng và đầy nữ tính. Còn người Pháp xem hoa đỗ quyên tượng trưng cho sự thành công và vinh quang. Khi người ta tặng hoa này cũng ngụ ý gửi gắm cho những người thân yêu là nhớ chăm sóc, giữ gìn sức khỏe.
Hoa đỗ quyên được truyền tụng bằng một truyền thuyết tình yêu bi thiết của một đôi vợ chồng. Họ sống với nhau rất hạnh phúc, chồng hàng ngày săn bắn, hái củi, vợ ở nhà làm lụng chăm lo cửa nhà. Một lần, người chồng ra đi rồi không thấy trở về. Người vợ trẻ mỏi mòn trông ngóng… cho đến khi không chịu nổi nỗi thương nhớ dày vò, nàng quyết tâm đi tìm chồng. Băng ngàn vượt núi nhưng vẫn không thấy bóng dáng chàng đâu. Nàng kiệt sức rồi gục chết bên một tảng đá giữa rừng. Từ nơi đó mọc lên một loài cây, hoa chỉ nở mỗi khi xuân về. Người đời sau gọi loài hoa này là hoa Đỗ, có nghĩa là đợi, ý chỉ sự chờ đợi vô vọng của người vợ. Người chồng sau một thời gian lưu lạc thì trở về, biết tin vợ vào rừng tìm mình, chàng cũng lại ra đi tìm vợ để đoàn tụ. Chàng đi mãi… cho đến khi gục ngã bên tảng đá có loài hoa nở thắm kia. Chàng chết hóa thành loài chim chỉ sống đơn độc một mình, cất tiếng hót da diết như kêu than tuyệt vọng lúc hoàng hôn buông xuống. Người đời gọi loài chim đó là chim Quyên. Về sau, không biết tự bao giờ loài hoa này được gọi tên là Đỗ Quyên để nhớ về tình yêu thủy chung, son sắt của họ. Giống đỗ quyên Bạch Mã có màu đỏ, tượng trưng cho tình yêu thắm nồng, cháy bỏng.
Cái sắc đỏ tươi tắn của đỗ quyên Bạch Mã như những ngọn nến cổ sơ thắp lửa trên màu xanh đại ngàn sâu kín. Màu đỏ ấy bước ra từ truyền thuyết của loài chim cùng tên (đỗ quyên), một ngày hót thống thiết, hót hao kiệt sức mình, máu rỏ xuống hóa thành. Hoa hoài sinh từ tiếng xướng ca của chim thiêng. Từ xa xưa, sắc đỏ kiêu sa của đỗ quyên khiến Bạch Cư Dị phải trầm trồ: “Sơn Lựu hoa tự kết hồng cân” (Sơn lựu hoa nở kết khăn hồng(1)). Giờ đứng trước thác trắng mây mù, tôi đau đáu dải khăn hồng điểm tô màu thác. Hoa rung rinh trong gió, gió ngân dội lời ca uyên ương gót bước chốn tiêu sơ. Thi sĩ Hàn Ác cũng một lần thổn thức với đỗ quyên: “Nhất viên hồng diễm túy pha đà/ Tự địa liên sao thốc thiến la” (Một vườn sắc thắm say lòng dạ/ Từ đất đến cành lụa đỏ sa(2)). Đỗ quyên có đức năng của loài hoa nơi rừng thẳm, lay động lòng người vì vẻ hoang dại dịu dàng hiếm có. Dáng hoa khiêm nhường mọc thành bụi nhỏ nơi bờ suối, rễ cần mẫn chen trong kẽ đá hút lấy dưỡng chất của non thiêng. Đỗ quyên không kiêu sa như trà mi, vương giả như mẫu đơn, phong lãm như hoàng mai. Hoa vươn mình giữa muôn triệu giống loài khác, trổ dải hoa làm nao lòng kẻ tha nhân. Nếu như Leopardi nói: “Hoa kim tước thơm ngát an phận với sa mạc…” thì hẳn đây đỗ quyên soi bóng mình thắm đỏ dòng thác bạc. Hoa cheo leo nơi đỉnh thác cao 300 mét, an vị trên đá khô cằn, chỉ có nước là dư thừa vô kể, hùng vĩ dội xuống thung sâu. Đỗ quyên nơi đây không thể tách rời thác như rằng thể phận của hoa sinh ra là để tô thắm núi non cô tịch, gieo một nốt vui giữa cung trầm của rừng hoang liêu mù mịt khói sương.
Em đã cùng tôi lang bạt những ngày trên núi cao, đi giữa màn sương dày đặc của Bạch Mã, dắt nhau lên Vọng Hải đài, theo nhau đi ngắm màu hoa son sắt nơi thác đổ. Ngày ấy, mắt em màu nâu hổ phách, tròn ngây dại và đẫm sương mai. Chân em giẫm nhẹ trên lối mòn, tóc xõa tung bay giữa những tán lá xanh. Tay em nâng những bông mua dại màu hồng phấn dịu dàng. Những chồi non dương xỉ mềm mại trong lùm hoang lay động mắt em. Chúng tôi thơ thẩn trên con đường chiều, thác vẫn còn xa. Bóng đổ mù mịt... Về thôi, tối rồi. Thôi đành lỡ hẹn mùa quyên vì sớm mai chúng tôi phải về Huế. Mắt em thoáng buồn. Giờ tất cả mọi thứ đã bay xa, như áng mây lùa qua tóc, ướt đẫm, mịt mù một lúc rồi tan biến trong đất trời.
Tôi ngồi bên thác nước, ngắm chùm đỗ quyên cuối mùa tàn lụi, quăn queo, vương vãi đây đó trên lá cây, mặt đá. Một vài bông đã đậu trái, hình chóp nón màu đỏ sậm. Tiếng thác réo ầm ầm, như lời kinh thiên của một gã chọc trời khuấy nước đương cất giọng hào sảng giữa núi non tịch lặng. Dòng nước chảy mạnh hơn sau một cơn mưa rừng xối xả chiều ấy. Thác như dải lụa quàng lên màu xanh vĩnh cửu của rừng. Thác ào ạt những nỗi niềm xối lên tôi, quạnh quẽ chốn tiêu sơ, lỡ làng một thời hoa niên ảo mộng. Dòng sông lững lờ chảy đủ khiến cho ta không thể tắm hai lần, còn thác với tốc lực của nó thì dâu bể nhân sinh cũng như cái chớp mắt, như hồng hạc vỗ cánh bay qua khoảng trời cô lữ. Hơi nước trắng xóa cả khoảng rừng dưới vực nước mênh mông, bụi nước bám ướt trên mặt, thầm thỉ lời nước non. Thác tuôn trào như dòng sông trời đổ xuống rừng chiều xao xác. Tôi không còn nghe thấy tiếng người, không còn cảm niệm tiếng mình. Hơi thở núi cao gần lắm, êm đềm bọc lấy tôi.
Tôi nhớ lời nhắc nhở của Zarathustra: “Không nên bươi móc khuấy động vũng lầy. Nên lên núi cao mà sống”. Núi cao có hấp lực gì để những kẻ gàn với cuộc đời tìm sự tự do phóng dật trên ấy, nơi chỉ có mũi mới cảm nhận được chân lý của sự khiết trong. Một kẻ “cô đơn rực rỡ” như Nietzsche cũng chán ngấy mùi đô thị cáu bẩn, đã nói như thế. Có mấy ai tìm ra cách “giải thoát ra khỏi tất cả mùi hôi của thế sự” bằng cách lên núi ẩn cư, kiếm tìm hương mật với hư không, ngàn thẳm. Đức Phật Thích Ca là minh dẫn toàn hảo của núi rừng. Khi phát tâm đi tìm chân lý, Đức Phật đã trải qua 11 năm “ăn rừng ở rú”, học đạo với đủ loại pháp môn nơi núi rừng đầy cao nhân. Và phút giây Đức Phật chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác huy hoàng cũng đã ghi dấu nơi cảnh hùng vĩ của núi rừng, dưới cội cây Bồ đề. Chỉ có núi non mới đầy bao dung, núi non mới khởi phát được chân lý vô thượng. Có bao giờ ta đánh đổi đời mình đi tìm chóp núi cuối cùng để đối mặt, chóp núi cô đơn, chóp núi của riêng ta, chóp núi giải thoát. Núi cao thử thách lòng ta, vốn quen với ồn ào đô hội, đâu có rèn giũa được đức cứng rắn, lì lợm khi có một mình. Trên núi cao, ta mới nhìn ra được những điều lạ lẫm của thế giới ngoại vi và thế giới nội vi. Hành trình xa xôi mịt mù ấy, vẫn còn lạ lẫm đối với tôi, kẻ giàu bước chân lang bạt nhưng nghèo sự dấn thân.
Tiếng chim gọi chiều lẻ loi, có thứ gì đó khao khát trong tôi. Vục mặt xuống dòng nước trong vắt không một bụi bẩn, cả nguyên sơ thức giấc trinh nguyên. Tôi om chút nước đưa lên miệng uống cả núi rừng, cây lá, uống cả màu đỗ quyên đỏ thắm chiều hôm. Có tiếng vượn hú xa xăm. Rừng lạnh. Tôi vẫn còn nghĩ đến chóp núi cô đơn. Giá mà được ngồi nghe bầy vượn già kể chuyện liêu trai, kể những tháng năm núi già khóc than hiu quạnh. Quần sơn Bạch Mã hiển hiện đó như nguồn trưng dẫn về sự kiến tạo diệu kỳ của tự nhiên. Đó là ân huệ dành cho vùng đất cố đô, có đủ biển lớn, đồng bằng màu mỡ, rừng xanh và ngọn cao sơn hùng vĩ. Để rồi đây, khi bội thực cuộc sống phù hoa, núi cao là nơi thanh tẩy cho những tâm hồn phóng lãng. Từ đó, ý du tử cứ mãi nổi trôi mây trắng, nổi trôi trên quần sơn ru giấc nghìn năm màu xanh vĩnh cửu của hy vọng, của bình minh, của chân lý.
Bạch Mã, tháng 4-2015
_____
(1) Tác giả dịch thơ từ phần dịch nghĩa của Huỳnh Chương Hưng trong bài Sơn Thạch Lựu ký Nguyên Cửu của Bạch Cư Dị.
(2) Tác giả dịch thơ từ phần dịch nghĩa của Huỳnh Chương Hưng trong bài Tịnh Hưng tự Đỗ Quyên hoa của Hàn Ác.