Thả tù binh Pháp giữa Sài Gòn 1950

Tiếp tôi trên gác lửng căn phố góc đường Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo, anh Nguyễn Duy Thanh, cán bộ Chi Quân báo đặc biệt Sài Gòn năm xưa, người có đôi mày rậm và nụ cười đôn hậu dễ mến, tuy tuổi đã ngoài bảy mươi, nhưng đầu óc vẫn minh mẫn sáng suốt như thuở còn trai trẻ hoạt động bí mật. Anh là người duy nhất còn lại trong tổ hành động được giao nhiệm vụ đặc biệt đột xuất: thả tù binh Pháp giữa trung tâm đô thành Sài Gòn, một chiến công làm nức lòng chiến sĩ ngành Quân báo Nam bộ và Khu 8 lúc đó. Anh xúc động kể lại:

“… Chi Quân báo đặc biệt Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập vào đầu năm 1949, thuộc hệ thống Quân báo khu 8, do anh Phan Thanh Khiết (bí danh Phan Khương) làm trưởng chi. Năm ấy, anh mới 23 tuổi, được rút lên từ vị trí Trưởng ban tình báo tỉnh Sa Đéc với những thành tích lẫy lừng như trận diệt đồn Nha Mân đầu năm 1948. Phó Chi là anh Trương Văn Bích, nguyên là Trưởng chi Quân báo Khu Đồng Tháp Mười, cũng là cán bộ trẻ có năng lực và “chịu chơi hết mình” với anh em đồng đội, nên cũng được anh em trong Chi quý trọng như anh Khiết. Một số cán bộ của Chi được rút lên từ Quân báo các tỉnh Mỹ Tho, Sa Đéc, Tân An (Long An), Vĩnh Long, Long Châu Tiền… Lực lượng tại chỗ có các anh Lai Thanh (tức Sáu Xia), anh Lê Quang Tươi (tức Sáu Cao), anh Nguyễn Văn Nguyên v.v…

Trở lại câu chuyện thả tù binh - Anh Thanh chợt dừng lại nở nụ cười đôn hậu - Đúng là một kỷ niệm sâu sắc khó quên. Đó là vào một buổi chiều, anh em được gọi lại họp ở nhà anh Sáu Xia, để nghe anh Ba Khiết vừa ở Đồng Tháp Mười lên phổ biến nhiệm vụ khẩn cấp đột xuất. Đó là việc thả ba tù binh Pháp tại Sài Gòn, trong đó có một đại úy bác sĩ quân y, bị ta bắt trong trận phục kích ở Phong Phú ngày 12-12-1949 trong chiến dịch Cầu Kè (Trà Vinh) của Tiểu đoàn 307, sau khi đã diệt gọn một đại đội thuộc trung đoàn bộ binh Marốc số 3 (3è RTM).

Ở trận này viên thiếu tá chỉ huy là Coussault phải tự sát, trên năm mươi tù binh bị bắt sống. Bộ tư lệnh Khu quyết định phải thả ngay trung tâm Sài Gòn, nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não địch, nhằm gây được tiếng vang trong dư luận trong nước và quốc tế, đồng thời cũng hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn đang phát triển mạnh mẽ sau vụ biểu tình đám tang học sinh Trần Văn Ơn. “Nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ta và tù binh. Đó là chỉ thị của tư lệnh Trần Văn Trà - anh Ba Khiết nhấn mạnh - mà Chi Quân báo đặc biệt chúng ta phải nghiêm chỉnh chấp hành!”. Đến bây giờ tôi vẫn như nghe rõ giọng nói sang sảng đầy quyết tâm của anh.

Hồi ấy Chi quân báo đặc biệt hoạt động hết sức khó khăn. Mỗi người đều tự bươn chải tìm việc làm để kiếm sống và hoạt động. Chi phân công lo công tác đột xuất này gồm có anh Trương Văn Bích, Chi phó, các anh Nguyễn Văn Ninh, Lê Quang Tươi, Trương Quang Đức (còn gọi là Đức kiếng vì anh đeo kính cận) và tôi - Nguyễn Duy Thanh.

Anh Thanh dừng lại nhìn tôi cười. Nụ cười làm giảm những nét nhăn trên khuôn mặt khắc khổ của anh. Hình như khi nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc đời mình, người ta thường trẻ lại. Nhấp một ngụm trà, anh kể tiếp:

“Hồi ấy sống giữa lòng địch đầy lính tráng, mật thám, cảnh sát, đảng phái phản động và cả bọn tình báo đặc vụ quốc tế hoạt động như rươi, nhất là lúc bấy giờ ở chiến trường chính, ta mở chiến dịch biên giới diệt hai binh đoàn Le Page và Charton, trong này chiến dịch Cầu Kè Trà Vinh cũng thu thắng lợi lớn diệt hàng chục đồn bót, giải phóng một vùng rộng lớn, do đó ở Sài Gòn, địch tăng cường bố ráp đánh phá cơ sở nội thành…

Chúng tôi hồi ấy đều còn rất trẻ nên “hăng” lắm, coi chuyện hy sinh sống chết chẳng là “cái đinh” gì cả. Tuổi trẻ thích mạo hiểm nên khi được anh Ba Khiết phân công vào công tác đặc biệt này, anh em phấn khởi sẵn sàng nhận phần việc khó khăn nhất. Theo phân công, anh Bích sẽ theo dõi suốt quá trình hành động của tổ từ việc tiếp nhận tù binh ở Tân An (Long An) về đến địa điểm phóng thích ở Sài Gòn. Nếu có “sự cố” nào xảy ra sẽ kịp thời báo động cho anh em chuyển sang phương án 2.

Các anh Ninh, Tươi, Đức “kiếng” mỗi người nhiệm vụ cụ thể từng công đoạn, còn tôi chịu trách nhiệm đi xe hơi xuống Tân An đến Cầu Voi trên quốc lộ 1 tiếp nhận tù binh do Chi Quân báo Tân An chuyển từ Đồng Tháp Mười ra. Giờ G, ngày N sau khi kiểm tra việc chuẩn bị lần chót, các cán bộ được phân công đã vào vị trí, anh Bích ra lệnh xuất phát…

- Hồi đó anh đi đón tù binh bằng xe gì? Các anh có xe hơi à?

- Làm gì có chuyện đó! – Anh Thanh lại cười - Ngay anh em kiếm được chiếc xe đạp đi làm cũng đã khó rồi. Nhưng được cái là hồi đó ở Sài Gòn có nhiều chỗ cho thuê xe hơi lắm! - Anh hào hứng kể tiếp – Tôi quen vài người có xe cho thuê quanh chợ Bến Thành. Tôi quyết định chọn thuê xe anh Háo - một quần chúng tốt, tính tình kín đáo, cẩn thận - ảnh vừa làm tài xế và là chủ chiếc Traction 11 normale của hãng Citron sơn màu đen, máy móc rất tốt.

Chúng tôi lên đường khoảng hơn 9 giờ sáng. Ra khỏi Phú Lâm một đoạn thấy nhiều xe GMC nhà binh chở đầy lính chạy xuống miền Tây, tôi chợt nhớ là chiến dịch Trà Vinh, sau khi thắng lớn ở Cầu Kè, đã bước vào giai đoạn 2, tiếp tục chiến dịch ở Nhị Trường, Nô Men…, khiến địch hết sức bị động đối phó, và phải điều viện binh từ Sài Gòn xuống cứu nguy. Đến điểm hẹn gần đồn Cầu Voi, nhìn đồng hồ thấy còn sớm, tôi bảo anh Háo chạy luôn xuống thị xã Tân An, ghé vào tiệm nước gọi cà phê uống cho đỡ sốt ruột trong lúc chờ đợi.

Chủ tiệm mở máy quay đĩa hát. Hình như giọng ca của anh Út Trà Ôn với bài vọng cổ “Sầu Vương Biên Ải” nổi tiếng lúc bấy giờ, nhưng tôi đâu còn bụng dạ nào mà thưởng thức giọng ca vàng ngọt ngào nữa. Bao nhiêu việc nặng nề nguy hiểm đang chờ tôi phía trước. Tôi sốt ruột nhìn kim đồng hồ nhích dần… 9 giờ 40… rồi 9 giờ 45 phút. Theo kế hoạch, tôi phải có mặt ở Cầu Voi đúng 10 giờ. Tôi trả tiền cà phê rồi bảo anh Háo quay đầu xe chạy về hướng Bến Lức. Đến gần bót Cầu Voi - nơi có cơ sở bí mật của Quân báo Tân An - tôi bảo anh chạy chậm để tôi quan sát. Không thấy ám hiệu nào, tôi nói anh Háo quay xe phóng nhanh về hướng Thủ Thừa, rồi quay xe trở lại Cầu Voi, qua đầu cầu phía Sài Gòn độ 50 mét, tôi bảo anh dừng xe sát lề rồi dỡ “capô” ra xem xét, làm như xe bị chết máy để che mắt người qua đường.

Còn tôi quan sát bót Cầu Voi phía bên kia cầu, cách chỗ xe đậu chừng 100 mét. Kim đồng hồ chỉ đúng 10 giờ. Một chiếc ghe nhỏ có mui từ trong rạch đầy bụi lá dừa nước rậm rạp chèo ra cập sát mé lộ chỗ xe đậu. Ba tù binh Pháp mặc đồng phục quần xanh áo sơ mi trắng, mang giày Bata, từ trong mui ghe chui ra bước lên mé lộ, trên tay mỗi người có túi xách nhỏ gọn gàng. Anh cán bộ Quân báo Tân An trong bộ quần áo bà ba đen nông dân, phát ám hiệu an toàn bằng cách lột chiếc nón lá đang đội quạt quạt ba lần. Tôi gật đầu chào anh rồi bước nhanh lại ba tù binh nói bằng tiếng Pháp: - “Mời các ông lên xe! Ông đại úy và chuẩn úy ngồi băng ghế sau với tôi, ông thượng sĩ ngồi băng trước. Nào, xin mời!”

Họ bước nhanh vào xe theo sự sắp xếp của tôi. Chiếc Traction lao vọt về hướng Sài Gòn. Chiếc ghe của Quân báo Tân An cũng biến vào rặng dừa nước um tùm mọc theo ven rạch… Hai chiếc GMC chở đầy lính ầm ầm chạy qua. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ tôi mới chú ý quan sát viên đại úy quân y De Barrière. Ông ta khoảng trên dưới bốn mươi, nét mặt điềm đạm pha chút khắc khổ thường gặp ở những người trí thức. Đôi mắt đăm chiêu nhìn về phía trước, có vẻ lo lắng. Còn viên chuẩn úy thì trẻ hơn, nét mặt vô tư kiểu Pháp phớt lờ mọi chuyện, thỉnh thoảng lại mỉm cười lặng lẽ mỗi khi xe nhà binh chở lính xuôi ngược trên quốc lộ. Tranh thủ đường còn dài tôi hỏi chuyện De Barrière về gia đình, về những ngày bị bắt làm tù binh, cảm nghĩ về cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Ông ta nói rất ít, chỉ trả lời khi không thể thoái thoát trước câu hỏi của tôi - “Khi được trả tự do, ông sẽ làm gì?” - “Tôi sẽ xin trở về Pháp lập tức! Đối với tôi, cuộc chiến, thế là đủ!” Ngừng một lúc, ông ta nói thêm: - “Có lẽ nước Pháp đã tính nhầm khi mang quân trở lại Đông Dương!” Vậy là ông ta đã hiểu, tôi nghĩ. Những ngày ở trại tù binh (thường là ở nhà dân) chắc ông ta đã cảm nhận được chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước cũng như thái độ đồng bào ta ở vùng giải phóng đối với những người bên kia chiến tuyến bị bắt. Tự nhiên tôi nổi hứng, móc túi đưa ông ta hai trăm tiền Đông Dương. De Barrière ngạc nhiên nhìn tôi lắc đầu: - “Cảm ơn, nhưng không dám nhận.

Tôi đâu có cần gì xài tiền trong lúc này?”- “Ồ không - Tôi mỉm cười - Đây là món tiền nhỏ của cá nhân tôi tặng ông, để khi về Sài Gòn được tự do, ông đến ngay bưu điện báo tin về Pháp cho vợ con ông mừng. Tôi nghĩ, khi biết tin ông bị bắt, chắc gia đình ông rất lo lắng, mong tin ông từng giờ từng phút đó!” De Barrière xúc động nhìn tôi rơm rớm nước mắt: - “Rất cảm ơn ông. Rất cảm ơn!” …

Xe chạy gần đến ngã ba Phú Lâm, cửa ngõ miền Tây về Sài Gòn. Địch đóng một đồn lớn ở đây, hàng ngày khám xét rất dữ. Ngoài lính đồn còn mật thám, quân cảnh dày đặc. Nhiều anh em ta bị bọn “bao bố” nhìn mặt và bị bắt ở đây. Tôi bảo anh Háo giảm tốc độ có vẻ không vội vàng gì cả, cứ chạy sát bọn lính gác đang xét giấy tờ dân chúng qua đường. Tôi dặn viên thượng sĩ ngồi ở ghế trên, nếu lính gác có hỏi thì bảo đây là nhóm sĩ quan Phòng Nhì (2è Bureau) đi công cán ở Mỹ Tho về (Mỹ Tho có cơ quan Quân khu trung tâm (Zône Centre) đóng ở thị xã, bọn sĩ quan Phòng Nhì Pháp thường hay mặc thường phục đi công cán, bọn lính ngụy hay quân cảnh rất “ớn” đụng với bọn này).

Mọi việc diễn biến đúng như dự đoán. Một tên quân cảnh (PM) giơ tay chặn xe, viên thượng sĩ thò đầu ra nói những lời tôi dặn, lập tức tên quân cảnh rập chân chào rất lễ độ khi chiếc xe tôi chầm chậm chạy qua. Viên thượng sĩ quay lại nhìn tôi nheo mắt cười rất hóm hỉnh… Xe vào tới Chợ Lớn và dừng trước nhà hàng Bang Gia (bây giờ là Ngọc Lan Đình) ở đường Marins (nay là Trần Hưng Đạo B) đã thấy hai anh Ninh và Tươi đứng đón ở cửa. Tôi vắn tắt giới thiệu hai anh với De Barrière. Họ vào nhà hàng dùng cơm đã dọn sẵn, còn tôi với anh Háo trở ra Sài Gòn báo tin cho anh Đức kiếng biết.

Mười hai giờ kém mười lăm, tôi đã có mặt ở Bang Gia để đưa nhóm tù binh ra Sài Gòn trên một chiếc xe khác - chiếc Peujeot sơn xanh – cũng thuê của người quen. Hai anh Ninh, Tươi coi như xong nhiệm vụ, biến ngay sau đó. Chiếc Peujeot chạy theo đường Galliéni (Trần Hưng Đạo) đổ ra đường De la Somme (Hàm Nghi) quẹo về Pellerin (Pasteur), thì đã thấy anh Đức kiếng, nhà báo Trần Tấn Quốc, chủ bút tờ nhật báo Tiếng Dội (vốn có cảm tình với Việt Minh) và vài phóng viên nhiếp ảnh đứng đợi phía bên phải đường Pellerin.


Đường Galliéni 1955, nay là đường Trần Hưng Đạo.

Tôi nói với De Barrière: - “Đến nơi rồi. Người mặc âu phục thắt cà vạt là chủ bút một tờ báo lớn ở Sài Gòn và người của chúng tôi đang đón các ông. Chúc các ông mạnh khoẻ, hạnh phúc! Xin tạm biệt!” - “Thật là kỳ diệu! - Viên đại úy bác sĩ quân y thốt lên. Thật không thể tưởng tượng được! Các ông thả chúng tôi giữa Sài Gòn thế này, các ông dư sức độc lập rồi! Rất cảm ơn!”. De Barrière nắm tay tôi siết mạnh. Rồi đến viên chuẩn úy và thượng sĩ cũng xúc động nói lời cảm ơn. Anh thượng sĩ còn nói vui: “Rất có thể sau này tôi sẽ trở lại Việt Nam, nhưng tay chỉ xách valy chớ không có súng!”.

Tôi cho xe lao đi, cảm thấy trong lòng lâng lâng một cảm giác khó tả như người vừa trút xong gánh nặng. Sau này tôi được nghe kể lại ba người tù binh được anh Đức kiếng và anh Trần Tấn Quốc mời vào nhà hàng giải khát góc Pellerin với Espagne (Lê Thánh Tôn). Ở đây đã có bác sĩ Lê Văn Ngỡi, người gốc Sa Đéc, đảng viên Đảng Xã hội Pháp, vốn có cảm tình với kháng chiến, được anh em Chi đặc biệt báo trước, đón tiếp họ niềm nở, sau đó đưa họ đến gặp thủ tướng ngụy quyền Nguyễn Phan Long ở dinh Gia Long (nay là Bảo Tàng Cách Mạng) đường Lagrandière (Lý Tự Trọng). Được tin báo có ba tù binh Pháp được Việt Minh phóng thích đến trình diện, Nguyễn Phan Long ra cửa đón mời vào phòng khách hỏi chuyện độ mười lăm phút, rồi điện báo cho Cao ủy Pháp. Độ mươi phút sau, xe quân cảnh Pháp đến đón ba tù binh đi. Ngay hôm sau, họ được đưa về Pháp bằng máy bay quân sự, không hiểu số phận ra sao…

Chiều hôm đó báo Tiếng Dội ra số đặc biệt với hàng tít trên trang nhất “Ba tù binh Pháp được Việt Minh phóng thích giữa Sài Gòn ban ngày” có kèm theo ảnh ba tù binh được phóng viên chụp hình trước toà soạn Tiếng Dội. Lập tức báo bị tịch thu và bọn mật thám gọi phóng viên đưa tin, chụp ảnh đến thẩm vấn. Nhưng có một số báo đã đến tay quần chúng gây tiếng vang lớn trong dư luận trong và ngoài nước, và chúng tôi cũng kịp - qua đường giao liên bí mật - đưa về một số báo để báo cáo với Bộ tư lệnh. Nghe nói ngày hôm sau bọn lính và quân cảnh bót Phú Lâm bị kỷ luật chuyển đi nơi khác vì “để Việt Minh lọt qua như chỗ không người!”.

Mấy hôm sau, Chi đặc biệt nhận được giấy khen của Bộ tư lệnh Khu 8 do Tư lệnh Trần Văn Trà ký và thưởng ba ngàn đồng tiền Đông Dương. Số tiền thưởng không lớn nhưng so với giá trị thời đó cũng đã “sang” lắm rồi. Nhưng phần thưởng lớn hơn hết đối với anh chị em Chi Quân báo đặc biệt là sự tín nhiệm tuyệt đối của lãnh đạo đối với lòng trung thành, không sợ hy sinh gian khổ của chúng tôi đối với Đảng, với cách mạng, dù ngày đêm luôn đối mặt với quân thù ngay sào huyệt trung tâm đầu não của chúng…

Vậy là nửa thế kỷ đã trôi qua. Câu chuyện thả tù binh Pháp giữa Sài Gòn đã đi vào dĩ vãng. Đối diện với tôi là người chiến sĩ Quân báo Chi đặc biệt năm xưa tóc đã bạc nhiều, nhưng vẫn rất vui vẻ hào hứng kể lại chuyện cũ, một kỷ niệm sâu sắc trong lòng địch. Nhìn anh tôi chợt nhớ đến hai câu thơ nổi tiếng đời Trần sau khi thắng quân Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất (1257 - 1258) dưới triều vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh):

Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”

(Người lính già đầu bạc,
Kể mãi chuyện Nguyên Phong).

Tháng 5 - 2007

DƯƠNG LINH