Thơ tình Hải Thượng Lãn Ông

Trong tập Thượng kinh ký sự của nhà y học lỗi lạc dân tộc: Lê Hữu Trác hiệu Hải Thượng Lãn Ông, ở chương Tình cờ gặp lại người cũ của tác giả có chép một bài thơ tình ông sáng tác khi bước vào tuổi 60. Bài thơ ẩn giấu một tình sử “có nước mắt” của cả hai người, một bài thơ tình đích thực làm rung động người đọc mọi thời, bởi rất thật.

Khi vừa 20 tuổi, cậu Chiêu Bảo (tên gọi của Lê Hữu Trác ngày còn trẻ) được gia đình không chỉ làm lễ “Vấn danh” mà còn tiến hành cả lễ “Nạp thái” (tức lễ dẫn cưới) với người con gái ngay từ khi “xem mắt” chàng đã xiêu lòng. Nhưng cuộc đời vốn chẳng chiều lòng người.

Do hoàn cảnh đột xuất, người con trai con quan Thượng thư phủ Thương Hồng - tỉnh Hải Dương (nay là làng Liên Xá - huyện Yên Mỹ - tỉnh Hưng Yên) buộc phải vào phủ Đức Quang - trấn Nghệ An (nay là huyện Hương Sơn - tỉnh Hà Tĩnh) nuôi dưỡng mẹ già sau khi cha mất. Người con gái con quan Thừa Tư tham chính Sơn Nam chỉ còn chờ lễ “Vu quy”, đã mỏi mắt chờ mong năm này qua năm khác. Trước mấy đám dạm hỏi, nàng một mực chối từ với lý do “mình đã nhận lời với người lúc này ở xa, bằng chứng là các lễ nghi mọi người đều biết, coi như đã có chồng rồi, nay vô duyên bị chồng không hỏi đến – lẽ nào đi lấy chồng nữa?”. Từ khi vào Hương Sơn - Hà Tĩnh núi non cách trở, người con trai những năm đầu còn nhớ người con gái mình đã “đính hôn”. Thời gian sau, do mải mê nghiên cứu y học, bị cuốn theo công việc hằng ngày chữa bệnh cứu người, chàng đinh ninh người yêu cũ lâu không có tin mình, hẳn đã yên bề gia thất với người khác…

Thời gian trôi mau, thoáng đã gần bốn thập niên. Cậu Chiêu Bảy ngày nào giờ đã 60, trở thành một danh y mang tên tự đặt Hải Thượng Lãn Ông (tức Ông già lười Hải Thượng). Trong chuyến được Chúa Trịnh mời từ Hương Sơn vào kinh chữa bệnh, tình cờ một buổi danh y gặp lại “nụ cười xưa”. Buổi ấy, Hải Thượng Lãn Ông đang ở nhà trọ gần nơi Phủ Chúa thì có hai sư bà gõ cửa xin vào khuyến giáo. Một người tu ở chùa Yên Tử. Một người tự xưng ở làng Huê Cầu, con gái quan Thừa Tư tham chính Sơn Nam. Nghe nhắc tới làng Huê Cầu, Hải Thượng Lãn Ông giật thót không giấu nổi vẻ xúc động trên nét mặt. Và sau một phút bàng hoàng, bốn mắt lặng nhìn nhau nghẹn ngào không nói…

Sau buổi gặp, Hải Thượng Lãn Ông kể lại chuyện xưa cho đệ tử theo hầu nghe. Chiều hôm đó, Hải Thượng Lãn Ông sai cậu học trò của mình tìm đến ngôi chùa sư bà làng Huê Cầu ở đậu, thưa với sư bà là “quan tôi” muốn được chuộc lại lỗi lầm – xin đón sư bà vào Châu Hoan để được phụng dưỡng tuổi già. Trong vườn sẵn có am thờ Phật, sư bà vẫn tiếp tục tu hành như ở quê nhà. Cậu học trò đã thay mặt thầy, tìm gặp sư bà để đặt nguyện vọng của Hải Thượng Lãn Ông, sư bà nghe nói vô cùng cảm kích. Nhưng người con gái quan Thừa Tư tham chính Nam Sơn lấy cớ gia đình không còn ai nên phải ở lại quê nhà trông nom phần mộ gia tiên. Bà chỉ xin với “quan ông” nếu sau này trở về núi cũ Hương Sơn hãy gửi ra cho bà một cỗ “hậu sự” gỗ thơm.

Thời gian sau đó còn ở kinh chữa thuốc trong phủ Chúa, Hải Thượng Lãn Ông mỗi lúc rảnh rang lại tìm đến ngôi chùa có “nụ cười xưa” ở đậu thăm hỏi. Và bài thơ về mối tình dang dở thời thanh niên của cậu Chiêu Bảy đã được hình thành.

Thơ tình ở tuổi 60, nhà thơ Chile Neruda có cả trăm bài – 100 bài sonnet(*). Lãn Ông Lê Hữu Trác của chúng ta chỉ có một bài. Nhưng tôi nghĩ, một bài của danh y họ Lê giống như trường hợp một bài của Arvers (nhà thơ Pháp). Chẳng tin, bạn thử đọc coi. Nó chứa đựng một thứ men say lay động tâm hồn ta, làm ta ngây ngất. Hải Thượng Lãn Ông viết bằng chữ Hán. Tôi xin phép dịch, cố gắng truyền đạt hồn thơ của một trái tim yêu “không có tuổi”.