Bạn thân mến,
Lá thư từ nhà hỏi thăm "bà con bên nớ" ăn tết ra sao, chắc không tưởng tượng được không khí Tết Việt ở nước ngoài. Mà cũng đúng như thế, trong khoảng thời gian châu Á sửa soạn bước qua năm mới theo Âm lịch, thì các nước chỉ hoạt động theo Dương lịch như châu Âu ở phần trên Bắc bán cầu chẳng hạn còn đang giữa mùa đông lạnh giá.
Mỗi năm, đến đầu tháng 12 mùa thu đã gần như trút trụi lá, các khu rừng thưa thấy sáng hẳn lên để lộ tấm thảm lá úa lá héo lá chết dưới chân. Trên đồng ruộng nhà nông vẫn tiếp tục làm vụ mùa đông xuân, cày xới đất xong, rồi cào đất cho mịn, rồi gieo mầm, gieo hạt, chờ xuân về trổ bông.
Trong các vườn nhà cũng thế, hai tháng cuối năm Dương lịch là thời gian để trồng cây mới, cắt tỉa cành cây, dời chỗ cho cây thích hợp hơn, ủ ấm các loại không chịu được băng giá bằng vỏ cây, lá úa. Cây cối cũng như người, đất lành chim đậu, chỗ nào không hợp chân đứng, không bén rễ thì cây lớn yếu ớt, không thèm lớn, không thèm trổ bông hay chết ngủm luôn.
Tháng 1 năm nay ấm hơn năm ngoái vài độ, mưa nhiều, làm cho cây cối hoang mang, bối rối, hoa hồng còn nở đến lần thứ năm thứ sáu rồi, những cây anh đào trổ hoa một loạt… khiến nhà nông lo lắng. Mùa đông mà cây không nghỉ ngơi, thì mùa xuân không có hoa và cuối hè không có trái.
Dân thành thị sốt ruột mỗi ngày chờ tuyết rơi để có một mùa "Giáng sinh trắng" một ý tưởng lãng mạn đặc biệt tiểu thuyết hóa của Âu châu, ngồi trong căn nhà sưởi rất ấm nhìn qua khung cửa sổ thấy tuyết rơi lặng lẽ trắng xóa bên ngoài. Nhiều đàn chim đã bay về phương Nam, hay trốn mịt trong rừng trong bụi, mặt trời mùa đông nhiều ngày không có ánh lửa, trắng bạc, ló lên chậm, cũng lặng lẽ, không còn tiếng chim hót chào ánh bình minh.
|
Kiều bào ở châu Âu hằng năm đều tổ chức vui Tết |
Tháng 2 cũng có vẻ đẹp riêng của nó, nhiều đêm trời càng lạnh thì sao càng sáng. Những đêm sao tháng 2, nền trời cao, trong, xanh đậm không một gợn mây, làm nổi rõ những vì tinh tú sáng nhấp nháy, nhất là ngôi sao Venus định vị hướng Nam(1), cứ nhìn ngôi sao ấy, biểu tượng cho tình yêu và sắc đẹp, thì nhớ quê ở phía Nam. Đến tiết xuân phân vào tháng 3 thì nàng xuân lại nhẹ nhàng trở về cùng với nhạc điệu của mọi loài chim muông cùng hót ríu rít, vạn vật bừng sống.
Mùa Tết Việt Nam thường trùng vào tháng 1 và tháng 2 Dương lịch. Trong hai tháng ấy, con người ở châu Âu, sau khi đã "ăn" Noel và Tết Tây, phải còng lưng làm việc trả nợ, nên xã hội không có không khí lễ hội, ngơi nghỉ. Người Á châu sống ở nước ngoài phải tự tạo không khí Tết cho mình, qua những thói quen cá nhân hay qua những sinh hoạt tập thể chung.
Cái ăn tết của người Việt ở nước ngoài khác nhiều lắm với không khí ăn tết ở trong nước. Tết ở bên nhà hoàn toàn mang tính chất gia đình, từ các hình thức cúng giao thừa, xông đất, đi thăm đền, chùa hái lộc cầu may, đi chúc tết gia đình, bạn bè xa gần, đi du xuân, đi tắm biển… cho đến sự kiện đời sống xã hội thường ngày như đứng hẳn lại từ hôm 29 Tết, ai cũng hối hả vội vã lên đường về quê ăn tết, hàng quán đóng cửa hết cho đến khi tốt ngày sau Tết, có khi mồng 6, mồng 8, mồng 10… còn chưa buồn mở cửa hoạt động lại.
Mùa Tết ở Việt Nam kéo dài trên thực tế từ rằm tháng chạp cho đến hết rằm tháng giêng. Trong khi đó, người Việt ở nước ngoài ăn tết có tính chất tập thể hơn, gắn bó, tình cảm với nhau hơn. Thời đại Internet khiến cho thông tin trên các trang mạng về các buổi tổ chức ăn tết tập thể, ăn tết chung truyền đến người đọc nhanh hơn, gây háo hức, hò hẹn nhau cùng ăn tết nhiều hơn.
|
Múa sạp, với sự tham dự của bạn bè nước ngoài |
Dạo tôi ở Đức, năm nào nhớ Tết và thích ăn tết thì mua vé xe lửa đi qua quận 13 Paris tìm hơi hướng Tết. Cách đây 30 năm, quận 13 còn rẻ, nhiều căn hộ cho thuê còn trống, người Á châu dần dần kéo về thuê nhà, mua nhà, mở cửa tiệm sinh sống. Khu vực Maubert-Mutualité trong quận 5 Paris, một tâm điểm của thành phố, với nhiều nơi nổi tiếng và quen thuộc trong giới sinh viên như khuôn viên Đại học Paris VI-VII, các viện khoa học, trường trung học Henri-IV, khu vườn bách thảo (Jardin des plantes), các con đường (tình ái học trò) đi mãi mòn gót chân như rue des Ecoles, Jussieu, Cardinal Lemoine, Monge, đại lộ Saint-Germain hay đại lộ Saint-Michel(2), các địa điểm quan trọng như lâu đài Mutualité, điện Panthéon, bệnh viện Val-de-Grâce... cũng là nơi tụ họp xưa nay của bà con người Việt, bị giảm dần ảnh hưởng, thưa thớt dần dân cư người Việt, nhưng hiện nay cũng còn một số tiệm ăn và cửa hàng thực phẩm Việt Nam.
Nhớ hồi nào, thực phẩm Á châu còn ít, hiếm hoi, chỉ có nước mắm, mì gói, xì dầu, gạo… nhập từ Indonesia thông qua Hà Lan. Lúc mới rời Việt Nam ra nước ngoài, có ai lại nghĩ đến việc tự nấu phở, tự nấu bánh chưng? Nhưng lâu dần, chưa biết thì học bạn bè, để Tết đến tự gói bánh chưng lấy, làm thịt đông, dưa món, kho cá, kho thịt, làm cả giò lụa, giò thủ, giò sống nấu canh... giống như thói quen ăn tết trong gia đình ở bên nhà. Ôi chao, mỗi khi sinh viên Việt kho cá, kho thịt trong các bếp của cư xá sinh viên thì ai cũng phải chun mũi vì mùi nước mắm nấu xông lên nồng nặc, dù đã mở tất cả các cửa sổ cho thông thoáng.
Bây giờ thì "ăn tết" dễ dàng hơn trước rất nhiều. Gần Tết các siêu thị thực phẩm châu Á trong quận 13 Paris bày bán ê hề hàng tết: bánh mứt, bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, phong bao đỏ lì xì, trái cây tươi, rau tươi và đủ các loại thực phẩm từ đồ khô, đóng hộp cho đến đông lạnh… nhắc nhở mọi người qua lại rằng Tết sắp đến rồi. Tuy thế nhiều người vẫn thích trổ tài nấu nướng, tự làm những món ăn thật ngon, hơn hẳn cả nhà hàng và siêu thị. Nhiều bà con đem thức ăn tự sản xuất như bánh cuốn, bánh chưng, chả giò, giò thủ, giò lụa… đứng bán trên lề đường, trước lối vào siêu thị. Họp chợ tự phát thì đông vui, nhưng khi cảnh sát đuổi thì phải cuốn gói chạy cho nhanh.
Dù cái "ăn" vào bụng là chính, nhưng nếu thiếu cái "ăn" tinh thần thì cũng không có không khí Tết. Các hội đoàn lớn, hội đoàn nhỏ, các chùa, các công ty đại nhạc hội tư nhân… ở Paris và ở các thành phố lớn, đều tổ chức vui tết chung cho bà con. Từ cả tháng trước ngày tổ chức Tết, mọi công việc phân chia nội bộ, nào là ban ẩm thực, ban văn nghệ, ban may quần áo, ban tiếp tân, ban trang trí… đều đi vào thực hiện.
Ban may quần áo sân khấu mê mải may cắt từ cả hai tháng trước cho kịp thời gian, trong khi những buổi hẹn nhau tập múa, tập hát càng làm cho những người tham dự "vui như Tết". Ban trang trí cũng làm việc căng thẳng không kém, vẽ phông sân khấu, làm biểu ngữ, làm áp phích quảng cáo… sao cho bắt mắt, thu hút sự chú ý của người xem. Ban tiếp tân, ngoại giao gồm toàn những "sếp bự" thì lo việc đọc "đít cua" (discours -diễn văn) khai mạc, chúc tết, mời chào quan khách tham dự. Vui nhất là ban nhà bếp, vừa nấu vừa thử, trò chuyện rất rôm rả, ít thấy có cãi nhau và ai cũng no bụng. Nhiều chuyện nhất là cái ban văn nghệ, vì ai cũng muốn làm "ngôi sao", rồi hờn giận, cãi vã, dèm pha, ghen ghét đủ kiểu.

|
Gian hàng bán các món ẩm thực đặc sắc Việt Nam trong dịp Tết ở Đức |
Chỉ nội thực đơn bữa cơm tết cũng đã hấp dẫn nhiều người đến tham dự, nào là bánh chưng dưa món, bánh dầy chả lụa, sáo vịt nấu măng lưỡi lợn, thịt kho nước dừa, gỏi tôm thịt, chả giò cho đến chén chè ngọt lịm và những chai rượu vang Pháp đỏ rất ngon… làm hồng thêm đôi má quý bà quý cô. Nhiều nơi còn bán món ăn tết, sách báo, đĩa nhạc CD, DVD… cho khách mua đem về. Con nít thì bị dụ chơi bầu cua cá cọp, đánh cá, đánh bài. Chương trình văn nghệ tết gồm đủ mọi bộ môn hát, múa, kịch ngắn, hài, rôm rả hơn thì có cả múa lân, sớ Táo quân và xiếc, các nghệ sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư tài tử tha hồ trổ tài trước bà con dưới ánh đèn sân khấu. Ồn ào lắm, chộn rộn lắm, vui lắm. Bây giờ, lớp trẻ đang lên, cuối đêm văn nghệ sân khấu là có nhảy đầm xập xình đến tờ mờ sáng.
Dù thời gian, địa điểm ít khi trùng hợp với ngày Tết ở bên nhà, nhưng mọi người đều nao nức đi ăn tết. Các bà các cô mặc bộ quần áo đẹp nhất, đeo món nữ trang đẹp nhất, từ mái tóc cho đến đôi giày đều rất chau chuốt, trong khi các ông đa số diện "com lê", trẻ con cũng được diện quần áo đẹp, càng sang, càng có nhãn hiệu thì càng tốt. Có năm phải đội mưa lạnh hay đội tuyết rơi, đường sá trơn trợt, lạnh lẽo lắm, xa xôi lắm, nhưng ai nấy vẫn cứ đi ăn tết, rất vui gặp lại được nhiều bạn bè lâu nay xa cách, ít có dịp gặp gỡ trao đổi, kèm theo một vài ngạc nhiên: "Trời ơi, sao mày già thế, tao nhận không ra!", hay "Bụng phệ hồi nào vậy?", hay "Ủa, năm ngoái tóc mày bạc trắng mà, sao năm nay đen thui vậy, mới nhuộm tóc hả?", hay "Hồi xưa ốm nhách, bây giờ mập quá dzậy?"… Những câu chào bạn cũ, bạn già… rất vui nhộn, rất có "ý nghĩa"làm cho người đi ăn tết thấy hỉ hả hơn.
Ai không thích đi ăn tết hội đoàn, tập thể, thì mời bạn bè về nhà ăn tết riêng, và cũng có nhiều người Việt cô đơn ăn tết một mình. Nhất là những cụ già người Việt trong các nhà dưỡng lão, hay những người Việt ở vùng đồng quê, xa chốn thị thành. Ăn tết một mình càng làm cho nỗi buồn xa quê nổi lên đậm đà hơn, ray rứt hơn, sâu thẳm hơn, nhưng không một ai có thể "quên" được Tết. Khi nói "quên", tức là có nhớ rồi mới biết là quên!
Năm nay tôi không về quê hương ăn tết được, vậy xin mượn những dòng chữ truyền đến bạn và gia đình lời chúc thân mến một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, nhiều may mắn trong một khung cảnh thanh bình yên ấm. Ước mong sao mùa Xuân trên đất Việt vẫn mãi mãi là những mùa Xuân hy vọng và ngày Tết vẫn mãi mãi là những ngày Quang Trung Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long thành.
(1) | Ngôi sao mang tên Venus, còn có tên là sao Hôm, sao Mai, sao Kim. |
(2) | Đại lộ Saint-Michel, nổi tiếng qua bài hát điệu blues Parisienne Walkways của ca sĩ Gary Moore (1993). |