Trần Nhật Thu (1945-2008) mất đã một năm, để lại hàng chục tập thơ, văn, tiểu luận. Thơ của anh từng được Chế Lan Viên đề tựa biểu dương: “Con mắt của cánh buồm” là một tập văn xuôi đặc sắc. Anh nhìn cảnh vật, con người vùng cát Quảng Bình qua đôi mắt trẻ thơ, đôi mắt thơ; và văn đẹp như thơ, đúng là “Nhà thơ bị đóng đinh trên thánh giá văn xuôi”.
tiếng gọi nhau sau trận bom B52(*) - An ơi - Luyến ơi - Thuận ơi Sau trận bom B52 bỗng vang xa bao tiếng gọi Trong đêm tối nghe một lời đáp lại Thấy yên lòng không hạnh phúc nào hơn Phú Vinh 1968 |

Những đứa trẻ sống sót sau trận bom B52 ở Tp.Hải Phòng
cách xa(*) Em về chỉ mấy ngày Rồi lại đi biền biệt Anh nhìn theo sắc mây Nhớ làm sao cho hết Gần em sao ngắn ngủi Cách xa sao dài lâu Em ở xa xôi thế Trời xanh màu nhớ nhau Gió động bên rèm cửa Tưởng bước chân em về Đêm chưa đầy giấc ngủ Cầm tay rồi em đi Cứ nghe bom Mỹ dội Lại lo em từng giờ Vừa mới lui cơn sốt Đã lên đường đi xa Ở đấy nhiều muỗi rừng Nhớ mắc màn em nhé (hiểu tính em hay liều anh nhắc hoài cặn kẽ) Để có mùa ngọt trái Anh vẫn thường làm thơ Để có ngày họp mặt Đôi ta giờ cách xa (Nghĩa Ninh 1966) |
Những ngôi sao Vòm trời rất cao trên kia chi chít muôn vàn vì sao. Gió thì đêm nào cũng lồng lộng thổi. Mùi cá nướng cứ bay dọc theo làng. Nhi ngồi với chị Thảo trên bãi. Bỗng nhi kêu lên: - Chị Thảo ơi, một ngôi sao mọc trên tóc chị! Chị Thảo quay lại nhìn Nhi mà cười. Nhi đưa bàn tay bé nhỏ gỡ cái vảy cá trên tóc chị Thảo mà đốm sao vừa đậu xuống đấy. Có bao nhiêu vì sao mọc trên tóc chị Thảo, chị Bình, chị Sóng? |

Đồi cát sau cơn mưa. Ảnh: Trương Hữu Hùng
Sóng cát Không phải chỉ có biển mới có sóng đâu nhá. Hôm đi chơi, bố dắt Nhi qua một động cát trắng phau. Mấy cây dương nhỏ ngang tầm người với Nhi xinh xẻo đứng theo hàng, theo lối. Bố bảo: Những cây dương ấy đang chống cát đấy! - Sao lại chống cát hả bố? - Vì gió làm cho cát bay lấp hết nhà cửa, ruộng lúa. - Sao lại có sóng cát hả bố? Bố dắt Nhi xuống bậc biển, tóc bố và tóc Nhi cứ bay rối rít trước gió, Bố bảo: - Nước làm ra sóng biển, còn gió chạy làm nên sóng cát. |
Mắt thuyền ngủ Sáng nào bọn trẻ cũng chạy chơi trốn tìm quanh chiếc thuyền mệt nhọc đang ngủ trên bãi biển. Chả là đêm qua chúng thức suốt ngoài biển rộng. Đêm nào cũng có hằng hà sa số ngọn đèn nhấp nháy ngoài xa. Mẹ bảo với Linh là: - Bố đang đánh cá ngoài đó. Lúc nào Linh cũng thấy bố đi từ chiều cho đến khi ông mặt trời lên quá cây dương đầu làng bố mới về. Mẹ bảo với Linh đừng làm ồn để cho bố ngủ, đêm qua bố thức suốt đêm đấy. Linh rủ mất đứa bạn ra bãi. Linh chợt nhớ ra là đêm qua thuyền cũng phải thức như bố. Linh kêu lên: - A, đằng ấy, đằng ấy ơi, đừng làm ồn, thuyền đang ngủ đấy. Ừ, sao thuyền ngủ mà những con mắt cứ mở to nhìn thẳng ra biển thế nhỉ? |
Bài ca con còng gió Mỗi con còng gió đều có mỗi hang riêng. Dù có đi đâu xa không bao giờ chúng quên chỗ ở. Hễ có ai đuổi thì chúng cứ chạy lăng xăng và không lúc nào lẫn cái hang nhỏ xíu của mình cả. Con còng gió màu trắng dễ lẫn vào cát. Tám cái que nhỏ xíu, nhọn hoắt. Hai chiếc càng hay nhô ra như lúc nào cũng thách thức với trời, biển. Hai con mắt lồi, đen, ở hai đầu mút đen ấy có hai điểm trắng rất trong như có hai tý nước dính vào đấy. Chúng tôi thường rủ nhau đi đuổi còng. Phải nói đó là một trò chơi rất lý thú. Nhưng có một điều kỳ lạ: hễ bị dồn đuổi là còng gió ta lại chạy ra lẫn vào với sóng, mặc dầu gần đấy có một cái hang. Lũ trẻ nhìn theo con còng nhỏ xíu mất hút trong biển sóng đang ào ạt xô vào bờ hết đợt này đến đợt khác. Lúc ấy chẳng có đứa nào chịu đuổi theo nó nữa, cứ đứng chôn chân tại chỗ như có một sức gì níu chặt lại. Nhưng hễ chú còng nào nhút nhát chui tọt vào hang và dù hang đó có nhiều ngóc ngách đến đâu chúng tôi cũng đào bằng được. Còn những con còng gió dũng cảm kia đã trộn vào trong tiếng sóng và biển lại cứ vỗ vào bờ mãi mãi điệp khúc hùng tráng đó. |
(*) | Trích Trên những nẻo đường chiến tranh, NXB Mũi Cà Mau. |