THANH NGA - số phận, tình duyên

HUỲNH CÔNG MINH - NGUYỄN PHƯƠNG

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

(cổ thi)

Bài viết này chỉ là những nét điểm xuyết về cuộc đời của một nghệ sĩ nổi danh tài sắc, từng được các ký giả kịch trường thời ấy tôn vinh là “Nữ hoàng sân khấu”. Nhưng cũng vì quá nổi tiếng, quá đẹp, quá tài danh nên cô cũng nếm trải nhiều hệ lụy, đa đoan…

Tác giả Nguyễn Phương là soạn giả của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, theo sát đoàn trong nhiều năm, nên những tư liệu anh cung cấp về Thanh Nga là sự trải nghiệm và cảm xúc của anh khi cùng làm việc với cô. Đây là những dòng viết đầy sự trân trọng và yêu thương với một nghệ sĩ mà anh vô cùng yêu dấu…

Tác giả Huỳnh Công Minh từng được bà bầu Thơ giao trách nhiệm chụp ảnh cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga (TMTN) trong suốt hơn chục năm, nên cũng giống như Nguyễn Phương, anh có điều kiện gần gũi và có một cái nhìn khá khách quan về nhiều sự kiện quanh Thanh Nga thời ấy. Về mối tình lãng mạn của Thanh Nga với Tài (Hai Vũ), trong đoàn ai cũng biết, nhưng mối tình lãng mạn với soạn giả Hà Triều thì đây là câu chuyện thầm kín giữa hai người mà nhiều năm sau Hà Triều mới thổ lộ cùng Huỳnh Công Minh. Thiển nghĩ đây cũng là một mối tình đẹp và tôn tạo thêm nhân cách của người nghệ sĩ tài danh này… nên chúng tôi cũng đăng tải để bạn đọc hiểu thêm Thanh Nga…

Kỳ 1

Mối tình đầu


Thanh Nga lúc 14 tuổi

Khi Thanh Nga lên đến đỉnh đài danh vọng, biết bao chàng công tử hào hoa trong giới giàu sang, quyền thế bắt đầu làm quen, mong làm chủ đóa hoa tài sắc nhưng dường như danh vọng ngày càng cao thì hệ lụy càng nhiều?….

Năm 1959, sau khi Thanh Nga nhận được Huy chương vàng giải Thanh Tâm, hằng đêm có một chàng tự nhận là vô danh, đem đến phòng vé đoàn TMTN, một đóa hồng nhung rực rỡ gửi tặng Thanh Nga… Cả tháng trời liên tục, buổi sáng khi tập tuồng và buổi tối trước khi tập hát, hoa hồng vẫn được gửi đến Thanh Nga trong sự im lặng. Lúc đầu Thanh Nga không quan tâm đến vì khán giả gửi thơ và tặng quà cho cô rất nhiều. Có những món quà rất đắt tiền như nữ trang, y phục thời trang… nhưng một đóa hồng nhung đều đặn mỗi sáng mỗi tối là điều khiến cho Thanh Nga phải thắc mắc, tò mò.

Bà Bầu Thơ nói với tôi: “Chú Ba, chú để ý dùm coi ai đã gửi tặng hoa cho Thanh Nga. Khi gặp, chú mời vô sân khấu cho Thanh Nga nói cám ơn. Làm thinh hoài, người ta nói là con Nga nó làm phách”.

Trong khoảng thời gian này, tôi đối với gia đình Thanh Nga gần như người trong thân tộc. Vợ tôi thay mặt Thanh Nga đọc hàng trăm thư và trả lời thay cho Thanh Nga, Thanh Nga chỉ ký tên và với những người quen biết thì vợ tôi phác thảo bức thư trả lời, Thanh Nga chép lại và ký tên. Không phải Thanh Nga coi thường khán giả nhưng nếu mỗi ngày phải đọc và hồi âm vài trăm bức thơ đó cũng đủ kiệt sức chết rồi, thì giờ đâu để học tuồng, thì giờ đâu để nghỉ ngơi hầu tối đến đi hát? Do đó vợ tôi bỗng trở thành thư ký riêng của Thanh Nga. Thanh Nga hỏi tôi người tặng hoa hồng nhung có ngụ ý gì? nếu yêu thì phải có vài chữ nói rằng yêu, nếu chỉ là hoan nghênh nghệ sĩ thì chắc là không phải. Tôi đưa tiểu thuyết Trà Hoa Nữ bảo Thanh Nga đọc thì sẽ hiểu.


TNga (16t) trong vai hoàng hậu Mã Nhi Nương Bửu

Vào một tối thứ bảy đẹp trời, anh chàng si tình lại mang hoa đến tặng Thanh Nga, tôi chờ sẵn và mời anh theo tôi. Anh có vẻ bỡ ngỡ, nhưng tôi săn đón mời mọc chân tình, anh bèn theo tôi vào hậu trường. Đó là một chàng rất đẹp trai, mặc âu phục sang trọng. Khi gặp bà bầu Thơ và Thanh Nga, anh tự giới thiệu tên Nguyễn Văn Tài bí danh là Hai Vũ, tốt nghiệp bằng Cao học Thương mãi ở Pháp, hiện là chủ nhiệm báo Phòng Thương mãi Sài Gòn. Anh Tài lúng túng không biết khởi đầu câu chuyện với Thanh Nga như thế nào. Thanh Nga tinh nghịch hỏi: Bộ anh Tài có kiosque bán hoa hả?.

Tài bất ngờ trước câu hỏi của Thanh Nga nên vội vàng đính chính: Tôi… tặng hoa là vì…, rồi anh xoa xoa hai tay, ngượng ngùng, không biết nói gì nữa.

Thanh Nga lại nói: “Nga đâu phải là Trà Hoa Nữ mà mỗi ngày anh Tài tặng Nga một đóa hồng? Đời của Trà Hoa Nữ buồn thảm lắm, Nga không muốn đời Nga giống như Trà Hoa Nữ đâu…”

Tài đỏ mặt bối rối xin lỗi và đứng ngây người trước vẻ nhí nhảnh của cô gái. Bà Bầu Thơ tế nhị, nói xen vào:

“Chú Ba, chú ghi hai số ghế rồi chú nói với cậu Tài xuống khán phòng xem Nga hát”. Rồi bà quay sang Tài, nhỏ nhẹ: “Cháu đừng tặng hoa mỗi ngày, mất công lắm. Cháu thích xem Thanh Nga hát thì bác mời cháu mỗi đêm đến xem, vậy được hông?”.

Sau buổi đầu gặp gỡ. Thanh Nga rất có cảm tình với Tài, thấy anh có vẻ rất thành thật và lãng mạn, giống như những nhân vật mà Nga đọc trong tiểu thuyết. Tài có nhiều dịp đến sân khấu, xem Thanh Nga hát, thỉnh thoảng góp ý với bà bầu Thơ về việc quảng cáo của đoàn hát hay về tuồng tích, về diễn viên…

Tình cảm của Thanh Nga vừa chớm nở thì bỗng nhiên Tài mất tích. Sau hiểu ra mới biết Tài là Đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp, về Việt Nam hoạt động bị lộ, kịp thời vô khu. Và cũng bắt đầu từ đó, dù không còn nhìn thấy bóng dáng người xưa, nhưng trên bàn phấn hóa trang của Thanh Nga, mỗi đêm đều có một đóa hồng nhung… do cô tự đặt mua cho chính mình để nhớ người đi xa.

Thời gian này cô vào vai Loan trong vở Đoạn tuyệt, mối cảm hoài sâu kín của cô trong đoàn ai cũng hiểu, dù không ai nói ra. Nhân vật Loan đã vận vào cuộc đời cô, và có lẽ cô đang tự ví mình như Loan và Tài là Dũng, người con trai đã gạt bỏ tình riêng để đi theo nghĩa cả. Và Thanh Nga lần đầu tiên đã trải lòng mình trong những câu thơ đầy ý nghĩa đăng tải trên tập Giai phẩm của đoàn Thanh Minh Thanh Nga lúc bấy giờ:

Một ngày xa lắm

Một sớm xa rời miền cát trắng
Bùi ngùi trông lại hướng rừng xanh
Nửa tình lưu luyến chân mây ấy
Còn nửa theo tôi đến thị thành.

Tôi dẫm chân lên giữa bụi đời
Nào biết ra sao tự ý trời
Những lúc tưởng mình vui hạnh phúc
Nào ngờ ray rứt trái tim côi.

Đọc mấy lời thơ gửi đến tôi
Bao nhiêu sầu mộng ý xa xôi
Buồn thương khó thốt nên lời lẽ
Vì cánh chim xanh rẽ lối đời.

Bên gối tôi thương đấng mẹ hiền
Nửa đời sương phụ lỡ làng duyên
Vì con, mẹ giữ tròn danh tiết
Và cũng vì con gánh lụy phiền

Rồi đây giữa biển đời giông tố
Ai lái con thuyền tiếp mẫu thân
Ai xẻ ngọt bùi lau nước mắt
Cho lòng mẹ vợi chuyện phong trần

Từ đây em ép lòng xuân lại
Vì đám em thơ, đấng mẹ hiền
Ai đó yêu em xin ráng đợi
Một ngày xa lắm… mới nên duyên.

Một ngày xa lắm ấy đã không đến với người con trai đi làm cách mạng còn gửi lại tình yêu cho nàng. Theo lời của Chí Tiên, em út Thanh Nga kể lại: “Trong những mối tình của chị ba, mà tụi em có dịp được chị ba kể cho nghe, Tài là người được chị kính trọng nhất, bởi anh ấy đã xem nhẹ tình riêng trước nhiệm vụ cao cả mà anh đã chọn là tình yêu Đất nước; chị đã thật sự xúc động và khóc nhiều khi nghe anh đã hy sinh trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng…”

Hồng nhan đa truân

Cậu Ba Th., con của bà chủ bút báo Sài Gòn Mới rất say đắm Thanh Nga. Khi ông bầu Nghĩa mất, ông có để lại vở tuồng Thầy cai Tổng Bồi. Bà Bầu Thơ cho dàn dựng vở tuồng này trong dịp giỗ đầu của chồng. Để lấy lòng Thanh Nga và bà bầu Thơ, cậu Ba Th. kéo nguyên một “ê kíp” chuyên viên của nhật báo Sài Gòn Mới tới giúp việc dàn dựng tuồng này.


TNga - Phùng Há - Năm Châu trong vở Vợ và tình, soạn giả Năm Châu

Anh Hồng Sơn, phụ trách trang kịch trường của tờ báo, chịu trách nhiệm quảng cáo tuồng, viết nhiều bài báo, đăng nhiều kỳ để quảng cáo Thanh Nga và ngợi khen tài điều khiển gánh hát của bà bầu Thơ. Hai anh họa sĩ tài ba nhất của tờ báo là họa sĩ Phan Phan và Lê Minh tới giúp vẽ quảng cáo “mặt tiền” và vẽ tranh cảnh. Anh Lâm Kế Nghiệp, con của nhà thuốc tây Lâm Kế Tổ, gần rạp Quốc Thanh, bạn học của Ba Th. tới giúp hóa chất để làm mây, khói thay cho việc sử dụng ánh đèn như từ trước đến nay. Mọi chi phí do cậu Ba Th. lo hết. Và để bảo đảm tuồng ăn khách, Ba Th. bỏ tiền ra mua toàn bộ vé hát trong một tuần lễ đầu để phát cho nhân viên của tờ báo Sài Gòn Mới.

Đêm đêm Ba Th. tới hậu trường gánh hát TMTN, ngồi kế bà bầu Thơ, hoặc kế bên bàn phấn hoá trang của Thanh Nga chuyện trò và sẵn sàng chi trả mọi chi phí liên quan tới vở tuồng, nhưng toàn bộ tiền thu của đêm hát vẫn thuộc về bà bầu Thơ. Tất nhiên, mọi người đều hiểu vì sao mà cậu Ba Th. làm như vậy…. Nhưng dù được giúp đỡ hết sức nhiệt tình như vậy, bà bầu Thơ vẫn lặng thinh, đêm đêm ngồi ăn trầu, xỉa thuốc nhìn về phía Ba Th. để coi anh ta hành động ra sao, xử sự với anh em trong gánh hát như thế nào. Còn Thanh Nga, chỉ sau tuần lễ đầu, cô đã tỏ ý khó chịu vì cung cách vung tiền ra với thái độ “bầu gánh” của anh. Ba Th. tặng cho Thanh Nga rất nhiều món quà đắt tiền từ nữ trang, dàn máy hát stéréo hiệu National đến tủ áo, máy lạnh…

Có một hôm Ba Th. ngồi kế bàn hoá trang của Thanh Nga, tôi và Lê Khanh bước vào, Lê Khanh tính hay ồn ào, thấy mỗi ngày Thanh Nga vẫn có một đóa hồng nhung để trên bàn phấn, anh ta hỏi:

- Ủa! Thanh Nga vẫn thích hoa hồng như trước à?.

Thanh Nga cười: - Dạ… “Người ta” tặng cho con một đóa hoa hồng, của ít thôi mà sao con không quên người ta được…

Đêm đó cậu Ba Th. có vẻ thấm đòn… “Người ta tặng ít thôi mà Thanh Nga không quên… còn cậu ta tặng nhiều quá, sao Thanh Nga không để ý?”. Về nhan sắc, ai cũng công nhận Thanh Nga có một sắc đẹp hiền hòa, não nùng, sang cả ngoài đời cũng như trên sân khấu. Các em học sinh đến rạp xin ảnh, xin chữ ký của Thanh Nga, có em nói: - Chị Nga đẹp quá, chị đẹp như bà tiên trong truyện cổ tích. Thanh Nga cười, nói không thích làm bà tiên. Các em hỏi tại sao? Nga nói - Vì chị sợ già. Bà tiên thì chắc phải già lắm. Các em nói: - Ừ phải! Chị làm chị tiên của tụi em.

Thường xuyên trên các bìa báo, đặc san, lịch đăng ảnh Thanh Nga rất nhiều. Trong công chúng, Thanh Nga là một ngôi sao đặc biệt được cả giới trí thức và bình dân ngưỡng mộ. Từ thành thị đến thôn quê, gần như đi đâu tôi cũng thấy ảnh cô được lồng khuôn, treo trang trọng trong nhà.

Vì vậy, vào thời đó, không ai lấy làm lạ khi biết nhiều sĩ quan cao cấp, nhiều công chức cao cấp, nhiều triệu phú đắm say theo đuổi Thanh Nga.

Nhưng hồng nhan đa truân! Chuyện tình duyên của Thanh Nga gặp nhiều trắc trở. Những ông có địa vị quyền thế cao sang đeo đuổi Thanh Nga thì hầu hết là những người đã có gia đình, vợ con đùm đề… Thanh Nga tiến tới không được, mà từ chối quyết liệt cũng không phải dễ. Bà bầu Thơ sợ Thanh Nga sẽ phải hứng chịu những trận đòn ghen tàn nhẫn như cô vũ nữ Cẩm Nhung đã bị, nhưng không tiếp những người có quyền thế hàng đêm lảng vảng nơi hậu trường gánh hát theo đuổi Thanh Nga thì bà lại sợ… vì bà thừa biết làm mất lòng các ông tướng thời ấy, thì cầm chắc là đoàn hát của bà sẽ khó lòng mà đứng nổi. Bà chỉ cầu mong Thanh Nga có một người chồng bình thường như bao cô gái khác.

Đời tư của nghệ sĩ nổi danh thường bị các ký giả đưa lên báo, gây dư luận. Nhưng riêng Thanh Nga thì lúc đó không có tờ báo nào đề cập tới đời tư của cô. Cô hát hay quá, cô đối với mọi người thật từ tốn, dễ thương. Người ta cũng có cảm tình yêu thương cô và mẹ cô, ai cũng muốn bảo vệ cho cô và mọi người đều thông cảm rằng Thanh Nga đang ở vào một vị trí tế nhị, khó xử và mọi việc xảy ra đều ngoài ý muốn của cô và gia đình cô. Nhưng phải công tâm mà nói, không ai biết đích xác “ông nào” mới thật sự được Thanh Nga đáp lại tình yêu, vì cô không hề đi chơi riêng với bất cứ người nào.

Từ năm 1961, các nghệ sĩ tiên phong như Phùng Há, Năm Châu, Kim Cúc, Thanh Loan trực tiếp dạy cho Thanh Nga ca diễn nên Thanh Nga càng sáng chói trên sân khấu qua các vai: Mã Nhi Nương Bửu trong tuồng Gió ngược chiều (Hữu Phước vai Duy Bạt), vai Loan trong Đoạn tuyệt (Thành Được vai Dũng, Việt Hùng vai Cậu ấm Thân), Điêu Thuyền trong Phụng Nghi Đình

Diễn viên đoàn Thanh Minh Thanh Nga lúc này thật hùng hậu, dàn kép trẻ có các giọng ca vàng như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Thanh Tú; các cô đào đẹp, ca hay, diễn giỏi có Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Ngọc Nuôi, Bích Sơn, Thanh Thanh Hoa, Mộng Tuyền… Diễn viên dàn bao có những ngôi sao như: Hoàng Giang, Việt Hùng, Minh Điển, Văn Ngà; diễn viên hề có Kim Quang, Bảo Quốc, Ba Vân, Châu Hí. Lại gặp lúc Hà Triều Hoa Phượng về đưa một loạt tuồng: Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Đêm vĩnh biệt, và một số tuồng xã hội nổi tiếng của Hoàng Khâm, Nguyễn Phương, Kiên Giang, Thiếu Linh, Lê Khanh, Mộc Linh… Thanh Nga lúc nào cũng thủ vai chính, các diễn viên xuất sắc khác bao quanh, đưa cô lên đến tột đỉnh vinh quang. Thanh Nga càng đẹp, càng nổi danh thì những anh chàng si tình càng đổ xô tới, đua nhau cống hiến tiền của, nữ trang, quà cáp, cung phụng mọi nhu cầu.


TNga trong vở Người yêu của hoàng thượng

Có kẻ cho kiến trúc sư và thợ thuyền chở xi măng, sắt, cát đến xây cất lại căn phòng của Thanh Nga trên lầu 4, nhà bà Bầu Thơ ở số 240 ter đường Trần Hưng Đạo. Có người bỏ tiền ra, thuê người trang trí toàn bộ phòng riêng của Thanh Nga. Tiệm may áo dài ở đường Tạ Thu Thâu, tiệm giày dép ở đường Lê Thánh Tôn, tiệm uốn tóc ở đường Trần Hưng Đạo, viện thẩm mỹ chăm sóc sắc đẹp phái nữ ở Tam Đa, đều góp phần chăm sóc sắc đẹp Thanh Nga miễn phí, hãng kem Hynos tặng hàng ngàn cây kem đánh răng để đoàn Thanh Minh Thanh Nga tặng cho khán giả. Người này đến với Thanh Nga vì mê tài sắc, kẻ khác đến để lợi dụng quảng cáo cho món hàng sản xuất của mình, ai đến cũng mượn màu si, mê, vàng thau lẫn lộn.

(còn tiếp)

Bài liên quan: